Thêu là một phương pháp trang trí trên bề mặt vải bằng kim và chỉ, có nguồn gốc vững chắc trong lịch sử và thực hành văn hóa của nghệ thuật và thủ công ứng dụng. Nghề thêu truyền thống Việt là một nét đặc trưng của các nghệ thuật dân tộc và dân gian, phản ánh bản sắc văn hóa, ẩn chứa hàm ý nghệ thuật sâu sắc qua quá trình phát triển hàng thế kỷ. Trên nền tảng phát triển kinh tế và văn hóa, các thế hệ nghệ nhân của nghề thêu truyền thống đã hình thành nên một hệ thống nghệ thuật độc đáo, hoàn chỉnh. Đặc biệt, hệ thống này đã và đang được ứng dụng và phát triển trong thiết kế thời trang đương đại.
Nghệ thuật thêu truyền thống
Nghệ thuật thêu truyền thống của Việt Nam có lịch sử lâu đời, đã tồn tại hàng thế kỷ, sản phẩm thêu phát triển và có mặt khắp nơi trong cả nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Theo ghi chép ở Đền Ngũ Xã, Quất Động và đình Tú Thị, Hà Nội, ông tổ của nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu nói chung của ba miền là Lê Công Hành (1606 - 1661) tên thật là Trần Quốc Khái. Khoảng năm 1646, ông được vua Lê cử làm người dẫn đầu sứ đoàn sang Trung Quốc. Trong thời gian này, ông học được cách làm lọng và nghề thêu truyền thống rất đặc sắc của Trung Hoa. Sau khi trở về nước, ông đã đem những kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm quý báu dạy cho nhân dân Thắng Lợi, Quất Động và một số làng khác như Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương, Đào Xá, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Bắt đầu từ đây, nghề thêu tay truyền thống trở nên phổ biến, phát triển hơn và trở thành nghề của cả một làng, một vùng rồi lan rộng khắp cả nước. Sản phẩm thêu được ứng dụng rất nhiều trong đời sống, trở thành một phần trong văn hóa của người Việt, tạo nên một sắc thái văn hóa trong dòng chảy chung của dân tộc.
Đặc điểm nghệ thuật thêu truyền thống
Thêu là một hình thức nghệ thuật tạo hình trên vải rất độc đáo mà không cần dùng mực, bút. Nghệ nhân thêu biến chất liệu đơn giản, vải, kim và chỉ thành những sản phẩm đặc sắc với các mảng họa tiết hoa văn mềm mại, đa sắc, đường nét uyển chuyển, tinh tế.
Các loại hình thức thêu phổ biến bao gồm thêu trắng, thêu màu nổi, thêu cuốn và thêu kim tuyến. Các sản phẩm thêu truyền thống có thể kể đến là thêu câu đối, trướng, nghi môn treo ở đình chùa; thêu long phụng, uyên ương hồ điệp; tranh thêu trang trí.
Các loại kỹ thuật thêu truyền thống tiêu biểu và phổ biến
Nghệ nhân thủ công Chu Văn Lượng, người được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng nghệ nhân làng nghề Việt Nam, là tác giả của Bản chép tay hướng dẫn về kỹ thuật thêu và phần thực hành nghề thêu (Nghệ nhân thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), tóm lược như sau:
Kỹ thuật tạo hình (tạo mẫu và in mẫu sản phẩm thêu): Đây là một công đoạn khó và phức tạp đòi hỏi người thợ thêu gần như phải đồng thời là thợ vẽ.
Kỹ thuật thêu gồm 9 kỹ thuật thêu cơ bản: thêu nối đuôi, thêu lướt vặn, thêu bạt, thêu chăng chặn, thêu đột, thêu sa hạt, thêu đâm xô, thêu bỏ và thêu khoán vảy.
Kỹ thuật chọn lựa nguyên vật liệu: Khung thêu, kim thêu, chỉ thêu và vải thêu.
Việt Nam được mệnh danh là đất nước của làng nghề, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa, văn nghệ dân gian được bồi đắp theo thời gian. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề, phố nghề vẫn tồn tại, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của mạch nguồn văn hóa dân tộc. Bằng trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân Việt đã bền bỉ gìn giữ và phát triển những làng nghề truyền thống.
