Quản lý và phát huy di sản văn hóa ruộng bậc thang ở Sa Pa, Lào Cai

Di sản văn hóa ruộng bậc thang Sa Pa được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích danh thắng quốc gia năm 2013, với diện tích 749 ha, thuộc 3 xã: Lao Chải, Tả Van và Hầu Thào, thị xã Sa Pa, Lào Cai. Ruộng bậc thang Sa Pa là sự kết hợp giữa đôi bàn tay khéo léo, tư duy khoa học cùng hệ thống các tri thức được tích lũy qua nhiều năm sinh sống của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là kết quả sáng tạo của các tộc người, thuộc loại hình canh tác độc đáo trong sự tồn tại và phát triển của nông nghiệp truyền thống, phù hợp với địa hình cư trú của các tộc người (Mông, Dao và Giáy) từ bao đời nay.

1. Giá trị di sản ruộng bậc thang Sa Pa

Phản ánh đặc trưng văn hóa các dân tộc Mông, Dao, Giáy

Ruộng bậc thang trong tiếng Mông gọi là láy đàn (làn - ruộng, đáy - bậc thang); tiếng Hà Nhì là sá đa tệ (sá - ruộng, đa tệ - bậc thang); tiếng Giáy gọi là tạp đàn (ná - ruộng, tạp đàn - bậc thang), tiếng Dao gọi là ghình tháy ka (ghình - ruộng, tháy ka - bậc thang) (1). Ruộng bậc thang là tên gọi nhằm chỉ loại hình canh tác lúa nước trên các thửa ruộng nhỏ, vắt ngang các ngọn đồi hình bát úp có độ dốc không quá lớn, hoặc dọc các thung lũng, rừng già, rừng nguyên sinh nơi có các nguồn nước dẫn về ruộng thuận lợi. Chủ nhân của ruộng bậc thang ở Sa Pa là những tộc người có vốn tri thức bản địa phong phú và đa dạng, họ còn có những khả năng về dự đoán thời tiết canh tác, thiên tai hay những kinh nghiệm khai khẩn ruộng bậc thang khác nhau. Tính đa dạng thể hiện ở mỗi tộc người tạo thành bản sắc văn hóa đặc trưng mang thương hiệu mỗi khi nhắc đến di sản văn hóa ruộng bậc thang Sa Pa.

Độc đáo khai khẩn ruộng bậc thang phải nhắc đến những công cụ được sản xuất từ nghề rèn lâu đời của người Mông ở Sa Pa. Nghề rèn ra đời gắn với quá trình thiên di thích ứng với môi trường sống định canh, định cư trên những vùng núi cao. Người Mông quan niệm trong canh tác nông nghiệp nếu không có con dao, cái cuốc, cái cày, cái bừa, liềm hái, xà beng tốt thì người Mông không thể canh tác ở những đỉnh núi cao nơi chỉ có gió, mây mù và sỏi đá. Trong khai khẩn ruộng bậc thang của người Mông rất đề cao kinh nghiệm thăm dò, khảo sát nguồn nước là yếu tố đầu tiên để mở ruộng. Nguồn nước được tìm thấy trên núi cao, theo hệ thống máng dẫn vào ruộng, máng dẫn làm từ thân cây vầu, cây cọ. “Khi mở một thửa ruộng như giữ bờ ruộng cho chắc, nước không thể “dột”; san đất cho bằng; xẻ bờ khi cong, khi thẳng nhưng phải thật chuẩn; chọn vị trí thông nước dích dắc   từ ruộng cao xuống ruộng thấp (nước nhỏ trổ lỗ thẳng, nước to trổ lỗ xen kẽ) để luôn giữ được nước trong mùa hạn nhưng không ngập úng, gây xói lở ruộng trong mùa mưa” (2).

Khác với người Mông, người Dao cư trú ở vùng núi có độ thấp hơn người Mông thì người Dao chọn những khu rừng có độ dốc vừa phải, ở độ cao không quá 80m. Kinh nghiệm chọn đất tốt là dùng mũi dao thọc xuống đất, rút lên thấy có đất dính ở đầu mũi dao là đất tốt, có đủ độ ẩm. Kinh nghiệm tìm nguồn nước của người Dao lần theo mạch nước vào mùa khô từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch. Người Dao thường dẫn nước bằng mương từ các khe nước, theo độ dốc của địa hình, dùng cuốc để tạo thành mương dẫn nước chảy về ruộng, mương nước đi qua, nếu gặp đá to dùng máng bắc nước chảy sang bên kia và tiếp tục dẫn bằng mương đất. Cách chia nước theo hình dích dắc được sử dụng phổ biến ở những khu canh tác ruộng bậc thang của người Dao, đầu này nước vào thì xả nước xuống ruộng dưới, ở đầu bờ bên kia khi nước đầy bằng mặt sẽ tràn xuống mảnh ruộng dưới một cách tự nhiên.

