"Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị trang phục đồng bào dân tộc thiểu số"

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học nằm trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số phía Bắc năm 2022, diễn ra sáng ngày 19-11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Toàn cảnh Hội thảo Khoa học - Ảnh: Tuấn Minh

Chủ trì Hội thảo có: PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung; PGS, TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Tuấn Minh

Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm thống nhất quan điểm, đánh giá thực trạng về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị của việc bảo tồn, phát huy văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; tạo sự thống nhất về mục đích, yêu cầu của việc bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc; đề xuất các giải pháp có tính khả thi.

Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cũng nêu rõ, đồng bào dân tộc thiểu số cần sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình thường xuyên, mới có thể giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục truyền thống.

Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Ngô Huyền

Theo Ban Tổ chức, các dân tộc thiểu số có truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó trang phục là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, bản sắc, là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các dân tộc thiểu số đã tạo dựng được bản sắc riêng qua trang phục. Mỗi dân tộc đều có những bộ y phục riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần các giá trị truyền thống mỗi tộc người. Người phụ nữ Mông, Dao, Pà Thẻn, La Hủ... với bộ y phục màu sắc rực rỡ, kết hợp với các hình thức trang trí đã tạo ra hiệu quả màu sắc, âm thanh. Trong khi đó, trang phục của phụ nữ Thái, Mường với những gam màu có sự tương phản về màu váy - áo hay trang trí, tạo sự duyên dáng, uyển chuyển; còn trang phục Tày - Nùng với gam màu chàm thể hiện sự kín đáo, dịu dàng...

Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận đến từ các Ban, Bộ, ngành, Cục, Vụ, đơn vị; Ban tổ chức đã lựa chọn 20 bài để phát biểu trong hội thảo. 

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau, chịu nhiều ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Trang phục các dân tộc thiểu số đang có sự biến đổi nhanh chóng. Nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có dân số rất ít, tộc người sinh sống ở địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao...

Bên cạnh đó, mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ ngày càng ít dần. Do đó, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống  nói chung, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng, trong đó làm thế nào để đồng bào các dân tộc thiểu số - chủ thể văn hóa, nhất là thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa đặc trưng riêng để bảo tồn, gìn giữ và phát huy, để văn hóa các dân tộc hòa nhập, phù hợp văn hóa của nhân loại nhưng không hòa tan... là vấn đề đã, đang đặt ra với nhiều thách thức.

Thực trạng là nhiều người, thậm chí có không ít cộng đồng dân tộc không nhận thấy cái hay, cái đẹp trong trang phục truyền thống dân tộc mình, có người còn e ngại khi mặc. Có thực tế không thể phủ nhận là một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số có tâm lý tự ti, mặc cảm khi sử dụng trang phục dân tộc trong giao tiếp xã hội, nhiều người “ngại” mặc trang phục dân tộc...

Nhiều đại biểu khẳng định: Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay. Để việc giữ gìn, phát huy bản sắc trong trang phục truyền thống của các dân tộc trở thành ý thức văn hóa chung, cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, trong đó chú ý tới việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, vai trò, tác động của giáo dục phổ thông, các phương tiện thông tin đại chúng, nhà thiết kế - may mặc, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của đồng bào các dân tộc.

TS Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: Ngô Huyền

TS Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu quan điểm: Khi môi trường và không gian văn hóa thay đổi, trang phục và nhiều thành tố văn hóa của các dân tộc thiểu số như tiếng nói, nhà ở, phong tục... không còn không gian thích hợp để tồn tại, phát huy. Muốn bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa truyền thống ấy trong đời sống, cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp. Với trang phục thì đó là lễ hội truyền thống của từng cộng đồng, ngày hội văn hóa riêng của từng dân tộc hoặc các dân tộc, để thường xuyên giao lưu giữa các cộng đồng với nhau. Đây cũng chính là cơ hội để đồng bào các dân tộc chung vui, tự hào khoe sắc trong các bộ trang phục truyền thống...

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ nhân, diễn viên quần chúng người dân tộc thiểu số - Ảnh: Tuấn Minh

Trưởng khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường  Đại học Văn hóa Hà Nội Nguyễn Anh Cường mong muốn, khi sử dụng trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, nên sử dụng những bộ trang phục nguyên bản, tránh những trang phục cách tân, cải biến, lai căng, biến đổi quá nhiều. Đây là cách bảo tồn tốt nhất trang phục truyền thống của bà con dân tộc thiểu số.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra thách thức với công tác bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ góc nhìn: Nên áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 để lưu giữ, bảo tồn trang phục, từ đó lan tỏa sự biểu đạt đa dạng của trang phục các dân tộc, tạo nên sự tôn trọng bản sắc đa dạng các dân tộc khác nhau.

NGÔ HUYỀN

;