Hoạt động văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay

1. Hiểu thế nào về khái niệm hoạt động văn hóa

Hoạt động văn hóa thường được coi như một lĩnh vực hoạt động riêng biệt của con người, một khâu cơ bản để đáp ứng nhu cầu văn hóa thông qua việc lưu giữ, phổ biến và hưởng thụ các loại hình và giá trị văn hóa. Từ những góc độ nghiên cứu khác nhau của các ngành khoa học khác nhau, có thể có những quan niệm khác nhau về hoạt động văn hóa. Từ góc độ giá trị, có thể cho rằng, hoạt động văn hóa là những cách thức sáng tạo và sử dụng các giá trị, các hình thức, các loại hình văn hóa nhằm thể hiện những quan hệ, quá trình, kết quả và đặc trưng của văn hóa. Đây là khuynh hướng xem xét văn hóa từ các hoạt động xã hội và con người, nghĩa là, hoạt động tạo ra văn hóa, đồng thời bản thân hoạt động, phương thức, công nghệ hoạt động của con người cũng là văn hóa.

Như vậy, về cơ bản, hoạt động văn hóa chính là những hoạt động của con người nhằm tạo ra và tiêu dùng các giá trị văn hóa thông qua hình thức, phương thức, phương tiện hoạt động… để đáp ứng nhu cầu văn hóa của con người. Do đó, có thể nói, xưa nay, nhu cầu văn hóa của con người được đáp ứng chính là nhờ vào hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú.

2. Một vài đặc điểm cơ bản của hoạt động văn hóa hiện nay

Đặc điểm đầu tiên, đó là, kể từ khi đất nước đổi mới, bước vào cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhu cầu văn hóa, hoạt động văn hóa và đời sống văn hóa có nhiều biến chuyển đáng chú ý. Bộ mặt văn hóa xã hội biến đổi sinh động, đa dạng; nhu cầu văn hóa được nâng cao và đáp ứng sâu rộng; phương thức hoạt động văn hóa phong phú và đa chiều; cơ chế, chính sách cho hoạt động văn hóa được chú trọng, quan tâm... Do đó, trong lĩnh vực đời sống văn hóa nói chung và văn hóa nghệ thuật nói riêng đã có những thành tựu lớn, tạo nên hiệu quả kinh tế, xã hội, hiệu quả văn hóa, tinh thần tốt đẹp. Có thể nói, bên cạnh đời sống vật chất ngày càng sung túc, người dân có điều kiện mở mang, phát triển đời sống tinh thần ngày một cao hơn.

Đặc điểm thứ hai, trong đờisống cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, vấn đề đầu tư và chi tiêu cho văn hóa ngày càng được chú ý. Tiêu dùng văn hóa thông qua thị trường văn hóa trong và ngoài nước ngày càng được chú trọng nhằm không chỉ nâng cao đời sống vật chất, mức sống tinh thần mà còn tạo ra một nhu cầu văn hóa trong tiêu dùng các sản phẩm xã hội. Trong bối cảnh phát triển đa dạng của đời sống văn hóa ấy, không thể không nhìn nhận một cách khách quan vai trò tích cực của hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và thị trường văn hóa. Đã đến lúc chúng ta không thể đeo đuổi mãi phương thức đáp ứng nhu cầu văn hóa bằng cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, xin - cho vẫn đang còn tồn tại trong thực tiễn, mà phải chủ động giải quyết việc đáp ứng nhu cầu bằng cách tuân thủ cơ chế kinh tế thị trường và quy luật quan hệ cung cầu thông qua hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và thị trường văn hóa, tất nhiên, với tất cả những được và mất, với tất cả sự đa dạng và phức tạp vốn có của nó. Bước vào cơ chế thị trường, tiếp cận với quy luật kinh tế thị trường và các mối quan hệ cung cầu kiểu thị trường, không ít loại hình khoa học xã hội, cũng như văn hóa nghệ thuật, đã gặp lúng túng, khó khăn, thậm chí khủng hoảng trước những vấn đề hầu như hoàn toàn mới mẻ. Hoạt động của nhiều ngành nghệ thuật, nhiều cơ sở văn hóa, cho đến nay, sau 35 năm đổi mới vẫn chưa bắt nhịp được với bước đi khắc nghiệt của kinh tế thị trường. Do vậy, có một thực trạng chung là, ngoàisự cố gắng của từng đơn vị nghệ thuật tìm cách tự bươn trải, tự cứu mình, Nhà nước lại tiếp tục phải tài trợ kinh phí cho những hoạt động văn hóa nghệ thuật ở những mức độ khác nhau để duy trì sự phát triển của chúng và để người dân có thể hưởng thụ những giá trị mà chúng đem lại. Đó là một cố gắng lớn của Nhà nước trong bối cảnh hết sức khó khăn về kinh tế hiện nay.

