HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA BAO BÌ HÀNG HÓA CÔNG NGHIỆP

Bao bì hàng hóa công nghiệp là sự tiếp nối của quá trình phát triển từ bao bì của tự nhiên đến bao bì dân gian. Bao bì của tự nhiên thì đã có từ trước khi con người xuất hiện trên trái đất; sau đó, nhờ lao động mà con người sáng tạo ra thể loại bao bì dân gian với nhiều chất liệu phong phú. Việt Nam không có truyền thống bao bì hàng hóa công nghiệp, nhưng hiện nay chúng ta đã có ngành công nghiệp bao bì là nhờ quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Trong xã hội ngày nay, mọi sản phẩm khi được lưu thông trên thị trường và được trao đổi mua bán bằng tiền thì đều cần có bao bì để chứa đựng, bảo vệ. Chúng ta không ai muốn và cũng không thể cầm tay một món hàng mà không có bao bì để mang về nhà.

Bao bì công nghiệp có xuất xứ từ nước Anh, là nước đã hoàn thành cách mạng tư sản, có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh là sự biến đổi sâu sắc về chất của nền kinh tế mà đặc trưng cơ bản của nó là việc thay thế lao động thủ công bằng máy móc, mở ra khả năng áp dụng rộng rãi việc sản xuất theo dây chuyền nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, vật liệu. Vào cuối TK XVIII, nước Anh đã chế tạo được nhiều loại máy móc; đến năm 1800, đã có trên 300 máy hơi nước (khoảng 5000 sức ngựa) làm cho cơ cấu công nghiệp hình thành hai ngành chính: công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Công nghiệp nhẹ chuyên sản xuất hàng tiêu dùng trong đó có ngành bao bì sản phẩm. Việc sản xuất các vật phẩm đơn chiếc dần dần được thay thế bằng việc sản xuất hàng loạt theo những quy tắc cơ bản của nền sản xuất công nghiệp (tiêu chuẩn hóa, chuyên môn hóa, đồng bộ hóa và tập trung hóa) đã mang lại một hệ quả là phát huy cao độ khả năng lao động sáng tạo của con người để làm ra một khối lượng vật phẩm vô cùng phong phú về số lượng và chất lượng mà trước đó người ta không thể hình dung nổi. Bao bì hàng hóa công nghiệp từ đây có bước phát triển mạnh mẽ theo bước phát triển của sản xuất hàng hóa tiêu dùng.

Ảnh hưởng của nền công nghiệp nước Anh nhanh chóng tác động đến các nước khác, đầu tiên là Pháp và Bỉ. Nước Pháp bắt đầu cách mạng công nghiệp từ những năm 30 của TK XIX và tiến hành một cách chậm, đều đặn cho đến khoảng 1880. Bao bì hàng hóa công nghiệp vào Việt Nam từ nhiều nguồn và bằng nhiều ngả đường, nhưng có lẽ nó đến từ nước Pháp là nhiều hơn cả. Thực dân Pháp đến Việt Nam đã gây ra nhiều mặt tiêu cực trong đời sống xã hội, nhưng cũng mang lại một tác động tích cực của quá trình tư bản hóa đối với đất nước ta.

Bao bì hàng hóa công nghiệp chính thức xuất hiện tại Việt Nam khoảng từ những năm 70 của TK XIX, khi mà Pháp bắt đầu xây dựng một số cơ sở công nghiệp chế biến ra những mặt hàng lưu thông đến tận tay người tiêu thụ, chẳng hạn, năm 1874 lập hãng rượu bia ở khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn. Tuy nhiên trước đó, cùng với hàng hóa, bao bì công nghiệp đã theo chân những giáo sĩ và thương nhân đến Việt Nam.

