Chiều 14-12 tại Hoàng thành Thăng Long, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội nghị - Hội thảo
Cùng tham dự Hội nghị - Hội thảo có: nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên; Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn; các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, các Viện nghiên cứu, lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố.
Tại Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành Di sản văn hóa đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2024, năm kỷ niệm 65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua Hội thảo này, cùng với những kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các thế hệ cán bộ của ngành Di sản văn hóa sẽ cùng thu nhận và tiếp thu thêm những luận cứ khoa học và bài học thực tiễn bổ ích để đồng lòng, vững tâm chung tay phục vụ sự nghiệp cao cả này.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo
Thứ trưởng cũng đề nghị toàn ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: 1. Tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Đề án, Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa - nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi phát triển du lịch. 2. Tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2024, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương. Chủ động nắm bắt các thông tin phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa. 3. Tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh mềm, nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội. 4. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. 5. Tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới, theo kịp với xu hướng bảo tồn gắn liền với phát triển bền vững của quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Tham gia hiệu quả, với vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, giúp quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt Nam và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 6. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về vị trí, vai trò, xu hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự tập trung trí tuệ, lòng yêu nghề, sức mạnh của khối đoàn kết toàn ngành Di sản văn hóa và những điều kiện thuận lợi của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kế thừa những thành quả tốt đẹp của 65 năm qua và đưa sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam ngày càng thu được nhiều thành tựu.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo
Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, hiện cả nước có 3.653 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh, 589 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có 161 hiện vật, nhóm hiện vật được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng. Toàn quốc có 203 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm. Qua 3 đợt xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đã có 131 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 1.619 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Chủ tọa điều hành Hội nghị - Hội thảo
Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cũng khẳng định: Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua. Cơ chế chính sách cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần hoàn thiện; nhận thức xã hội về di sản văn hóa cần được nâng cao hơn nữa để thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; nguồn kinh phí đầu tư cho cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần được tăng cường để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) Vũ Thị Minh Hương trình bày tham luận tại Hội nghị - Hội thảo
Tại Hội nghị - Hội thảo, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nguyên lãnh đạo Cục Di sản văn hóa đã tập trung đánh giá những thành tựu 65 năm sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đánh giá thực trạng, những kết quả đạt được, những tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gợi mở những giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thời kỳ đổi mới trên con đường hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tối cùng ngày, các đại biểu đã tham quan di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và tham gia tour đêm Giải mã Hoàng thành.
Các đại biểu tham gia tour đêm Hoàng thành Thăng Long
Bài, ảnh: HỒNG VÂN