Hoạt động cung cấp dịch vụ học thuật số tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập đã tạo điều kiện cho sự phát triển của học thuật số (HTS). Bài viết trình bày về thực tiễn hoạt động cung cấp dịch vụ HTS tại Đại học Quốc gia TP.HCM, trong đó nhận diện những dịch vụ HTS hiện đang được triển khai và các bộ phận chịu trách nhiệm triển khai chúng.

Theo Boyer, học thuật bao gồm các hoạt động khám phá, tích hợp, ứng dụng, và dạy - học (1). Theo đó, HTS được hiểu là việc ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ cũng như thực hiện các hoạt động học thuật.

Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đang nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của HTS, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Thực tiễn hỗ trợ HTS đã được tìm hiểu trong nhiều nghiên cứu tại các quốc gia trên thế giới, điển hình như các nghiên cứu của Vinopal và McCormick (2), Esposito (3), Lippincott, Hemmasi và Lewis (4), Tzoc (5), Koga (6), Joseph (7), Gbaje và Odigie (8), Ocran và Afful-Arthur (9). Nhìn chung, việc hỗ trợ HTS đã nhận được sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học thông qua những hoạt động khá đa dạng và được triển khai ở những mức độ khác nhau, từ những tư vấn riêng lẻ cho đến các mô hình dịch vụ HTS hoàn thiện. Mặc dù thực tiễn hỗ trợ HTS đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm, nhưng kết quả tổng quan tài liệu cho thấy đang còn thiếu những hiểu biết về vấn đề này trong bối cảnh giáo dục đại học của Việt Nam. Vì vậy, việc tìm hiểu hoạt động cung cấp dịch vụ HTS tại Trường Đại học Quốc gia TP.HCM là cần thiết.

Các dịch vụ học thuật số đang được triển khai

Có năm nhóm dịch vụ HTS hiện đang được triển khai tại các trường thành viên của Trường Đại học Quốc gia TP.HCM gồm: Quản lý dự án nghiên cứu số, Quản lý dữ liệu số, Cung cấp phương pháp và công cụ số, tài nguyên thông tin, Hỗ trợ công bố nghiên cứu, Kết nối HTS.

Dịch vụ quản lý dự án nghiên cứu số gồm: cung cấp thông tin, tập huấn, hội thảo về quản lý nghiên cứu; cung cấp thông tin, hội thảo về bản quyền, sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thực hiện lập kế hoạch quản lý dự án nghiên cứu; hỗ trợ triển khai dự án nghiên cứu; hỗ trợ tìm, xin tài trợ nghiên cứu; hỗ trợ đăng ký bản quyền. Trong nhóm dịch vụ này, các trường thành viên đã cung cấp ít nhất một dịch vụ, ngoại trừ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Trường Đại học Công nghệ Thông tin cung cấp nhiều dịch vụ nhất với bốn dịch vụ. Dịch vụ hỗ trợ tìm, xin tài trợ nghiên cứu được cung cấp bởi nhiều trường nhất, với bốn trường gồm Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Quốc tế. Trong khi đó, chỉ có Trường Đại học Công nghệ Thông tin cung cấp các dịch vụ cung cấp thông tin, hội thảo về bản quyền, sở hữu trí tuệ và hỗ trợ triển khai dự án nghiên cứu.

Dịch vụ quản lý dữ liệu số có ba dịch vụ con gồm: hỗ trợ tìm kiếm, thu thập dữ liệu; hỗ trợ làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu; hỗ trợ lưu trữ dữ liệu. Ba dịch vụ này chỉ xuất hiện ở 2/6 trường thành viên là Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Trường Đại học Kinh tế - Luật. Thực tiễn cũng cho thấy sự thiếu vắng của nhiều dịch vụ quản lý vòng đời của dữ liệu nghiên cứu, ví dụ như tạo lập siêu dữ liệu, hủy bỏ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu.

