"Đề cương về văn hóa Việt Nam" - cơ sở lý luận để phát triển đường lối văn hóa của Đảng

Các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên - Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và lưu hành vào năm 1943. Thời gian này, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang hoạt động trong vòng bí mật, bị thực dân Pháp và phát xít Nhật tìm mọi thủ đoạn khủng bố nhằm loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta. Có thể nói, bản Đề cương ra đời trong bối cảnh dân tộc ta chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng. Thực dân Pháp tiếp tục nhồi nhét tư tưởng tư sản phản động của phương Tây, chủ trương đưa văn hóa phương Tây xâm nhập vào mọi mặt đời sống xã hội, nhất là ở các đô thị do thực dân Pháp chiếm đóng. Phát xít Nhật sau khi thay thế Pháp cai trị Việt Nam, lập chính phủ thân Nhật, nhanh chóng truyền bá thuyết Đại Đông Á, đề cao sức mạnh của nước Nhật trong việc tập hợp những người máu đỏ, da vàng, chống sự xâm nhập của phương Tây. Chính phủ thân Pháp và Nhật, quản lý đất nước chủ yếu là các nhà nho ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng nho giáo. Đời sống nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi bị chìm đắm trong các hủ tục, mê tín dị đoan, duy tâm thần bí.

Vào các năm 1941-1942, trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa xuất hiện nhiều khuynh hướng phức tạp và phản động. Phát xít Nhật tích cực tuyên truyền cho các thuyết Đại Đông Á lôi kéo một bộ phận trí thức tham gia vào bộ máy tuyên truyền đề cao Nhật. Thực dân Pháp cũng tích cực hoạt động mua chuộc và lừa bịp giới quan lại, công chức, trí thức, sinh viên thân Pháp hạn chế ảnh hưởng của Nhật, ngăn chặn nhân dân ngả theo cách mạng. Tầng lớp trí thức bị dao động, phân liệt. Một bộ phận lộ rõ bản chất phản động cam tâm làm tay sai cho Nhật, Pháp. Một bộ phận đi theo cách mạng. Một bộ phận lừng chừng đề cao tư tưởng phong kiến phục cổ, mê tín dị đoan, thần bí, cải lương tư sản. Có bộ phận công khai xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin.

Bối cảnh lịch sử trên đặt ra nhiệm vụ to lớn đối với Đảng ta là phải kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, phê phán khuynh hướng tư tưởng, văn hóa quay lưng với hiện thực mất nước của dân tộc, nỗi thống khổ “một cổ hai tròng” của nhân dân, chỉ ra con đường đúng đắn mà nền văn hóa Việt Nam phải đi. Với trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã vận dụng hệ thống quan điểm về chính trị, văn hóa trong chủ nghĩa Mác - Lênin trên cơ sở phân tích tình hình văn hóa ở nước nhà những năm 1940-1943 để biên soạn bản Đề cương về văn hóa Việt Nam. Bản Đề cương không dài (khoảng gần 1.500 từ), được trình bày trong 5 phần: Phần I: Cách đặt vấn đề; Phần II: Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Phần III: Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Phần IV: Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Phần V: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam.

Các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại một thôn ở Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ ở nước ta lúc bấy giờ bị phân tâm tư tưởng, không tìm ra lối thoát cho sự phát triển của văn hóa dân tộc và tương lai tươi sáng của đất nước. Tổng Bí thư Trường Chinh với tư cách là lãnh tụ của Đảng, thấm nhuần sâu sắc những luận điểm cách mạng trong học thuyết Mác - Lênin và nắm rõ tình hình chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước để vạch ra những quan điểm, chủ trương của Đảng đối với nền văn hóa nước nhà, đặt trong mối quan hệ với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bản Đề cương viết rất cô đọng, hàm xúc, thể hiện rõ quan điểm của Đảng về con đường phát triển của văn hóa Việt Nam, phá tan sự nghi ngờ, bi quan trong trí thức, văn nghệ sĩ, soi sáng con đường để văn hóa Việt Nam phát triển, thức tỉnh trí thức, văn nghệ sĩ tìm đến với cách mạng, là định hướng của Đảng để các tổ chức văn hóa, văn nghệ xây dựng chương trình hoạt động.

Tuy ngắn gọn, nhưng Đề cương đã trình bày một cách hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng đến. Đề cương đưa ra quan niệm rộng về văn hóa: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”; xác định văn hóa là một mặt trận: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)”; khẳng định thái độ của Đảng Cộng sản đối với văn hóa: “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”, “Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”, đưa ra dự báo quan trọng: “Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa”, chỉ ra mối quan hệ giữa cách mạng văn hóa Việt Nam và cách mạng dân tộc giải phóng: “Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển”.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 phân tích sâu sắc nguy cơ của văn hóa Việt Nam: “1. Những thủ đoạn phát xít trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam: a) Chính sách văn hóa của Pháp: Đàn áp các nhà văn hóa cách mạng dân chủ chống phát xít; Ra tài liệu tổ chức các cơ quan và các đoàn thể văn hóa để nhồi sọ; Kiểm duyệt rất ngặt những tài liệu văn hóa; Mua chuộc và hăm dọa các nhà văn hóa; Mật thiết liên lạc với tôn giáo để truyền bá văn hóa trung cổ, văn hóa ngu dân...; Tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng và chủ nghĩa ái quốc mù quáng và hẹp hòi (chauvinisme); Làm ra vẻ sǎn sóc đến trí dục, thể dục và đức dục cho dân. b) Chính sách văn hóa của Nhật: Tuyên truyền chủ nghĩa Đại Đông Á; Gây ra một quan niệm cho người Nhật là cứu tinh của giống da vàng và văn hóa Nhật Bản chiếu rọi những tia sáng văn minh tiến bộ cho các giống nòi Đại Đông Á...; Tìm hết cách phô trương và giới thiệu văn hóa Nhật Bản (triển lãm, diễn thuyết, đặt phòng du lịch, viện văn hóa, trao đổi du học sinh, mời nghệ sĩ Đông Dương sang thǎm nước Nhật, mở báo chí tuyên truyền, tổ chức ca kịch, chiếu bóng...); Đàn áp các nhà văn chống Nhật và mua chuộc các nhà văn có tài” (1).

