Vai trò của hệ thống sông miền Trung trong giao lưu văn hóa và thương mại

Thương cảng Hội An thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635). Ảnh tư liệu

Trên bình diện về đặc điểm địa lý nói chung, lãnh thổ Việt Nam kéo dài theo chiều Bắc - Nam, từ vĩ độ 23023’B đến 8034’B, hẹp ngang theo chiều tây - đông, từ kinh độ 102009Đ đến 109024’Đ (1). Địa hình Việt Nam có tới ¾ là núi và cao nguyên, ¼ là vùng châu thổ, trong đó có hai đại châu thổ ở hai đầu Bắc Nam là châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long - Đồng Nai, kèm theo những duyên hải nhỏ hẹp chạy dọc miền Trung.

Theo góc nhìn của các nhà địa lý, sơn văn sẽ tạo ra thủy văn; núi và cao nguyên ở Việt Nam nhìn chung dựng lên từ phía bắc/tây bắc và thoải/đổ dần về phía nam/đông nam (2), tạo nên một hệ thống sông ngòi đa dạng nhưng tương đối phức tạp. Chúng có xu hướng cắt ngang  lãnh thổ vốn đã hẹp ngang nhưng kéo dài này thành những mẩu lãnh địa nhỏ, có hình dáng khác nhau. Sự chia cắt lãnh thổ như vậy, đã tạo nên những vùng văn hóa (3) hay tiểu vùng văn hóa (4) có đặc thù riêng biệt bên cạnh các đặc tính chung đã trở thành những hằng số văn hóa của Việt Nam.

Riêng đối với khu vực miền Trung Việt Nam, có thể xác định là không gian rộng lớn của ba vùng văn hóa cơ bản: Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Có thể thấy những đặc điểm địa lý của không gian của miền Trung như sau: dãy Trường Sơn - Tây Nguyên chạy dọc bên phía Tây, chiếm đến 2/3 diện tích toàn miền, tạo nên một dải duyên hải nhỏ hẹp chạy dọc bên phía đông, men theo biển. Tuy nhiên, cấu trúc địa lý ở miền Trung còn phức tạp hơn rất nhiều bởi các miền duyên hải bên rìa đông lại liên tục bị ngăn chia bởi những dãy núi nằm ngang (nối từ phía tây ra đến tận biển), tạo nên hệ thống các đèo. Chính vì vậy, tác giả Trần Quốc Vượng từng tổng kết đặc điểm địa lý của miền Trung theo kiểu “một đèo, một đèo lại một đèo”. Nếu gộp cả tiểu vùng văn hóa xứ Thanh (Thanh Hóa) vào miền Trung thì có thể nhận thấy, bắt đầu từ Tam Điệp với đèo Ba Dội (phân chia Ninh Bình, điểm cuối châu thổ sông Hồng Bắc Bộ, với xứ Thanh); tiếp đến là đèo Hoàng Mai phân chia xứ Thanh với xứ Nghệ; đèo Ngang phân chia xứ Nghệ với xứ Bình - Trị - Thiên; đèo Hải Vân không chỉ phân chia xứ Bình - Trị - Thiên với xứ Quảng mà còn là dấu mốc quan trọng phân chia Bắc Trung Bộ với Nam Trung Bộ, mở rộng hơn nữa là hai miền Nam - Bắc; đèo Cù Mông phân chia xứ Quảng với Bình Định - Phú Yên; đèo Cả/Đại Lãnh trở thành ranh giới giữa Bình Định - Phú Yên với Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận.

Bên cạnh nhịp cắt của hệ thống núi và đèo, miền Trung còn đón nhận hệ thống sông đổ về từ những triền núi và cao nguyên phía tây chảy sang đông. Những con sông chảy theo các triền đèo mà đổ ra biển, tạo nên các vùng cửa sông, cửa biển cho thuyền trong sông (đất liền) ra biển và ngược lại. Các điểm trung chuyển, tập kết cho hoạt động giao thông này đã trở thành những hải/thương cảng trao đổi không chỉ hàng hóa mà cả văn hóa, lối sống của các không gian khác nhau nữa. Điều này không chỉ được thể hiện rõ ràng ở khu vực Nam Trung Bộ với các cảng thị như Hội An, Sa Kỳ, Thi Nại… mà còn cả với Bắc Trung Bộ nữa. Chính vì vậy mà Trần Quốc Vượng đã không ngần ngại chỉ ra rằng: “...ngoài bốn hằng số núi - biển, sông - đèo, ta cần thêm một hằng số thứ năm nữa cho xứ Nghệ - miền Trung là cảng - thị. Có cảng (Bến Thủy, Cửa Lò, Cửa Hội), có thị (Vinh) là có bán có buôn - Hà Nội” (5).