Nghệ thuật thêu mang sắc thái văn hóa trong quá trình nền kinh tế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, khoa học công nghệ phát triển. Nhưng có thể nói, không công nghệ kỹ thuật hiện đại nào có thể thay thế được những đường nét tinh xảo và tài hoa từ bàn tay của các nghệ nhân thêu truyền thống. Nghệ nhân Thái Văn Bôn ở thôn Nguyên Xá (Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề thêu. Bằng tình yêu mãnh liệt và chân thành với nghề, ông cho ra đời nhiều tác phẩm chứa đựng trong đó cái “thần”, cái “hồn” của cuộc sống trong các bức tranh thêu phong cảnh quê hương đất nước. Nghệ nhân Chu Quý Tháp, một trong những nghệ nhân thêu rua ren nổi tiếng của làng Văn Lâm, đã từng thêu bức tranh Về nguồn, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Mỗi tác phẩm thêu tay truyền thống như chứa đựng cả tình cảm và tâm hồn của nghệ nhân - tác giả, thúc đẩy phát triển giá trị bản sắc văn hóa, nét tinh hoa của nghệ thuật thêu truyền thống Việt, gìn giữ và phát huy như một di sản của dân tộc.
Xu hướng ứng dụng nghệ thuật thêu truyền thống trong thiết kế thời trang đương đại
Nghệ thuật thêu truyền thống được ứng dụng ngày càng nhiều trong thiết kế thời trang, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm lý hiện đại của người tiêu dùng đồng thời cho ra đời những thiết kế nâng cao giá trị và hiệu quả trang trí.
Các nhà thiết kế sử dụng trí tưởng tượng linh hoạt để áp dụng yếu tố kỹ thuật và thẩm mỹ của nghệ thuật thêu trong thời trang hiện đại. Nghệ thuật thêu không chỉ được áp dụng cho các trang phục truyền thống, các vật phẩm trong lễ kỷ niệm hay một lễ hội truyền thống mà còn được tích hợp vào trang phục hiện đại, dưới góc nhìn của nhà thiết kế hôm nay. Nhiều chủ nhân thương hiệu thời trang cao cấp thường sử dụng nghệ thuật thêu tay để thể hiện thiết kế sáng tạo, tinh tế, nâng cao giá trị và trị giá của sản phẩm đồng thời có thể phản ánh văn hóa dân tộc, nâng cao nội hàm văn hóa của bản sắc thương hiệu trong các mẫu thiết kế.
Các kỹ thuật thêu được sử dụng ngày nay là sản phẩm cuối cùng của nhiều sự thay đổi dựa trên các điều kiện kinh tế, địa lý và giá trị thẩm mỹ. Nghệ thuật thêu trong thiết kế thời trang đương đại thường dựa trên các nguyên tắc thêu cơ bản nhưng được sáng tạo với các kỹ thuật tiên tiến như; thêu rỗng, thêu cắt, thêu ruy băng cùng nhiều kỹ thuật thủ công khác. Việc đưa các yếu tố truyền thống vào các sản phẩm đương đại yêu cầu khả năng sáng tạo lớn, cách nhìn mới mẻ của nhà thiết kế, sự nghiêm cẩn về chất lượng của người sản xuất và sự hiểu biết sâu sắc về thị trường. Ở chiều ngược lại, kho tàng văn hóa truyền thống, vì thế, tiếp tục được phát huy trong cuộc sống đương đại, dưới một dạng bảo tồn “động” quý báu.
Ứng dụng nghệ thuật thêu truyền thống
Ứng dụng truyền thống có nghĩa là tham chiếu trực tiếp, áp dụng các yếu tố nghệ thuật thêu gốc từ họa tiết, hoa văn, màu sắc, kỹ thuật hàng nghìn năm tuổi vào thiết kế trang phục hiện đại. Nhà thiết kế Hòa Nguyễn - thương hiệu thời trang cao cấp She mang nghệ thuật thêu thủ công trở lại; những sản phẩm của thương hiệu là tinh hoa của một quy trình sáng tạo thời trang tinh tế và tỉ mỉ. Nhà thiết kế Minh Hạnh đưa thổ cẩm và những họa tiết độc đáo trong kho tàng mỹ thuật truyền thống Việt Nam lên các tà áo dài và quảng bá khắp thế giới với sự sáng tạo vô cùng đặc sắc qua kỹ thuật thêu. Đầu năm 2019, trong bộ sưu tập thu đông Nghệ thuật và Hạnh phúc, nhà thiết kế Hà Linh Thư đã kỳ công đưa các họa tiết rồng, lân, cò Việt lên những mẫu thiết kế với kiểu dáng đương đại pha chút phương Đông dựa trên kỹ thuật thêu tay tinh xảo.