Đối với người Giáy có truyền thống canh tác lúa nước từ lâu đời, những tri thức bản địa được người Giáy áp dụng và tích lũy trở thành kho báu quý giá cho dân tộc mình. Nếu như người Mông dùng máng dẫn nước về ruộng, người Dao đào mương tạo rãnh để dẫn nước thì người Giáy ít dùng máng dẫn nước, chủ yếu đào mương, đắp đập giữ nước. Kinh nghiệm đối với những thửa ruộng trên cao, người Giáy dùng biện pháp đẩy khe mương đắp lên cao, cho nước tràn lên và đẩy về ruộng một cách dễ dàng. Ruộng bậc thang luôn giữ nước trong ruộng ở mức độ vừa phải. Khi bông lúa uốn câu thì đắp cửa lấy nước từ mương vào, tháo sạch nước trong ruộng ra cho lúa chín nhanh, chín đều và mặt ruộng khô, dễ thu hoạch (3).

Nhìn chung, mỗi phương pháp khai khẩn ruộng bậc thang khác nhau của mỗi tộc người nhưng đều phản ánh những giá trị, đặc trưng văn hóa trở thành những tri thức bản địa của cộng đồng người Mông, Dao, Giáy lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những giá trị ứng xử với môi trường, địa hình cư trú trong cộng đồng

Sa Pa có độ dốc địa hình rất lớn, trung bình trên 150, thấp nhất độ dốc cũng đạt tới 50. Ở Sa Pa có 4 loại đất chính: đất mùn núi cao, đất vàng đỏ, đất feralit hình thành trên đá, đất feralit hình thành trong quá trình canh tác lúa nước. Nhìn chung, đất dốc ở Sa Pa còn tốt, các tầng dày lớn, thành phần cơ giới nhẹ là chủ yếu nên phù hợp với nhiều loại cây trồng. Trong đó, phát triển phương thức canh tác ruộng bậc thang là một xu hướng hợp lý trong hệ thống canh tác nông nghiệp trên đất dốc. Khi nhắc đến địa hình cư trú, ông Lò Diếu Chỉn, thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải (Sa Pa) cho biết: Ngày xưa, vùng này không có người ở, bởi vù luồng theo tiếng người Dao có nghĩa là đỉnh rồng, núi cao chót vót, hoang dã và bí ẩn. Cụ tổ của dòng họ Lò là người đầu tiên dám xung phong lên đây “khai sơn phá thạch” để lập bản. Tính đến nay là đời thứ chín, lâu dần đọc chệch thành Vù Lùng Sung, có nghĩa là “thang mây”. Đứng ở nấc trên cùng của kỳ quan thang mây 121 bậc (khu ruộng bậc thang gồm 121 bậc của dòng họ Lò)... Ruộng bậc thang là cái “bồ thóc” không bao giờ vơi giống cái “niềng vàng” giữ chân đồng bào định canh định cư lâu nay (4).

Việc ứng xử với môi trường của cộng đồng người Dao, Giáy trong canh tác ruộng bậc thang được phản ánh qua những kinh nghiệm dân gian, dự đoán cải thiện môi trường ứng biến với các thiên tai, hạn hán trong năm. Trong công đoạn cấy lúa, dùng các dảnh mạ được cấy thẳng hàng, hàng nọ cách hàng kia khoảng 20 cm, khóm này cách khóm khác 15cm, mạ được cấy từ thửa ruộng thấp nhất lên thửa ruộng cao nhất, đó là kỹ thuật nhằm để tránh không cho đất màu bị trôi từ ruộng cao xuống ruộng thấp. Ruộng trước khi cấy được tháo cạn nước, sau khi cấy xong được đắp chặn cửa thoát nước để khi mưa xuống lại ngập ruộng, khoảng nửa tháng sau lại tháo nước, làm cỏ, sục bùn để cây lúa tăng trưởng nhanh. Đối với người Mông lại ứng biến với địa hình khi mở ruộng theo kinh nghiệm nếu đất bằng thì mở từ dưới lên, nhưng đối với vùng đất dốc có nhiều đá thì phải mở từ trên xuống để tránh những tảng đá to rơi từ trên xuống sẽ gây chết người hoặc phá nát ruộng.

