“Sắc màu thổ cẩm miền non nước”

Tại Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của tỉnh Cao Bằng, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn vừa qua, những món đồ chơi, đồ lưu niệm độc đáo được trưng bày đã thu hút sự chú ý của khách tham quan. Đây là những sản phẩm trong dự án “Sắc màu thổ cẩm miền non nước” của chị Trần Thị Xuân Quỳnh.

Chị Trần Thị Xuân Quỳnh bên cạnh những búp bê mặc trang phục dân tộc được thêu tay tỉ mỉ tại Không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Cao Bằng

Cùng với các cộng sự của mình, chị Trần Thị Xuân Quỳnh say sưa giới thiệu với du khách về từng món đồ chơi, đồ lưu niệm nhỏ xinh được trưng bày và bán tại Không gian văn hóa của tỉnh Cao Bằng. Nhiệt tình và sôi nổi, chị bộc bạch về những tâm huyết của mình khi thực hiện dự án “Sắc màu thổ cẩm miền non nước”. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Cao Bằng, từ nhỏ Xuân Quỳnh đã “mê mẩn” những họa tiết hoa văn tinh tế của nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền. Ý thức được sự mai một của nghề dệt, thêu và in hoa văn bằng sáp ong truyền thống, chị quyết tâm khôi phục giá trị này. Ý tưởng về dự án “Sắc màu thổ cẩm miền Non Nước” đã được chị ấp ủ từ những ngày còn trẻ, nhưng chỉ đến khi đối mặt với hiện trạng nghề dệt thổ cẩm, thêu hoa văn, in hoa văn bằng sáp ong gặp khó khăn về thị trường và thiếu sự quan tâm, chị mới quyết định đưa dự án vào hiện thực.

Dự án “Sắc màu thổ cẩm miền non nước” tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống tại Cao Bằng như: túi xách cói dệt thổ cẩm, túi xách thêu, ví thêu, móc treo chìa khóa thêu tay, bùa cầu an, khăn thổ cẩm, quả còn trang trí, trang phục dân tộc Mông cách tân thêu tay và búp bê mặc trang phục dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao đỏ, Dao tiền, Lô Lô, Sán Chỉ và Kinh của tỉnh Cao Bằng. Mỗi sản phẩm đều là kết tinh của nghệ thuật dệt, thêu tay và in hoa văn băng sáp ong được tạo nên từ bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tại địa phương. Dự án tập trung vào việc phát huy và bảo tồn nghề nhuộm vải chàm, dệt thổ cẩm, thêu và in hoa văn bằng sáp ong truyền thống của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng, đồng thời tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại. Điểm độc đáo là không chỉ giữ nguyên các họa tiết truyền thống, các sản phẩm này còn có thiết kế hiện đại, mang lại sự tươi mới và thu hút đặc biệt đối với giới trẻ.

Bùa cầu an của đồng bào dân tộc Dao đỏ với những đường nét hoa văn đặc trưng

Chị Quỳnh chia sẻ, dự án “Sắc màu thổ cẩm miền non nước” không chỉ là một thương hiệu, mà còn là một lời hứa về chất lượng, về sự độc đáo và về tình yêu dành cho văn hóa truyền thống. Chị mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Được chạy thử nghiệm từ ngày 1-1-2024, các sản phẩm thủ công của dự án đã có mặt tại nhiều sự kiện văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn, năm 2024; Hội nghị gặp gỡ Thái Lan lần 2 tại Lào Cai; Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng; Phiên chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng năm 2024; Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ Vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Ngày hội đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất - Techfest Cao Bằng năm 2024.

Móc treo được thêu trên nền vải đay truyền thống, với những hoa văn thêu thủ công mang đậm dấu ấn văn hóa của người Mông Cao Bằng

Bên cạnh đó, Xuân Quỳnh đã đạt giải Nhì cuộc thi ảnh “Tôi tin dùng hàng Việt” do Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng phát động, với tác phẩm “Sắc màu miền non nước” là bức ảnh chụp Búp bê mặc trang phục dân tộc của chính dự án. Trong cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất năm 2023-2024” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng tổ chức, dự án đạt giải khuyến khích và giải thưởng bổ sung là dự án có tính bảo tồn văn hóa do Công ty cổ phần Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI trao tặng.

Các sản phẩm của dự án cũng nhận được sự ủng hộ từ khách hàng với nhiều phản hồi tích cực xoay quanh tính thẩm mỹ độc đáo, sự khéo léo trong từng chi tiết và đặc biệt là câu chuyện văn hóa mà mỗi sản phẩm mang lại. Khách hàng, đặc biệt là khách quốc tế, đánh giá cao việc dự án hướng tới giữ gìn và phát triển nghề truyền thống trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa. Họ coi sản phẩm của dự án không chỉ là món quà lưu niệm, còn là biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Nhiều khách hàng đã đưa ra những ý tưởng mới về mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập của dự án.

Trước khi sáng kiến được ra đời, thị trường sản phẩm quà tặng lưu niệm tại Cao Bằng đã có sự đa dạng nhưng chủ yếu tập trung vào những mặt hàng phổ thông, chưa thực sự khai thác tiềm năng văn hóa bản địa, đặc biệt là nét đẹp của các nghề thủ công truyền thống. Những sản phẩm lưu niệm chưa kết hợp được với các yếu tố thời trang hiện đại, tính tiện dụng và chưa có một đơn vị hoặc một hộ kinh doanh nào cung cấp đầy đủ hết những mặt hàng thủ công của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Do vậy, dự án này của Xuân Quỳnh hướng đến xây dựng một địa chỉ giới thiệu, cung cấp đầy đủ các sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa tại Cao Bằng. Dự án cũng góp phần giúp hồi sinh nghề truyền thống, tạo ra việc làm ổn định cho các nghệ nhân, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng và bảo tồn một phần di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Hiện, dự án đã thu hút được thêm 7 người thợ thủ công người Tày, Nùng, Mông và Dao Tiền có tay nghề cao cùng tham gia.

Mỗi sản phẩm không chỉ đơn thuần là một món đồ thủ công mà còn là một câu chuyện về văn hóa, về mảnh đất và con người Cao Bằng

Trong tương lai, Xuân Quỳnh định hướng sẽ gắn dự án với hoạt động trải nghiệm cho đối tượng khách hàng quan tâm đến quy trình làm ra các sản phẩm thủ công; đào tạo nghề cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương; mở rộng quy mô sản xuất và đưa dự án “Sắc màu thổ cẩm miền non nước” vươn ra thị trường quốc tế. Chị cũng mong muốn hợp tác với các nhà thiết kế và doanh nghiệp để phát triển dòng sản phẩm quà lưu niệm bền vững, mang đặc trưng văn hóa dân tộc.

Sáng kiến đưa dự án “Sắc màu thổ cẩm miền non nước” vào thực tiễn, không chỉ là một bước tiến trong việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống theo định hướng của tỉnh Cao Bằng, gắn với Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Dự án còn mang đến những lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương. Với định hướng phát triển rõ ràng và những thành tựu đã đạt được, dự án hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào việc phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;