Bảo tồn sắc thái văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên

Trong Ngày hội VHTTDL các tỉnh vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024, khu vực trang trí, trưng bày của tỉnh Thái Nguyên mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng Đông Bắc. Cùng với các sản phẩm tiêu biểu của địa phương, món ăn ẩm thực, trang phục truyền thống… là những nét văn hóa đặc sắc đang được người dân vùng đất ATK phát huy giá trị gắn với du lịch tại địa phương.

Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Thái Nguyên là vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ vĩ, có núi, có rừng, sông, hồ, hang động, suối thác... cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, hệ sinh thái phong phú. Đồng thời, nơi đây cũng là địa danh nổi tiếng có bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng, giàu truyền thống cách mạng.

Giám đốc Hợp tác xã ATK Gió ngàn Lý Thị Chiên giới thiệu về không gian trưng bày tỉnh Thái Nguyên tại Ngày hội

Giới thiệu về không gian trưng bày của tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã ATK Gió ngàn Lý Thị Chiên cho biết, có 20 bức ảnh trưng bày giới thiệu những hoạt động đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Thái Nguyên. Ở đó là những bức ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến thăm đồng bào các dân tộc; là ngôi trường của các em học sinh dân tộc tại vùng Việt Bắc. Nơi đây, bên cạnh việc học tập, sinh hoạt, các em học sinh vẫn được sống trong môi trường văn hóa của bản địa, với tiếng nói, lời ca và trang phục độc đáo của dân tộc mình. Bên cạnh đó là hình ảnh các làng văn hóa đã trở thành khu du lịch trải nghiệm độc đáo được du khách quan tâm như: khu du lịch ATK Định Hóa; du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, Võ Nhai; du lịch cộng đồng La Bằng, Đại Từ; trong đó có trải nghiệm ở tại nhà sàn làng Thái Hải, một trong những ngôi làng được bình chọn là làng du lịch tốt nhất thế giới…

Trong không gian trưng bày, nổi bật với hình ảnh khung dệt và nghề dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống đang được các nghệ nhân vùng đất này lưu giữ, phát huy giá trị. Cùng với nghề dệt, các trang phục của đồng bào Tày, Nùng cũng được trưng bày tại đây và đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Từ các khung dệt này, vẫn sản xuất ra các trang phục màu chàm của đồng bào vùng đất Thái Nguyên và được bà con sử dụng thường xuyên. Điều đặc biệt của những bộ quần áo dân tộc nơi đây mang đến cho du khách nhiều hứng thú, đó là quần áo được may hai mặt, màu chàm không bị phai màu, mùa đông thì mang cảm giác ấm áp, mùa hè thì mát. Đi cùng với bộ quần áo của dân tộc Tày là chiếc khăn đội đầu hình chim én - biểu hiện thiêng liêng của người phụ nữ Tày, đồng thời làm tôn lên vẻ đẹp của người sử dụng. Đối với người phụ nữ Tày thì trang sức là vòng đeo cổ, tay, bông tai là những đồ không thể thiếu và được yêu thích… đó cũng là những nét độc đáo, văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc được trưng bày tại gian hàng tỉnh Thái Nguyên.

Các thầy mo tái hiện nghi thức cúng lễ cơm mới tại không gian trưng bày tỉnh Thái Nguyên

Trong không gian trưng bày, có thể nhận thấy nhiều sản phẩm chè OCOP đạt tiêu chuẩn năm sao, đến từ nhiều vùng chè lớn đang được các hợp tác xã, đặc biệt là các đơn vị lữ hành lựa chọn để mang đến những trải nghiệm thú vị đối với du khách. Trong đó có nhiều vùng chè nổi tiếng như Tân Cương, hợp tác xã ATK Gió ngàn Định Hóa… đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch bản địa, cuốn hút, níu giữ bước chân những người yêu thích trải nghiệm văn hóa.

Một trong những điểm nhấn thu hút nhiều người xem và du khách đó chính là mâm cơm với các món ăn đa dạng, đặc sắc, nhiều sắc màu trong không gian trưng bày của tỉnh Thái Nguyên. Chị Lý Thị Chiên – giám đốc Hợp tác xã ATK Gió ngàn cho biết, trong những ngày này cũng là dịp Tết cơm mới của đồng bào Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên, chính vì thế các món ăn mang đậm nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Trước khi thưởng thức các món ăn với chủ đề “Cơm mới”, khán giả, du khách còn được xem trích đoạn tái hiện nghi lễ cúng cơm mới của các thày cúng, thày mo. Đây cũng là nghi lễ cúng của đồng bào dân tộc vùng Định Hóa tại Lễ cúng cơm mới được giới thiệu tại khu trưng bày.