Đặc điểm thứ ba, trong bối cảnh đẩy mạnh giao lưu và hội nhập văn hóa cả trong nước lẫn ngoài nước, đã đến lúc các tổ chức, đơn vị và các hoạt động văn hóa không thể cứ bấu víu hoàn toàn hoặc phần lớn vào nguồn ngân sách còn hạn hẹp của Nhà nước. Để tồn tại và phát triển, ngoài một phần ngân sách nhà nước, các cơ sở văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa, các ngành và các loại hình nghệ thuật cần thiết phải có được kinh phí hoạt động ngoài nguồn ngân sách nhà nước. Nguồn kinh phí tự có ấy có thể được giải quyết bằng phương thức xã hội hóa văn hóa, tức là huy động nguồn lực của người dân, các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ trong và ngoài nước. Song, đó là những nguồn ngắn hạn, bấp bênh. Để có nguồn kinh phí ổn định, lâu dài, thì phương thức và hiệu quả tốt nhất là phải dựa vào chính mình, nghĩa là các cơ quan văn hóa, các ngành văn hóa nghệ thuật phải hoạt động có hiệu quả, phải có được sản phẩm tham gia thị trường văn hóa, tham gia quan hệ cung cầu (hay bán mua cũng vậy), chí ít cũng mở ra những hoạt động dịch vụ văn hóa để trao đổi, phổ biến sản phẩm và giá trị văn hóa. Không làm được điều này, nghĩa là nếu các đơn vị, các cơ sở văn hóa nghệ thuật không tạo được kinh phí, điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật dù ở cấp độ nào, phương thức nào, thì tình hình hoạt động văn hóa vẫn ở trong tình trạng ì ạch, chờ đợi, không thể chủ động đạt tới những hiệu quả toàn diện về chính trị, tinh thần lẫn hiệu quả kinh tế.

Đặc điểm thứ tư, bên cạnh hoạt động sáng tạo, trao truyền, hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật, vấn đề dịch vụ văn hóa, và cùng với nó là thị trường văn hóa, trở nên hết sức quan trọng, có vai trò lớn trong việc quyết định tính chất và hiệu năng của hoạt động văn hóa trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là vấn đề không mới, nhưng đáng quan tâm khi đề cập tới tình hình thực tiễn và thực trạng hoạt động văn hóa trong bối cảnh đổi mới, hội nhập toàn diện ở nước ta. Đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng cả về lý luận lẫn thực tiễn trong, ngoài nước.