Ruộng bậc thang xuất hiện, chấm dứt hình thức du canh du cư đối với đồng bào vùng cao ở Sa Pa, đời sống bà con được ổn định. Theo số liệu thống kê, toàn Sa Pa có tổng diện tích ruộng bậc thang chiếm 85% diện tích gieo trồng cây lương thực, làm ruộng bậc thang là tạo ra cơ sở và đối tượng sản xuất ổn định. Năng suất bình quân khi trồng lúa trên ruộng bậc thang cho thu hoạch từ 3,5 - 4tấn/ ha. Đặc điểm khác biệt giữa canh tác ruộng bậc thang trên vùng núi cao khác với canh tác ruộng nước ở vùng đồng bằng đó là chỉ cấy 1 vụ mùa/ năm, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, thời gian còn lại, đồng bào để ruộng ngâm nước chờ mùa vụ năm sau.

Hiện nay, đồng bào đã biết tận dụng thời gian và quỹ đất, trồng cây thâm canh tăng vụ, cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua khảo sát hộ gia đình ông Má A Sảng và bà Giàng Thị Pay xã Hầu Thào (Sa Pa) cho biết, gia đình ông nhiều năm nay đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ việc trồng lúa trên ruộng bậc thang chuyển sang trồng các loại cây hoa màu và cây dược liệu ngắn ngày cho năng suất chênh lệch so với việc trồng lúa: Kết quả cho thấy giá bán ra của dược liệu astiso cao hơn giá bán ra của lúa và rau cải bắp. Những năm gần đây nhiều hộ gia đình chuyển đổi diện tích trồng lúa để trồng cây dược liệu hoặc rau, vừa mang lại lợi nhuận cao hơn và không tốn thời gian, công chăm sóc so với việc trồng lúa trên ruộng bậc thang.

Những giá trị riêng biệt tạo thành “văn hóa ruộng bậc thang”

Trong quá trình khai khẩn ruộng bậc thang, đồng bào người Mông, Dao, Giáy từ bao đời đã biết thích nghi và ứng xử với môi trường tự nhiên khắc nghiệt ở vùng núi cao, từ đó hình thành các hình thức tín ngưỡng dân gian liên quan đến nông nghiệp được ra đời với mong muốn cải thiện môi trường tự nhiên và các vị thần cai quản phù hộ cho người yên, vật thịnh, mùa màng tươi tốt quanh năm. Phạm vi tổ chức của các nghi lễ trước đây có quy mô nhỏ, từng thôn bản hay một tộc người, nhưng giờ đây không gian tổ chức và phạm vi ảnh hưởng không còn bó hẹp mà nó là nghi lễ của cả một vùng, hoặc nhiều vùng có cùng chung một ước nguyện cầu cho mùa màng tươi tốt. Đầu năm vào tháng Giêng có nghi lễ cầu mùa Róng poọc của người Giáy; lễ hội Lồng tồng của người Tày; lễ hội Gầu tào; lễ cúng rừng cấm của người Mông; lễ Khoi kìm hoặc Síp miến của người Dao cùng thể hiện chung một ước vọng đó là cầu cho một mùa vụ mới được may mắn, bội thu. Trước khi tiến hành mùa vụ vào khoảng tháng 3 âm lịch thì có lễ cúng xin vị thần (thủ tỷ) phù hộ cho cây mạ giống được phát triển tốt tươi, không bị sâu bệnh, cầu cho cây lúa sau khi cấy phát triển tốt tươi cây to chắc hạt, mùa màng bội thu. Đến tháng 5 âm lịch, khi cây lúa phát triển thì có lễ cúng chữa bệnh cho cây lúa để cầu cho cây trồng phát triển, xua đuổi dịch bệnh, chim muông, thú rừng nhằm cầu mong cho cây trồng luôn tươi tốt. Đến tháng 6 âm lịch, vào những ngày khô hạn kéo dài thì diễn ra lễ cúng giải hạn để cầu cho nắng bớt rát, mưa mát ruộng nương, cây cối sinh sôi phát triển. Đến tháng 8 âm lịch là thời gian chuẩn bị mùa thu hoạch, các gia đình chọn một ngày đẹp, cùng cử người ra ruộng cắt những bông lúa đẹp nhất, to nhất về phơi, sấy và giã thành gạo thổi cơm cúng tạ ơn tổ tiên đã giúp đỡ gia đình có mùa vụ bội thu. Đây là nghi lễ độc đáo xin tổ tiên được rước hồn mẹ lúa về kho để chờ đến mùa vụ sau bắt đầu gieo trồng.

