Lễ then tạ tổ nghề của người Tày ở huyện Văn Chấn, Yên Bái

Then Tày ở Yên Bái có hai dòng chính là: then văn (phi then), chủ yếu do nữ làm và then tướng (phi tưởng) chủ yếu do nam làm. Các ngành cúng thường có sự giao thoa lẫn nhau, trong một dòng họ, mỗi đời lại theo một ngành, con cháu làm nghề đời sau sẽ phải thờ tổ nghề của tất cả các ngành cúng. Do vậy, lễ cúng tổ nghề đầu năm của một ông/bà then có thể bao gồm việc cúng tổ nghề của nhiều ngành cúng qua các đời của gia đình. Lễ tỏn phi then ở nhà bà Hoàng Thị Chỉ thuộc thôn Giày, xã Chấn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái là một trường hợp như vậy. Hàng năm, vào dịp đầu xuân từ ngày mồng 3 đến 15 tháng giêng, gia đình bà Chỉ tổ chức lễ tỏn thi then gồm cả hai ngành then tướng và then văn. Tuy lễ kéo dài trong 12 ngày nhưng nội dung quan trọng nhất là ngày đầu tiên và ngày cuối cùng.

1. Diễn trình nghi lễ

Ngày thứ nhất (mùng 3 tết)

Ngày này còn được gọi là piông phi, tức là ngày đặt mâm đón các vị quan binh nhà trời và tổ tiên xuống vui xuân, vui hội. Từ sáng sớm, bà then đặt dưới ban thờ một mâm cúng báo việc gồm 1 bát hương, 1 đèn dầu, 1 bát nước sạch đựng 3 ngọn thanh tuế, 1 đĩa đựng 2 đồng xu, 1 đĩa trầu cau, 1 lọ hoa, 2 bánh tày, 1 đĩa quả. Bà then thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ then, mâm cúng và xin phép tổ chức lễ tỏn phi then.

Mọi người bắt tay vào làm hai mâm cúng. Mâm cúng chay cho dòng then văn gồm: 2 đĩa trầu cau, 1 đĩa 12 miếng cho các tướng, 1 đĩa 6 miếng cho các tổ nghề then; bỏng gạo nếp 6 đĩa; bánh nẳng, bánh tày mỗi thứ 6 cái; ngọn cây đu đủ, hoa sẹ, củ mài, quả đu đủ xanh, tất cả cho vào chõ xôi chín rồi sắp ra 6 đĩa; 12 chén đựng xôi, 12 chén đựng rượu, 2 chai rượu. Mâm cúng mặn cho dòng then tướng gồm: xôi, trong đó 2 nắm to tượng trưng cho tướng ông và tướng bà, 12 nắm nhỏ tượng trưng cho quân lính, 12 chén đựng xôi, 12 chén đựng rượu. Ngoài ra, còn 6 mâm nhỏ đan bằng tre, nứa có lót lá dong, trong đó: 2 mâm, mỗi mâm 4 chén rượu xếp hình vuông, giữa đặt 1 gói thịt gà và thịt lợn chín, trên gói thịt là nắm xôi to và 4 đôi đũa dành cho tướng ông, tướng bà; 3 mâm, mỗi mâm 4 chén rượu xếp hình vuông, ở giữa là gói lòng gà, lòng lợn và 4 đôi đũa dành cho quân lính; 1 mâm đựng nồi, bát, đũa, gạo, muối, rau, đũa dành cho những người phục vụ quân lính. Các mâm cúng được đặt dưới sàn nhà, mâm cúng chay theo chiều ngang sát cửa sổ, mâm cúng mặn vuông góc bên phải mâm cúng chay.

