Không gian và cơ chế mới với truyền thông thị giác

Ngày nay, sự chuyển đổi sang thời đại kỹ thuật số lại một lần nữa nâng tầm quan trọng của phương thức giao tiếp thị giác từ không gian thực tới thực tế ảo của mạng trực tuyến. Khoảng những năm 2000, tiếp cận tạo hình của thiết kế đồ họa là giao tiếp trực quan, từ sau 2010 là giao tiếp xã hội, đáp ứng mọi ý tưởng truyền thông mới và khác... trong hình thức biểu đạt tạo hình cô đọng dễ hiểu, năng động, chuyển hóa linh hoạt dấu hiệu hình dạng (plakatstil), kế thừa các giá trị sáng tạo từ quá khứ. Năm 1920 được hồi nhắc thành một khái niệm thiết kế giao tiếp trực quan, các giải pháp tối giản (minimalism), nghệ thuật chuyển động (movenent), nghệ thuật thị giác (op art) của những năm 1960, được tái hiện mạnh mẽ và sáng tạo trong vỏ bọc của nghệ thuật đại chúng.

Còn giải pháp tối giản linh hoạt lại là cách thức phù hợp để tạo thông điệp thị giác trong cơ chế nhìn nhanh nhạy và nhiều chiều. Phương tiện và cơ chế truyền thông thị giác truyền thống dần bị thu hẹp, sản phẩm đồ họa không còn bó cứng trên mặt phẳng in ấn mà mở rộng vào không gian giả lập 3 chiều dạng đồ họa mở hay kỹ thuật số với tần suất cực lớn. Đồ họa ứng dụng không chỉ đáp ứng cho kinh tế thị trường đã trở thành ngành dịch vụ bao phủ mọi lĩnh vực cho tới từng cá thể.

1. Không gian và cơ chế nhìn mới với truyền thông thị giác

Cơ chế nhìn giao tiếp từ không gian mạng kỹ thuật số cùng phương tiện kỹ thuật mới đã tác động tới phương thức sáng tạo khoáng đạt, thị hiếu thẩm mỹ đa dạng hơn, các xu hướng nghệ thuật nổi lên và chìm xuống theo con sóng truyền thông được điều tiết bởi kinh tế thương mại toàn cầu và trào lưu tâm lý xã hội. Các dự án nghệ thuật thường gắn với các địa chỉ ứng dụng cụ thể, vận hành trong không gian, thời gian nhất định, mà giới sáng tạo nghệ thuật cần thích nghi với những điều kiện khách quan không gian đã có, điều chỉnh mục đích sáng tạo phù hợp với cơ chế không gian giao tiếp đại chúng. Với quan điểm tạo hình thị giác hiện đại ngày nay và cách thể hiện tác phẩm không chỉ dừng lại ở thao tác “vẽ tay” mà chuyển sang cách thức thoáng rộng mở hơn không phải “vẽ tranh” mà là “làm tranh” (1).

Quan điểm “làm tranh” hàm ý về phương cách, quy trình cho ý tưởng sáng tạo thẩm mỹ đồ họa mở, được nghiên cứu áp dụng phổ biến trong giảng dạy nghệ thuật thị giác, hình thành tư duy đặc thù cho sinh viên tại các nước trên thế giới, được các nhà chuyên môn phân loại hình vẽ: “hình vẽ đúng” và “hình vẽ thông minh”, nghĩa là không chỉ đáp ứng sự nhìn thuần túy mà hình sắc cần dẫn hướng đến những khái niệm ứng dụng. Mọi thứ đều chuyển vận nhanh chóng trong thế giới ngày nay, đặc biệt là ý tưởng. Nghiên cứu nghệ thuật cũng không nằm ngoài quy trình ấy.