Ruộng bậc thang Sa Pa phản ánh những giá trị ứng xử với môi trường,

địa bàn cư trú - Ảnh: Thanh Hà

Ruộng bậc thang không chỉ giải quyết các yếu tố về vật chất mà còn là nơi đáp ứng các yếu tố về tinh thần cho đồng bào nơi đây. Lễ hội được tổ chức ngay tại cánh đồng, trên thửa ruộng bậc thang gắn với các trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, kéo co, đi cà kheo, đánh én… Trong quá trình canh tác ruộng bậc thang, đồng bào nơi đây còn có khả năng sáng tạo những câu ca dao, tục ngữ, câu đối hài hước, đậm chất dân gian trong quá trình lao động sản xuất: Không già không trẻ ngồi trên nước/ Đội nón mồ hôi chảy ròng ròng (Cái chõ xôi) (5).

 Đây chính là sân chơi lành mạnh và thể hiện văn hóa ứng xử với đất, với nguồn nước, với mặt trời trong các tín ngưỡng, tạo sự thân thiện và gắn bó với môi trường, trở thành nét đẹp “văn hóa ruộng bậc thang”.

Ruộng bậc thang và sự sáng tạo nên những tài nguyên văn hóa du lịch nổi tiếng

Cộng đồng các dân tộc ở Sa Pa đã sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Trung Chải, Tả Phìn, Bản Hồ, Nậm Cang, Tả Van, Nậm Sài, Thanh Kim... Những thửa ruộng bậc thang mang nhiều tri thức dân gian đạt đến đỉnh cao của “nghệ thuật” canh tác lúa nước trên những sườn núi dốc. Chính vì thế, ruộng bậc thang Sa Pa đã trở thành di sản của nhân loại, ẩn chứa nhiều điều thú vị mà du khách luôn muốn trải nghiệm và khám phá.

Năm 2009, Tạp chí Travel and Leisure (Mỹ) đã công bố 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới, trong đó có ruộng bậc thang ở Sa Pa. Mô tả về ruộng bậc thang Trung Chải, Tạp chí Travel and Leisure viết: “Với cảnh quan tuyệt vời trông giống như chiếc thang leo lên bầu trời của những thửa ruộng bậc thang, Sa Pa đã trở thành một trong những điểm thu hút du khách của Việt Nam”. Năm 2019, nhằm tôn vinh phong cảnh của danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa và đỉnh Fansipan huyền thoại, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa tổ chức Cuộc thi ảnh với chủ đề “Mùa vàng trên danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa và đỉnh Fansipan”. Kết quả cuộc thi đã nhận được hơn 2.000 bức ảnh của các nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trong cả nước tham gia.

Với phương châm, biến di sản thành tài sản, tỉnh Lào Cai tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, bảo tồn lễ hội của các dân tộc trong đó có lễ hội liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp như lễ hội Roóng pọoc của người Giáy, lễ hội Cúng rừng của người Dao, lễ hội Gầu tào của người Mông các lễ hội đó được bảo tồn và phục dựng, phục vụ hoạt động du lịch, tạo việc làm tăng thu nhập cho đồng bào nơi đây. Phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại nhiều khởi sắc cho đồng bào định cư ở vùng ruộng bậc thang. Bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Cụm lưu trú tại nhà dân (homestay) Tả Van của người Giáy là một trong 05 cụm homestay của Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN. Hiện ở bản Tả Van có khoảng 140 hộ dân sinh sống, thì có hơn 40 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng, mỗi nhà có sức chứa từ 10 đến 20 người. Trung bình vào mùa cao điểm, mỗi ngày phục vụ từ 300 đến 400 khách du lịch trong và ngoài nước. Giá lưu trú một đêm dao động từ 100 đến 150 nghìn đồng, tùy hạng phòng. Ngoài lưu trú qua đêm, du khách được thưởng thức nét đặc sắc của ẩm thực dân tộc bản địa và các tiết mục văn nghệ dân gian như múa quạt, hát ống, hát dân ca…