Trong thời gian chuẩn bị, bà con cùng xã, thôn, ở các xã lân cận đến. Họ mang theo quà bánh, hoa quả tùy theo hoàn cảnh. Có người dẫn theo con cháu mang theo 1 đôi gà, 2 chai rượu và trầu cau đến xin làm phép cho dễ nuôi, khỏe mạnh... Được đồng ý, họ tự mổ gà, mang lên để bà làm phép. Những gia đình có con cháu hay đau ốm, khó nuôi thì chuẩn bị 1 áo hoặc quần của người bệnh, 1 đôi gà, 2 chai rượu, dắt người bệnh đến xin thày làm lễ chữa bệnh hoặc nhận con nuôi của ma then. Lễ vật được dâng lên sàn cúng then, sau đó họ ở lại giúp gia đình then và tham gia lễ hội.

Buổi trưa, mọi người cả chủ và khách ăn cơm, xong lại tiếp tục công việc. Chiều, sau khi thày then đã sắp mâm cúng và xin âm dương được sự đồng ý của tổ tiên, gia đình then sẽ mời cơm mọi người.

Thủ tục nghi lễ ban đầu

Bà Chỉ thắp 1 nắm hương, cắm vào bát hương 1 nén còn lại cắm lên tất cả các lễ vật, còn 2 nén bà cầm bát nước lá thanh tuế lên làm phép khai quang tẩy uế bốn hướng, khấn 3 lần, rồi vẩy nước về các hướng và các đồ vật. Bà ngồi xuống trước mâm cúng then vái lạy và khấn 3 lần. Khấn xong bà tung 2 đồng xu vào đĩa xin âm dương. Nếu 1 sấp, 1 ngửa là các ma then và tổ tiên đã chấp nhận lời thỉnh cầu. Đến đây, bà thông báo là các ma đã xuống, cảm ơn mọi người giúp đỡ, mời dự bữa cơm vui đầu xuân. Những người có mặt vui vẻ ngồi vào mâm, gần cửa sổ là mâm của các cụ già, khách quý và chức sắc trong làng, trong họ, tiếp đến là mâm của những người trung niên rồi thanh niên... Trước khi ăn, các con cháu khoanh tay đi mời cơm các mâm trên rồi mới trở về mâm mình. Mọi người ăn uống vui vẻ, giao lưu, làm quen. Những người ở tại đây thì đi mời rượu khách ở làng bên hoặc xã bên, hát tự giới thiệu về mình và hát mời khách rất vui vẻ. Ăn cơm xong, mọi người uống nước, kể chuyện, hát đối, hát cọi, hát mời trầu đến tối.

 Khoảng 7 giờ tối, bắt đầu phần việc chính của lễ tỏn phi then. Những người phục vụ thay trang phục dân tộc, đầu đội khăn, thắt đai màu đỏ, thắp hương lên tất cả các lễ vật và chăm lo không để hương tắt trong suốt thời gian tiến hành buổi lễ.

Nội dung dậm phi then

Dậm  hương: múa dâng hương lên các cửa tướng nghề. Đầu tiên là các cửa thiên đình gồm: cửa tổ tiên, cửa tướng (Tề Thiên Đại Thánh), cửa then (Phật Bà), cửa thượng thiên, cửa Ngọc Hoàng. Bà then tay cầm quạt giấy (đã được làm phép), một tay xóc chùm quả nhạc bắt đầu phần lễ. Nội dung phần hát do bà then thực hiện. Điệu múa dậm hương phụ họa cho nội dung lời hát là phần múa mở đầu, đội múa gồm 6 nữ, chia thành 2 hàng dọc, mỗi bên 3 người. Môtip 1: chân làm trụ hơi khuỵu, nhún lên xuống, chân kia đặt nhẹ ức bàn chân cạnh chân trụ; sau 1 nhịp nhún thì đổi chân, mỗi lần đổi chân người quay sang trái, sang phải theo chiều của chân trụ, 2 tay cầm hương bắt chéo nhau ở trước mặt, nhấn nhẹ và xoay theo người. Môtip 2: động tác di chuyển vị trí của 2 hàng đi xen kẽ qua nhau, cử 2 bước tiến 1 bước lùi 1 bước nhún, xoay bên phải, bên trái theo nhịp bước. Môtip 3: như môtip 1 nhưng vừa nhún vừa quỳ rồi đứng lên, người đổ về trước rồi ngả ra sau. Dậm hương là một tổ hợp múa đẹp, độc đáo của toàn bộ hệ thống dậm trong then, có ý nghĩa nhờ thần hương lên các cửa thượng thiên để bẩm báo xin được phép đón các vị xuống. Sau khi trình báo các cửa, các nàng sẽ đem thuyền đầu rồng, đuôi phượng lên đưa các thánh xuống trần gian. Lời bài hát miêu tả cảnh đoàn thuyền vượt sông suối, vừa đi vừa múa hát trên đường lên thượng thiên.