Đặc biệt, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề ra ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam, đó là: “a- Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); b- Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); c- Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”. Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng vǎn hóa quá trớn của bọn tơ-rốt kít (2).

Đối với nguyên tắc dân tộc hóa, đây là một luận điểm lớn, có tính thời sự, đáp ứng khát vọng của các tầng lớp nhân dân, của các dân tộc trên đất nước Việt Nam quyết tâm đấu tranh giành cho được độc lập dân tộc, thoát khỏi sự thống trị, áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nguyên tắc trên còn thể hiện tính chiến lược trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, phải nhanh chóng thoát ra khỏi mọi ảnh hưởng của thứ văn hóa nô dịch, lệ thuộc, là cơ sở để văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Phát triển độc lập nghĩa là phát triển những thứ văn hóa của đất nước Việt Nam, không bị lai căng, áp đặt. Đó là thứ văn hóa thể hiện được tâm hồn, cốt cách của dân tộc, do nhân dân ta sáng tạo ra trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, kết tinh thành bản sắc văn hóa của dân tộc.

Đối với nguyên tắc khoa học hóa, đây là nguyên tắc thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Tổng Bí thư Trường Chinh. Là một nhà mác xít, đứng vững trên quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, Tổng Bí thư đề xuất sự vận động của văn hóa Việt Nam phải tuân theo nguyên tắc khoa học. Nguyên tắc khoa học là phải dựa vào tư duy mới, tiến bộ, khách quan của thời đại, đó là những luận điểm về văn hóa được nêu trong học thuyết Mác - Lênin, một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn nhất lúc bấy giờ, phù hợp với quy luật vận động khách quan của tư tưởng và văn hóa nhân loại, có vai trò, ý nghĩa giải quyết được những vấn đề đặt ra của tình hình, thực tiễn phát triển của nền văn hóa dân tộc. Chỉ có nguyên tắc khoa học mới đảm bảo cho văn hóa Việt Nam thoát khỏi sự lạc hậu, hủ tục, duy tâm thần bí, thoát khỏi sự đè nén, trói buộc của văn hóa ngoại bang, tiếp thu tư tưởng tiến bộ, tinh hoa văn hóa trên thế giới làm giàu có nền văn hóa của chính nước mình. Nguyên tắc khoa học mở ra lối thoát cho văn hóa dân tộc trong việc chủ động hội nhập vào dòng chảy của văn hóa nhân loại.

Đề cương về văn hóa Việt Nam đề ra mục tiêu cụ thể: “Mục đích trước mắt: Chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân; Phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương. Công việc phải làm: a) Tranh đấu về học thuyết, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á, có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đềcác (Descartes), Bécsông (Bergson), Căng (Kant), Nítsơ (Niesche)...; làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng; b) Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng…) làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng” (3).

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khẳng định: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này” (4).

Có thể coi Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng trong thời kỳ chưa giành được chính quyền. Thực tiễn đã chứng minh, đây là bản Đề cương đặt nền móng cơ sở lý luận để hình thành và phát triển đường lối văn hóa của Đảng trong cả thời kỳ cách mạng ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay. 3 nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam là định hướng đúng đắn, tiếp tục được Đảng ta vận dụng đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (1951), Đảng ta đã thông qua Luận cương cách mạng Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa dân chủ nhân dân Việt Nam có ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng là: “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng” (5).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960), hệ thống quan điểm chỉ đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng ta được phát triển là: “Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc. Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm phản ánh chân thật cuộc sống mới, con người mới, góp phần giáo dục và động viên nhân dân đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa và cho sự nghiệp thống nhất nước nhà” (6). Đây là kim chỉ nam cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo sự đoàn kết thống nhất tư tưởng, động viên văn nghệ sĩ nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong suốt thời kỳ chống Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ, đặt cơ sở lý luận cho việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa.

Đến nay, những luận điểm nêu ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị định hướng xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, xác định 7 đặc trưng của chế độ chủ nghĩa xã hội, trong đó, có xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (7).

_________________

1, 3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.316-321.

2. Một chặng đường văn hóa Việt Nam, Nxb Tác phẩm mới, 1985, tr.18.

5. GS, TS Phan Ngọc Liên (chủ biên), TS Văn Ngọc Thành, TS Bùi Thị Thu Hà, ThS Lê Hiến Chương, TS Đỗ Hồng Thái, Biên niên sử các Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2006, tr.261.

6. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới, tulieuvankien. dangcongsan.vn.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2005, tr.315-316.

PGS, TS NGUYỄN HỮU THỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;