Kiên Giang: Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn

UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

 

Mục tiêu tổng quát là cơ cấu lại ngành du lịch Kiên Giang nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện của du lịch tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ. Kiên Giang phấn đấu là tỉnh trong nhóm có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và Phú Quốc thực sự trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch Kiên Giang cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2030, ngành Du lịch Kiên Giang đáp ứng các tiêu chí ngành kinh tế mũi nhọn và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang tính bền vững; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác liên quan.

Các nhiệm vụ của đề án, gồm: Cơ cấu lại thị trường khách du lịch; nâng tỷ trọng khách quốc tế trong tổng khách đến Kiên Giang, giảm sự chênh lệch với khách nội địa. Đến năm 2025, khách quốc tế chiếm 13% và phấn đấu đến năm 2030, chiếm 25%. Nâng cao tỷ lệ thị trường khách châu Âu; đưa thị trường khách Đông Nam Á thành thị trường trọng điểm; khai thác ổn định nguồn khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc; khai thác thị trường mới từ Ẩn Độ và Trung Đông. Phát triển các sản phẩm phù hợp như trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa; nghỉ dưỡng, du lịch biển; chăm sóc sức khỏe, mua sắm và vui chơi giải trí, đô thị. Nâng tỷ lệ khách nội địa đến 3 vùng du lịch trọng điểm (Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và phụ cận; U Minh Thượng và phụ cận), giảm chênh lệch với Phú Quốc. Đến năm 2025, đạt 47% và phấn đấu đến năm 2030, đạt 50% trong tổng khách nội địa đến Kiên Giang.

Cơ cấu lại sản phẩm du lịch. Củng cố các sản phẩm du lịch đặc thù hiện có. Tiếp tục hình thành 3 sản phẩm du lịch đặc thù, gồm: tham quan hệ sinh thái karst giao thoa biển và đồng bằng (Hà Tiên); tham quan nghiên cứu về bò biển (dugong), cá heo và đồi mồi trong môi trường tự nhiên (Phú Quốc); tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái tại rừng nhiệt đới trên đảo (Phú Quốc). Hình thành mới các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với cơ cấu lại thị trường khách du lịch và tạo bước đột phá cho du lịch Kiên Giang: Du lịch thiên nhiên gắn với Vườn Quốc gia Phú Quốc và Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, huyện Giang Thành; du lịch khám phá “thập cảnh" Hà Tiên; du lịch cộng đồng; du lịch trải nghiệm văn hóa “đất rừng phương Nam" gắn với Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Cơ cấu lại lao động du lịch. Tăng số lượng lao động du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của Kiên Giang. Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đạt 75% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Xây dựng đội ngũ lao động du lịch chất lượng cao, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch. Xác định 4 loại hình doanh nghiệp chủ lực làm nòng cốt gồm: lưu trú; ăn uống; vui chơi giải trí; mua sắm.

Cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Tiên và Rạch Giá như ưu đãi về đất đai, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối ngoại vùng; bảo tồn, khôi phục, phát huy, gia tăng số lượng và chất lượng tài nguyên tại các vùng du lịch; phổ cập quản lý điện tử đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, ứng dụng công nghệ GIS xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch toàn tỉnh…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Kiên Giang đón 12.100.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 1.573.000 lượt; tạo việc làm cho 38.600 lao động trực tiếp; tổng thu từ khách du lịch đạt 38.000 tỷ đồng, đóng góp trên 13% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, Kiên Giang đón 23.000.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5.750.000 lượt; tạo việc làm cho 65.500 lao động trực tiếp; tổng thu từ khách du lịch đạt 105.000 tỷ đồng, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh.

 

THẾ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

;