Đặc điểm thứ năm, khi đề cập đến thực tiễn hoạt động văn hóa trong bối cảnh mở cửa, giao lưu rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, không thể không chú ý xu hướng tìm về cội nguồn văn hóa truyền thống trong sáng tạo, quảng bá, tiêu dùng… các giá trị, các sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Có thể thấy, thực tiễn đời sống văn hóa xã hội đang đặt ra rất nhiều vấn đề nổi trội cần được quan tâm, lý giải và có biện pháp đúng để tác động mạnh đến sự phát triển của các lĩnh vực này. Thực hiện đường lối của Đảng về văn hóa văn nghệ, thể hiện trong nghị quyết các đại hội Đảng những năm gần đây, chúng ta đang tập trung mọi nguồn lực, tìm mọi giải pháp để phát huy nội lực văn hóa đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

3. Mục tiêu của hoạt động văn hóa là đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh

Chúng ta đã biết, thực tiễn đờisống văn hóa xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay bộc lộ phong phú và phức tạp trên nhiều bình diện với nhiều giá trị văn hóa và không ít phản giá trị. Có thể nhận thấy, ngoài những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, những tinh hoa văn hóa nhân loại được phổ biến và đề cao, vẫn còn đây đó nhiều phản văn hóa, nhiều ấn phẩm xấu, nhiều tệ nạn văn hóa đang ùa vào, đầu độc môi trường văn hóa và đờisống sinh hoạt của con người. Trong đời sống xã hội, bên cạnh những thành tựu lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, vẫn xuất hiện sự suy giảm về đạo đức, lối sống, biểu hiện ở các tệ nạn tham nhũng, hối lộ và các tệ nạn xã hội khác. Những phản văn hóa ấy đang len lỏi vào từng ngóc ngách xã hội, từng gia đình, từng con người, gây nhiều thảm cảnh, tha hóa một số không ít cá nhân, nhóm xã hội, đồng thời gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng và xã hội.

Trước tình hình đó, chúng ta đang tập trung tạo nên các phong trào văn hóa lớn trên phạm vi cả nước nhằm chống lại ảnh hưởng của các phản văn hóa, đồng thời tìm ra các giải pháp để xây dựng một nền nếp tốt, một hiện thực tốt về tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa. Trong hàng loạt các mô hình và giải pháp đó, rất dễ nhận thấy rằng: sự phát triển nền văn hóa nói chung và các hoạt động văn hóa nghệ thuật nói riêng đang đề cao mục tiêu đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh, đang đẩy mạnh xu hướng trở về với nguồn lạch mát trong của văn hóa truyền thống, trong đó có những di sản văn hóa, các lễ hội truyền thống và hiện đại, sự nhân bản trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, con người với xã hội và con người với con người… Đó là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Đó là một xu hướng có thật trong thực tế, đồng thời là một giải pháp văn hóa cho sự phát triển xã hội hài hòa, bền vững. Vì lẽ đó, việc nghiên cứu các lớp đối tượng của con người với nhu cầu,sở thích, hoạt động sáng tạo, quá trình hưởng thụ văn hóa… trong xu hướng trở về nguồn văn hóa truyền thống, trong các hoạt động nghiên cứu và thực hành văn hóa truyền thống, chẳng hạn: công nhân, nông dân, trí thức, thanh thiếu niên... trên các bình diện khác nhau của đời sống: trong lao động, trong sinh hoạt thời gian rỗi, trong xu hướng sinh hoạt văn hóa, trong các hình thức và loại hình văn hóa truyền thống được ưa thích... trên cơ sở đó đề ra hình thức, biện pháp giáo dục truyền thống văn hóa là việc làm hết sức quan trọng, hữu ích, cần thiết. Chúng tôi tin rằng, nếu xây dựng được những giá trị văn hóa cao, những hình thức hoạt động văn hóa tốt tức là chúng ta đã chống lại, đẩy lui, tiến tới xóa bỏ những phản văn hóa. Như thế, nếu xây dựng được những phong trào văn hóa rộng lớn, lành mạnh, bổ ích; nếu mở rộng được xu hướng đưa các loại hình văn hóa nghệ thuật trở về với cội nguồn văn hóa truyền thống dân tộc (đến với nghệ thuật dân tộc, ca múa nhạc dân tộc, lễ hội cổ truyền, diễn xướng dân gian...) thì chắc chắn chúng ta sẽ góp phần làm lành mạnh tư tưởng con người, đồng thời kéo được một số đối tượng, nhất là thanh thiếu niên, rời khỏi những tệ nạn xã hội và độc tố để tắm mình trong sự mát lành của văn hóa truyền thống dân tộc. Dần dà như vậy, có thể đoán trước rằng, xu hướng hoạt động văn hóa tích cực tăng lên; xu hướng tiêu cực trong hoạt động văn hóa sẽ giảm dần và có cơ sở để dẫn đến triệt tiêu. Đó là điều hợp logic và là mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, để hoàn thành được điều đó một cách hiệu quả, vấn đề trọng tâm cần chú trọng trong xây dựng văn hóa, phát triển hoạt động văn hóa và quản lý văn hóa vẫn là con người; chiến lược và chính sách quan trọng vẫn là chiến lược và chính sách văn hóa về xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người, vì sự phát triển con người mới, vấn đề mà Đảng ta, từ trước đến nay, hết sức coi trọng.