Sau hai lần đánh chiếm Bắc kỳ, Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914) một cách quy mô. Khi nền nông nghiệp tư bản chủ nghĩa xuất hiện thì chắc chắn có những nhà máy xay xát gạo và nấu rượu. Đến năm 1903, các công ty nấu rượu độc quyền sản xuất và tiêu thụ đã xuất hiện trên cả ba miền Bắc, Trung và Nam, nhưng ở Bắc kỳ phát triển mạnh nhất. Tại Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Sơn Tây, Tuyên Quang đều có nhà máy chế biến rượu. Ngoài ra, số lượng các xí nghiệp chế biến những sản phẩm có liên quan đến bao bì như diêm, thuốc lá, đường,... cũng ngày càng tăng lên. Năm 1918, một xưởng thịt hộp đã được xây dựng ở Bến Thủy (Vinh). Trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), tư bản Pháp không thể độc quyền và lũng đoạn thị trường Việt Nam như trước nữa, nên tư sản Việt Nam đã tranh thủ thời cơ vươn lên mở rộng kinh doanh trong một số ngành liên quan đến bao bì chất liệu thủy tinh như: Hãng nước mắm Liên Thành (Phan Thiết), xưởng thủy tinh Chương Mỹ, công ty nhà máy chai Hải Phòng,... Bước ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Pháp bị tổn thất nặng nề về kinh tế và tài chính; nên để khôi phục lại, chính quyền Pháp một mặt ra sức tìm các biện pháp thúc đẩy sản xuất trong nước; mặt khác, tăng cường đầu tư khai thác thuộc địa. Đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai (1929-1933) của Pháp tại Việt Nam đã khiến cho các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến những sản phẩm cần có bao bì trở nên phát đạt như : nhà máy chế biến rượu, nhà máy làm đường. Một số cơ sở sản xuất thuốc lá, chè đã xuất hiện ở Bắc và Trung kỳ. Vào giai đoạn này, Việt Nam còn tăng cường mở rộng buôn bán với Anh, Mỹ, Đức, Italia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, HongKong. Tuy nhiên bạn hàng chính của Việt Nam vẫn là Pháp. Các mặt hàng xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam phần lớn là hàng tiêu dùng phục vụ sinh hoạt, trong đó những mặt hàng có bao bì phải kể đến là bia, rượu, thuốc lá, thực phẩm (sữa, bột mì, đồ hộp), dược phẩm, hóa mỹ phẩm.

Từ 1930 - 1945 là giai đoạn mà nhân dân Việt Nam chịu hai tầng áp bức Pháp - Nhật, nền kinh tế trong nước vô cùng kiệt quệ, chỉ có công nghiệp nấu rượu do các công ty tư bản Pháp nắm độc quyền là phát triển mạnh. Bao bì công nghiệp chủ yếu gắn liền với hàng hóa của nước ngoài nhập khẩu như Mỹ, Đức, Bỉ, Hà Lan.

Kể từ khi thực dân Pháp vào xâm lược nước ta (1858) đến năm 1945, cơ cấu một nền công nghiệp thuộc địa đã được xác lập và ngày càng hoàn chỉnh, với hai bộ phận chính là công nghiệp mỏ và công nghiệp chế biến (trong đó có ngành chế biến tiêu thụ liên quan đến bao bì). Sự hiện diện của các ngành công nghiệp nói trên đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp dân tộc Việt Nam, đưa nước ta tiếp cận trình độ kỹ nghệ của tư bản phương Tây. Có thể nói, ở một số khu vực sản xuất, nền kinh tế hàng hóa đã bắt đầu hình thành và phát triển. Nhưng sự phát triển không đồng đều, ở các tỉnh phía Nam, kinh tế hàng hóa phát triển hơn ở miền Bắc và miền Trung.

Về phương diện mỹ thuật, cũng có những biến đổi nhất định. Các mô típ và tư tưởng nghệ thuật phương Tây ngày càng có ảnh hưởng sâu đậm trong phương pháp tư duy và sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, mỹ thuật truyền thống vẫn đóng vai trò chủ yếu. Đội ngũ nghệ sĩ mỹ thuật chuyên nghiệp chủ yếu là nghệ sĩ dân gian như thợ gốm, thợ đúc chuông, thợ mộc, thợ chạm,... Bao bì hàng hóa lúc này chủ yếu vẫn là bao bì dân gian, chúng ta chưa có khái niệm sản xuất bao bì công nghiệp.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc được phát động, nông nghiệp giữ vị trí hàng đầu trong nền kinh tế kháng chiến, công nghiệp kinh tế quốc doanh và tiểu thủ công nghiệp phục vụ quốc phòng, dân sinh cũng được xây dựng, phát triển như cơ khí, dệt, giấy, diêm, xà phòng, chè, thuốc lá, đường,... Từ năm 1950 - 1954, chúng ta còn nhận được sự viện trợ to lớn về vật chất của quốc tế, đặc biệt là của Trung Quốc và Liên Xô.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, kết thúc sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chúng ta bắt đầu thời kỳ xây dựng miền Bắc. Sau chiến tranh, nền công nghiệp vốn nhỏ yếu lại bị thiệt hại nặng nề, làm cho hàng hóa khan hiếm nghiêm trọng. Chúng ta chú ý phục hồi các xí nghiệp cũ, xây dựng các xí nghiệp mới, chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng như diêm Thống Nhất, gỗ Cầu Đuống, thuốc lá Thăng Long, cá hộp Hạ Long, chè Phú Thọ. Đến năm 1960, phần lớn hàng tiêu dùng trước đây phải nhập nay đã tự cung tự cấp.

