HaNoi Art Connecting 5 và những tác phẩm mang nhân dạng

Không thể nói chỉ các tác phẩm mang dáng vẻ con người mới nói về con người nhưng chắc chắn khi lựa chọn thể hiện hình dáng con người trong tác phẩm, người nghệ sỹ sẽ phải cân nhắc và suy tư rất nhiều về bản thân và những con người trong xã hội. Bởi mỗi dáng vẻ là một nhân dạng, mỗi nhân dạng tự nó đã đại diện cho nhiều hơn chỉ một ý nghĩa về hình thể. Một triển lãm lớn như Hà Nội Art Connecting là cơ hội để khảo xét về những vấn đề mà những nghệ sỹ đương đại quan tâm và trong bài viết này là về những tác phẩm mang nhân dạng.

Không gian triển lãm

Vì sao nghệ sỹ vẽ người? Tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh đều có thể đưa những dấu vết của con người vào đồ vật/cảnh vật để ẩn dụ về hoàn cảnh/tâm trạng của con người. Thế nhưng, khi trình bày một hình thể người (nhân dạng) trong tạo hình mỹ thuật thì chắc chắn nghệ sĩ có ý muốn truy vấn về trạng thái/ đời sống/ ý nghĩa người một cách trực diện. Trong số những sáng tác của các nghệ sỹ ở Hanoi Art Connecting 5, có những sáng tác miêu tả con người ở trạng thái có thể tri nhận trong đời sống thực, có những sáng tác biến đổi hình dạng con người để gợi mở những câu chuyện.

Từ hiện thực đến siêu thực

Tạo hình các tác phẩm chân dung trong triển lãm biến đổi rất đa dạng. Nhìn chân dung cô gái đội nón lá, mặc áo dài của tác giả người Nepal Bhairaj Maharjan không khó để nhận ra tính chất Việt Nam. Với một màu nâu đơn sắc và dáng vẻ hiền hòa, tác phẩm thể hiện tình cảm của một nghệ sĩ nước ngoài nhìn về vẻ đẹp dịu dàng của một thiếu nữ Việt, tâm hồn Việt trong màu nâu bùn của văn hóa truyền thống một cách chung chung nhất.

Với tác phẩm về người đàn ông của Ng. Bee người Malyasia khán giả có thể cảm nhận nhiều hơn về nhân vật. Đó là một người đàn ông khắc khổ trong bộ dạng một người nông dân chân chất với gương mặt thô kệch, đôi mắt liếc mở to dò xét cùng với một tai xếch lên theo con mắt thám thính. Đến nhân vật này, hình dáng người đàn ông đã được biến đổi theo các thủ pháp của hội họa ấn tượng và biểu hiện. Nhân vật không còn lệ thuộc vào con người thực mà phần nhiều được tái hiện từ chủ quan của người họa sỹ. Bằng cách phóng đại các chi tiết cần thiết, nhân vật trở nên biểu cảm hay có ý đồ nghệ thuật.

Khi hình thể người chỉ còn được trình bày một cách tượng trưng, ý đồ nghệ thuật của tác giả trở thành điểm mấu chốt trong tác phẩm. Người thanh niên gầy gò như chỉ còn da bọc xương, những vệt màu uốn lượn của tóc và nền trong tác phẩm của Dương Mạnh Quyết cho ta gợi nhớ về các chân dung tự họa của họa sĩ người áo Egon Schiele (1890) trong tâm thế khám phá hình thể và nội tâm một cách khắc kỷ và triệt để. Hãy nhìn vào tác phẩm đen trắng với cái đầu trơ trọi, miệng há như đang gào to, ấn tượng ngay lập tức là trạng thái đau đớn đến tột độ của nhân vật.

Tác phẩm của tác giả Made Palguna - Indonesia

Một loạt tác phẩm về những hình thể siêu thực đem đến nhiều tưởng tượng phong phú về những thế giới khác trong trí tưởng tượng của các tác giả. Với tác phẩm vẽ chú voi trong hình thể người đàn ông đầy cơ bắp đang quỳ, đôi tay bị còng trên cao người xem có thể cảm nhận được sự trói buộc và nỗi đau của sinh vật. Ánh mắt con người được vẽ dưới chân chú voi đầy cảm xúc. Việc lấy hình thể con người lắp vào chú voi trong trạng thái chịu đựng đau đớn cho phép ta hình dung về một người đàn ông khỏe mạnh đang tuổi sung sức thay vào vị trí chú voi. Có lẽ đằng sau tác phẩm này là một vấn đề xã hội mà hình ảnh con người được đưa vào trong trạng thái biếm họa, với cảm giác tiêu cực nhiều hơn ca ngợi.