Hệ thống sông ở miền Trung có thể được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau, dựa trên một số tiêu chí cơ bản: thứ nhất, tiêu chí không gian vùng miền; thứ hai, tiêu chí quy mô lớn nhỏ; thứ ba, tiêu chí biểu tượng văn hóa (6). Nếu dựa theo tiêu chí thứ hai, thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 30 con sông ở mức độ lớn trung bình, thuộc khu vực miền Trung Việt Nam, trong đó Bắc Trung Bộ có 10 sông, Nam Trung Bộ có 20 sông (7). Đa số những sông này đều bắt nguồn từ phía tây (dãy Trường Sơn Tây Nguyên) rồi thoải/đổ dần về phía đông. Độ cao tuy không lớn nhưng do quãng đường từ thượng nguồn đến hạ lưu ngắn, dốc lớn nên lưu lượng và tốc độ nước thường mạnh, lên xuống nhanh và không có nhiều phù sa. Bên cạnh những con sông lớn, hệ thống sông nhỏ hay các chi lưu ở thượng hoặc hạ nguồn cũng góp phần tạo nên diện mạo địa lý cũng như đặc trưng của miền Trung Việt Nam.

Trong con mắt của dân gian Việt, sông ngòi nói chung đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người. Sông ngòi không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo sự sinh tồn của con người, giúp phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp mà còn là hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng miền. Sông lớn trở thành những trục giao thông huyết mạch quan trọng trong sự liên kết giữa các tỉnh hoặc với vùng miền xa xôi. Các sông nhỏ và chi lưu có thể được coi là tầm vươn của sông lớn tới các ngóc ngách của khu vực hay vùng miền khác nhau. Hay chính những chi lưu/sông nhỏ đã kết nối các thôn, bản, xã, huyện… về với sông lớn vốn là trục giao thông huyết mạch liên tỉnh, liên vùng. Không những thế, sông nhỏ còn có tính chất liên kết gần, nối liền với không gian nhỏ hẹp. Bên cạnh sự kết nối có tính chất liên vùng ấy, bản thân sông ngòi đôi khi được biến thành đường ranh để phân biệt địa giới hành chính. Nói như vậy, không có nghĩa hay hàm ý là sự ngăn cách mà là vai trò của sông ngòi trong việc tổ chức hành chính về lãnh thổ, địa dư của con người (8).

Đối với hệ thống sông ngòi ở miền Trung, tôi tạm nhìn nhận dưới hai dạng: liên kết ngang giữa hai bờ sông và liên kết dọc, giữa thượng nguồn tới hạ lưu. Theo tư duy hiện đại, liên kết ngang có nghĩa sông ngòi chia cắt giữa hai bờ (bên kia, phương ngữ miền Trung là bên tê và bên này/bên ni), nhưng trong truyền thống, hai bên sông được kết nối bằng đò ngang. Thông qua chuyến đò ngang, cư dân hai bên bờ trao đổi kinh tế, hàng hóa tập kết ở các bến sông, tạo thành hệ thống chợ búa. Chợ không chỉ thuần túy là nơi trao đổi kinh tế, mà chính là nơi trao đổi, giao lưu văn hóa. Sang thời hiện đại, các cây cầu đã giúp cho quá trình liên kết này càng trở nên thuận lợi hơn nữa.