Ở miền Nam, từ năm 1954 đến 1975, kinh tế phụ thuộc vào nước Mỹ, hàng hóa chủ yếu là do Mỹ viện trợ.

Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc (1965 -1968) là thời kỳ vừa sản xuất vừa chiến đấu, các cơ sở công nghiệp sơ tán, phân tán để bảo đảm ổn định sản xuất những mặt hàng thiết yếu. Mỗi tỉnh trở thành một đơn vị kinh tế tương đối hoàn chỉnh, có thể tự cấp tự túc đến mức cao nhất, tự sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân địa phương. Bao bì sản phẩm công nghiệp rất ít có do tình hình khó khăn về kinh tế và thiếu thốn nghiêm trọng nguồn vật liệu sản xuất.

Vào những năm 1969 - 1973, miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế, chi viện cho miền Nam, nên thực hiện chính sách đẩy mạnh sản xuất và tăng cường kinh tế địa phương. Cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975), chúng ta vẫn nhận được sự giúp đỡ to lớn về kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng chưa thể nói gì về bao bì trong lúc bản thân sản phẩm hàng hóa tiêu dùng còn thiếu thốn.

Từ 1945 đến 1975 là giai đoạn chiến tranh xảy ra trên toàn miền Nam. Miền Bắc tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954); sau đó, vừa chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ kéo dài hơn 5 năm, vừa xây dựng và phát triển kinh tế để chi viện cho miền Nam. Cho nên, đây là thời kỳ đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Hàng hóa tiêu dùng thiếu thốn, chúng ta phải thực hiện chính sách phân phối bằng tem phiếu. Đương nhiên, bao bì công nghiệp là vấn đề không được quan tâm, khái niệm về bao bì công nghiệp còn mờ nhạt. Mặc dù, từ năm 1965 chúng ta có Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (vốn được đổi tên từ Trường Mỹ nghệ Đông Dương ra đời năm 1949), có Khoa Đồ họa, trong đó có ngành thiết kế bao bì công nghiệp, nhưng không ứng dụng được nhiều cho một nền kinh tế quá nghèo nàn. Thời kỳ này, bao bì chỉ dành cho những sản phẩm bắt buộc phải cần đến nó như bánh, kẹo, đường, sữa, chè, thuốc lá, diêm, rượu,... Những bao bì này chỉ có chức năng chủ yếu là chứa đựng, bảo vệ sản phẩm bên trong, thêm vài dòng thông tin, còn chức năng thẩm mỹ vẫn xa vời. Trong thực tế, nhờ sự giao lưu mà những hàng hóa và bao bì công nghiệp của một số nước, nhiều nhất là các nước xã hội chủ nghĩa đã vào Việt Nam, từ đó tạo ra một sự so sánh, dần dần thức tỉnh chúng ta.

Năm 1975 - 1986, giai đoạn Việt Nam xây dựng lại đất nước, bên cạnh những thành tựu và tiến bộ, chúng ta gặp không ít khó khăn, hạn chế. Kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể luôn bị thua lỗ; kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể bị ngăn cấm, không thể phát triển lên được, khiến cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều thiếu. Vùng nông thôn còn thiếu những mặt hàng tiêu dùng thông thường. Bao bì công nghiệp không có đất sống, vẫn chỉ xung quanh các sản phẩm quen thuộc như bánh kẹo Hải Hà, thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo, Thăng Long; chè Phú Thọ, Thái Nguyên; rượu Hà Nội, Lúa Mới; sữa ông Thọ, Thảo Nguyên; diêm Thống Nhất; một số đồ hộp nước quả dứa, vải;...