Dậm rứa (múa chèo thuyền): lời hát miêu tả đoàn thuyền đã qua sông, còn phải vượt đèo khó khăn gian khổ, đoàn người vừa đi vừa múa. Người múa cầm một roi dài 40cm, lấy 1 khăn vải đỏ khổ 40cm x 40cm phủ lên roi, 2 tay cầm 2 đầu roi, nâng cao lên ngang mặt trong tiếng nhạc rộn rã. Môtip 1: động tác chèo thuyền với các kiểu đứng, ngồi, có lúc đội hình chuyển thành tốp 2 người, đứng quay mặt vào nhau cùng cầm tay lộn lật vòng tròn, chân dập dình nhún lên nhún xuống, khi lao về phía trước, lúc đổ về sau. Môtip 2: chân trước chân sau, nhún đổ lên trước, nhún đổ về sau rồi vừa nhún vừa quỳ xuống, đứng lên, mềm mại, mô phỏng động tác chèo phuyền lúc sóng lặng.

Dậm gậy (múa gậy): là hành trình vất vả vượt đèo dốc đưa lễ vật lên thượng thiên. Môtip 1: động tác mô tả đoạn đường đi lên thượng thiên nhiều đèo dốc, hiểm trở, bước chân chậm, vừa đi vừa nhún, tay cầm gậy dộng xuống sàn 3 cái bên phải, đằng trước, bên trái. Môtip 2: động tác nhanh, vui nhộn, như đang đi xuống dốc, vừa múa vừa khua gậy vào gậy của người khác.

Dậm bióoc (múa chầu hoa): động tác múa theo các môtip cơ bản của múa dậm hương, mỗi tay cầm một bó hoa dó, nâng song song cao ngang vai với ý nghĩa dâng hoa lên thượng thiên. Đến cổng các quan, đoàn rước chỉnh sửa lại khăn áo cho chỉnh tề để vào cửa rước các quan.

Dậm khăn (dậm may tạu): điệu múa này với ý nghĩa là nói với các quan tướng trên thượng thiên là đoàn người lên đón các vị có rất nhiều em xinh đẹp, lại duyên dáng, nhằm diễn đạt ý: đường xuống trần gian vất vả, các em dâng khăn cho các vị, khăn dùng để thấm mồ hôi trên đường đi. Khăn dùng để múa được làm bằng vải đỏ, khổ 40cm x 40cm, có đính thêm các tua vải nhiều màu sắc ở bốn góc khăn. Động tác chủ đạo giống như múa dậm bióoc, 2 tay vung ra trước, sang phải, sang trái luôn luôn phải cao hơn mặt (ău pay phiêng nả).