Dịch vụ cung cấp phương pháp và công cụ số, tài nguyên thông tin được xem là phổ biến nhất khi được cung cấp bởi nhiều trường thành viên nhất với sáu dịch vụ con gồm: cung cấp địa điểm thực hiện xử lý dữ liệu số; cung cấp công cụ số; cung cấp kho lưu trữ dữ liệu; hỗ trợ sử dụng công cụ, phương pháp số trong nghiên cứu; hỗ trợ sử dụng công cụ, phương pháp số trong dạy và học; cung cấp tài nguyên thông tin. Hai trong số sáu dịch vụ được cung cấp ở tất cả các trường thành viên gồm: hỗ trợ sử dụng công cụ, phương pháp số trong dạy và học; cung cấp tài nguyên thông tin. Trong khi đó, việc cung cấp kho lưu trữ dữ liệu chỉ hiện diện tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin.

Dịch vụ hỗ trợ công bố nghiên cứu có ba dịch vụ con được nhận diện gồm: tư vấn/ cung cấp thông tin/ tập huấn/ hội thảo về cách thức công bố; hỗ trợ công bố trên kho nội sinh của trường; hỗ trợ công bố trên tạp chí khoa học. Trong đó, hỗ trợ công bố trên tạp chí khoa học xuất hiện tại 5/6 trường thành viên, ngoại trừ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; đồng thời hỗ trợ công bố trên kho nội sinh của trường chỉ xuất hiện tại Trường Đại học Bách Khoa. Trường Đại học Bách Khoa cung cấp nhiều dịch vụ thuộc nhóm này nhất với ba dịch vụ.

Dịch vụ về kết nối HTS gồm: tổ chức sự kiện, tọa đàm về các nghiên cứu bằng cách sử dụng phương pháp/ công cụ số; cung cấp địa điểm vật lý cho tương tác học thuật; kết nối các nhóm/ nhà nghiên cứu. Thực tiễn cho thấy hoạt động tổ chức sự kiện, tọa đàm về các nghiên cứu bằng cách sử dụng phương pháp/ công cụ số chỉ xuất hiện ở Trường Đại học Công nghệ Thông tin, trong khi hai dịch vụ còn lại được cung cấp tại 4/6 trường thành viên. Đồng thời, mỗi trường thành viên cung cấp từ một đến hai dịch vụ.

Bộ phận cung cấp dịch vụ HTS

Các dịch vụ HTS tại những trường thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM được cung cấp chủ yếu bởi các bộ phận sau: phòng Quản lý khoa học (QLKH), phòng Sau Đại học, Thư viện, các trung tâm nghiên cứu, các khoa và bộ phận công nghệ thông tin.

Phòng QLKH được xem là một trong những bộ phận chính yếu cung cấp các dịch vụ HTS, giúp giảng viên và người học thực hiện các hoạt động nghiên cứu tại các trường. Phòng QLKH chủ yếu tổ chức tọa đàm, workshop, hội thảo để nâng cao hiểu biết, ý thức của giảng viên. Thuật ngữ HTS có thể không được sử dụng trực tiếp trong các hoạt động này nhưng nội dung trao đổi đề cập đến giá trị, nền tảng của HTS, ví dụ như xuất bản trực tuyến.

Phòng Sau Đại học là bộ phận thường tổ chức các tư vấn và hướng dẫn cho giảng viên và người học trong hoạt động nghiên cứu. Trong hoạt động tổ chức tư vấn cho học viên làm nghiên cứu và làm luận văn tốt nghiệp được xem là nổi trội.

Bên cạnh đó, thư viện cũng được xem là bộ phận quan trọng cung cấp các dịch vụ HTS. Các hoạt động thường gặp là tổ chức các hướng dẫn/ khóa học hỗ trợ giảng viên và người học trích dẫn nghiên cứu hay cung cấp tài nguyên thông tin cho hoạt động học thuật. Hiện nay, nhu cầu truy cập các cơ sở dữ liệu điện tử là rất lớn, ví dụ như Springer, Science Direct. Vì vậy, các thư viện cũng nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu này, điển hình là thông qua việc hợp tác xây dựng hoặc mua các cơ sở dữ liệu dùng chung.

