Hát Xoan, hồn dân tộc vùng đất Tổ

Có một làn điệu được cất lên từ chính điệu hồn của nhân dân lao động, được khởi thuỷ từ thời đại Hùng Vương, lưu truyền cho đến ngày nay, mang đậm triết lý nhân sinh và thấm đượm hồn dân tộc. Đó là hát Xoan của vùng đất Tổ.

 

Nơi phát tích điệu hát Xoan

Từ bao đời nay, trong huyền tích thời đại Hùng Vương, miếu cổ Lãi Lèn là nơi phát tích của làn điệu hát Xoan Phú Thọ, nơi lưu giữ hồn Xoan và diễn xướng hát Xoan của cư dân vùng đất Tổ. Miếu Lãi Lèn - dân gian quanh vùng xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vẫn gọi là miếu Lèn tọa lạc trên một vùng đất rộng, trù phú thuộc làng Phù Đức, giữa bốn về là cánh đồng lúa bằng phẳng và những thôn làng của xã Kim Đức.

Người dân các làng của xã Kim Đức vẫn lưu giữ câu chuyện về nguồn gốc của ngôi miếu Lãi Lèn. Vào thời Hùng Vương, ba anh em Vua Hùng đi tìm đất quanh núi Nghĩa Lĩnh để dựng thành. Khi đi qua làng Kim Đức và An Thái, trời đã về trưa, Vua cùng các lạc hầu, lạc tướng dừng chân nghỉ trưa tại vùng đất Kim Đức. Tại đây, nhìn thấy bọn trẻ chăn trâu, hái củi đang chơi các trò chơi dân gian như đánh vật, kéo co ở ven đường, Vua Hùng liền bảo các lạc hầu, lạc tướng ra gọi chúng vào hát cho nghe và đem một số điệu hát truyền dạy thêm cho bọn trẻ. Từ đó, để ghi ơn công đức của Vua Hùng, nhân dân quanh vùng Kim Đức đã lập miếu thờ, đặt tên là Lãi Lèn, chữ “lèn” là từ trong câu hát đệm chính của hát Xoan cổ.

Bước chân vào không gian miếu Lãi Lèn, mỗi người sẽ cảm nhận được sắc màu cổ kính, trầm mặc hiện diện trên những mái vòm cong vút, như tạc những đường nét lên trời xanh. Miếu được xây theo kiểu chữ Đinh, 5 gian, theo hướng Đông Nam, phía trước sân là bức bình phong bằng đá nguyên khối, ao nước trong vắt, xa xa là cánh đồng xanh thẳm, thoáng đãng. Hằng năm, cứ vào dịp tháng Giêng, từ mùng 1 đến mùng 5, nhân dân Kim Đức và các phường Xoan trong vùng lại về miếu Lãi Lèn để thực hành các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương và tổ chức hát Xoan. Tại miếu, dân làng Kim Đức dâng cúng vua Hùng các món ăn như bánh lẳng, thịt bò vốn là hai món ăn người dân dâng Vua xưa kia. Sau nghi lễ cúng các vị Vua Hùng là nghi lễ hát Xoan gồm các bài Xoan cổ mà Vua Hùng truyền dạy như Hát mời (Mời Vua Hùng về đón xuân cùng nhân dân), Hát nghi lễ (Hát thờ), Hát hội. Những điệu hát đã thể hiện sự tri ân, ngưỡng vọng của nhân dân đối với công lao của các vua Hùng, cất lên những ước mơ, khát vọng cao đẹp về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Phú Thọ cho biết: “Miếu Lãi Lèn có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh từ thời đại Hùng Vương, gắn với nguồn cội của di sản hát Xoan. Trong tâm thức của người dân vùng đất Tổ, miếu Lãi Lèn là chốn thiêng lưu giữ tinh hoa và giá trị của những làn điệu Xoan cổ”. Miếu Lãi Lèn là không gian diễn xướng hát Xoan vào những dịp lễ hội, đặc biệt là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, những nghệ nhân Xoan và người dân luôn coi nơi đây là chốn linh thiêng để hòa điệu, lắng đọng những câu Xoan làm đắm say lòng người.