Dậm thuông (múa chèo thuyền): miêu tả đoàn thuyền đưa các thánh vượt ghềnh thác đến bãi đẹp bến trần gian. Người múa tay phải cầm gậy, tay trái cầm khăn. Môtip là những động tác chèo thuyền với các kiểu đứng, ngồi, quỳ, 2 tay song song lượn vòng lên phía trước rồi vòng sang bên kia, tay cầm khăn vung lên trước rồi vắt lên vai; 2 chân đứng trước, sau, dập dình nhún lên nhún xuống, người khi lao lên trước, lúc ngả về sau, có lúc bước chân lướt chạy lên, chạy xuống, lúc nhẹ nhàng, lúc gấp gáp… diễn tả con đường vượt biển lúc gập ghềnh, lúc qua những khúc uốn, lúc bình lặng, lúc sóng cao, làm cho tư thế, dáng, động tác múa thêm sinh động, hấp dẫn.

Dậm vị (múa quạt): là điệu múa dâng quạt cho các quan tướng nhà trời quạt mát trên đường đi. Môtip 1: tay phải cầm quạt, tay trái cầm khăn, chân nhún xuống, lên tại chỗ, người quay trái, quay phải theo nhịp chân; tay cầm khăn múa như động tác múa khăn, tay quạt đưa qua trước mặt sang vai phải, vai trái, mỗi lần chân nhún thì bật quạt 1 cái. Môtip 2: chân di chuyển như động tác múa khăn, tay đi theo đường chéo, tay quạt 2 lần phía ngực trái, đi từ vai trái ra phía trước xuống dưới rồi vòng ra sau lưng, quạt 2 cái ở sau lưng rồi đưa về vị trí ban đầu. Môtip 3: 1 chân quỳ đầu gối, chân kia gập đầu gối vuông góc, đặt bàn chân trên sàn, người đổ về trước, ngả ra sau, tay quạt vung từ vai phải, quạt về đằng trước rồi sang vai trái, sau đó làm ngược lại.

Nội dung cả quá trình đi đón rước được thể hiện qua các điệu múa trên nền nhạc và hát, tùy từng lúc, từng hoàn cảnh mà lời hát, điệu múa sẽ chậm rãi, khoan thai, nhẹ nhàng hay dồn dập, khỏe khoắn, mạnh mẽ... Cũng có khi trong bài dậm nào đó, một vị quan nhà trời hoặc người đã khuất trong gia đình nhà then sẽ nhập vào bà then, khi thì hỏi thăm tình hình công việc của bà, con cháu năm qua thế nào, lúc thì hát đối với các nàng hầu then, múa cùng mọi người hoặc dạy các nàng hầu múa, cuối cùng là mời rượu cảm ơn các nàng và mọi người đã tổ chức rất vui, đón tiếp rất chu đáo... Mỗi khi nhập thần hoặc xuất thần, bà then lấy quạt che mặt, rùng mình 3 lần, như vậy mọi người sẽ biết mà thay mặt gia đình hầu chuyện, hát đối với người ở nhà trời.

Nội dung mủa phi tướng

Phần này chủ yếu do nam múa. Vì là đại diện cho quân binh, quân quyền, điệu múa khỏe mạnh diễu võ, dương oai nên chỉ còn hai nàng hầu phục vụ cho múa, những người múa đầu thắt khăn đỏ, thắt đai đỏ, họ múa với nhau từng đôi một, lăn qua lăn lại như đấu võ. Ở múa võ không có hát mà chỉ đàn và xóc quả nhạc, các điệu múa gồm: tính (múa đàn), mủa đáp (múa kiếm), mủa roi (múa roi), mủa súng (múa súng) đây là phần múa sau này mới có, trước đây không có, mủa hương (nữ múa) hình thức múa này giống như là múa chầu, có nhiều kiểu khác nhau: chầu đứng, chầu quỳ, chầu ngồi, chầu lăn. Môtip chủ đạo được áp dụng cho hầu hết các điệu múa ở phần này như sau: Môtip 1: chân đứng rộng bằng vai, trọng tâm ở 1 chân, vừa nhún vừa xoay người sang hai bên bằng ức bàn chân, đồng thời dậm mạnh gót chân xuống sàn. Môtip 2: ngồi khoanh chân, 1 chân ở dưới, chân kia gác lên đùi chân ở dưới, người nghiêng từ bên phải qua phía trước sát sàn, chuyển sang bên trái. Môtip 3: ngồi khoanh chân như môtip 2, sau đó nghiêng người ngã vai xuống sàn, lật người nằm ngửa đồng thời đá đuổi từng chân từ bên này sang bên kia rồi bật ngồi dậy đổi bên. Trong khi múa có thể từng đôi một (múa kiếm), có khi đổi bên cho nhau, người này lăn xong đến người kia. Những điệu múa tướng này có ý nghĩa là các tướng xuống dự lễ rất vui và múa để cảm ơn mọi người. Thường thì phần này do các nhạc công đàn tính sẽ múa đàn, sau đó những người là con nuôi (lụ liệng), con đẻ (lụ hỏi) sẽ múa kiếm và múa gậy. Tùy từng dịp mà một trong những điệu múa này, có khi là cả phần múa này sẽ do một người được nhập tướng và múa lần lượt các điệu.