Các trung tâm nghiên cứu của các trường cũng cung cấp một số dịch vụ HTS, như hỗ trợ thu thập và làm sạch dữ liệu. Ngoài ra, mặc dù không nhiều, nhưng các trung tâm nghiên cứu cũng có thể tổ chức các buổi tư vấn hoặc hướng dẫn thực hiện quy trình nghiên cứu trong từng lĩnh vực cụ thể.

Các khoa trực thuộc trường được xem là một địa chỉ cung cấp các dịch vụ HTS. Thông thường, các khoa có thể cung cấp công cụ, phương tiện hỗ trợ cho hoạt động học thuật, điển hình là cung cấp tài liệu số. Đồng thời, các khoa cũng có thể xây dựng, kho lưu trữ số cấp khoa, học liệu số, và các trang web. Việc xây dựng các diễn đàn học tập cấp khoa thông qua các ứng dụng web cũng dần nhận được nhiều sự quan tâm.

Ngoài ra, bộ phận công nghệ thông tin được nhắc đến như một nơi hỗ trợ các hoạt động HTS, chủ yếu là về cơ sở hạ tầng và các phương tiện, công cụ. Một ví dụ cho sự hỗ trợ của bộ phận này cho hoạt động HTS là họ cài đặt các phần mềm và hướng dẫn giảng viên thực hiện các bài giảng, kiểm tra đánh giá trực tuyến.

Các thảo luận ở trên cho thấy chưa có sự thống nhất và đồng đều trong việc cung cấp các dịch vụ HTS trong hệ thống Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, nhưng đã có sự hiện diện của nhiều dịch vụ HTS tại các trường thành viên, trong đó chủ yếu tập trung vào bốn nhóm dịch vụ: Quản lý dự án nghiên cứu số; Cung cấp phương pháp và công cụ số, tài nguyên thông tin; Hỗ trợ công bố nghiên cứu; Kết nối HTS. Thực tiễn này có sự tương đồng với kết quả nghiên cứu của Gbaje và Odigie (10) và Ocran và Afful-Arthur (11) khi các tác giả này chỉ ra rằng, nhiều trường đại học tại Nigeria và Cape Coast cung cấp các hỗ trợ HTS. Điều này cho thấy sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học với việc hỗ trợ HTS mặc dù sự đa dạng và mức độ hỗ trợ HTS của các cơ sở giáo dục đại học là khác nhau. Có thể, sự hỗ trợ HTS chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp tư vấn tại phòng đọc, tư vấn không chính thức với các nhà nghiên cứu và một số kênh khác mà chưa trở thành dịch vụ HTS mang tính hệ thống trong thư viện như tại Thư viện Quốc hội Mỹ (12); nhưng cũng có những thư viện đã xây dựng và triển khai được mô hình dịch vụ HTS hoàn thiện như tại Thư viện Đại học New York (13).

Thực tiễn cũng cho thấy việc cung cấp dịch vụ HTS tại các trường thành viên chưa do một trung tâm HTS chủ trì. Thay vào đó, các dịch vụ HTS được cung cấp một cách phân tán bởi các bộ phận khác nhau như phòng QLKH, phòng Sau Đại học, thư viện, các trung tâm nghiên cứu, các khoa và bộ phận công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, sự hiện diện của thư viện trong hỗ trợ HTS tại Trường Đại học Quốc gia TP.HCM cho thấy dù có sự tồn tại của trung tâm HTS hay không thì vai trò của các thư viện trong hỗ trợ HTS là rất cần thiết.

Kết luận

Nhìn chung, các trường thành viên của Trường Đại học Quốc gia TP.HCM đã có những hoạt động hỗ trợ HTS trong bối cảnh số hiện nay. Tuy nhiên, các hỗ trợ này chưa mang tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống, và đặc biệt còn thiếu vắng các hỗ trợ liên quan đến quản lý dữ liệu nghiên cứu. Việc cung cấp các hỗ trợ HTS đang bị phân tán tại nhiều bộ phận chứ chưa được một trung tâm HTS chủ trì.