Một tác phẩm siêu thực khác của Đinh Quang Hải được trình bày với nhiều nhân vật. Những nhân dạng không còn có thể định danh. Chúng chia làm hai thế lực kẻ tấn công và nạn nhân. Có lẽ, đây là một cuộc chiến tranh, nhưng với khung cảnh và màu sắc nên thơ nơi những con người đã chết nở hoa và biến thành những cánh bướm. Còn nhiều những tác phẩm khác nữa trong triển lãm mà người xem có thể đọc được những câu chuyện với ý nghĩa phong phú về cuộc sống, về hoàn cảnh của những nhân vật được trình bày qua các thủ pháp nghệ thuật đa dạng.

Những nhân dạng nói gì

Có tới gần một phần ba các tác phẩm trong triển lãm sử dụng hình dạng con người làm đối tượng nghệ thuật. Chưa kể bên cạnh đó nhiều tác phẩm không xuất hiện con người nhưng mang dấu ấn hoặc suy tư về các vấn đề của đời sống người. Như vậy có thể thấy những vấn đề của đời sống hiện sinh vẫn chiếm sự quan tâm lớn nhất của các nghệ sĩ đương đại.

Một phần rất nhỏ hình ảnh con người hiện lên trong triển lãm được miêu tả với bề ngoài của hiện thực, đẹp đẽ. Còn lại phần lớn các tác phẩm cho thấy những nhân dạng “có vấn đề”. Phải chăng đời sống của nghệ sĩ nói riêng và xã hội đương đại nói chung đang tồn tại rất nhiều những góc khuất mà con mắt hiện thực khó thấy được một cách trực tiếp. Với người đàn ông xấu xí của Ng. Bee, người đàn ông đó là ai, anh ta đang sợ hãi hay lén lút trước điều gì/ thế lực nào? Và chắc hẳn nó phải có ý nghĩa đằng sau những trạng thái bất thường đó để có thể được tác giả lựa chọn trong nghệ thuật của mình. 

Góc khuất có thể là những ước mơ không thể chạm tới được ở đời sống hiện thực. Với hình tượng ẩn dụ về người phụ nữ lồng trong thân thể chim của họa sĩ Vũ Đình Tuấn không khó để cho người xem liên tưởng đến ước mơ về sự tự do. Với hội họa, ước mơ được gọi ra và giải phóng.

Không gian triển lãm

Tương tự như thế, series tác phẩm “dị ứng” của Đỗ Hà Hoài mà cụ thể trong triển lãm này là “dị nhân thời bê tông” mượn nhân dạng để nói về vấn đề của cá nhân và xã hội. Xuất phát từ những dị ứng của cá nhân anh từ dị ứng với thực phẩm đến dị ứng thông tin, văn hóa của xã hội hiện đại, anh đem đến những tạo hình điêu khắc siêu thực có thể gây “sốc thị giác”. Đó là những vấn đề thường trực trong xã hội đương đại, nhưng nó ngấm ngầm chảy, và trở thành những góc khuất mà ai cũng biết nhưng không phải ai cũng nhận ra và nói ra. 

Tác phẩm siêu thực trong triển lãm với tạo hình hài hước nhưng khiến người xem phải suy ngẫm là tác phẩm của họa sỹ người Indonesia - Made Palguna. Xưa nay người ta chỉ thấy Bồ Tát ngồi trong tư thế Kiết già, thủ ấn tọa trên đỉnh núi. Nay, khán giả được thấy ba nhân vật giống hoạt hình chắp tay ngồi trên nóc ba tòa nhà trong vô số những tòa cao ốc vô cảm. Vậy, đây là ai? Trong xã hội Indonesia hiện đại? Nó có liên quan gì đến đất nước Indonesia đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa và tôn giáo? Với ngôn ngữ tạo hình đầy chất biếm họa, chắc chắn những nhân dạng này đại diện cho “vấn đề” mà tác giả muốn nói tới. Bên cạnh đó, còn rất nhiều những vấn đề của văn hóa, lịch sử, đức tin, chính trị, xã hội, bản sắc được truy vấn qua những nhân dạng trong triển lãm này đang còn chờ khán giả khám phá.

TRẦN HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;