Hà Nội: Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11, chiều ngày 20-11, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm thư pháp “Một,mối xa thư”. Sự kiện do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhân Mỹ học đường phối hợp tổ chức.

Các đại biểu cắt băng Khai mạc triển lãm

Nội dung Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư” được chắt lọc từ đôi câu đối tại tòa Đình bia trong khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đó là: “Xa thư cộng đạo kim thiên hạ/ Khoa giáp liên đề cổ học cung” (Thiên hạ nay, xa thư về cùng một mối/ Nhà học xưa, khoa giáp xuất hiện liền nhau). Theo đó, trong quan niệm của người xưa, cụm từ “xa thư” được dùng như một khái niệm để chỉ giang sơn đất nước thu về một mối, chế độ văn vật áp dụng thống nhất ở mọi miền.

Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ của 65 tác gia thư pháp trên khắp mọi miền đất nước và quốc tế. Các tác phẩm với nội dung được chắt lọc từ tác phẩm văn học Việt Nam và di sản văn chương gắn liền với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam. Hình thức biểu hiện của tác phẩm thư pháp phong phú với các thể chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ bằng bút lông, bút sắt. Đây cũng là lần đầu tiên thể loại bút sắt được đưa vào triển lãm thư pháp, đã làm sâu sắc tính kế thừa nghiêm cẩn, đi đôi với sự phát huy của thư pháp truyền thống, trong không gian văn hóa Việt Nam đương đại. 

Trình diễn thư pháp tại lễ khai mạc

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết: Triển lãm là một hoạt động nằm trong chuỗi 50 sự kiện của Lễ hội Thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2022. Từ triển lãm lần này, Ban tổ chức mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là các câu lạc bộ Thư pháp trên địa bàn Thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước để có nhiều hoạt động sáng tạo thiết thực và quy mô ngày càng nâng cao; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và định hướng đến năm 2045. Đặc biệt là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại.

Các đại biểu và du khách tham quan triển lãm

Thông qua triển lãm, Ban tổ chức mong muốn giới thiệu đến công chúng các giá trị tư tưởng, văn hóa, thẩm mỹ hàm chứa sâu sắc trong những tác phẩm thơ văn của các giai đoạn lịch sử Việt Nam, dưới sự thể hiện của nghệ thuật thư pháp. Triển lãm giúp người xem cảm nhận được mạch nguồn văn hóa cha ông luôn được tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 27-11-2022 tại Khu Thái học - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

THANH DANH - Ảnh: THÚY NGA

;