Chăm lo đến nhu cầu văn hóa của con người là một trong những nhiệm vụ dài lâu mà Đảng, Nhà nước ta đã đặt ra và tỏ rõ quyết tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Nhu cầu ấy của người dân đang được đáp ứng và nâng cao từng ngày, từng giờ. Tuy nhiên có một vấn đề thực tiễn rất cần chú ý là, ngày nay, con người có nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa hết sức đa dạng và phong phú với sự kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị cũ và mới, cổ truyền và hiện đại, trong nước và quốc tế…. Trở về cội nguồn văn hóa, tìm hiểu, tham gia, tái sáng tạo các hình thức và giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là các hoạt động lễ hội, tham quan các di tích danh thắng, sưu tầm, tập hợp các di sản văn hóa dân gian... chỉ là một mảng lớn trong việc thể hiện nhu cầu đó trên thực tiễn. Thực tế cho thấy rằng trong xu thế nở rộ của văn hóa thôn, bản, làng xã và các loại cơ sở văn hóa khác nhau cũng như sự phát triển rộng khắp của lễ hội truyền thống hôm nay, rất nhiều đối tượng công chúng đã bày tỏ và hiện thực hóa sự ham mê tìm hiểu giá trị văn hóa làng, giá trị của lễ hội truyền thống (lễ hội dân gian và lễ hội tôn giáo), sự quan tâm tới văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, vốn đọng lại thành nhiều lớp xung quanh lũy tre xanh của thiết chế thôn làng như: cây đa, bến nước, di tích cảnh quan, đình chùa, miếu mạo, những điệu dân ca, ca dao, tục ngữ... Xu hướng ngày càng tăng của hiện tượng này chứng tỏ một điều rằng, con người hiện nay không chỉ hướng tới hiện tại sôi động, đa giá trị, không chỉ có tâm lý vọng ngoại mà chủ yếu còn ngược dòng truyền thống, tìm trong quá khứ những tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại, đặc biệt là những giá trị hiện tồn của các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc. Đó có thể là những bài dân ca, ca dao, tục ngữ, diễn xướng dân gian, cũng có thể là các loại hình ca múa nhạc, sân khấu, điện ảnh vừa hiện đại vừa dân tộc. Đó có thể là sưu tập, tìm hiểu, đọc, nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật dân tộc, cũng có thể là đi thăm danh lam thắng cảnh, dự lễ hội dân gian... Rất nhiều sự kiện, hiện tượng và tâm lý văn hóa có thể được đưa ra để minh chứng cho xu hướng trên.

Những vấn đề nêu trên, dù thoáng qua, cũng đã cho thấy vai trò ngày càng lớn, vị thế ngày càng gia tăng của các hoạt động văn hóa (và gắn kết với nó là dịch vụ văn hóa, thị trường văn hóa) cũng như quan hệ văn hóa và kinh tế thị trường, trong đó nổi bật là các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đã ngày càng thu hút được nhiều người tham gia, đã ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa cao, lành mạnh của con người.

Tác giả: Phạm Vũ Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

;