Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: Thực trạng và giải pháp phát triển

Nhà văn hóa trung tâm cộng đồng bản Co Mỵ xã Thanh Chăm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

1. Vai trò và mục tiêu phát triển của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến ở nước ta từ khoảng nửa cuối của TK XX đến nay, đặc biệt là trong ngành VHTTDL. Hiện nay, theo cách hiểu chung nhất, TCVHTT là một tổ chức (có thể là cơ quan, đơn vị, hay tụ điểm) được lập ra để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thể thao của người dân trong một cộng đồng dân cư nhất định; tổ chức này cần hội đủ các yếu tố: cơ sở vật chất - trang thiết bị - kinh phí; bộ máy tổ chức - nhân sự và quy chế - nội dung hoạt động. Còn khi nói TCVHTT cơ sở là để chỉ các thiết chế hoạt động phục vụ đời sống văn hóa, thể thao của nhân dân trên địa bàn cơ sở như xã, thôn, cụm dân cư… cho dù các TCVHTT đó có thể có cơ quan chủ quản không phải cấp cơ sở.

Tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11-11-2013 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, mạng lưới TCVHTT cơ sở được chia thành 4 hệ thống được quản lý bởi: ngành VHTTDL; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; lực lượng vũ trang, các bộ, ngành khác quản lý cùng các TCVHTT cơ sở do xã hội hóa xây dựng. Bài viết đề cập đến hệ thống TCVHTT cơ sở do ngành VHTTDL trực tiếp quản lý, bao gồm: Nhà văn hóa - khu thể thao thôn (gọi tắt là thôn); Trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã); Trung tâm văn hóa - thể thao huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là cấp huyện); Trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh).

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động gần 70 năm qua, hệ thống TCVHTT cơ sở này đã khẳng định là hệ thống TCVHTT có vị trí trụ cột trong mạng lưới TCVHTT cả nước với nhiều vai trò:

TCVHTT cơ sở là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao của nhân dân trên địa bàn dân cư; đồng thời thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Trung ương và địa phương.

TCVHTT cơ sở là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, hướng dẫn thực hành văn hóa thể thao góp phần nâng cao dân trí, thể chất con người, ươm mầm cho những sáng tạo chất lượng cao về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; định hướng thẩm mỹ, ngăn chặn việc truyền bá văn hóa phản động, đồi truỵ, các tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư.

TCVHTT cơ sở là nơi giao lưu, tiếp biến và quảng bá những giá trị văn hóa giữa các địa phương, vùng miền của đất nước, nhân loại, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

TCVHTT cơ sở trong cơ chế thị trường còn là nơi tổ chức các hoạt động, các sự kiện mang tính tổng hợp, khai trí, phục vụ phát triển chính trị, kinh tế, xã hội như mít tinh, hội họp, bồi dưỡng kiến thức, triển lãm, hội chợ… Trong những điều kiện có thể, nhiều TCVHTT cơ sở, nhất là ở cấp huyện, tỉnh với tư cách là đơn vị sự nghiệp còn có thể tạo nguồn thu để bổ trợ cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn.

Do vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của hệ thống TCVHTT cơ sở, nên Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-11-2021 đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: Trung tâm văn hóa hoặc Trung tâm văn hóa - nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa, thể thao”(1). Để có thể hiện thực hóa những mục tiêu lớn đầy khó khăn này, cùng với việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội, trước hết phải thấy được thực trạng phát triển của hệ thống TCVHTT cơ sở để từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phát triển sát thực, khả thi.

2. Thực trạng hệ thống TCVHTT cơ sở hiện nay

Khái quát về thành tựu

Trong hơn nửa thế kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao của đất nước, trong đó có sự nghiệp xây dựng và phát triển mạng lưới các TCVHTT từ Trung ương tới cơ sở, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Đặc biệt, từ thời kỳ Đổi mới, Đảng ta đã ban hành riêng cho lĩnh vực văn hóa hai nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó thể hiện khá đầy đủ, toàn diện về phát triển mạng lưới TCVHTT cơ sở trong trung hạn và dài hạn. Đây là định hướng và cơ sở pháp lý rất quan trọng để các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ VHTTDL triển khai xây dựng và phát triển mạng lưới TCVHTT cơ sở trên địa bàn cả nước nhiều năm qua.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng ở xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - Nguồn: Ngô Thủy