Tính đến nay, toàn thị xã Sa Pa có gần 200 cơ sở homestay, tập trung ở các xã Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ, Tả Phìn đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Du khách nước ngoài tham quan khu sản xuất nông nghiệp ruộng bậc thang, thắng cảnh ruộng bậc thang, hoặc điểm làm nghề thủ công truyền thống dệt sợi lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong trên thổ cẩm. Tại đây, đến mùa nước đổ tháng 3 đến tháng 9 mùa vàng (âm lịch), du khách được trải nghiệm cảm giác làm người “nông dân thực thụ”.

2. Thực trạng công tác quản lý di sản văn hóa ruộng bậc thang Sa Pa

Quá trình phát triển kinh tế, du lịch, đô thị hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và bảo tồn di tích ruộng bậc thang ở Sa Pa. Tình trạng lấn chiếm đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II đối với di tích diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Nhiều hộ dân tự ý tranh giành nhận đất trong khu di tích, khu vực đã được quy hoạch ở các xã Tả Van, Hầu Thào, Lao Chải, để san gạt, dựng nhà trái phép, dựng homestay để phục vụ du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại thôn bản.

Qua khảo sát của Ban kiểm tra liên ngành theo quyết định số 1212/QD-UBND tỉnh Lào Cai ngày 5-6-2017 cho thấy: các nhà mới được xây dựng đều nằm dọc hai bên đường liên thôn của các xã và khu vực đã có nhà dân ở từ trước (ruộng nằm trong khu dân cư). Một số nhà và nền đã san gạt trên diện tích đang canh tác ruộng bậc thang. Một số dự án lớn chiếm hết quỹ đất, một số xã không có quỹ đất lập quy hoạch nơi ở cho người dân. UBND các xã đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định đình chỉ một số hộ gia đình và xử phạt hành chính, nhưng vẫn còn một số hộ gia đình vẫn chưa thực hiện việc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép này.

Ngoài ra, Sa Pa còn chịu sự tác động của các dự án thủy điện với mật độ dày, tính đến năm 2019 trên địa bàn có tới 20 công trình thủy điện, công suất khoảng 200MW. Với mật độ dày như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan môi trường ruộng bậc thang. Lượng khách đến tham quan và lưu trú tại các điểm du lịch có ruộng bậc thang như xã Tả Van, Bản Hồ giảm mạnh.

Trong khi đó, nhận thức của người dân chưa thực sự đầy đủ về những thông tin liên quan đến di tích, khu vực cần được kiểm soát và bảo vệ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Luật Di sản văn hóa. Dân số và nhà ở là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhu cầu mở ruộng, khai ấp nên nhiều gia đình đông con, khi xây dựng gia đình, có nhu cầu tách hộ, trong khi đó đất ở không còn nhiều nên các hộ đã tự ý san gạt đất ruộng do chính mình khai phá, canh tác lâu năm để làm nhà ở.

Do sự phát triển ồ ạt của du lịch cộng đồng, nhiều hộ dân, tư nhân thậm chí cả doanh nghiệp từ nơi khác đến thuê đất dựng nhà để kinh doanh, cơi nới làm nhà ở. Chính quyền đã áp dụng những biện pháp chế tài xử phạt, bắt buộc tháo dỡ, nhưng nhiều hộ gia đình, nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những công trình mới. Ngành Du lịch phát triển, các hộ gia đình người Dao, Mông, Giáy bỏ làm ruộng để đi làm thuê các dịch vụ ở nhà hàng, khách sạn có thu nhập cao hơn so với việc canh tác trên ruộng bậc thang, từ đó dẫn đến tình trạng bỏ ruộng hoặc cho thuê đất kinh doanh.

Việc tuyên truyền của các cấp chính quyền đến các hộ dân chưa được triển khai rõ ràng và cụ thể, đa số các hộ gia đình canh tác và làm nhà trên ruộng bậc thang là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện mua đất làm nhà, đều phải chung sống dưới một mái nhà có nhiều thế hệ. Chính quyền chưa có cơ chế đặc thù cho người dân có đất ruộng nằm trong khu vực có di tích.