2. Cơ chế nhìn mới với phương thức truyền thông thị giác

Đồ họa mở - cơ chế nhìn mới

Tiếp cận phương thức tạo hình truyền thông thực tế tại khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã trở thành một phần trong đời sống hiện đại, hình thức biểu đạt phát triển rất đa dạng, nhưng đều hướng đến hiệu quả cô đọng thông tin từ thông điệp tạo hình, nhờ tập hợp tổ chức đặc trưng hóa dấu hiệu, ký hiệu, hình ảnh để ám chỉ, ẩn dụ hình, ý. GS Tâm lý học tạo hình (Pháp) Renes Huyghe cho rằng: “Chúng ta chỉ biết hai thực tại, một ở chung quanh ta và một ở bên trong ta. Thực tại thứ nhất là vũ trụ; thực tại thứ hai là cuộc sống nội tâm. Truyền thông từ thực tại thứ nhất tới thực tại thứ hai được thực hiện thông qua các giác quan, trong các thông điệp mà chúng ta ghi nhận, còn truyền thông từ thực tại thứ hai tới thứ nhất thì được thực hiện nhờ hành động” (2).

Về phương pháp luận design, tri thức nghệ thuật được hệ thống hóa nhờ phân tích thấu đáo tâm lý sáng tạo, xu hướng mục đích và tác động của nó vào cái nhìn thẩm mỹ của con người, bởi ẩn dưới mọi đặc điểm hình thức nghệ thuật nào cũng có bóng dáng của logic khoa học. Trong lời tựa về sự ra đời của môn Khoa học về nghệ thuật (Kunstwissenschaft) đề cập vai trò của khoa học với phát triển nghệ thuật, khi tham chiếu, đúc kết từ nhiều góc nhìn về sáng tạo và đào tạo nghệ thuật, Dessoir và Utitz (Đức) đã viết: “chủ yếu đưa đến việc nghiên cứu “Phong cách”, đặc điểm hóa quá trình biến động của hình theo từng thế kỷ và từng nước... đã chi phối mọi nỗ lực tìm kiếm những nhịp điệu nối tiếp nhau của nghệ thuật” (3). Điều đó là thiết yếu để tạo nền tảng cho nhận thức, phương pháp nghiên cứu và giá trị nghệ thuật mới.

Các xu hướng nghệ thuật thị giác TK XX đều tìm kiếm hiệu quả hình thức mạnh, bằng phương cách nén thông tin trong biểu tượng hình ảnh cô đọng, phân giải từng lớp vào ứng dụng cụ thể (đặc thù), tương đồng với lược giản của nghệ thuật Á Đông, đặc biệt với Thiền họa Zenga, là lấy cái tối giản để biểu lộ cái vận động bất tuyệt. Gestalt, lý thuyết khoa học dành cho design khẳng định vai trò mạnh mẽ khi chỉ ra phương pháp tạo nên tính thống nhất trong một hình thức tổng thể. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu tâm lý học người Đức cũng cho rằng: “Con người vốn có hai động lực tự nhiên, một là động lực cảm xúc và hai là động lực hình dạng. Hình dạng Gestalt là cái bản chất thẩm mỹ của sự vật, với các mô thức: “rõ ràng; gần nhau; tương tự; gắn kết; đóng kín; đối xứng; liên tục; cùng xuất hiện; quen thuộc; tổ hợp hình tốt” (4). Các mô thức của lý thuyết này, tùy vào mục đích thiết kế hình mà vận dụng thích hợp cho từng lĩnh vực thị giác đặc thù cụ thể của nó.

Trước hết, cần giải quyết các vấn đề tạo hình gồm hai phương diện của hành động sáng tạo, hai phương diện này luôn gắn bó với nhau, hoạt động cùng một hướng dưới một tập hợp đặc biệt của một trạng thái ý thức đó là: phương diện tạo hình là việc dựng hình theo hai hoặc ba chiều cho những vật liệu nào đó; phương diện diễn đạt là việc khám phá ra, trong và thông qua quá trình dựng hình xây dựng những hình thể với các ý tưởng và cảm xúc về không gian cụ thể.

Về nhận thức luận nghệ thuật

Theo quan điểm của họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân, tác phẩm nghệ thuật được công bố sẽ trở thành một đối tượng độc lập và đơn thuần là một vật tạo tác của thế giới nhân tạo, nó làm giàu thế giới vật lý nhân tạo cũng như thế giới tinh thần và tính độc lập ấy khiến nghệ thuật trở nên đặc biệt và hấp dẫn. Cái nhân tạo ấy, tạo tác ra sự vật, hiện tượng, trạng thái... hành động, ẩn trong nó bao gồm những ý tưởng (idea), biểu tượng (symbol) thể hiện ngữ nghĩa của chúng.