Kể từ khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, chính sách kinh tế bao cấp trên cả nước ta lại làm cho hàng hóa khan hiếm, bao bì công nghiệp không có sức sống. Nói đúng ra, chỉ một số sản phẩm không thể thiếu bao bì mới được ưu tiên có vỏ bọc để chứa đựng mà thôi, các chức năng khác như bảo quản, thông tin, giới thiệu, hướng dẫn, thẩm mỹ,... đều hầu như không có. Như vậy, chưa thể gọi là chúng ta có ngành bao bì, vì những bao bì này không có đủ những tiêu chí của một bao bì hàng hóa công nghiệp. Đây là thời kỳ mà người đi mua hàng phải tự lo, tự chuẩn bị trước bao bì để chứa đựng sản phẩm vật chất.

Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới, xóa bỏ kinh tế bao cấp; trong nhiều mục tiêu, có mục tiêu đáp ứng nhu cầu của nhân dân về những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đến năm 1990, kết quả bước đầu đã đạt được là hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là hàng tiêu dùng dồi dào, đa dạng, lưu thông tương đối thuận lợi. Nguồn hàng sản xuất trong nước tuy chưa đạt kế hoạch nhưng vẫn tăng hơn trước và có sự tiến bộ về mẫu mã bao bì, sản phẩm.

Năm 1991 - 1995, Đại hội lần thứ VII của Đảng nhấn mạnh tiếp tục thực hiện việc đổi mới, đưa đất nước vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội. Thực tế thị trường hàng hóa trong nước khá phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội về số lượng, chất lượng và chủng loại.

Những năm từ 1996 đến 2000, đất nước ta chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Một số mục tiêu được đề ra, trong đó có mục tiêu phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Kết quả là nhịp độ kinh tế tăng trưởng khá, mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng gấp đôi. Hàng hóa dồi dào, phong phú về chủng loại và mẫu mã đã được bày bán tràn ngập trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng, phố chợ,... Nhà sản xuất cũng như nhà thiết kế đều đã chú trọng đến hình thức của sản phẩm, bao bì trong cạnh tranh, thu hút khách hàng.

Trong giai đoạn 1986 - 2000, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước được khuyến khích. Cơ cấu kinh tế theo ngành và vùng đã bắt đầu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, với sức sản xuất tăng mạnh, tạo ra nhiều chủng loại hàng hóa tràn ngập thị trường. Tương ứng với quá trình này là sự phát triển mạnh mẽ của bao bì công nghiệp trên nhiều chất liệu, hoàn thiện những chức năng chung cũng như chuyên sâu đối với từng ngành hàng. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, chưa hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, bao bì còn xấu hoặc nhái mẫu mã của nước ngoài.

Từ năm 2001 đến nay, trong sự giao lưu với thế giới ngày một sôi động, hàng hóa trong nước buộc phải hình thành nhãn hiệu Việt Nam mà bao bì là một trong những yếu tố góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu, khiến chúng ta (nhiều thành phần) đã có sự đổi thay trong nhận thức về tầm quan trọng của bao bì đối với đời sống và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó, chúng ta đã đạt được khá nhiều thành công và vẫn đang tiếp tục tìm mọi cách để vượt lên bắt kịp với các nước trong mọi hoạt động ở lĩnh vực này.

        Con đường hình thành và phát triển của bao bì công nghiệp nước ta có diễn tiến khá chậm chạp. Nó có điểm bắt đầu muộn so với thế giới nhiều chục năm. Nhưng từ chỗ sản phẩm không có bao bì đến có bao bì; từ chất lượng và hình thức yếu kém đến khá hơn; từ việc sao chép mẫu mã của nước ngoài đến độc lập sáng tạo... là cả quá trình thay đổi lâu dài về quan niệm, tư duy, phương pháp, nhờ vào những bài học từ thực tiễn. Hiện nay, nghệ thuật bao bì Việt Nam đang tồn tại song song, độc lập hai xu hướng chính là bao bì dân gianbao bì công nghiệp. Người dân trong nước đang được hưởng những tiện ích tuyệt vời từ sự đa dạng của những thể loại bao bì. Điều đó góp phần nâng cao kiến thức tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thêm nữa, ngành bao bì Việt Nam đang hội nhập vào dòng chảy của bao bì công nghiệp thế giới thông qua con đường xuất, nhập khẩu hàng hóa sẽ là điều kiện tốt để phát triển ngành này lên tầm cao mới.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Nguyễn Thị Hợp

;