Lắng sâu triết lý nhân sinh

Là một thể hát ra đời trong lòng nhân dân lao động, hát Xoan có không gian diễn xướng hết sức gần gũi, bình dị với con người, mang đậm triết nhân sinh cao đẹp trong đời sống. Câu chuyện xưa từ trong huyền tích Hùng Vương đến nay vẫn được các bậc cao niên lưu giữ và kể lại cho bao thế hệ về nguồn gốc ngôi miếu cổ Lãi Lèn và luôn khắc ghi, truyền tụng về một điều vô cùng thiêng liêng của ngôi miếu, là nơi phát tích ra làn điệu hát Xoan vùng đất Tổ. Miếu Lãi Lèn là không gian cổ kính thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc trong truyền thuyết Hùng Vương và có sức sống trường tồn với thời gian. Đó là triết lý gần dân, trọng dân được khởi phát từ thời đại các Vua Hùng dựng nước, là sự quan tâm của Vua đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Những làn điệu hát Xoan được Vua Hùng truyền dạy cho những đứa trẻ vùng Kim Đức xưa đã lan toả vào đời sống của nhân dân, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, mang lại sự gắn kết cộng đồng làng xã sâu sắc.

Từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân Phú Thọ, hát Xoan là làn điệu hết sức gần gũi, thân thuộc và thấm đượm tình quê. Đó là những câu ca cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, kính cẩn thần linh, thành hoàng và tiên tổ cầu mong ấm no hạnh phúc. Ở những nơi ra đời câu hát Xoan, giờ đây người ta đã lập ra những phường Xoan của làng. Để rồi, ngày ngày, sau khi công việc đồng áng đã xong, những lúc nông nhàn, người ta lại tập hợp mọi người trong làng để sinh hoạt, để truyền dạy cho trẻ em những làn điệu Xoan cổ. Những kép nam, đào nữ ban ngày là những nông dân chân lấm tay bùn nhưng tối tối, dưới ánh trăng sáng vằng vặc soi bóng xuống mái đình làng cong vút, họ lại là những nghệ sĩ đang thăng hoa cùng những làn điệu Xoan mê đắm lòng người.

Về làng An Thái, Kim Đức của thành phố Việt Trì hay những vùng ven sông Thao, sông Lô, hẳn ai cũng ít nhiều lắng nghe được những làn điệu Xoan da diết. Những bài hát như Hát gái, Bỏ bộ, Xin huê, Đố huê, Đố chữ, Gài huê, Hát đúm, Đánh cá… từ lâu đã in sâu vào trong tâm hồn người dân vùng trung du. Khi cấy lúa, khi cày ruộng, người ta cũng có thể nhẩm hát đôi ba câu Xoan để xua đi mệt nhọc: “Anh đố em biết huê gì nở trên rừng bạc bội?/Anh đố em biết huê gì nở nội đồng không?...”. Mới nghe qua thôi, ai chưa từng nghe hát Xoan cũng thấy những câu ca gần gũi quá chừng, cũng thấy không gian làng quê thanh bình, yên ả hiện ra trước mắt. Nghe rồi, thấy tâm hồn lắng đọng và bồi hồi cảm xúc về cái đẹp, cái nhân văn trong mỗi làn điệu. Dưới sân đình, sân đền, những nghệ nhân Xoan của các phường Xoan đang mải miết truyền dạy cho bọn trẻ những câu Xoan của quê mình. Mỗi người dân quê nơi đất Tổ đang ngày đêm gìn giữ và truyền lại tài sản vô giá này của làng.

Chính vì sức sống trường tồn trong tâm hồn nhân dân lao động, miếu Lãi Lèn là không gian diễn xướng hát Xoan vào những dịp lễ hội, đặc biệt là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, những nghệ nhân Xoan và người dân luôn coi nơi đây là chốn linh thiêng để hoà điệu, lắng đọng những câu Xoan làm đắm say lòng người. Những năm gần đây, miếu Lãi Lèn là địa chỉ tâm linh để du khách mọi miền, du khách nước ngoài đến chiêm bái, đặc biệt, ngôi miếu là đề tài nghiên cứu về hát Xoan của các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh và những đoàn sinh viên các trường Đại học. Đồng thời, miếu Lãi Lèn là không gian trải nghiệm của học sinh các nhà trường trong và ngoài địa bàn tỉnh Phú Thọ khi tổ chức học môn Trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình GDPT 2018.

Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.
Ngày 8/12/2017, UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kết quả này là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực không biết mệt mỏi của tỉnh Phú Thọ trong việc cam kết bảo vệ di sản trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp, khẳng định sức sống lâu bền và sự lan toả sâu rộng trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên một di sản từ bảo vệ khẩn cấp chuyển thành di sản đại diện mà UNESCO  thực hiện.
 

Một chương trình văn nghệ biểu diễn hát Xoan Phú Thọ tại Hà Nội - Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

 

Sân trường vang điệu hát Xoan

Câu hát Xoan xưa vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kính, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Còn ngày nay, hát Xoan đã và đang vang vọng nơi trường làng, nơi có những mầm non đang học tập và rèn luyện. Sức lan tỏa của câu ca di sản nơi đất Tổ đã nhân lên niềm tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy lời ăn tiếng nói của cha ông trong hôm nay và mai sau.

Phong trào đưa hát Xoan vào trường học được các nhà trường tổ chức sôi nổi và hiệu quả. Bắt đầu từ trường học các cấp trên địa bàn thành phố Việt Trì, đến nay, hát Xoan đã hiện diện ở những vùng quê khác như Hạ Hòa, Thanh Sơn, Tam Nông, Đoan Hùng, Thanh Thủy... Không chỉ có học sinh THPT mới hát mà cả học sinh nhỏ tuổi ở bậc tiểu học và THCS cũng tập và biểu diễn hát Xoan. Các nhà trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đưa vào và tổ chức các hoạt động hát Xoan gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, công tác giáo dục truyền thống, giáo dục di sản... Vì vậy, hát Xoan được đưa vào kế hoạch giáo dục, kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa ở các nhà trường. Điều đặc biệt, trong những năm học gần đây, hát Xoan là làn điệu đã tạo được sức lan tỏa trong giới trẻ, các em học sinh đã trở nên yêu thích, đam mê hát Xoan. Dù không sinh ra, không ở gần những làng Xoan cổ nhưng trải qua một thời gian lắng nghe và cảm nhận, các em học sinh ở các miền quê đã thực sự tự hào về câu ca di sản quê mình.

Vào dịp tổ chức các ngày lễ lớn trong năm học như khai giảng năm học mới, 20/11, 26/3, 19/5.... các nhà trường đều chuẩn bị và đưa vào các tiết mục hát Xoan. Nhờ đó mà chương trình văn nghệ chào mừng buổi lễ mang một sắc màu vừa mới mẻ, vừa đậm chất truyền thống. Người biểu diễn không ai khác chính là các em học sinh. Trong trang phục áo nâu, khăn mỏ quạ, với những nhạc cụ đơn giản, các em đã biểu diễn tự tin và đầy ấn tượng những làn điệu hát Xoan cổ như Đón đào, Mó cá, Đố hoa... Hát Xoan còn được các nhà trường đưa vào các hội thi văn nghệ, lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa và sinh hoạt tập thể. Thông qua đó, mỗi em học sinh có ý thức gìn giữ câu hát di sản của quê hương. Để tập hợp những người yêu thích hát Xoan, các huyện còn thành lập Câu lạc bộ hát Xoan. Trong đó, lực lượng chính là thầy cô giáo và học sinh các nhà trường. Để câu lạc bộ được hoạt động hiệu quả, giáo viên tham gia câu lạc bộ đã được tập huấn tại tỉnh về hát Xoan và tổ chức tập luyện, biểu diễn hát Xoan tại đơn vị.

Câu ca từ bao đời nay được những con dân đất Việt ở mọi miền truyền nhau để nhớ về cội nguồn dân tộc. Có ai về miền cổ tích tháng Ba, về với hội Đền Hùng hồn thiêng sông núi, về nơi đây để lắng nghe những câu hát Xoan vang vọng mái đình làng. Hồn quê là đây, tiếng đồng vọng của cha ông là đây. Dòng chảy của miền truyền thuyết dường như không bao giờ cạn bởi những câu hát Xoan kia sẽ được những người dân miền trung du gìn giữ và truyền lại đến mai sau.

 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;