3. Khởi đầu của nhận thức nghệ thuật

Tác phẩm Nhìn - thấy - yêu - hiểu của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đã nêu ra một quá trình về nhận thức nghệ thuật, nhưng giá trị lý luận về khoa học nghệ thuật thị giác lớn hơn rất nhiều so với thực tiễn, được tác giả diễn đạt từ lý thuyết tới các tình huống ứng dụng thực tiễn và mở đường cho việc tiếp cận nghệ thuật với thế giới design đương đại.

Nhìn là bước đầu tiên của nhận thức thị giác, là hạ tầng cho sự thể hiện và truyền tin của ngôn ngữ thị giác.... Thấy là có sự tham gia của tâm lý thị giác; nhận diện, mô tả, so sánh, đánh giá, phán xét và tưởng tượng. Đi vào bộ nhớ mang hàm lượng thông tin. Sự thấy được quy định và vận hành bởi vô số các cơ chế nhận thức nhất định và biến cố ngẫu nhiên, cộng hưởng với trực giác, đó là yếu tố định hướng nhận thức. Yêu là hoạt động tâm lý cốt lõi, chính yếu và phổ quát của con người... cảm xúc phức tạp, tinh tế, đa dạng xuất phát từ bản năng định hướng... một chất hữu cơ dẫn truyền của nhận thức, thẩm thấu nghệ thuật. Hiểu là không thể tắt kênh tư duy lý trí trong mọi hành động nhận thức thẩm mỹ... vật chất và tinh thần làm xuất phát điểm cho sự hiểu nghệ thuật, dùng ngôn ngữ và logic biểu đạt để mô tả về luận giải những thành phần, cấu trúc của nghệ thuật (5).

Tư duy thiết kế ứng dụng được thẩm thấu từ kỹ năng thực hành nghiên cứu đặc thù, đó là cách thức, phương pháp vận dụng ngôn ngữ sáng tạo phù hợp cho thiết kế xây dựng hiệu ứng, bằng quy trình và nguyên lý biểu đạt chấm nét mảng màu sắc qua vẽ tay, làm tranh, máy tính, in ấn.

Định hướng và phương pháp giảng dạy bộ môn Mỹ thuật dựa vào quan điểm của thị giác Art & Design với logic khoa học hiện đại, có tính kế thừa thẩm mỹ nhân văn và nền tảng công nghệ số, cùng thực tiễn phát triển và giảng dạy đồ họa ứng dụng để xây dựng nội dung cơ bản cho ngành học Thiết kế đồ họa. Định hướng nghiên cứu của môn học Vật liệu và Công nghệ in là: thực hành nghiên cứu thực tế trực quan gắn bó với vận dụng nguyên lý thiết kế chế bản; tiếp cận tạo hình (có yếu tố suy tưởng) vào tình huống thực tiễn với đề tài bằng giải pháp phân tích, quy giản. Giúp người học giải thích bản chất sự vật hiện tượng từ khái niệm, thuật ngữ mỹ thuật liên hệ với thực tế thiết kế đồ họa.

Trong quá trình thẩm thấu đặc thù kiến thức, cần làm rõ đối tượng và đối vật nghiên cứu trong hệ thống các vấn đề liên quan đến môn Vật liệu và Công nghệ in. Khu biệt ngôn ngữ biểu đạt đồ họa bằng quan hệ tương hỗ và kỹ năng lượng hóa trong tổ chức mật độ điểm biến độ nét thông số sắc độ đậm nhạt.

