Trích đoạn Lễ cúng tổ tiên dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú (Hà Giang)

Tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024, Đoàn nghệ nhân, diễn viên tỉnh Hà Giang đã mang tới Ngày hội trích đoạn Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Hà Giang là một tỉnh vùng cao trong vùng Đông Bắc của nước ta. Đây là mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, với 19 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng tạo nên một bức tranh văn hóa muôn màu muôn sắc. Đến Hà Giang, không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà du khách còn được hòa mình với những điệu múa, tiếng khèn, tiếng sáo và những câu hát giao duyên của các chàng trai, cô gái và được tận mắt chứng kiến nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc. Một trong những nghi lễ đặc sắc đó chính là nghi lễ Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú.

Thày cúng tiến hành chuẩn bị các lễ vật để trình tổ tiên

Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô là một nghi lễ cổ truyền có từ lâu đời mang tính giáo dục cộng đồng người Lô Lô hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, tạo kết nối cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản, cầu cho mưa thuận, gió hòa, bà con dân bản, gia đình dồi dào sức khỏe, không ốm đau bệnh tật, mọi người, mọi nhà sống đoàn kết và hạnh phúc.

Trích đoạn Lễ cúng tại Ngày hội, Chủ lễ là thày cúng Dình Di Chai cùng các phụ lễ xã Lũng Cú. Trước khi vào lễ chính, thày cúng tiến hành chuẩn bị các lễ vật để trình tổ tiên. Lễ vật chính gồm gà - đây là con vật thân thiết, gắn bó với cuộc sống hằng ngày của đồng bào dân tộc Lô Lô, gà tượng trưng cho tình cảm, ý chí quyết tâm mong muốn có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc; xôi được đồ lên từ lúa nếp nương, thày cúng dải 12 nắm xôi tượng trưng cho 12 tháng trong năm, với mong muốn tất cả 12 tháng đều mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu.

Phụ lễ mời rượu thày cúng để cảm ơn thày

Sau khi các lễ vật đã chuẩn bị xong. Phụ lễ mời rượu thày cúng để cảm ơn thày đã không quản ngại đường sá xa xôi vất vả về làm lễ cho gia đình. Cùng lúc đó, gia đình mời bà con dân bản tới chứng kiến gia đình làm lễ. Tiếp theo phụ lễ dâng hương cho thày cúng, phụ lễ và gia đình lạy 4 lạy tượng trưng có 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng, thày cúng bắt đầu bài cúng: Thưa ông bà tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, trước sự chứng kiến của bà con, gia đình, dòng họ theo truyền thống, con cháu trong dòng họ tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ và biết ơn tổ tiên. Xin dâng tổ tiên đôi cánh để tỏ lòng biết ơn, mong tổ tiên có thể bay trong cõi thiêng liêng và trở về đây chứng kiến và nhận lấy lòng biết ơn của con cháu... cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, hạnh phúc, học hành giỏi giang, thóc đầy bồ, trâu bò lợn gà đầy chuồng, mọi việc thuận lợi.

Thày cúng khấn 12 bài và đi 12 vòng tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Trải qua bao khó khăn vất vả, chúng con luôn nhớ về công ơn to lớn của tổ tiên. Mong tổ tiên phù hộ cho chúng con luôn được vui vẻ và hạnh phúc: Kính thưa ông bà tổ tiên, hôm nay con cháu trong dòng họ làm lễ cúng tổ tiên, dâng tổ tiên những lễ vật với tấm lòng biết ơn vô hạn, mong tô tiên chứng giám. Nay mọi việc đã hoàn thành, con cháu xin dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về. Xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên và trở về trời, lễ vật đã nhận, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian...

Thày cúng khấn 12 bài và đi 12 vòng tượng trưng cho 12 tháng trong năm

Sau phần lễ là phần hội, đồng bào Lô Lô cùng hòa nhịp với 12 điệu múa dân gian tượng trưng cho 12 tháng trong năm của dân tộc mình. Nhiều tiết mục văn nghệ dân gian được biểu diễn, trong tiếng trống đồng ngân vang, những điệu nhảy, những điệu múa dân gian kết hợp những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu... tất cả tổng hòa tạo nên nét đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang mà không nơi nào có được.

Chiếc trống đồng là bảo vật linh thiêng của cộng đồng dân tộc Lô Lô, luôn có đôi, chiếc trống to và nhỏ. Đôi trống chỉ được đem ra đánh khi có lễ hội lớn trong cộng đồng, dòng tộc. Những động tác múa như trồng cây, gieo hạt, nhặt cỏ luôn gắn liền với đời sống văn hóa, lao động của đồng bào dân tộc Lô Lô. Theo nhịp trống đồng bước chân của chàng trai, cô gái Lô Lô khi tiến, khi lùi, lúc lại nhún xuống thật nhịp nhàng. Sự thay đổi của tiết tấu trống đồng cùng với tiếng kêu leng keng do những chiếc chuông nhỏ và đồ trang sức của chị em tạo ra âm thanh rộn ràng. Để múa được bài múa này phải là người có sức khỏe tốt, nhưng với tấm lòng biết ơn, hướng về tổ tiên, cội nguồn mà suốt một ngày lễ, đoàn múa nghi lễ vẫn múa dẻo dai, nhịp nhàng theo nhịp trống mà không hề thấy mệt mỏi.

Trong phần hội nhiều tiết mục văn nghệ dân gian được biểu diễn

Gia đình, dòng họ cảm ơn thày cúng, nghệ nhân đánh trống và mọi người trong làng đã đến giúp đỡ, chia vui với gia đình, giúp gia đình làm lễ cúng tổ tiên thành công. Trong phần hội còn có sự tham gia của các dân tộc khác để cùng chúc mừng cho thành công của nghi lễ.

Lễ cúng tổ tiên là nét văn hóa đặc sắc, cần được bảo tồn và phát huy cho thế hệ sau. Hiện nay, nét đẹp truyền thống này vẫn đang được gìn giữ khá nguyên bản trong cộng đồng dân tộc Lô Lô tại Hà Giang. Đồng thời, một số nghi thức lạc hậu, tốn kém lãng phí đã dần được thay thế, điều đó góp phần tích cực trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lô Lô nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

MẠNH QUẢNG - Ảnh: TUẤN MINH

;