Theo số liệu thống kê, tổng hợp của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), đến nay đã có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch xong quỹ đất dành cho xây dựng các TCVHTT cơ sở, nhiều TCVHTT cơ sở đã được xây dựng hoặc sửa chữa nâng cấp to, đẹp, khang trang và chuyển đổi phương thức hoạt động có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường… Vai trò của các TCVHTT cơ sở trong việc vận hành chung của nền văn hóa được nâng cao, đồng thời có vị trí ngày càng quan trọng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đang triển khai rộng khắp trong cả nước. Cũng theo số liệu của Bộ VHTTDL, tính đến hết tháng 8-2022, cả nước đã thực hiện xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống TCVHTT cơ sở do Bộ VHTTDL quản lý bao gồm: 66 TCVHTT cấp tỉnh (Trung tâm văn hóa hoặc Trung tâm văn hóa, nghệ thuật, Trung tâm văn hóa, điện ảnh, Trung tâm triển lãm…); 674/704 địa phương cấp huyện có Trung tâm văn hóa, thể thao hoặc Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 96%; 8.217/10.599 địa phương cấp xã có Trung tâm văn hóa, thể thao, đạt tỷ lệ 76,8% (trong đó 68,9% đạt chuẩn); 77.380/98.455 làng, thôn, ấp, bản có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 77% (trong đó 58% đạt chuẩn). Riêng lĩnh vực thể thao có gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia và quốc tế, 371 sân vận động có khán đài, 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn quốc gia, 11.923 cụm sân thể thao các loại… Ngoài ra, ở cấp tỉnh, huyện có 627 sân điền kinh, 10.101 nhà tập, 4.110 sân bóng đá, 3.270 sân vận động không có khán đài, hơn 2.000 bể bơi các loại, 29.012 sân cầu lông và đá cầu, cùng với đó hầu hết các môn thể thao đều có cơ sở để tập luyện và thi đấu ở các mức độ khác nhau trên phạm vi cả nước. Đây là những kết quả và thành tựu đáng ghi nhận bởi sự cố gắng của Nhà nước và nhân dân trong điều kiện mà nước ta còn đang ở ngưỡng của một quốc gia có trình độ phát triển và thu nhập ở mức trung bình trên thế giới.

Những khó khăn, bất cập

Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn đó những khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống TCVHTT cơ sở cần được khắc phục:

Một là, cho tới nay vẫn còn tồn tại việc nhiều cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cũng như các cơ quan chức năng liên quan trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tài chính, tổ chức bộ máy chính quyền, quản lý đất đai… chưa thật sự coi phát triển văn hóa nói chung và phát triển hệ thống TCVHTT cơ sở nói riêng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, tổng mức đầu tư cho văn hóa, thể thao trong nhiều năm qua chưa có chuyển biến tích cực, vẫn ở mức chưa thể “ngang tầm nhiệm vụ” để văn hóa Việt Nam phát triển, bứt phá tương xứng với vai trò, vị thế là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Tới nay, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước liên tục tăng trưởng mà đầu tư cho văn hóa vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò! Có một câu nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc lại nhiều lần khi bàn về giữ gìn và phát triển văn hóa: “văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Như vậy, có thể thấy, đầu tư cho văn hóa tức là cách thiết thực nhất để đất nước và dân tộc mãi mãi trường tồn!

Hai là, nhìn vào hoạt động đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao ở nhiều địa phương, đâu đó, chúng ta vẫn vi phạm vào những điều cấm kỵ như: chất lượng và tuổi thọ của các công trình ngắn và nhanh xuống cấp (suốt hơn nửa thế kỷ qua chúng ta đã xây dựng hàng nghìn, hàng vạn công trình trên khắp đất nước, nhưng rất khó để chọn ra trong số đó có bao nhiêu công trình có thể trở thành những kiến trúc có giá trị di sản để lại cho đời con đời cháu); việc xây dựng các công trình không đúng với công năng và đặc thù truyền thống văn hóa các vùng miền (như ở Tây Nguyên) gây lãng phí; việc lựa chọn địa điểm xây dựng công trình không thuận lợi cho thu hút công chúng; việc xác định quy mô đầu tư xây dựng không tương xứng với nhu cầu khai thác, sử dụng của cư dân bản địa; việc mua sắm các trang thiết bị bên trong để vận hành hoạt động của thiết chế cũng còn hiện tượng không phù hợp, không đồng bộ về công năng hoặc là kém chất lượng, mau hỏng hóc…

Ba là, về quỹ đất để xây dựng các TCVHTT cơ sở, Chính phủ đã có quy hoạch, Bộ VHTTDL đã có tiêu chí hướng dẫn, nhưng hầu hết các địa phương, nhất là ở các đô thị, khu vực miền núi việc dành ra quỹ đất đúng tiêu chuẩn là vô cùng khó khăn… Trong những năm qua, ở không ít địa phương, nhiều công trình văn hóa, thể thao có vị trí đắc địa để phù hợp với hoạt động công chúng bị hoán đổi, “nhường lại” một cách khó hiểu cho các công trình kinh doanh - kinh tế mọc lên mà chưa được xử lý triệt để (?!)…