Kết thúc sẽ là điệu múa hương do 1 người múa, thường thì do nữ múa, có khi chính bà then thực hiện, có ý nghĩa tổng kết các điệu múa. Người múa kẹp 16 que hương vào các kẽ tay theo hình dẻ quạt, mỗi kẽ ngón tay kẹp 2 que. Động tác múa rất phong phú, hình thức như múa nhập then, người múa tự do sáng tạo, đây là hình thức sáng tạo mở. Cuối cùng tất cả cùng dậm, mọi người như hòa vào không gian sôi động của lễ hội, nhiều khi dậm gẫy cả sàn nhưng chủ và khách rất vui vẻ. Cuộc vui kéo dài có khi đến 2-3 giờ sáng mới kết thúc. Ai nhà xa thì nghỉ ở tại nhà gia chủ hoặc theo bạn đi chơi tiếp. Chia tay, họ tặng nhau lời hát hẹn hò gặp lại, tặng vật làm tin là khăn tay, vòng tự làm, có khi tặng cái áo đang mặc...

Ngày thứ hai đến ngày thứ mười một

Nội dung của những ngày này giống nhau. Sáng sớm, chủ nhà dậy quét dọn nhà cửa, bà then bưng lên một mâm cúng chay gồm: 1 bát hương, 1 đèn dầu, 1 đĩa trầu cau, 1chai rượu, 1 đĩa bánh Tày bóc lá và cắt thành từng xắt nhỏ. Thắp hương xong, gia đình đi làm cơm canh, rồi gọi những vị khách đã đến dự và ngủ lại từ tối hôm qua. Trong thời gian này, mọi người không ăn cơm tẻ mà ăn xôi và bánh chưng Tày. Gia đình nhà then không phải chuẩn bị gì nhiều, chủ yếu là tập trung đón khách đến để cảm ơn bà then trong năm qua đã làm phúc giúp gia đình họ tai qua nạn khỏi. Buổi tối, nếu có nhiều khách đến vui hội thì cuộc vui lại được tổ chức, nhưng không làm các thủ tục như tối hôm trước mà chỉ khấn nôm: “Các khách, các con cháu về đông đủ rồi, mời các thánh các ma cho phép vui dậm đêm nay!”. Sau đó bà xin âm dưong và mọi người lại chìm trong không khí nhộn nhịp của lễ hội đến khi nào mệt thì nghỉ, chia tay ra về.

Ngày cuối cùng (rằm tháng giêng)

Đây là ngày dâng lễ để các quan binh nhà trời chép lại tất cả, từ hoa, quả, lễ vật... đến các điệu dậm, múa đều để dâng lên báo cáo với Ngọc Hoàng.

