Tuần lễ Festival Huế 2022: Hứa hẹn nhiều nét mới, đặc sắc và ấn tượng

Festival Huế, không chỉ là sự kiện văn hóa - nghệ thuật có tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã được khẳng định, mà còn là hoạt động gắn với mục tiêu kích cầu phát triển du lịch, phục hồi kinh tế - xã hội sau thời gian dài chống chọi và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định, khẳng định vị thế và thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới. Sau vài lần bị trì hoãn do dịch COVID-19, Festival Huế năm nay đang và tiếp tục trở lại với những chương trình, lễ hội văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa.

Kế thừa và phát huy thành công của các kỳ Festival trước đây, Festival Huế 2022 là kỳ Festival đầu tiên tổ chức theo định hướng bốn mùa, với chuỗi các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra quanh năm nhằm tôn vinh quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, kiến trúc, du lịch tâm linh, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Điểm nhấn của chuỗi lễ hội diễn ra bốn mùa là Tuần lễ Festival văn hóa - nghệ thuật, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, diễn ra từ ngày 25 đến 30-6-2022.

Lễ hội khinh khí cầu "Cố đô Huế nhìn từ bầu trời" là một sản phẩm du lịch mới, độc đáo tại Festival Huế 2022 - Ảnh BTC cung cấp

 

Tuần lễ Festival Huế 2022 với nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội quy mô, độc đáo, hoành tráng:

Chương trình nghệ thuật khai mạc diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 25-6 tại Quảng trường Ngọ Môn. Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật và thời trang áo dài mở màn cho chuỗi hoạt động sôi nổi của Tuần lễ Festival Huế 2022. Chương trình được dàn dựng công phu, mới lạ, kết hợp hiệu ứng âm thanh, công nghệ chiếu sáng tiên tiến và pháo hoa nghệ thuật được kỳ vọng đem đến cho khán giả những cảm xúc khó quên. Các tiết mục sẽ tái hiện TP Huế đẹp như một “Bài thơ đô thị”, vừa phát triển bền vững, vừa trân trọng thiên nhiên, thân thiện và an lành. Chương trình ngợi ca vùng đất di sản, cổ kính có bề dày truyền thống nơi “Tinh hoa hội tụ”, đồng thời tôn vinh một “Thành phố xanh” phát triển bền vững, thể hiện những “Ước vọng về Huế” - Thành phố Festival của châu Á cùng đất nước Việt Nam tỏa sáng chào đón tương lai rạng ngời. Đêm khai màn sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Chương trình biểu diễn hằng đêm của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế từ 19 giờ 30 - 22 giờ các ngày từ 26 đến 29-6 tại các sân khấu Quốc Tử Giám, Bia Quốc Học, Cồn Dã Viên, Công viên 3/2. Các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ quốc tế tham gia biểu diễn: Ban nhạc Kid Francescoli (Pháp); Ban nhạc Gute Gute (Israel); Nhóm nghệ sĩ Groove Nagô & Viet Bambas (Brazil); Nhóm Espana te quiero; Đoàn ca múa nhạc dân gian Belogorie (Nga); Nghệ sĩ Konoba (Bỉ)… Các đoàn nghệ thuật trong nước đại diện cho nhiều vùng miền như: Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; các đoàn nghệ thuật Lào Cai, Việt Bắc, Đắk Lắk; Liên đoàn Xiếc Việt Nam; những ban nhạc trẻ trung đến từ Hà Nội và TP.HCM như Ban nhạc Da LAB, Ban nhạc Chillies, nghệ sĩ violin Hoàng Rob, Charm Band, nhóm múa đương đại Lyricist… Ngoài ra, lực lượng văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế với Nhà hát Nghệ thuật Cung đình, Nhà hát Ca kịch, Học viện Âm nhạc Huế, các câu lạc bộ và nhóm nghệ sĩ trên địa bàn toàn tỉnh sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế cũng như sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Huế trên con đường hội nhập và phát triển.

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” vào lúc 16 giờ 30 từ ngày 26 đến 28-6, với hình thức quảng diễn đường phố sôi động của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các hoạt động gồm: Lễ hội ca múa nhạc, tạp kỹ đường phố trong nước và quốc tế (26-6); diễu hành xe cổ “Huế bốn mùa hoa” (27-6); Chương trình quảng diễn nghệ thuật dân gian với sự tham gia của các đoàn rước lễ hội dân gian đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh (28-6).

Lễ hội bia từ 17 giờ 30 ngày 26-6 do Carlsberg thực hiện, sẽ ghi danh vào kỷ lục “Bàn tiệc dài nhất châu Á của người miền Trung”, cùng bữa tiệc âm nhạc hoành tráng với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ được yêu thích hàng đầu tại Việt Nam.

Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn vào lúc 20 giờ ngày 27-6 tại sân khấu Ngọ Môn, với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng, những ca sĩ thể hiện xuất sắc dòng nhạc này, và các ca sĩ trẻ hát nhạc Trịnh rất được hâm mộ hiện nay như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hà Lê, Tấn Sơn…

Chương trình quảng diễn “Ngàn xưa âm vọng” vào lúc 7 giờ ngày 28-6, là sự kiện tri ân tổ nghề Tuồng, tôn vinh di sản Tuồng Cung đình Huế, với lễ rước mặt nạ tuồng và trình diễn Tuồng Cung đình trải dài từ Thanh Bình Từ Đường đến Nghinh Lương Đình.

Chương trình “Hoàng cung giao hòa” diễn ra lúc 20 giờ ngày 29-6 tại Đại Nội, chương trình nghệ thuật là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong không gian Hoàng cung, thể hiện âm sắc cung đình và những ca khúc về Huế xưa, được kết cấu bằng nghệ thuật sắp đặt cảnh trí và ánh sáng tại không gian từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa.

Đêm Gala giã bạn bắt đầu lúc 19 giờ 30 ngày 30-6 tại cồn Dã Viên. Chương trình khép lại tuần lễ Festival Huế 2022 với những tiết mục giao lưu giữa các đoàn nghệ thuật Việt Nam và quốc tế.

Bên cạnh đó còn có các chương trình xã hội hóa và rất nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng như: Lễ hội ẩm thực “Kinh đô Huế với Bốn phương”, “Chợ quê ngày hội”, Lễ hội ẩm thực đường phố, Lễ hội Khinh khí cầu, Ngày hội Áo dài Cộng đồng Huế, Đêm nhạc EDM, Media Trip “Visit Huế”… Cùng với đó là hàng loạt trưng bày, triển lãm với nhiều chủ đề khác nhau mở cửa phục vụ du khách trong suốt những ngày diễn ra Tuần lễ Festival.

THANH DANH

;