“Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang trong liên kết vùng”

Sáng 30-3, tại thành phố Hà Giang đã diễn ra Hội thảo “Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang trong liên kết vùng”. Hội thảo do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ VHTTDL và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.

Tham dự hội thảo có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình; lãnh đạo các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc; lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, trung tâm xúc tiến du lịch, hiệp hội du lịch một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Về phía đại biểu quốc tế có: ngài Shovgi Menhdizada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam; ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; ông Lee Kyung Taek, Phó Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam.

Về phía tỉnh Hà Giang có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý; Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Hồng Hải; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết, Hà Giang là tỉnh cực bắc của Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Từ năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất UNESCO toàn cầu, là cơ sở nền tảng hình thành nên thương hiệu du lịch của Hà Giang, thông qua việc khai thác giá trị di sản quốc tế, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý phát biểu khai mạc Hội thảo

Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1339; bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn văn hóa và đẩy mạnh chương trình xúc tiến, quảng bá. Đến nay, hình ảnh du lịch tỉnh Hà Giang đã được khẳng định thương hiệu mang tính đặc trưng riêng.

Năm 2023, Du lịch Hà Giang đã được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới bình chọn là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam; Làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ) được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3; Google Year In Search công bố đứng thứ 4/10 điểm đến nổi bật nhất năm 2023…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, để xây dựng được thương hiệu đã khó, việc giữ vững được thương hiệu thì càng khó hơn. “Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn được lắng nghe các ý kiến, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu nhằm hỗ trợ địa phương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp căn cơ, khắc phục điểm nghẽn, làm nền tảng cơ sở vững chắc, phát huy tối đa thế mạnh về tài nguyên du lịch để Hà Giang phát triển xanh và bền vững” – ông Trần Đức Quý nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Hà Giang với lợi thế cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, cùng hệ thống di sản địa chất, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với cả nước, Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Lượng khách đến với Hà Giang tăng nhanh.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, năm 2024 và những năm tiếp theo, Du lịch Việt Nam tiếp tục đặt ra các mục tiêu quan trọng, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 08 ngày 23-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam một cách toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Liên kết chặt chẽ- Phối hợp nhịp nhàng- Hợp tác sâu rộng- Bao trùm toàn diện- Hiệu quả bền vững”.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Ban chỉ đạo phát triển du lịch các địa phương chỉ đạo và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động sát thực tiễn, đảm bảo giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy lợi thế phát triển du lịch. Ngành Du lịch Hà Giang phối hợp, liên kết với các đơn vị liên quan đề xuất các chính sách mới phù hợp với thực tiễn của tỉnh, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch các địa phương phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp du lịch với các hiệp hội, hội ngành nghề khác liên quan, tham vấn với các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời phát huy vai trò chủ động trong việc tham gia, tổ chức các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng nghề của đội ngũ lao động du lịch và các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với du lịch trong tình hình mới, đẩy mạnh hoạt động để phục hồi và phát triển nhanh du lịch Việt Nam; kịp thời tổng hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch phát huy tính năng động, sáng tạo, vai trò động lực, chủ động tham vấn trong phục hồi du lịch. Đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ, cùng nhau vượt qua khó khăn, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo.

Nhất trí với định hướng phát triển du lịch Hà Giang trong Quy hoạch phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2050, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc Hà Giang đã xác định đúng khi lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để phát triển văn hóa; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, xanh và bền vững; tăng cường mở rộng hợp tác phát triển trong liên kết vùng.

Các chuyên gia về du lịch thảo luận trong phiên thứ nhất: “Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang”

Toàn cảnh phiên thảo luận thứ 2: “Quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Hà Giang”

Hội thảo “Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang trong liên kết vùng” thông qua 2 phiên thảo luận: “Định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang” và “Quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Hà Giang”, với sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia du lịch trong và ngoài nước, chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý du lịch, nhà đào tạo trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp du lịch.

Chia sẻ về vị trí, vai trò của việc định vị thương hiệu tại phiên thảo luận, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, Hà Giang có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc riêng, cả về thiên nhiên và văn hóa. Hà Giang được xác định là một trong những trọng điểm về du lịch trong cả nước. Với sự nỗ lực của tỉnh Hà Giang cùng với ngành Du lịch, đã chứng minh Hà Giang trở thành điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu của khu vực châu Á, đây cũng là định vị thương hiệu của du lịch Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Về sản phẩm du lịch, Hà Giang có nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa các dân tộc, bên cạnh đó với cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu cho thấy chiều sâu về văn hóa của vùng đất này, và Hà Giang đang phát triển du lịch trên tảng đó. Cao nguyên đá Đồng Văn là 1 trong 63 khu du lịch được quy hoạch và sẽ được công nhận là Khu du lịch quốc gia thời gian tới. Hà Giang cũng hướng tới là trọng điểm du lịch phía Bắc gắn với văn hóa của các đồng bào dân tộc vùng cao…