Ứng dụng vật liệu mới
Trong bối cảnh phát triển chung và sự hội nhập vào thị trường hàng hóa toàn cầu, hàng loạt vật liệu mới được sử dụng trong ngành công nghiệp may mặc - thời trang đã hỗ trợ nhà thiết kế tạo ra những ý tưởng thiết kế mới.
Các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập “Oriental Crazy Dot - Tự do”
của nhà thiết kế Hà Linh Thư
Trước đây, trong nghệ thuật thêu truyền thống, lụa được sử dụng như là chất liệu chính, làm nổi bật khả năng thể hiện của kết cấu thêu qua từng đường kim mũi chỉ. Ngày nay, bên cạnh lụa truyền thống, các nhà thiết kế theo phong cách thời trang hiện đại còn kết hợp với đa dạng chất liệu, như da, denim, len, hạt, lông vũ nhân tạo và các chất liệu khác. Nhiều nhà thiết kế trẻ được khuyến khích sự sáng tạo thông qua nghệ thuật thêu và học cách sử dụng vật liệu mới để thể hiện phong cách cá nhân. Minh Hạnh là nhà thiết kế Việt Nam tiên phong trong việc khai thác và sử dụng kỹ thuật thêu truyền thống kết hợp với các nguyên liệu mới như cotton, denim… và các kỹ thuật thêu nổi, thêu ruy băng hiện đại, tạo nên bản sắc thiết kế riêng biệt.
Màu chỉ thêu truyền thống được nhuộm tự nhiên từ thực vật, như rễ, lá, vỏ cây, chủ yếu là những gam màu nhẹ, màu cơ bản vàng, xanh, lục, tím, đỏ, thiếu sự đa dạng về màu sắc. Trong khi đó, phong cách thời trang đương đại có nhiều biến đổi, kéo theo đó là việc áp dụng các phương pháp phối màu khác nhau, phong phú và đặc sắc. Căn cứ vào kiểu dáng của trang phục, nhà thiết kế đã điều chỉnh màu sắc của chỉ thêu, làm phong phú hơn sắc độ, độ tinh khiết, sử dụng cách phối màu theo bảng hòa sắc hiện đại. Cùng với đó, để bảo vệ môi trường làng nghề cũng như môi trường sống, phương pháp nhuộm màu tự nhiên đã được hạn chế sử dụng manh mún để không thải nguồn nước ô nhiễm ra môi trường. Quy trình nhuộm màu bằng phương pháp công nghiệp được tập trung ở một hoặc hai cơ sở chính để đảm bảo quy trình lọc nước thải ra môi trường và đồng thời đảm bảo về chất lượng màu nhuộm.
Sự đổi mới về chất liệu, màu sắc, công nghệ và hoa văn thêu truyền thống
Theo xu hướng thẩm mỹ đương đại, cũng có thể nhận thấy kiểu hoa văn thêu truyền thống có một số hạn chế trong bố cục, ảnh hưởng đến kỹ thuật thêu mới trong ứng dụng thiết kế quần áo hiện nay.
Với nhu cầu về cái đẹp hiện đại, ý tưởng thẩm mỹ thay đổi liên tục, việc trang trí cho một vị trí cố định không thể thỏa mãn nhu cầu về trang phục của khách hàng. Các nhà thiết kế Việt đã linh hoạt trong việc kế thừa truyền thống và đổi mới sáng tạo trong nghệ thuật thêu tay truyền thống. Sáng tạo khi kết hợp trang trí và công nghệ thông qua các mẫu thêu truyền thống, nhà thiết kế Thủy Nguyễn, trong bộ sưu tập Tình tang, năm 2019, đã rất khéo léo pha trộn yếu tố dân gian đời thường với tinh thần thời trang đương đại. Được truyền cảm hứng từ tranh Đông Hồ, Thủy Nguyễn đã kết hợp các mảng màu sắc rực rỡ, nguyên bản theo một cách mới mẻ, thể hiện được sự sáng tạo qua kỹ thuật thêu tay và đắp lớp chất liệu bằng phương pháp thêu chồng lớp tỉ mỉ các họa tiết, thực hiện trong nhiều giờ, tạo hiệu ứng thị giác 3D độc đáo.