Liên kết dọc có lẽ là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của các hệ thống sông nói chung và ở miền Trung Việt Nam nói riêng. Những con sông đã liên kết không chỉ giữa các địa phương trong cùng một tỉnh hoặc các tỉnh lân cận mà còn là sự liên kết giữa các vùng miền: giữa miền xuôi với miền ngược, giữa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải và mở hướng đi ra biển. Chính vì thế, sông ở Bắc hay Nam Trung Bộ đều là gạch nối quan trọng giữa núi với biển, giữa đất liền với lục địa. Có thể tạm khái quát mô hình này như sau:

Trường Sơn/Tây Nguyên – Duyên hải – Biển/hải đảo

Núi rừng – Đồng bằng – Biển đảo

Nguồn sản vật/hàng hóa – Địa điểm tập kết/trao đổi hàng hóa – Phát tán hàng hóa ra thế giới

Ở đây, sông ngòi cũng như hệ thống chi lưu của nó đã tạo ra mạng lưới giao thông đường thủy, giúp cho quá trình liên kết trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết. Từ đó, người vùng cao đưa sản vật, hàng hóa của rừng núi thông qua hệ thống sông ngòi về miền xuôi, miền biển; rồi hàng hóa, sản vật của miền biển lại được mang lên cung ứng cho vùng cao.

Chính những sản vật của đặc thù của vùng rừng núi phía Tây miền Trung, nhất là Nam Trung Bộ đã thu hút, lôi kéo các thương thuyền/thương nhân trong khu vực cũng như trên thế giới đến trao đổi buôn bán (9). Điều này không chỉ diễn ra vào các TK XVI, XVII, XVIII, khi người Việt vào tiếp quản và mở cõi ở xứ Đàng Trong mà từ nhiều thế kỷ trước. Cư dân Champa đã khai thác triệt để những tuyến đường sông để trao đổi qua lại giữa biển với rừng; đặc biệt những sản vật của rừng đã được người Chăm tập kết tại các địa điểm gần cửa sông, tiện cho quá trình trao đổi, bốc xếp và tránh được các rủi ro, mất mát. Đây cũng chính là quá trình hình thành những thương cảng ven biển miền Trung như Hội An hay Thi Nại. Bên cạnh đó, với khả năng và kinh nghiệm đi biển của mình, người Chăm đã đem hàng hóa sản vật rừng núi ấy hướng ra biển, chủ động trao đổi buôn bán với các nước trong khu vực, và xa hơn nữa với Ả Rập và các nước phương Tây. Người Chăm đã biết cách làm công việc vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, đó là chào hàng hay quảng cáo những sản vật của mình đến với thế giới. Điều này đã tạo điều kiện cho việc nở rộ hoạt động thương mại của Việt Nam đối với thế giới, giai đoạn từTK XVI đến XVIII. Hay nói theo cách khác, người Việt đã được thừa hưởng một nền tảng thương mại vô cùng quý báu từ người Chăm trên nhiều phương diện, từ cơ sở hạ tầng như nguồn hàng, điểm tập kết, thương cảng… đến tri thức khai thác cũng như thương hiệu.

Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn được soạn vào nửa cuối TK XVIII, khi ông làm quan hiệp trấn ở xứ Thuận Hóa dưới thời Lê – Trịnh, đã miêu tả cặn kẽ về cách thức giao thương trên sông của người địa phương. Sách cũng liệt kê hằng hà sản vật từ vùng rừng núi được chuyển về xuôi thông qua hệ thống thuyền mảng, bến bãi buôn bán trên sông và các nhánh sông nhỏ từ tận thượng nguồn. “Theo sông Phú Xuân đi ngược dòng mà lên đến tuần ngã ba Bình Lãng, huyện Hương Trà, thì có hai nguồn: bên tả là nguồn Tả Trạch, bên hữu là nguồn Hữu Trạch. Nguồn Tả Trạch đi qua các phường xã An Ninh, Kim Ngọc, Dương Long. Từ đấy mà lên núi rừng lớn, đi hai ngày đến sách Làng Nước của người Man dưới, rồi đến sách Hà Vãn, phường Hà Lạc, phường Ma Ra, dọc đường các lái buôn đem các thứ muối, mắm, trâu, đồ nông cụ, thanh la đổi lấy các thứ mây sắt, mây trắng, sáp ong, mật ong. Từ phường Hà Lạc trở lên, bề bên hữu có nhiều cây kiền kiền, cây thai bái và các thứ cây gỗ tạp. Từ phường Mara trở lên đều là hoang man, không hiểu tiếng nói. Bên tả sách Làng Nước là nguồn Hưng Bình, huyện Phú Vang. Từ ngã ba Tuần đi về phía tả một ngày rưỡi đến phường May Dăng, phường La Luống cũng là núi rừng, có dân cư. Ở trên là các Khe Điện, Đá Chồng của người Man. Nguồn Hữu Trạch đi qua phường An Bình là mồ mả tiên nhân họ Nguyễn ở đấy. Phường Cây Bông trở lên đều là núi rừng lớn. Đi quá nửa ngày đến sách Làng Răng, đều là dân Man. Từ đấy mà đi lên, núi khe rậm rịt, không có cư dân. Đi một ngày rưỡi đến sách Ngọn Sào. Lại đi một ngày qua khe Cha Lạnh, đến sách A Man Cách, chỗ này có nhiều cây kiền kiền và cây gỗ tạp. Lại đi một ngày đến sách A Ra (Đốc Sơ), trở lên đều là người Man cao ở, các lái buôn không đến được. Chỉ đến mua bán ở xứ Bãi Dinh Cây Bông thôi. Các dân Man cũng thường đến đây đổi chác hóa vật cũng như ở nguồn Tả Trạch. Đại khái, dân Man lúc thường lễ tiết hay dùng trâu lợn cùng thanh la, đồ đồng, các đồ ấy bán chạy lắm” (10).

Nhân sâm, yến sào, mật ong, sáp ong, sừng tê, ngà voi, sừng bò tót, diêm tiêu, giáng hương, tốc hương, song, mây, gỗ mun, gỗ lim, gỗ hoa hèo, gỗ hoa nu, gỗ kiền kiền, gỗ ngật, “cũng gọi là gỗ dầu, sắc trắng mà chất mềm mịn, để lâu thì vàng dần, uốn cong không gãy, có thể làm cánh nỏ được” (11), hồ tiêu, trầu không, cây xoài, cây sung, cau, các loại chuối, khoai, dầu lai… và rất nhiều sản vật từ thông thường đến quý hiếm khác, đặc biệt là trầm hương, kỳ nam của vùng Nam Trung Bộ, đều được Lê Quý Đôn liệt kê và miêu tả tỉ mỉ trong sách.

Để có thể so sánh sự dồi dào của hàng hóa giữa Bắc Trung Bộ với NamTrung Bộ, lời nhận định của Lê Quý Đôn cho thêm những thông tin quý báu: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém gì Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muỗi, gỗ lạt đều sản xuất ở đấy. Ba phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Gia Định thì thóc gạo không xiết kể, khách Bắc buôn bán quen khen bao nhiêu không ngớt. Các xứ Hòn Lãnh, Thu Bồn, Phường Tây thuộc về hai phủ Thăng Điện như trâu ngựa, nhà dân đều có chăn nuôi. Quy Nhơn và Quảng Ngãi cũng có. Các xứ Cò Đen, Kẻ Dã phủ Quy Nhơn thì sản xuất ngựa, ngựa sinh ở trong hang núi thành hàng trăm hàng nghìn con, có con cao tới hai thước rưỡi, 3 thước trở lên. Người địa phương tập dạy cho thồ chở hàng sang phủ Phú Yên. Cho đến đàn bà buôn bán đi chợ hay đi xa cũng cưỡi ngựa là thường” (12).

Như đã nói, sông đã kết nối rừng với biển thông qua các thương cảng/cảng thị, hàng hóa được tập kết, bốc xếp lên tàu trước khi nhổ neo để vươn ra thế giới. Việc kết nối giữa vùng núi - duyên hải - biển thông qua sông ngòi này, theo tôi phải trải qua một quá trình tạo lập lâu dài. Ban đầu, người dưới xuôi ngược lên rừng chỉ để khai thác sản vật phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như cung cấp các nguồn nguyên liệu cho nghề nghiệp của mình. Trong quá trình khai thác đó, một mặt họ vừa khám phá, tích lũy kinh nghiệm; mặt khác họ tiếp xúc, kết thân với người địa phương để mở rộng phạm vi khai thác, cũng như nhận diện sản vật và giá trị các sản vật. Đặc biệt, nhóm người miền xuôi thường mang theo sản vật từ biển (muối, cá, mắm…) lên rừng để trao đổi. Không những thế, chính những thương nhân đầu tiên ấy đã đặt cơ sở, sử dụng người bản xứ để khai thác lâm sản, thu gom hàng hóa đưa về nơi tập kết. Lâu dần, những kinh nghiệm tích lũy và sự thông thương thường xuyên đã tạo nên hệ thống thương mại nối liền miền ngược với miền xuôi, núi với biển và ngược lại.

