Màu Xuân trong đáy mắt

 

Một sớm mai thức giấc, bỗng nhiên tôi thấy trời không còn lạnh giá, cảm giác cơ thể như có một hơi ấm nào đó bủa vây, lẩn quất và bao bọc. Rồi nắng khe khẽ sáng dần, thứ màu vàng quánh màu mật ong, sóng sánh trong những cơn gió hây hây thấm se vào da thịt. Trời hào phóng, tiết xuân trải dài lan tràn ra khắp mặt đất. Xuân dịu dàng ghé qua lòng người đang nôn nào đợi chờ.

Những người già bước ra đường đôi chân trông có vẻ thanh thoát hơn, trên người cũng đỡ cộm những chiếc áo bông to sụ, miệng móm mém nhai trầu nồng nồng tỏa ra dịu ấm. Người nông dân quê tôi nở nụ cười thật tươi, tay lỉnh kỉnh rổ rá, phân gio, mạ lúa chuẩn bị cho một mùa cấy bắt đầu. Rồi từ những ruộng đất bùn nâu sình lầy sẽ được cắm những cây mạ non xanh bằng đôi bày tay cần cù, chịu khó. Chẳng mấy chốc, từ nơi đây sẽ hồi sinh thành một thảm lụa xanh mượt mà, én về đan kín khắp cả bầu trời quê hương. Đó đây là những câu chuyện về ước vọng một năm mới mở ra, cái Tết Nguyên đán cận kề. Tết chỉ vài ba ngày nhưng sao lúc nào cũng nôn nao đến thế! Người ta hỏi nhau về việc gói bánh chưng, bánh tét, làm bao nhiêu ký mứt gừng, mứt dừa và mùa xuân thì gieo bao nhiêu sào đậu, trồng bao nhiêu loại rau, ra Giêng còn bán.

Nhớ lúc nhỏ, mỗi lần Tết kiểu gì mẹ cũng tìm mua một đôi chậu vạn thọ đẹp nhất trưng trước cửa nhà, từ hôm cúng ông Táo. Mua sớm, Tết coi như cũng dài hơn. Rồi sau này, đàn con học theo bà mẹ, cứ độ trước ngày cúng ông Táo một vài hôm lại sắm sửa chuẩn bị đi mua hoa. Mua hoa thì mua tận vườn người ta cho rẻ, lại chọn được chậu ưng ý. Tết người ta trưng vạn thọ là chủ yếu. Còn hoa cúc, hoa thược dược, lay ơn, hoa ly… chỉ đám trẻ trẻ mới chơi. Mỗi lần đi mua hoa, tôi có cảm giác như mình được trở về cái thời còn bám riết theo mẹ. Tôi học theo cách của mẹ, lật xem từng chiếc lá, từng cánh hoa hay những nụ hoa đang e ấp rồi nhẩm tính ngày sang xuân, chơi Tết cho vừa vặn. Tuổi nào đi nữa, những chậu hoa ngày Tết vẫn luôn làm cho người ta cồn cào.

Tôi nhớ những buổi chiều xuân hưng hửng, cái lạnh cũng đã bơn bớt đi trông thấy, men theo con đường nhỏ, tôi với mẹ ra thăm ruộng, những luống rau đang mơn mởn xanh non. Cả một màu xanh ngút ngàn long lanh trong đáy mắt của người nông dân tảo tần. Mẹ nheo mắt cười rồi thủ thỉ những kế hoạch khi nào thì thu hoạch cà rốt, su hào, bắp cải, cải thìa, cải bẹ hay những luống rau thơm. Tôi thì để ý tới những luống cải ngồng nở hoa vàng rực. Bầu trời mùa đông như được thắp sáng bởi những đóa hoa cải. Hoa cải có một mùi hăng dịu nhẹ, là gam màu nhớ thương của những đứa trẻ quê khi mà chúng tôi tận dụng để chơi trò cô dâu chú rể hay một đám cưới tưng bừng.

Màu xuân khắp nẻo các phiên chợ, bắt đầu từ cổng chợ đã thấy những mẹt lá dong xanh mướt, trầu cau cũng sẵn sàng nằm ngoan trên rổ chờ người mua, vô vàn những nhành hoa giả làm bằng giấy kim tuyến, nhựa lấp lánh đủ sắc màu. Có lẽ đây là gam màu chợ quê mà khiến cho người ta nhớ nhất mỗi khi đi xa. Phiên chợ quê đầy nghĩa tình, phản ánh đúng thực trạng của một vùng thôn quê dân dã. Giờ đây, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn bởi các hàng tạp hóa hay siêu thị mọc lên như nấm nhưng với tôi, màu xuân đó luôn hiện hữu trong phiên chợ quê tấp tập, trong hơi ấm người với người yêu thương.

Đã bao ngày rời xa biền biệt chốn quê, màu xuân của thành thị cũng đã từng len lỏi trong huyết quản con người vậy mà tôi chẳng thể nào quên màu xuân quê hương trìu mến. Xuân xôn xao thôi thúc, giục giã tôi trở về. Về để mua đôi chậu hoa vạn thọ trưng Tết, về để thênh thang dạo bước trên đường làng, nghe giọng quê thân thương hương cỏ nồng đồng nội. Và về để thấy bạt ngàn một màu xanh hy vọng…

 

TĂNG HOÀNG PHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

 

;