Trong nghi thức cúng cơm mới, một phần không thể thiếu đó là thầy mo thực hiện 12 nghi lễ trong bài cúng gửi 3 miền trời đất. Cùng với tiếng xúc chùm nhạc, thầy mo phất quạt và đọc lời khấn: “Mười giờ chọn được một giờ tốt/ Một năm chọn được một ngày tốt/ Mười hai tháng, tiết trời chuyển động/ Chúng tôi đến đây cùng với bách gia trăm họ chuẩn bị mâm cao, cỗ đầy/ Sản vật sau hai mùa, mùa chiêm và mùa vụ để dâng lên trời đất/ Tế lễ cầu cho bách gia trăm họ, cầu cho người người, nhà nhà yên ấm…

Thầy mo tiếp tục với lời khấn: “Tháng giêng có chim chóc bay về/ Tháng hai, tháng ba, tháng tư cây cối đâm chồi, nảy lộc bắt đầu sinh sôi/ Tháng năm, tháng sáu, tháng bảy cũng là lúc để bà con làm lúa, cắt khoai, cấy cày/ Đến tháng tám, tháng chin để chúng ta cấy những hạt giống tốt/ Được mùa, con trâu to nhất bản, con gà to nhất bản, con lợn to nhất bản chúng ta sẽ được hưởng/ Từ tháng mười một, đến tháng mười hai chỉ ra đồng lấy về làm bánh, làm lễ và hưởng thụ/ Chúng ta nghỉ ngơi làm lễ đón xuân nào…

Nghệ nhân dân tộc tỉnh Thái Nguyên trưng bày ẩm thực với chủ đề "Cơm mới"

Sau nghi lễ cúng của các thày mo, thày cúng, khán giả được thưởng thức những món ăn trưng bày với chủ đề “Cơm mới”, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng anh em các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Trên mâm cơm, ngay ở chính giữa là đĩa xôi được tạo hình ngôi sao năm cánh với năm sắc màu. Ngôi sao là thể hiện tinh thần học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời đây là nơi các đồng chí lãnh đạo các ban ngành Trung ương đã học tập, làm việc tại thủ đô Kháng chiến. Mỗi khi Tết đến, xuân về, bà con vùng đất ATK ngoài mâm cơm lễ trời đất, tổ tiên, còn có mâm cơm dâng lên Hồ Chủ tịch và các bậc tiền bối. Năm cánh sao với năm màu khác nhau với ý nghĩa hội tụ cộng đồng các dân tộc trong khối đoàn kết, thống nhất và cùng nhau phát triển.

Bên cạnh đó, trên mâm cơm còn có cơm lam, muối vừng, rau rừng, đây không chỉ là các món ăn mang đậm nét văn hóa mà còn được các đồng chí cán bộ, chiến sĩ cách mạng sử dụng thường xuyên trong thời kỳ kháng chiến gian khổ.

Cùng trên mâm cơm, cũng có các loại bánh đặc sắc nhưng thân quen đối với đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc như bánh dày, bánh khoản, bánh gai, bánh chưng…; đặc biệt với món vịt hấp địa liền (gừng tàu) được chế biến từ con vịt nuôi đủ tháng, đến tháng mười mới đem chế biến, với ý nghĩa, biểu hiện của sự no đủ. Theo quan niệm âm dương của người Tày, con vịt là biểu tượng cho Thủy tề, nên trong lễ cúng âm dương không thể thiếu con vật này.

Trên mâm cơm còn có các món quen thuộc không thể thiếu như món xôi ngũ sắc, cháo bẹ, măng rừng… là những món thông dụng của đồng bào dân tộc vùng đất ATK Thái Nguyên. 12 món ẩm thực, mang đậm nét văn hóa của cộng đồng, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên được giới thiệu trong khuôn khổ Ngày hội, nhằm gửi gắm thông điệp: đến Thái Nguyên là trở về miền ký ức và là nơi kết tinh những giá trị di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc, cũng là nơi có bề dày truyền thống cách mạng. Những giá trị đó sẽ được đồng bào tiếp tục bảo tồn, phát huy cùng với sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước.

AN NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH

;