Phương diện nghệ thuật

Trong tác phẩm nghệ thuật thị giác và những vấn đề cơ bản, họa sĩ Huỳnh Văn Mười đã tổng hợp, phân loại rất cụ thể và khoa học ở từng nhóm vấn đề của nghệ thuật thị giác như các yếu tố thị giác, nguyên lý thị giác, tư duy thị giác, bố cục thị giác. Sự hiện hữu các yếu tố này luôn đồng hành cùng quá trình sáng tạo trong không gian 2D và 3D của nghệ thuật thị giác và thiết kế đồ họa hiện đại. Kiến giải các khái niệm về tư duy ngôn ngữ tạo hình căn bản và xu hướng tái sinh nghệ thuật; đồng thời, là một cẩm nang có giá trị hệ thống hóa kiến thức trong đào tạo nghệ thuật, thúc đẩy nhận thức tích cực cho sinh viên trong quá trình học và tự học nghệ thuật. Đó là khả năng thấy (hiểu) thông qua nhận thức. Anh nhìn cái mà tôi nhìn, nhưng anh không thấy cái mà tôi thấy.

Họa sĩ Granham Collier, nhà nghiên cứu và giáo dục nghệ thuật người Anh, trong cuốn Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo (Trịnh Lữ dịch) đề cập đến cảm thức sáng tạo hình sắc làm nên văn hóa thị giác, là tổng hòa các tri thức được đặc thù hóa bằng cách nhìn và ứng xử với ngôn ngữ tạo hình.

Granham Collier đã cho thấy cái hình của nghệ thuật khác với cái hình trong tự nhiên, không phải là sự cố gắng sao chép theo mẫu mà là quá trình biến hình thông qua tri giác và cảm xúc: “Hiện tượng biến hình sáng tạo hoặc tưởng tượng vẫn là chủ thể thường trực của chúng ta” (6). Tác giả đã phân loại 5 dạng biến hình cơ bản: biến hình đồ họa, biến hình nhận thức, biến hình cấu trúc, biến hình biểu hiện, biến hình biểu tượng. Trong đó, biến hình đồ họa được đưa lên hàng đầu vì nó phản ánh trung thực hiện tượng của thế giới khách quan, quá trình đồ họa đã chứa đựng một biến hình cơ bản mà không người nghệ sĩ nào né tránh được. Khi tái tạo ngoại vật bằng đường nét và sắc độ màu, phân tích về cách nhìn, trong đó đề cập tới cảm giác về khối có khối lượng và trọng lượng bằng cách áp đặt một phân định của đường nét cho hình theo dạng bao quanh một hình khối, hoặc bề mặt của vật thể thay đổi theo chiều hướng trong không gian, hoặc cách dùng ranh giới rõ rệt của sáng và tối được diễn dịch một cách đồ họa bằng đường nét, tương phản đậm nhạt. Và khái niệm về biến hình đồ họa được cho là khi vẽ, đường nét và sáng tối trở thành ẩn dụ tạo hình cho các ấn tượng thị giác của chúng ta về ngoại vật có thật, và hình ảnh chúng ta tạo ra tất yếu chỉ là một biến hình đồ họa của hiện thực mà thôi. Biến hình đồ họa là chung nhất cho tất cả hình vẽ trên mặt phẳng hai chiều (7).

Xét ở mức độ hẹp của chuyên ngành đồ họa, bởi dạng biến hình còn lại được vận dụng ở mức độ khác nhau như những yếu tố cần có, nhằm làm rõ những đặc trưng của đối tượng biểu đạt. Biến hình nhận thức nhằm tổng hợp được những ấn tượng khái quát ấy thành hình ảnh để ghi vào tâm trí với đủ mọi đặc điểm của nó. Biến hình cấu trúc là rút tỉa mọi sự vật về hình dạng cốt lõi của chúng, bằng việc điều chỉnh các quan hệ tỉ lệ, thanh lọc giữa các vùng cấu trúc chính, tạo sự nhịp nhàng trong liên kết hóa thành những mảng hình cô đọng đơn giản. Họa sĩ Piet Mondrian (người Hà Lan) có tác động mạnh mẽ tới các trào lưu thiết kế mỹ thuật ứng dụng hiện đại, từng cấu trúc hình nét đến độ tinh giản không thể thêm bớt trong tác phẩm của mình. Sự tương tác của biến hình biểu hiện giữ vai trò duy trì cảm giác về trạng thái, kích thích sáng tạo và biến hình biểu tượng như một sắc thái đặc biệt gợi liên tưởng quen thuộc, xa xăm.