Nghệ thuật thêu truyền thống mở ra phong cách thiết kế mới
Thiết kế trang phục đẹp nhất không chỉ đòi hỏi sự đồng bộ về màu sắc, trang trí, chức năng sản phẩm đồng thời cũng yêu cầu phản ánh các giá trị thiết kế, văn hóa và tính thẩm mỹ.
Nhà thiết kế Hà Linh Thư, với bộ sưu tập xuân hè mang tên Tự do, trong tuần lễ thời trang Vietnam International Week 2017 là một bản hòa ca về màu sắc kết hợp với kỹ thuật thêu thủ công truyền thống của nghệ nhân làng Văn Lâm, tỉnh Ninh Bình. Tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân thêu đã giúp nâng cao giá trị của thiết kế, được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận và yêu thích.
Cho đến thời điểm hiện tại, nghệ thuật thêu tay trong thiết kế thời trang đã trở nên vô cùng phong phú, đầy màu sắc. Có thể nói, ứng dụng của thêu là vô tận trong ngành thời trang, từ thêu trên trang phục tới thêu trong các thiết kế giày, trang sức, hoặc túi xách để nâng cao giá trị thẩm mỹ cá nhân người sử dụng.
Thay lời kết
Có một câu hỏi quan trọng: “Làm thế nào nghệ thuật thêu truyền thống được bảo tồn, phát triển và ứng dụng trong ngành công nghiệp thời trang?” Để hồi sinh nghệ thuật thêu tay truyền thống như một di sản văn hóa được bảo tồn trong nền sản xuất công nghiệp là một công việc phức tạp. Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là bảo vệ những câu chuyện đang phai nhạt trong quá khứ mà còn định hình lại giá trị của nó cho tương lai các thế hệ. Mặc dù sức mạnh của cuộc cách mạng kỹ thuật số là ghê gớm nhưng một nghề thủ công truyền thống sẽ là một phần lịch sử quan trọng; sẽ không bị số hóa theo mọi cách. Vì vậy, các nhà thiết kế thời trang trong nước phải chuyển giao di sản này cho các thế hệ trẻ và hướng họ hành động, đổi mới và nhận thức về giá trị của nghệ thuật truyền thống; làm thế nào chúng ta có thể phát triển nó tương ứng với thị hiếu hiện tại.
Sự kết hợp giữa truyền thống và đổi mới là khái niệm quan trọng nhất trong sự phát triển của nghề thêu truyền thống. Nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc địa phương được nhà nước có những định hướng giữ gìn và phát triển sâu rộng một cách hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế và du lịch. Ứng dụng thêu truyền thống trong thiết kế thời trang đương đại đã và đang phát huy sự quyến rũ độc đáo của nghệ thuật thêu Việt Nam. Điều này không chỉ thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng thời trang hiện đại, tạo ra lợi ích kinh tế mà còn có thể chuyển tiếp, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống Việt ra thị trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo
1. Ngân An, Nhà thiết kế Hà Linh Thư đan xen nghệ thuật cải lương vào bộ sưu tập thu đông 2019, vietnamnet.vn, ngày 8-2-2019.
2. Vũ Chiến, Nghệ nhân thêu chân dung Bác Hồ, unescovietnam.vn, ngày 14-5-2010.
3. Đỗ Thị Hảo, Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1996.
4. Jessica Jane Pile, Fashion Embroidery: Embroidery Techniques and Inspiration for Haute-Couture Clothing (Thêu thời trang: Kỹ thuật và nguồn cảm hứng cho trang
phục cao cấp), Batsford published, 2018.
5. Duy Khánh, Nữ thiết kế trẻ tiếp lửa cho nghề thêu truyền thống, ngoisao.net, ngày 7-2-2019.
6. Chu Văn Lượng, Bản chép tay hướng dẫn về kỹ thuật thêu và phần thực hành nghề thêu (Nghệ nhân thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
7. Phạm Công Sơn, Làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.
8. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo, Phố Hàng Thêu và nghề thêu Quất Động, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
Tác giả: Lê Thị Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020