Công tác chuẩn bị nghiêm túc, cẩn thận và khẩn trương. Lễ cúng được chuẩn bị như hôm đầu tiên nhưng trong mâm cúng chay có thêm 2 quả trứng gà vừa dùng để làm con quay cho các thánh chơi, vừa để xem bói, 2 quả còn được làm bằng vải, bên trong nhồi gạo, đường kính khoảng 3cm dùng để cho các thánh chơi tung còn và vòng hoa tiễn quan binh nhà trời. Đến 15-16h chiều, lễ hội bắt đầu theo trình tự sau:

Giải uế, mời các quan xuống chép lễ

 Đầu tiên, bà then thắp ba nén hương rồi cầm bát nước có ba ngọn thanh tuế lên khấn khai quang tẩy uế rồi vẩy nước thánh lên tất cả các lễ vật sau đó bà cho thắp hương lên tất cả các lễ vật, khấn mời các quan trên thượng thiên xuống chép lệ. Khấn và xin âm dương xong, bà thông báo và mời mọi người ăn cơm, uống rượu.

Múa giao lưu với các quan then

Cơm nước xong, nghi lễ tiếp tục, những người đàn, hầu hương, hầu rượu, những người múa) thay trang phục như hôm đầu tiên để tiến hành nghi lễ. Thứ tự các bài dậm, bài múa vẫn như thế, khác là số lần nhập thần, xuất thần nhiều hơn. Có khi là tướng hổ báo nhập vào bất kỳ ai, lập tức người đó nhảy nhót, múa và làm các điệu bộ như hổ báo... mọi người cổ vũ và bắt chước theo. Cũng có khi là tướng khỉ, người được nhập sẽ leo trèo và làm điệu bộ giống như khỉ. Thường thì người được nhập thần là bà then, tùy từng nhân vật mà bà then có thể hút thuốc lào, vừa đàn vừa hát, múa kiếm, có khi chỉ nhắc nhở con cháu phải làm điều tốt với láng giềng, khi thì hát đối với các em... Nếu các quan binh, c ma yêu cầu múa dậm điệu gì thì các nàng hầu sẽ phục vụ, không nhất thiết phải thứ tự theo các bài dậm như ngày đầu tiên. Đây là thời điểm nhập then nhiều nhất trong lễ hội, bà then đã được một ma nào đó nhập vào sẽ múa cùng mọi người. Những điệu múa nhập then rất phong phú, có lúc cúi rạp, múa sát mặt sàn, có khi ngồi lắc lư rồi lăn sang phải, lăn sang trái, khi thì như người say rượu... rất tài tình và điêu luyện. Có khi nhập then thì không múa mà chỉ ngồi hát đối, lúc này phải cử những người hát giỏi ra hầu. Mỗi lần nhập then, nếu hài lòng thì then sẽ thưởng rượu hoặc trầu cau cho những người múa hoặc hát cùng. Có khi các phi nhập vào bà then hoặc những người đến tham gia nhẹ vía làm các trò: phát nương, trồng lúa, câu cá... thậm chí trêu ghẹo mọi người.

Bói trứng, tung còn

Khi đã đến lúc các ngài sắp về trời, bà then cầm từng quả trứng lên, tay phải cầm một que hương, khấn mời thần trứng ra chơi, nếu quả trứng có thể cho ấp nở thành gà thì thần trứng sẽ nhập vào bà then, khi bà then dùng que hương vẽ vòng tròn quanh quả trứng theo chiều nào thì quả trứng sẽ tự quay trong lòng bàn tay bà theo chiều ấy. Sau đó bà sẽ nói cho người mang quả trứng đó đến biết về sự tốt lành hay những việc cần phải tránh trong năm. Bói trứng xong, bà mời ma then, ma tướng chơi tung còn. Lúc này mọi người ai cũng muốn bắt được quả còn, họ xếp các cháu nhỏ ngồi lên phía trước và hy vọng con cháu họ có may mắn bắt được. Khi quả còn được tung đi, không khí thật sôi động và vui vẻ, người bắt được quả còn phấn khởi cầm lên đưa cho bà then rồi vái lạy 3 vái.

