Đường về Tân Trào

Trong hành trình trở về Thủ đô kháng chiến, chúng tôi dừng chân ở khu di tích lịch sử Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Bước chân vào không gian quần thể di tích, tâm hồn mỗi người như cảm nhận được âm vang của những ngày tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vang vọng tiếng Bác Hồ ấm áp như lời của non sông, đất nước.

 

Dọc con đường vào khu di tích Tân Trào, những con suối chảy rì rào, những chiếc cọn nước như những bánh xe quay khổng lồ quay đều mang nước đến ruộng đồng, ven đồi. Những cụm chuối rừng mọc lên những bông hoa chuối đỏ tươi như đốm lửa tạo nên một bức tranh Việt Bắc thanh bình, yên ả. Xa xa là những đồi chè xanh thẳm thấp thoáng những bản làng bình yên của người đồng bào dân tộc Tày dưới chân núi gợi lên cảnh sắc của vùng quê cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chúng tôi đã được nghe, được học và nhắc đến địa danh lịch sử Tân Trào qua những trang sử, những bài thơ kháng chiến. Bởi vậy, khi bước chân vào cổng khu di tích, mọi người cảm thấy gần gũi và ấm áp vô cùng.

Nơi đây lưu giữ những di tích, những tư liệu lịch sử vô giá về Bác Hồ và Trung ương Đảng những ngày tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi địa danh, mỗi hình ảnh, con suối, cây rừng, ngôi nhà đều gắn với một sự kiện lịch sử, một câu chuyện về Bác Hồ và những người ưu tú của dân tộc đã chỉ ra đường lối kháng chiến đi đến thắng lợi.

Tân Trào là nơi Bác Hồ, chọn làm địa điểm để lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc. Vì thế, quần thể di tích lịch sử Tân Trào đã in sâu trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam, một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ hướng về.

 Đến Tân Trào, chúng tôi thấy thật tự hào trước những di tích đã và đang được bảo tồn. Đó là hình ảnh cây đa Tân Trào còn lưu giữ trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, nơi xuất quân của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào chiều ngày 16/8/1945. Bên cội đa cổ thụ, chúng tôi như lắng nghe được lời hiệu triệu đọc Quân lệnh số 1 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước giờ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô. 

Thấp thoáng sau những lùm cây xanh là mái đình Hồng Thái cổ kính. Ngôi đình được tạo dựng theo kiểu kiến trúc nhà sàn, một nét văn hoá cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày ở vùng đất này. Đình Hồng Thái cùng cây đa Tân Trào đã đi vào thơ Tố Hữu trong bài Việt Bắc: “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa”.

Những cột gỗ to, mái nhà lợp lá cọ gợi lên sắc màu bình dị, gần gũi. Ngôi đình là nơi đón tiếp đại biểu về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Ngôi đình còn là địa điểm ATK quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, mái đình Tân Trào lịch sử đã đưa chúng tôi trở về không khí sục sôi của những ngày tiền khởi nghĩa. Ngôi đình là địa điểm diễn ra Quốc dân Đại hội từ ngày 16-17/8/1945. Theo tư liệu lịch sử và lời kể của cán bộ khu di tích, sự kiện diễn ra ở đình Tân Trào mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Tại Đại hội, nhiều quyết sách của Bác Hồ và Trung ương Đảng đối với cách mạng Việt Nam đã được thống nhất và thông qua như chủ trương tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, quy định quốc kỳ của dân tộc Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca.

 Đặc biệt, tại đình Tân Trào, vào sáng ngày 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ trong lễ ra mắt Quốc dân. Đứng trước mái đình Tân Trào đã phủ màu thời gian, chúng tôi như nghe vang đâu đây lời hiệu triệu đoàn kết và thống nhất của muôn người trước giờ tổng khởi nghĩa, lắng đọng trong tâm hồn, tiếng nói Bác Hồ.

Sau khi thăm di tích các ngôi đình và cây đa Tân Trào, chúng tôi đến thăm lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và làm việc trong những ngày tháng tiền khởi nghĩa. Căn lán đơn sơ, mộc mạc, được làm theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc nơi đây, lán ẩn mình dưới tán cây xanh, xung quanh là tre trúc um tùm gợi lên khung cảnh tĩnh lặng, gần gũi mà thơ mộng.

Những cột gỗ vững chắc, vách đan bằng tre nứa đơn sơ, mái cọ trung du gần gũi đã che mưa, che nắng cho Bác Hồ những ngày Người về Tân Trào. Bên lán Nà Nưa, Bác Hồ đã soạn thảo những chỉ thị, kế hoạch quan trọng cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Sự giản dị mà vĩ đại là những điều mỗi người khi đến đây đều cảm nhận được, học được ở Bác Hồ.

Đến Tân Trào, trong lòng chúng tôi trào dâng niềm tự hào về Bác Hồ kính yêu, tự hào về nơi đây là quê hương cách mạng, Thủ đô kháng chiến. Dừng chân ở mỗi địa danh lịch sử, mỗi người đều cảm nhận còn đâu đây bóng hình của Bác. Tân Trào là “địa chỉ đỏ” để mỗi người dân Việt Nam hướng về để khắc ghi công ơn và lời dạy thiêng liêng của Người, để rèn tâm vững chí dựng xây đất nước.

Chia tay Tân Trào, trong tâm hồn chúng tôi như ngân vang mãi lời bài hát Việt Bắc nhớ Bác Hồ của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Hạnh phúc hôm nay, bản làng ơn nhớ Bác Hồ/Cả rừng núi cũng hát lên muôn ngàn lời ngợi ca”. 

 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

;