Bốn là, kinh phí để xây dựng mới, sửa chữa hoặc nâng cấp, mua sắm trang thiết bị của TCVHTT cơ sở nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hệ thống, tình trạng “giật gấu vá vai” còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương chưa tự chủ được về tài chính. Đặc biệt, tình trạng các TCVHTT cơ sở bị đóng cửa, dừng hoạt động do không được cấp kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên hoặc cung cấp nhỏ giọt, đứt quãng là khá phổ biến. Tình trạng “khóa cửa” này dẫn đến nhiều hệ lụy như sự xuống cấp của cơ sở vật chất, không phát huy được tác dụng của thiết chế, sự phản cảm trong con mắt người dân…

Công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực trong dân những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 diễn ra, nền kinh tế không ổn định, việc huy động các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư cho văn hóa bị hạn chế nhiều… Hơn nữa, việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để khuyến khích xã hội hóa vẫn còn không ít vướng mắc đối với các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư, kinh doanh văn hóa…

Năm là, nguồn nhân lực cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ trong bộ máy vận hành của các TCVHTT cơ sở ở cấp xã, thôn nhìn chung còn ở mức thấp, nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa vừa thiếu, vừa yếu. Đối với nhân lực vận hành các TCVHTT cơ sở cấp thôn, bản 100% là nhiệm vụ kiêm nhiệm của các trưởng thôn, bí thư chi bộ hoặc cán bộ các đoàn thể như Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh… Họ hầu như không được đào tạo, dù chỉ là bồi dưỡng trong các lớp tập huấn ngắn ngày ở địa phương. Đây là tình trạng rất nan giải, liên quan trực tiếp đến việc duy trì và chất lượng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Cùng với đó là chế độ lương, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực này còn ở mức rất thấp (một công chức văn hóa cấp xã có trình độ đại học hiện nay, mức lương ban đầu chỉ gần 4 triệu đồng và phải chịu trách nhiệm tới vài lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, y tế… Còn nhân sự cấp thôn hầu như không có chế độ gì).

Sáu là, nội dung hoạt động và phương thức quản lý vận hành của các TCVHTT ở nhiều địa phương không bắt kịp những đòi hỏi cao và luôn thay đổi của công chúng và cộng đồng. Nhiều thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện, ngay cả trong trường hợp được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có trình độ khá cao cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng và chịu nhiều áp lực trong thực hiện nhiệm vụ hoạt động của một đơn vị có thu theo quy định hiện hành của Nhà nước… Việc thực thi các quy định về quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp còn nhiều vướng mắc.

3. Kiến nghị, đề xuất một số giải pháp phát triển hệ thống TCVHTT cơ sở

Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa vào chương trình làm việc của Ủy ban kế hoạch giám sát việc tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban có thể ủng hộ việc đề nghị Nhà nước cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn mới, trong đó, có mục đầu tư cho phát triển hệ thống TCVHTT cơ sở vốn đang rất khó khăn về kinh phí trong điều kiện sau đại dịch. Chúng tôi cũng kiến nghị và hy vọng, với chức năng, quyền hạn của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Nhà nước nâng tổng đầu tư kinh phí cho ngành VHTTDL lên mức 2% tổng thu ngân sách hằng năm, để ngành có điều kiện thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược đã được phê duyệt.

Thứ hai, kiến nghị Bộ VHTTDL phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy hoạch về quỹ đất cho xây dựng TCVHTT cơ sở; kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trong việc hoán đổi hoặc thu hồi đất của các công trình văn hóa, thể thao dành cho việc khác trái pháp luật. Trong trường hợp có lỗ hổng về văn bản pháp luật thì cần sửa đổi, bổ sung ngay để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.