Quá trình hợp tác làm ăn này đã dẫn đến giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng người trong những không gian sinh sống khác nhau. Hàng hóa cũng chính là văn hóa, được trao đổi qua lại từ vùng này sang vùng khác và ngược lại. Hơn thế nữa, thông qua các mối quan hệ làm ăn kinh tế như vậy, quan hệ hôn nhân đã diễn ra giữa cư dân các vùng khác nhau. Quan hệ hôn nhân này không chỉ nhằm đảm bảo sự tin tưởng trong làm ăn buôn bán, mà còn nhằm đảm bảo độc quyền các mối hàng và duy trì sự buôn bán lâu dài đối với các thế hệ sau. Quy luật này không chỉ diễn ra ở các hoạt động giao thương nội địa mà ở cả các hoạt động ngoại thương, ví dụ như trường hợp Hội An với việc thương nhân Hoa hay Nhật kiều xây dựng các thương điếm giao dịch và lấy vợ người bản xứ. Hôn nhân là câu nối mạnh mẽ nhất cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Hôn nhân không chỉ đảm bảo cho lối sống giữa hai nhóm người hoặc cộng đồng người có sự tiếp nhận và học hỏi lẫn nhau mà còn đảm bảo cả sự di truyền văn hóa nữa.

Hàng hóa được trao đổi đến đâu thì con người và văn hóa đi tới đó, đây được coi là kênh giao thoa, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ, bền vững và sâu sắc nhất. Con người kết nối với nhau qua làm ăn, qua hôn nhân; lối sống/phong tục của người khác, của nền văn hóa khác được tiếp nhận một cách tự nguyện. Những dòng sông đã trở thành vật/khâu trung gian để gắn kết con người và văn hóa giữa các vùng miền. Hệ thống sông ở miền Trung đã thực hiện đúng vai trò, chức năng của nó như tự nhiên ban tặng và được con người nhận biết, khám phá và khai thác. Qua đó, sông trở thành gạch nối giữa miền ngược với miền xuôi, giữa núi với biển. Gạch nối này đã tạo ra quá trình giao lưu thương mại và văn hóa của miền Trung trong lịch sử cho đến hiện nay. Giao lưu kinh tế đã mở ra cầu nối cho giao lưu văn hóa nhưng đổi lại, chính giao lưu văn hóa đã tạo nên và bồi đắp cho nền tảng thương mại, để đảm bảo cho quá trình được liên tục. Hệ thống sông miền Trung đã đóng góp một vai trò to lớn cho việc phát triển kinh tế và mở mang văn hóa giữa các vùng miền. Đặc biệt, nó đã lôi kéo thế giới và khu vực về với miền Trung, về với Việt Nam (13).

______________

1. Đây là kinh độ tính điểm cực đông và điểm cực tây của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền, còn trên biển, hệ tọa độ địa lý được tính: kéo dài khoảng vĩ độ 6050’B; khoảng kinh độ từ 1010Đ đến 117020’Đ tại biển Đông.

2. Về tổng thể, hệ thống núi non trên lãnh thổ Việt Nam nằm ở phía tây – tây bắc, nhưng đổ dần về hướng đông – đông nam. Tuy nhiên, hệ thống núi non ở miền Trung lại có những đặc điểm riêng biệt; phần lớn các dãy núi ở Bắc Trung Bộ đều tuân theo quy luật trên; nhưng hệ thống núi ở Nam Trung Bộ lại có xu hướng nằm ở hướng tây – tây bắc và đổ dần về hướng đông – đông bắc, tạo ra cấu trúc hình chữ V.

