Hà Nội: Triển lãm tranh “Ngũ hình” – hòa chung dòng chảy văn hóa truyền thống trong nhịp sống đương đại

Sáng ngày 30-3, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh “Ngũ hình”. Triển lãm trưng bày 24 bức tranh của nhóm 5 họa sĩ yêu thích những chất liệu truyền thống sơn mài, lụa, mực, màu tự nhiên trên giấy Dó, giấy bản đều là những chất liệu rất quen thuộc và cũng ẩn chứa những cách sử dụng mới để phù hợp với cảm nhận của mỗi người vẽ.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu tặng hoa chúc mừng 5 họa sĩ

Các tác phẩm được trưng bày của 5 họa sĩ Ngô Hùng Cường, Trường Thịnh, Bùi Hải Nam, Phạm Duy Quỳnh, Trần Minh Tuấn là những ghi chép, cảm nhận của các họa sĩ về đời sống hằng ngày, để thoáng thấy những sắc thái phong phú trong cùng một dòng chảy chung của văn hóa truyền thống. Những tác phẩm tượng tròn trong đền chùa, các phù điêu trên điêu khắc đình làng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh thờ là nguồn cảm hứng cho nhóm họa sĩ trong quá trình cảm thụ và tìm tòi cách diễn đạt nghệ thuật.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, tiếp nối thành công của các cuộc triển lãm diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong thời gian qua, Trung tâm vui mừng chào đón triển lãm “Ngũ hình” của 5 họa sĩ. Mỗi họa sĩ với một phong cách sáng tạo riêng nhưng điểm chung của họ đều rất yêu di sản, yêu văn hóa truyền thống. Họ đã sử dụng các chất liệu từ truyền thống như giấy Dó, sơn mài, lụa… và đặc biệt trên nền tảng của những giá trị truyền thống, các họa sĩ đã có một sự sáng tạo và đem hơi thở của cuộc sống đương đại, tạo nên sự hấp dẫn, thú vị cho triển lãm… Với sự đồng hành của các họa sĩ, chúng tôi mong muốn rằng triển lãm “Ngũ hình” và các triển lãm tiếp theo sẽ là nguồn cảm hứng, là động lực để cho những người làm văn hóa, tiếp nối và tạo nên mạch nguồn văn hóa chảy suốt, nuôi dưỡng cho công chúng tình yêu với di sản và giữ gìn di sản, để cho di sản của các bậc tiền nhân tiếp tục được trao truyền trong điều kiện của cuộc sống khi mà khoa học công nghệ và nhiều yếu tố khác đang tác động đến chúng ta hằng ngày.

Các tác giả đã thể hiện sinh động, cảm xúc qua những chất liệu sơn mài, lụa, mực, màu tự nhiên trên giấy Dó, giấy Bản

Chia sẻ tại lễ khai mạc, họa sĩ Trần Minh Tuấn cho biết, văn hóa của mỗi vùng đất luôn là sản phẩm của sự tương tác giữa con người với môi trường thiên nhiên. Ở Việt Nam hay bất cứ vùng đất nào trên thế giới đều có một dòng chảy như vậy. Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại rất nhiều dòng chảy khác cuốn ta đi.

“Nhóm họa sĩ chúng tôi cùng quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc và nghĩ rằng mình có thể chia sẻ một triển lãm nhỏ để mang đến những điều mình suy nghĩ thông qua các tác phẩm. Tên triển lãm là “Ngũ hình”, bởi chúng tôi thấy xuyên suốt văn hóa dân tộc thì triết lý Âm dương - Ngũ hành xuyên suốt mọi lĩnh vực từ ăn, mặc, ở, chơi, tập tục nghi lễ, ứng xử của người Việt hình thành, tồn tại và phát triển hàng ngàn năm vô cùng phong phú nhưng đều không nằm ngoài nguyên lý đó. Ý tưởng “Ngũ hình” là 5 hình khác nhau để làm cảm hứng cho các sáng tác của mình”.

Du khách tham quan triển lãm

Từ những tạo hình của người Việt trong tranh dân gian Đồng Hồ, Hàng Trống, tranh thờ… những tạo hình vô cùng phóng khoáng và khỏe mạnh kết hợp với các chất liệu sơn mài, giấy Dó hay lụa truyền thống không hề giới hạn sự sáng tạo của các họa sĩ. Triển lãm “Ngũ hình” với 24 tác phẩm của 5 họa sĩ, lấy nguồn cảm hứng từ sự kết tinh của ứng xử giữa con người với môi trường sống dựa trên sự hài hòa và cân bằng của nguyên lý Âm dương – Ngũ hành. Các tác giả đã thể hiện sinh động, cảm xúc qua các chất liệu sơn mài, lụa, mực, màu tự nhiên trên giấy Dó, giấy Bản vào tác phẩm của mình, để hòa trong cùng một dòng chảy chung của văn hóa truyền thống trong nhịp sống đương đại.

Triển lãm diễn ra tại nhà Tiền Đường khu Thái học, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến hết tháng 4-2024.

THANH DANH - Ảnh: THÚY NGA

;