Hội thảo thơ và văn xuôi “Vì sao chúng ta viết”

Sáng ngày 19-6, trong khuôn khổ Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 được tổ chức tại Đà Nẵng, Hội thảo thơ và văn xuôi “Vì sao chúng ta viết” đã diễn ra trong bầu không khí hết sức cởi mở và sôi nổi giữa những nhà văn, nhà thơ lão thành với các cây bút trẻ.

Hội thảo là một nội dung quan trọng, dịp để những người làm văn thơ trao đổi, chia sẻ với nhau những cơ duyên đến với nghiệp viết lách, cũng như bày tỏ nỗi lòng của mình trên chặng đường tìm kiếm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Toàn cảnh hội thơ

Các nhà thơ lão thành đến dự hội thơ

Tại hội thảo thơ, trước vấn đề được đặt ra về vốn sống với người viết, tác giả Lữ Hồng (Gia Lai) chia sẻ, người viết rất cần yếu tố vốn sống trong sáng tạo văn học nghệ thuật. Nói đến thơ, số đông cho rằng cảm xúc là điều quan trọng, nhưng để có được điều đó, trước hết người viết cần được đắm mình vào hiện thực cuộc sống thì mới bật ra được cảm xúc. Tác giả Lê Tuyết Lan (Bình Dương) cũng cho rằng, bản thân chị đã không ngại trải nghiệm nhiều công việc, nhiều cung bậc cảm xúc để có sự tích lũy cho trang viết, từ dạy học, làm công nhân trong nhà máy… chất liệu từ cuộc sống mênh mông giúp ích rất nhiều cho người viết.

Nhà thơ Lê Đỗ Lan Anh chia sẻ tại Hội thảo 

Nhà thơ Lê Đỗ Lan Anh, đại biểu đến từ Vĩnh Long tự nhận mình là một người đến với sáng tác thơ khá muộn, khi chị đã ba mươi tuổi. Việc học và hoạt động về chuyên ngành mỹ thuật nghe có vẻ không liên quan nhưng cũng là một chất xúc tác trong sáng tác của chị. Chị cho rằng vốn sống và đọc phải dung hòa, không thể thiếu đi yếu tố nào. Chị chia sẻ, chị từng bỏ ra sáu tháng trời đi vòng triền sông, xuống từng con xuồng ghe, tiếp xúc với những phận người sống ven sông… tạo ra một câu chuyện, để cảm nhận được từng cơn nắng, mưa “trong mắt mỗi người”. Mỗi cuộc sống, thân phận đều có vẻ đẹp mà nhà văn phải chạm vào.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại Hội thảo

Với vấn đề vốn sống trong sáng tác thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, có những nhà thơ vĩ đại của thế giới dù không trải nghiệm nhiều về sự dịch chuyển, thay đổi, họ chỉ sống và ngẫm mà vẫn có tác phẩm lớn, bởi quan trọng là họ đã không ngừng suy tưởng về hiện thực. Nhà thơ có sứ mệnh lưu trữ khoảnh khắc và gọi ra thông điệp. Giống một thi sĩ nổi tiếng thế giới từng ví von, không có trí tưởng tượng, đôi khi là tưởng tượng đến hoang dại thì không thể bắc cây cầu hiện thực chạm tới bến bờ của thi ca. Cuối cùng, phải có nghệ thuật của ngôn từ, của hình ảnh. Nhiều quốc gia luôn có những chương trình viết văn giúp người viết học hỏi kinh nghiệm mang tính gợi mở, dù việc sáng tác có công thức. Thi ca luôn là sự bí ẩn, mang đến sự sáng tạo kỳ vĩ nên mỗi nhà thơ cần mở ra một không gian khác, mỹ học khác, cái đẹp khác.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ, hiện thực, vốn sống đều phải được “tâm hồn hóa”, biến thành tâm trạng, nỗi niềm thì thơ mới sâu được. Thơ ca là dấu ấn của cá nhân, cho phép nhà thơ được thể hiện một cách tự do nhất nên người viết trẻ hãy cố gắng phát huy điều đó. Viết gì, cảm nhận cuộc sống thế nào, cuối cùng đều phải để lại dấu ấn cá nhân riêng biệt, không lặp lại… thì bạn đọc mới công nhận đó là một nhà thơ. Quá trình sáng tác là quá trình khám phá bản thân mình. Có gì riêng nhất, là “đặc sản tâm hồn”, người viết hãy trình ra với bạn đọc, càng trung thực càng tốt bởi đó là cơ hội để bộc lộ diện mạo của mình.

Trong khi đó, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, người viết có thể có vốn sống trực tiếp hoặc gián tiếp. Song, vốn sống trực tiếp ngồn ngộn là chất liệu quý báu. Thí dụ nhà văn Nguyên Hồng sống trong nghèo khổ, ông viết rất hay về cảnh cơ hàn. Kể cả các nhà thơ có trình bày rằng mình viết bằng tiềm thức đi nữa, thì đó vẫn là giấc mơ méo mó của hiện thực. Người viết nếu coi thường vốn sống, hiểu biết mà chỉ viết từ sách vở thì đó là một cảnh báo.

Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy

Nói về trải nghiệm để lấy vốn sống phục vụ cho việc sáng tạo nghệ thuật, ấn tượng nhất phải kể đến câu chuyện của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy. Chị là cô giáo, từng sống ở Tây Nguyên suốt 23 năm từ thời chưa có điện, không có sách báo để đọc, tới năm 2005 mới biết khái niệm mạng internet. Vậy nhà văn có gì? Họ có mảnh đất, có cuộc đời, có nhìn ngắm xung quanh, những người lao động… để thể hiện trong tác phẩm.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo văn xuôi

Tại Hội thảo văn xuôi, nhiều vấn đề về nghiệp viết được bàn luận sôi nổi và thẳng thắn. Trong bầu không khí gần gũi và cởi mở, các tác giả trẻ đã được giãi bày những trăn trở của mình và nhận được những chia sẻ hết sức quý báu của những thế hệ đi trước.

Một trong số các vấn đề được quan tâm hơn cả là sự tự do trong tư duy và sáng tạo. Nhà văn Phát Dương đặt ra câu hỏi: Chúng ta có được tự do viết hay không? Có dám viết những gì chúng ta muốn không? Hay chúng ta ngần ngại rào cản? Nhà văn lớp trước Khuất Quang Thụy cho rằng, người viết trẻ đừng tự kiểm duyệt mình, đừng hạn chế tự do. Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định, những cuốn sách gai góc, tác giả gai góc đã xuất hiện. Việc công bố sách hiện nay không khó, như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… cũng đã khẳng định được tài năng, tiếng nói. Nên chúng ta hãy cứ viết, không có rào cản nào cả. Con đường văn học mênh mông, vấn đề là hãy viết thật hay.

Các tác giả trẻ phát biểu tại Hội thảo văn xuôi

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Huế) đối thoại với những bạn viết cùng thế hệ với quan điểm: Chúng ta đừng tự đội cho mình một “vòng kim cô”, khi viết, ai cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, song, với người trẻ, tư tưởng là quan trọng, điều đó không có nghĩa bắt buộc người viết phải đọc hết mọi luồng tư tưởng. Người trẻ chưa có thời gian để trải nghiệm nhiều, hãy sống thật sâu, lắng nghe những thân phận, những câu chuyện quanh ta. Văn học phải hòa trộn giữa hư cấu và phi hư cấu, hãy thường xuyên trao đổi, quan sát, nuôi dưỡng cảm xúc chân thành bằng việc sống thực với đời sống này, từ đó, ta cảm nhận được vẻ đẹp của đời sống tâm hồn. Người viết trẻ đừng mặc chiếc áo quá rộng so với chính mình, mỗi người đều có hạt ngọc của riêng mình, hãy mài giũa thật sáng, thật đẹp. Bên cạnh khuyến khích trải nghiệm, Lê Vũ Trường Giang cho rằng người trẻ nên đọc để tạo nên trường tư tưởng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư kể câu chuyện về những cuốn sách của mình, khi xuất bản thì lang thang đến mọi nơi. Nhà văn không quan tâm mọi người nói gì, kể cả chuyển thể kịch bản kịch, điện ảnh… chị cũng không đọc kịch bản. Việc của nhà văn là viết mà thôi. Nhiều khi, người viết cứ quan tâm tới giải cấu trúc, hậu hiện đại, tư tưởng, trường phái… như mình cứ mang cái áo vào cho mình. Đó thật ra là câu chuyện của giới phê bình, nhà văn hãy cứ viết thôi, quan trọng là viết tốt, miễn là không vi phạm pháp luật, cái gì không cấm thì đều có thể viết được hết.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề như văn học mạng, quảng bá văn học ra nước ngoài… cũng được đặt ra tại hai hội thảo, mang đến những màn đối thoại thú vị và bổ ích giữa những người sáng tạo nghệ thuật.

Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

 

 

Hỡi những người viết trẻ trước khi đặt bút viết văn thơ. Việc đầu tiên phải coi mình là nhất. Tuyệt đối không bị ảnh hưởng của bất cứ dòng văn nào hay nhà văn nào dẫu họ nổi tiếng trong nước và toàn TG trước mình. Hãy tôn trọng họ, nhưng đặc biệt phải biết "Coi thường họ" thì may ra mới là mình. Nhớ tuyệt đối đừng bao giờ coi những nhà văn nổi tiếng trước mình là Thầy, dẫu họ hơn tuổi ông của mình. Hãy coi họ là "Những đứa trẻ ngọng ngơ văn học" mà mình đành phải phủ định. Lúc đó các em sẽ là tinh hoa của Nhân Loại! Hãy nhớ rằng không ai có thể dạy ai viết thơ văn. Cũng như chẳng kẻ Anh Hùng nào lại muốn giúp người khác là Anh Hùng hơn mình. Mong các em tự tin và đừng mông muội ảo giác. Hãy đến với văn thơ bằng tư duy độc lập, nhãn quan xuyên thấu và rèn luyện khả năng tiên tri vượt thời đại của mình... Tôi tin hậu thế của tôi!

TS. Nhà Thơ.Lê Thanh Tùng
;