Thứ ba, Bộ VHTTDL, các bộ ngành liên quan cần đề nghị với Chính phủ rà soát lại cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật để nếu có thể, sửa đổi và bổ sung các quy định mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống TCVHTT cơ sở có sử dụng ngân sách Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng các công trình xây dựng và đồng bộ hóa giữa công tác xây dựng và mua sắm trang thiết bị. Đặc biệt, cần đổi mới tư duy đầu tư theo hướng không nhất thiết phải đặt ra mục tiêu “phủ sóng” 100% việc xây dựng TCVHTT cơ sở ở cấp xã, thôn, bởi trên thực tế, có những khu vực do đặc thù địa lý và mật độ dân cư thưa thớt, người dân không có điều kiện để sinh hoạt cộng đồng thường xuyên nếu như các TCVHTT cơ sở này được xây dựng. Như vậy, đối với các khu vực dân cư đặc thù này, nên tìm một giải pháp thay thế khác để nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, chẳng hạn như Nhà nước có thể hỗ trợ mua sắm các thiết bị nghe nhìn, tăng tần suất hoạt động của các đội xung kích tuyên truyền cổ động, văn hóa văn nghệ đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Thứ tư, trong 3 dạng kinh phí đầu tư để hình thành công trình và duy trì hoạt động của TCVHTT cơ sở là: đầu tư xây dựng công trình, đầu tư cho nhân lực vận hành và đầu tư cho duy trì hoạt động thường xuyên, thì đối với các TCVHTT cơ sở cấp xã, thôn hai khoản đầu tư cho nhân lực vận hành và duy trì hoạt động thường xuyên này hầu như không có nguồn. Đây là vấn đề không thể không giải quyết nếu muốn các TCVHTT cơ sở hoạt động có hiệu quả. Do vậy, Bộ VHTTDL cần phối hợp với Bộ Tài chính (có thể là với cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư…) trình Chính phủ giao ngân sách các tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân lập mục chi chính thức cho các công việc này. Có thể nói, những khoản chi này rất quan trọng với cơ sở, hơn nữa không tốn kém đến mức các địa phương không thể gánh vác, vì các TCVHTT cấp xã, thôn có quy mô hoạt động không lớn như cấp huyện, cấp tỉnh.

Thứ năm, Bộ VHTTDL cần phối hợp với các địa phương có chủ trương, kế hoạch trung hạn và dài hạn mang tính chiến lược để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ vận hành các TCVHTT cơ sở, đặc biệt là đối với các TCVHTT cơ sở cấp xã, thôn. Các tỉnh cần giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tập huấn này cho các trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh (đối với các tỉnh có trường) hoặc các Trung tâm văn hóa, thể thao cấp tỉnh, huyện đảm nhiệm (nếu tỉnh không có trường). Các đơn vị này cần được bổ sung kinh phí để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, chủ yếu là ngắn hạn, có nội dung sát thực với chức năng, nhiệm vụ của các TCVHTT cấp xã, thôn.

 Mặc khác, chế độ tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ, nhân lực hoạt động ở các TCVHTT cơ sở là rất thấp, không đủ duy trì 1/3 mức sống tối thiểu hiện nay. Do vậy, Nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu và xây dựng các cơ chế chính sách tiền lương, phụ cấp mang tính đặc thù ngành để ổn định hệ thống bộ máy, động viên và nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho việc duy trì hoạt động có chất lượng của TCVHTT cơ sở. Đây là một giải pháp mang tính động lực, tạo nên chuyển động thực chất cho sự phát triển năng động của nền văn hóa nói chung và hệ thống TCVHTT cơ sở nói riêng.

Thứ sáu, Bộ VHTTDL cần chỉ đạo và có kế hoạch phối hợp với các địa phương tăng cường việc đào tạo - đào tạo lại và các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn kiến thức về quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, phương pháp viên, hướng dẫn viên ở các TCVHTT cơ sở, nhằm nâng cao năng lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường, với các nhu cầu thị hiếu luôn thay đổi của các đối tượng phục vụ, nhất là giới trẻ tại các TCVHTT cơ sở; đồng thời vẫn bảo tồn, duy trì các hoạt động mang tính bản sắc và truyền thống văn hóa trên địa bàn.

Thứ bảy, đề xuất và kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTTDL xây dựng riêng Luật về Văn hóa cơ sở để điều chỉnh nhiều vấn đề lớn của đời sống văn hóa cơ sở như: hoạt động lễ hội; hoạt động dịch vụ văn hóa; việc tang việc cưới; xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; xây dựng, phát triển các TCVHTT cơ sở; xây dựng và tôn vinh các danh hiệu văn hóa - mô hình văn hóa - phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... Luật này ra đời có tác dụng hệ thống hóa các vấn đề cần điều chỉnh của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vốn đang rất rộng lớn và có vai trò quyết định trong thực hiện mục tiêu bao trùm về văn hóa của Đảng, Nhà nước: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội…” như nhiều nghị quyết về văn hóa của Đảng đã chỉ rõ. Hơn nữa hiện nay, các văn bản dưới luật đã không đủ mạnh và còn tản mạn về mặt pháp lý để điều chỉnh các vấn đề kể trên.

Thứ tám, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động xã hội hóa văn hóa trong đầu tư xây dựng các trung tâm, các tụ điểm văn hóa, sớm hình thành và phát triển một hệ thống TCVHTT cơ sở mới do dân lập bên cạnh các các hệ thống TCVHTT cơ sở quốc lập, làm phong phú, đa dạng hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên các địa bàn dân cư trong cả nước, đem lại diện mạo tươi trẻ, sự cuốn hút và sức sống bền vững cho nền văn hóa Việt Nam.

___________________

1. PV, Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, bvhttdl.gov.vn, 12-11-2021.

TS TRẦN MINH CHÍNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;