3. Cách nào quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa ruộng bậc thang Sa Pa?

Thứ nhất, quy hoạch rừng để bảo vệ ruộng bậc thang. Với địa hình ở Sa Pa chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, lượng mưa tập trung, tỷ lệ che phủ rừng thấp, gây ra hiện tượng xói mòn, rửa trôi, dẫn đến sự bạc màu của đất. Quy hoạch và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và thiết kế một hệ thống canh tác hợp lý lâu bền trên đất dốc là vấn đề vô cùng quan trọng nhằm làm giảm xói mòn của đất, đảm bảo năng suất cây trồng. Trong đó, phát triển phương thức canh tác ruộng bậc thang là một xu hướng hợp lý trong hệ thống canh tác nông nghiệp trên đất dốc, cải thiện môi trường cũng như thuận lợi cho việc giữ và điều tiết nước, thuận tiện cho việc làm thủy lợi phục vụ cho canh tác ruộng bậc thang về lâu dài.

Thứ hai, phân cấp quản lý phù hợp để giải quyết những vấn đề tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý. Đối với cấp tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND thị xã Sa Pa xử lý nghiêm những hành vi lấn chiếm, sử dụng đất trong khu vực đã khoanh vùng bảo vệ di tích; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình canh tác trên diện tích ruộng bậc thang để cho người dân thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo vệ di tích ruộng bậc thang. Giao UBND thị xã Sa Pa ban hành quy chế quản lý đối với di tích ruộng bậc thang. Đối với cấp thị xã, cần chỉ đạo các phòng chức năng chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo Luật Di sản văn hóa. Các phòng, ban chức năng của thị xã tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn không để người dân tiếp tục xâm canh trái phép trên khu vực đã khoanh vùng cắm mốc. Ban quản lý di tích thị xã Sa Pa cần xây dựng bảng, biển chỉ dẫn, biển giới thiệu khoanh vùng di tích ruộng bậc thang tại các vị trí trung tâm, khu đông dân cư, nơi có nhiều khách du lịch tại các xã có vùng ruộng bậc thang.

Thứ ba, quản lý và phát huy giá trị di sản ruộng bậc thang trước những tác động của thủy điện và du lịch. Theo đó, cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững trên các phương diện môi trường - môi sinh, kinh tế, xã hội và chính trị để bảo vệ hệ sinh thái. Ruộng bậc thang ở Sa Pa như là một yếu tố cốt lõi, cơ bản sẽ tham gia vào quá trình phát triển bền vững này.

Thứ tư, xây dựng các sản phẩm du lịch ruộng bậc thang dưới nhiều hình thức: du lịch trải nghiệm ruộng bậc thang dưới nhiều hình thức trải nghiệm theo lịch nông vụ, từ khâu làm đất, cày bừa, xới cỏ đến khi thu hoạch. Xây dựng tour khám phá ruộng bậc thang nhằm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước; tổ chức các cuộc thi viết, phim ảnh… ghi lại khoảnh khắc đẹp về ruộng bậc thang. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, tuyên truyền rộng rãi những cuộc thi ảnh đẹp ở nhiều chủ đề khác nhau như mùa vàng, mùa nước đổ, lúa thời con gái... Ưu tiên phát triển loại hình homestay tại các bản làng du lịch cộng đồng đạt chuẩn để du khách có thể trải nghiệm những dịch vụ nghỉ dưỡng, thưởng thức văn hóa ẩm thực và sinh hoạt trong cộng đồng người Dao, Mông, Giáy trên địa bàn Sa Pa.

Thứ năm, quảng bá, xây dựng kế hoạch truyền thông trên các trang web thông tin về du lịch, phối hợp, xây dựng các tuyến điểm, hỗ trợ tư vấn tham quan, nghỉ dưỡng trên các phương tiện cơ quan truyền thông của tỉnh Lào Cai, Trung ương để quảng bá phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ruộng bậc thang Sa Pa.

______________

1. Lý lịch khoa học, Lý lịch Di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Phòng Quản lý di sản - Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, 2013.

2, 4. tuoitre.vn

3. Lý lịch khoa học, Lý lịch Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Phòng Quản lý di sản - SởVHTTDL tỉnh Lào Cai, 2013.

5. Trần Hữu Sơn, Tục ngữ, câu đối dân tộc Dao, Nxb Văn hóa dân tộc, 1999.

Tác giả: Bùi Thị Giang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

;