Thực tiễn trên cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng, triển khai và quản lý một cách đồng bộ và có hệ thống các dịch vụ HTS để đảm bảo cả cộng đồng học thuật đều có thể nhận được các hỗ trợ này trong quá trình thực hiện nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Việc quản lý các hỗ trợ HTS thông qua một trung tâm HTS là một đề xuất cho việc thiết lập mô hình dịch vụ HTS tại Trường Đại học Quốc gia TP.HCM nhằm đảm bảo tính thống nhất cho hệ thống (14).

________________________

1. Ernest Boyer, Scholarship reconsidered: priorities of the professoriate (Xem xét lại khái niệm học thuật: tập trung vào những người làm công tác giảng dạy trong trường đại học), Tổ chức về dạy và học Carnegie, Princeton, 1990.

2, 13. Jennifer Vinopal, Monica McCormick, Supporting digital scholarship in research libraries: scalability and sustainability (Hỗ trợ học thuật số trong thư viện nghiên cứu: khả năng mở rộng và tính bền vững), tập 53, Tạp chí Quản trị thư viện, số 1, 2013, tr. 27-42.

3. Antonella Esposito, Neither digital or open. Just researchers: views on digital/open scholarship practices in an Italian university (Không phải vấn đề kỹ thuật số hoặc mở. Quan điểm của các nhà nghiên cứu về thực tiễn học thuật số/mở tại một trường đại học của Ý), tập 18, Tạp chí Thứ hai đầu tiên, số 1, journals.uic.edu, 9-1-2013.

4. Joan Lippincott, Harriette Hemmasi, Viv Lewis, Research report: trends in digital scholarship centers (Báo cáo nghiên cứu: xu hướng trong các trung tâm học thuật số), er.educause.edu, 16-6-2014.

5. Elias Tzoc, Libraries and faculty collaboration: four digital scholarship examples (Thư viện và sự hợp tác giữa các khoa: bốn ví dụ về học thuật số), tập 10, Tạp chí Quản lý Thư viện web, số 2, 2016, tr.124-136.

6. Takashi Koga, Issue-oriented strategies or extensive infrastructure for digital scholarship? The policy, practices and projects of Japanese digital archives and libraries (Chiến lược định hướng vấn đề hay cơ sở hạ tầng mở rộng cho học thuật số? Chính sách, thực tiễn và các dự án của các thư viện và lưu trữ số của Nhật Bản), Kỷ yếu Hội nghị Thư viện và Thông tin thế giới của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội và Tổ chức Thư viện 2018, Kuala Lumpur, Malaysia, 2018, tr. 1-17.

7. Kris Joseph, Research proposal: profile of digital scholarship activities at York University (Đề xuất nghiên cứu: hồ sơ về các hoạt động học thuật số tại Đại học York), dsyork.pubpub.org, 14-10-2019.

8, 10. Ezra Gbaje, Imoisili Odigie, Digital scholarship practices in Nigerian university libraries (Thực tiễn học thuật số tại các thư viện đại học của Nigeria), Trích từ Management of Library and Information Centres in the Era of Global Insecurity (Quản lý Thư viện và Trung tâm thông tin trong kỷ nguyên an ninh toàn cầu), 2021, tr. 215-226.

9, 11. Theophilus Kwamena Ocran, Paulina Afful-Arthur, The role of digital scholarship in academic libraries, the case of university of Cape Coast: opportunities and challenges (Vai trò của học thuật số trong các thư viện đại học, trường hợp của trường đại học Cape Coast: cơ hội và thách thức), Tạp chí Thư viện Hi Tech, 2021.

12. Thư viện Quốc hội Mỹ, Digital scholarship at the Library of Congress: user demand, current practices, and options for expanded services (Học thuật số tại Thư viện Quốc hội Mỹ: nhu cầu của người dùng, thực tiễn và các tùy chọn cho các dịch vụ mở rộng), labs.loc.gov, 17-3-2020.

14. Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP.HCM trong khuôn khổ Đề tài mã số B2020-18b-01.

TS NGÔ THỊ HUYỀN - PGS, TS NGUYỄN HỒNG SINH - TS NINH THỊ KIM THOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;