Những yếu tố biến hình thường gắn kết với sắc trạng của màu liên quan đến chủ đề để tạo nên ý nghĩa. Ở góc độ đào tạo, việc hình thành tư duy thiết kế trong môn học Vật liệu và Công nghệ in cho sinh viên là quá trình ghép hợp kiến thức cũng như kỹ năng rút tỉa và cô đọng hình màu phù hợp với nguyên lý kỹ thuật, sát với nội dung biểu đạt đồ họa cụ thể. Tiệm cận tới truyền đạt một thông điệp thị giác với chức năng biểu hiện và biểu tượng của màu nhằm kích hoạt những cảm giác cụ thể thông thường.

Trong việc vận dụng chấm, nét, mảng cần thấu hiểu tri thức tạo hình bằng nhận thức khoa học được kế thừa nhiều thành tựu và được phân loại như: sự lắng đọng (depostion) chứa đựng giá trị nghệ thuật và sử liệu, làm nền tảng của nhận thức về nghệ thuật. Để triển khai ý tưởng thông qua các phương pháp, phương tiện biểu hiện, được định danh là: dạng thức (styles) về đại thể, căn cứ vào hình thức có thể chia thành các loại hệ là: hệ hội họa, hệ ấn loát, hệ cắt dán, hệ nhiếp ảnh, hệ máy tính.

Từ đó, đồ họa ứng dụng có mối quan hệ chặt chẽ với hệ in ấn, nhiếp ảnh, máy tính. Bởi nguyên lý ô lưới là đặc điểm kỹ thuật của đồ họa máy tính nhằm xác định điểm nét tạo ra tính muôn vẻ của hình sắc đó được vận dụng bằng các hình thức tạo hình như: tượng trưng (symbolism), phỏng ảnh (silhouette), ảo giác (illusionism), chuyển đổi (transposition), biến dạng (transfiguration), ý tưởng (presentative image). Các hình thức này, được họa sĩ đồ họa hiện đại sử dụng rất hiệu quả để biểu đạt ý tưởng trong tác phẩm của mình. Giá trị thẩm mỹ từ ngôn ngữ của đường nét (line), vẽ chấm (stippling) hình thành thông qua trực quan tưởng tượng và sáng tạo được thiết lập bởi mối tương hỗ (the reciprocal) mật độ, biên độ, tổ hợp.

Thiết lập tương phản (ambiv alence) với khái niệm: “Hình thức tương phản mạnh có thể bức xạ một cách rõ ràng và mạnh mẽ tác động lên tâm lý và cảm xúc. Được chia thành: Tương phản ánh sáng bao gồm: sáng tối, đen trắng, màu sắc; Tương phản trạng thái bao gồm: động tĩnh, hư thực; Tương phản thể dạng bao gồm diện tích, chất liệu. Tương phản kiểu dạng bao gồm: mới, cũ và được tổ hợp trong những hình thức khác nhau” (8). Kỹ năng lượng hóa (quantification) điểm mật độ màu, phân tích tạo tương quan cường độ màu, trong môi trường trắng nền giấy làm cơ sở điều tiết độ sáng (brightness), để nhận biết hình dạng màu sắc chi tiết, tương quan vật thể với không gian được khái quát thành đường bao, những nguyên lý này là cốt lõi trong chuyển tải nội dung hình ảnh đồ họa.

Phương diện kỹ thuật, công nghệ

Ngôn ngữ biểu đạt của thiết kế đồ họa phát triển như ngày nay nhờ cú hích mạnh từ nhiều phát minh khoa học và kỹ thuật in ấn, dung hợp với nhiều hệ ngôn ngữ nghệ thuật trong môi trường đồ họa máy tính với phần mềm thiết kế 2D và 3D. Tuy nhiên, khi vận dụng các nguyên lý thuần kỹ thuật, cần chọn lọc những nhân tố tương đồng với ngôn ngữ tạo hình, thúc đẩy cho đặc trưng đồ họa. Thông qua phương pháp thể nghiệm, thực nghiệm, yếu tố tạo hình và nguyên lý kỹ thuật sẽ giao thoa kích ứng sáng tạo mà không sa vào cảm tính. Hơn hết trong thời đại công nghệ 4.0, rất cần nhận thức có chiều sâu lý tính, để nguyên lý khoa học làm cơ sở tham chiếu cho nghiên cứu, đào tạo nghệ thuật ứng dụng đi vào chiều sâu.