Nhập đồng tướng nhà trời

Cuối cùng vị tướng nhà trời sẽ nhập vào bà then nói rằng lễ hội năm nay được tổ chức như thế nào, có gì sai sót hay không, thông báo lễ của năm ngoái được Ngọc Hoàng chấp nhận thế nào, bây giờ xin được cảm ơn các con cháu đã tổ chức rất vui, nay các lễ đã được chép xong, phải về bẩm báo với Ngọc Hoàng, hẹn năm sau gặp lại. Bà then cùng mọi người đem hết các bó hoa đặt ra giữa nhà, mọi người vừa dậm, vừa đá hất những bông hoa ra cửa, gọi là trả hoa về rừng. Cứ thế mọi người xòe, dậm đến khi gà gáy canh ba, báo hiệu trời sắp sáng thì mới nghỉ chia tay nhau. Lễ tỏn phi then kết thúc trong sự chia tay lưu luyến của mọi người.

2. Nhận xét chung

Về nội dung

Ngoài yếu tố nghệ thuật phong phú và độc đáo thì lễ tỏn phi then còn là một điểm hẹn về sinh hoạt văn hóa và cố kết cộng đồng, góp phần không nhỏ tạo nên sự thu hút, hấp dẫn của lễ hội. Không khí phấn khởi chờ đón đến ngày lễ xuất hiện ở nhiều gia đình, nhiều thành phần. Với nhiều gia đình thì đây là dịp để họ đến cảm ơn thày then; những gia đình có con cháu ốm đau bệnh tật khó nuôi thì sắm lễ vật đến để chữa bệnh hoặc làm lễ xin gửi con nuôi. Còn lại phần lớn là đến để giao lưu, kết bạn, vui hội và cũng là dịp để chứng tỏ lòng hiếu khách mến bạn, một nét văn hóa lâu đời của người Tày.

Với những gia đình mà trong năm có việc phải nhờ thày then giúp đỡ như: chữa bệnh, cầu an, cầu phúc, tang ma... thì đây là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn tới thày then thông qua các lễ vật, tùy theo điều kiện giàu nghèo, tùy vào mức độ quan trọng của nghi lễ mà thày then đã giúp.

Mọi người đến tham dự ở nhiều nơi xa gần, quen hay lạ, khi đến đây đều không có quan niệm người xã bên hay người làng mình, họ đã thân thiện ngay từ phút đầu gặp gỡ, cùng giúp nhau làm việc và tranh thủ trò chuyện làm quen, thể hiện tính cộng đồng cũng như tấm lòng mến khách của người Tày.

Về các thành tố nghệ thuật tham gia vào nghi lễ

Lễ hội tỏn phi then là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, mang đậm yếu tố bản địa và gần gũi với đời sống sinh hoạt văn hóa dân gian của người Tày. Hình thức diễn xướng trong then tập trung cao nghệ thuật nguyên hợp. Sự thể hiện hết mình của các nghệ nhân được thông qua các hình thức biểu diễn như: múa, khắp, đàn, nhập then... Chỉ thông qua lễ then trong dịp đầu xuân này, người xem mới thực sự được thưởng thức hết vẻ đẹp tinh tế, cuốn hút và sự phong phú của các điệu múa dân gian Tày. Có thể nói, lễ tỏn phi then là một diễn xướng góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật tinh túy của dân tộc Tày.

Nói tóm lại, lễ tỏn phi then là một công việc bắt buộc mà mỗi năm một lần, từ ngày mùng ba tết đến hết rằm tháng giêng, những người làm nghề then ở đây lại tổ chức với ý nghĩa như là một báo cáo tổng kết công việc hành nghề với vua cha Ngọc Hoàng, đồng thời khao quân binh nhà trời, những thế lực đã giúp bà then thay trời hành đạo, cứu nhân độ thế.

 

Tác giả: Vũ Phương Nam

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;