Nói về xu thế phát triển du lịch trong nước, thế giới và thương hiệu của du lịch Hà Giang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, 20 năm trước, Du lịch Hà Giang mới chỉ là con số 0. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Giang và Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đến Đồng Văn tổ chức Hội thảo phát triển du lịch Hà Giang với 300 đại biểu cả nước, tại hội trường ở Đồng Văn bàn về việc đưa Hà Giang trở thành trung tâm du lịch trong cả nước, lúc đó không có hội trường và chỗ ở. Nhưng, với sự nỗ lực vượt bậc của Hà Giang trong 15 năm qua, đặc biệt sau khi được UNESCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu, Hà Giang đã khẳng định vị thế của du lịch trên bản đồ du lịch cả nước.

Theo ông Vũ Thế Bình, Du lịch Hà Giang chưa chiếm tỷ trọng cao, mới đạt 8-9% GRDP. Bên cạnh du lịch thì Hà Giang còn có nhiều ngành khác như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, với tiềm năng hiện nay, Hà Giang nên xác định du lịch là nền kinh tế chủ lực. Với việc xác định rõ ràng, thì du lịch sẽ chiếm tỷ trọng cao từ 15–20%, thậm chí 30% và cao hơn nữa nếu như cả tỉnh tập trung làm du lịch.

Để phát triển du lịch ngày càng phát triển, ông Vũ Thế Bình chia sẻ, cần phải có chính sách phát triển du lịch phù hợp với tư tưởng mới; sản phẩm du lịch chủ đạo; chọn ra điểm đến thiên nhiên – tuyệt vời nhất của Hà Giang để thu hút được lượng lớn khách trong nước và quốc tế; tìm ra sự duy nhất về bản sắc văn hóa các dân tộc tại Hà Giang để trở thành sản phẩm độc đáo; bên cạnh đó là chất lượng dịch vụ, tâm thế của con người Hà Giang, sự thân thiện của người dân, vì thế phải đào tạo được đội ngũ những người làm du lịch…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu thực hiện nghi thức Công bố sản phẩm du lịch liên kết giữa hai công viên địa chất toàn cầu

Về định vị thương hiệu của Hà Giang và liên kết với các địa phương khác, chuyên gia Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh thương hiệu có nhiều định nghĩa, nhưng điều quan trọng nhất là cần phải chuyển thành hành động và lan tỏa. Và đằng sau đó có hai giá trị, đó là du khách sẵn sàng trả thêm tiền cho hàng hóa và dịch vụ; điều lớn hơn là sự hấp dẫn và thu hút nguồn lực (nhân lực, công nghệ, thông tin…). Hà Giang có nhiều tiềm năng, đó là sự giao thoa giữa sức mạnh thiên nhiên và con người; giữa hùng vĩ và bình yên; linh thiêng và lãng mạn… rất hiếm có địa phương nào có sự giao thoa đặc sắc như thế. Với tôi, sologan của du lịch Hà Giang nên lựa chọn là: “Hà Giang – hành trình của xúc cảm”…

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Lee Kyung Taek, Phó Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch của Hàn Quốc đến với các đại biểu và cho biết, KTO đang có 33 văn phòng đại diện trên thế giới, quảng bá hình ảnh du lịch Hàn Quốc theo hướng đa dạng đến khách quốc tế.

Đối với Hà Giang, ông Lee Kyung Taek cho rằng cần cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ để thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó, với thiên nhiên hùng vĩ và xinh đẹp, nên Hà Giang cần tận dụng lợi thế này để xây dựng các sản phẩm liên tuyến với các địa phương lân cận. Ngoài ra, phát triển các loại hình thể thao dưới nước, cáp treo, cầu ngắm cảnh… sẽ giúp ích cho sự phát triển du lịch tại Hà Giang...

Ban Tổ chức vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển du lịch tỉnh Hà Giang

 

Ban Tổ chức trao giải cho các đơn vị, cá nhân có món ăn tiêu biểu các tỉnh, thành phố tham dự Lễ hội Ẩm thực quốc tế lần thứ I - năm 2024

Tại Hội thảo, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Hà Giang đã thực hiện nghi thức công bố sản phẩm du lịch liên kết giữa 2 công viên địa chất toàn cầu Hà Giang và Cao Bằng; đồng thời trao bằng khen cho các cá nhân, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang.

NGỌC BÍCH

 

;