Ngôn ngữ biểu đạt đồ họa thông qua phương diện kỹ thuật cần xét đến các nguyên lý cơ bản tạo hình bằng vectorbimap từ công nghệ số hóa in ấn. Kiến thức về kỹ thuật liên quan mật thiết với chức năng của từng dạng cơ cấu lưới thiết kế, tạo ra định dạng cho sản phẩm đồ họa. Cơ cấu lưới nhằm tổ chức không gian, kiểm soát, cân bằng các mối quan hệ tạo hình năng động trong một trật tự thống nhất, cho thông tin sáng rõ và dòng chảy thị giác xuyên suốt.

Tất cả các thành phần cấu tạo nên một trang điện tử như chữ, số, ảnh bimapvector... đều được mô tả bằng các mã của ngôn ngữ t’ram, được gọi là phần tử in, vì phần tử in là điểm in (dot) được xác định và quy đổi từng điểm ảnh Pixel bằng chỉ thị và thông số chính xác. Về nguyên tắc các phần tử được tổ chức theo các dạng cơ cấu khác nhau sẽ cho hiệu ứng hình ảnh khác nhau, nhưng chúng đều dựa trên nguyên lý cơ bản là từ điểm để tạo nét, tạo mảng và dải sắc độ, cường độ màu...

Môi trường để tái tạo hình ảnh, yếu tố nền trắng của giấy là một trong những đặc tính của đồ họa in (thường ít được chú ý trong thiết kế), bởi hiệu quả in có được nhờ tương tác của phần tử in lên mặt giấy để tạo ra tương quan màu và sắc độ cho hình ảnh. Cũng có thể hiểu, giấy là môi trường thuần khiết để tái tạo hình ảnh, tiềm năng như mọi ý tưởng sáng tạo thị giác, mà Vương Hoàng Lực đã nhấn mạnh trong cuốn sách nghệ thuật đen và trắng. Tùy theo từng ứng dụng mà sử dụng cơ cấu điểm in cho phù hơp. Mỗi cơ cấu có điểm mạnh và hạn chế riêng, thuật ngữ công nghệ in gọi là tramme gồm hai loại chính AM và FM. Ngôn ngữ Thiết kế đồ họa thường ứng dụng hai loại này để biến cho thiết kế sản phẩm từ mối quan hệ tương hỗ (điều biên) và lượng hóa (mật độ) của điểm (chấm).

Tramme AM-Aplitude: Phương pháp điều chỉnh biên độ, mô tả sự chuyển tông bằng các điểm có khoảng cách bằng nhau nhưng có độ lớn điểm thay đổi. Nói cách khác, trên một đơn vị diện tích số lượng hạt cố định, còn độ đậm nhạt của hạt được thể hiện bằng diện tích hạt tramme (t’ram), diện tích nhỏ thể hiện vùng sáng, diện tích lớn thể hiện vùng tối” (9).

Nguyên lý t’ram biên độ trên ô lưới, vận dụng có trọng tâm và phát triển thành nét biên độ trong các dạng cơ cấu lưới nền khác nhau với hiệu quả đa dạng. Biên độ chấm được dùng phố biến trong phương pháp in offset và in laser kỹ thuật số. Phương pháp đan xen tùy biên mật độ điểm màu CMYK, kỹ thuật: Tramme FM - Frequency Modulate: Kỹ thuật t’ram rải theo tần suất (biến thiên bất định, trên một đơn vị diện tích số lượng thay đổi, diện tích hạt t’ram luôn luôn bằng nhau nhưng nằm ở nhiều vị trí khác nhau, chỗ nhiều hay ít số lượng hạt t’ram, chỗ đậm số lượng hạt t’ram nhiều (10).