3. Có nhiều quan điểm khác nhau cho việc phân chia thành các vùng văn hóa ở Việt Nam: có quan điểm chia thành bảy vùng văn hóa: Tây Bắc, Đông Bắc, Châu thổ sông Hồng/Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; có quan điểm chia thành tám vùng, trong đó, xác định thêm vùng văn hóa Thăng Long – Hà Nội; có quan điểm chia thành chín vùng, trong đó xác định có vùng văn hóa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ…

4. Các tiểu vùng văn hóa được phân chia dựa trên các vùng văn hóa đã được xác định; tất nhiên, việc phân chia này đều dựa trên những tiêu chí nhất định như: đặc điểm của điều kiện tự nhiên, thành phần tộc người, trình độ phát triển kinh tế - xã hội…

5. Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 1998, tr.285.

6. Theo tiêu chí thứ nhất, có thể phân chia thành các hệ thống sông ở Bắc Trung Bộ hoặc Nam Trung Bộ, hệ thống sông ở các tiểu vùng văn hóa: xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng… Tiêu chí thứ hai dựa vào chỉ số độ rộng (giữa hai bờ), độ dài (từ thượng nguồn xuống hạ lưu), độ sâu và vận tốc cũng như lưu lượng nước… Tiêu chí thứ ba dựa vào mức độ ảnh hưởng và trở thành biểu tượng của một vùng hoặc một địa phương nhất định.

7. Sông lớn là những sông có lưu vực từ 10.000km2 trở lên và tổng lượng nước từ 70 đến 80 tỷ m3 nước (chỉ tính phần diện tích và tổng lượng nước trong nội địa). Đấy là các hệ thống sông Hồng, Cửu Long, Thái Bình, Kỳ Cùng – Bằng Giang, Mã, Cả, Thu Bồn, Ba – Đà Rằng và Đồng Nai, cộng là 9 hệ thống sông. Những sông thuộc loại trung bình có diện tích lưu vực từ 500 km2 đến dưới 10000 km2, số lượng là 166, trong đó khu vực miền Trung có 31 sông. Nguồn tham khảo: Lê Bá Thảo, Việt Nam - lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2001, tr.76-77.

8. Trần Quốc Vượng nhìn hệ sinh thái miền Trung như một phức sinh thái (multiplex), với các hằng số địa lý sau: “a. Núi đồi là sự ngăn cách mà cũng là sự nối tiếp: đèo chính là cái gạch nối Đông Tây, bao gồm Mụ Giạ (Nghệ Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), đèo Kiền Quảng Nam, đèo An Khê (Bình Định) qua Gia Lai và Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Min… b. Chúng ta cũng nên nhìn sông - biển như nhìn núi - đồi - đèo, đó là cái nhìn biện chứng, vừa nhìn thấy mặt cắt ngăn vừa thấy mặt nối tiếp… Thật ra, qua tư duy giao thông thủy của bản sắc văn hóa sông nước Việt Nam và miền Trung, đôi bờ sông chỉ là hai nửa của một, từ một làng, một huyện đến một tỉnh, xứ…Sông không chỉ được nối bằng các bến đò ngang… Sông còn là sự tiếp nối núi - biển bằng các con đò dọc, bằng bè mảng…”. Nguồn: Trần Quốc Vượng, sđd, tr. 314-318.

9. Cho đến nay, có quan điểm đang đặt lại vấn đề: vậy, do vị trí địa lý của miền Trung Việt Nam thuận lợi cho việc đi lại trên biển, nên các thương thuyền thường ghé quá đây mà hình thành nên các hải cảng, rồi dẫn đến trao đổi buôn bán phát triển. Tuy nhiên, đang có quan điểm cho rằng, chính do khu vực miền Trung vốn rất đa dạng và phong phú về nguồn sản vật từ rừng núi, là những thứ hàng hóa đặc biệt quý hiếm đối với các nước trên thế giới nên đã kéo các thương thuyền cập vào các bến cảng ở ven biển miền Trung, tạo nên một kỷ nguyên thương mại tấp nập trên biển Đông của Việt Nam.

10, 11, 12. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội tr.115, 318, 337.

13. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội trong đề tài mã số QG.18.49.

Tác giả: Đinh Đức Tiến

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

;