Nguyên lý tùy biến của hạt t’ram FM ứng dụng trong in ấn, phát huy tối đa màu sắc và chi tiết cần mô phỏng, do phần tử in rất nhỏ so với t’ram AM và được rải theo tần suất, chính vì vậy, màu sắc được điều tiết như dạng cảm biến, chuyển hóa sinh động và tinh xảo. Phương pháp kỹ thuật này dùng phổ biến trong công nghệ in lõm và in Inkjet (phun). Nguyên lý t’ram FM được vận dụng và phát triển trong thực hành tạo nhiệt độ màu và quang độ trên giấy trắng, thông qua mức độ hấp thụ ánh sáng của vật chất hình thể từ nghiên cứu trực quan. Vì vậy, được hiểu với thuật ngữ tùy biên mật độ khi phối hợp các đơn nguyên màu từ hệ màu CMYK để tạo hòa sắc chủ đạo. Ý nghĩa phối sắc là mức độ đan xen màu để tạo ra sắc thái đặc trưng cho tổng thể và gợi trạng thái chất tại các miền sắc độ. Đặc điểm kỹ thuật này là kết hợp tùy biên mật độ màu CMYK với kỹ năng lượng hóa cường độ màu, mang đến khả năng biểu đạt linh hoạt, với biểu hiện màu sắc đặc trưng trong dải tần suất thấp...

Hệ màu dành cho in ấn phổ biến nhất là hệ màu trừ gồm ba màu CMY theo lý thuyết tam giác cộng màu RGB của Maxwell, thì khi hòa theo cặp màu với tỷ lệ bằng nhau sẽ cho: G + B = C; R + B = M; R + G = Y; khi C + M + Y = Black (đen), nhưng thực tiễn không như vậy, nên màu đen được thêm vào với ký hiệu K (key). CMY là màu hấp thụ ánh sáng và chỉ phát huy tốt hiệu quả tái tạo hình ảnh trên nền trắng của giấy.

Kết luận

Truyền thông thị giác bằng hình ảnh trên không gian mạng đậm vai trò tương tác nhiều chiều. Việc tích hợp nhiều hình thức thị giác, truyền đi những cảnh báo, hướng dẫn, thống kê số liệu… mọi hoạt động xã hội trên toàn cầu len lỏi vào đời sống riêng tư của chúng ta với hiệu quả nhanh, tiện lợi, hấp dẫn, dễ hiểu và phản hồi lại dưới hình thức của các định dạng văn bản, hoặc những dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng cho trạng thái hoặc thái độ của khán độc giả, ví dụ như việc tạo ra một sản phẩm đồ họa với không gian và cơ chế nhìn mới tác động lên truyền thông thị giác đã có những hiệu quả đặc biệt trong công tác tuyên truyền phòng đại dịch COVID-19 tại Việt Nam vừa qua là một minh chứng cụ thể sống động nhất. Với nhiều hình ảnh, biểu đồ, áp phích, video clip đa dạng, sống động, hấp dẫn đã góp phần vào thành công trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua.

________________________

1. Huỳnh Văn Mười, Uyên Huy, Nghệ thuật thị giác -những vấn đề cơ bản, Nxb Mỹ thuật, 2018, tr.124.

2, 3, 4, 6, 7. Granham Collier (Trịnh Lữ dịch), Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo, Nxb Dân Trí - Đông Á, 2019, tr.14, 11, 12, 98-106, 107-109.

5. Nguyễn Quân, Nhìn - thấy - yêu - hiểu, Nxb Thế giới Nhã Nam, 2020, tr.29-30.

8. Vương Hoàng Lực, Hội hoa đen và trắng, Nxb Mỹ thuật, 2010, tr.227.

9, 10. Phan Đệ, Chế bản ảnh, Giáo trình lý thuyết, Trường Cao đẳng Công nghệ in, Hà Nội, 2007, tr.52, 68-69.

Tài liệu tham khảo

1. Huynh Trà Ngộ, Đại cương ngành in, Nxb TP. HCM, 2008.

3. Phan Cẩm Thượng, Nghệ thuật Đổ họa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1995.

6. Jens Muler Julius Wiedemann (Ed.), Thiết kế đồ họa, Taschen, 2018.

Ths NGUYỄN HỒNG SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;