Hà Nội: Triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”

Sáng 23-1-2024, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”. Triển lãm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” và Quỹ JapanFoundation tổ chức.

Các tác phẩm tạo hình phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt

Tham gia triển lãm có 38 tác phẩm của 34 tác giả là các họa sĩ trẻ từng và hiện đang theo học tại Khoa Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm tạo hình phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt, vừa quen vừa mới lạ. Ví như, tác phẩm Đám cưới chuột của tác giả Hoàng Thúy Quỳnh được lấy cảm hứng khi tác giả xem những bức tranh về Kitsune no Yomeiri-zu (đám cưới Cáo) trong dòng tranh Ukiyo-e của Nhật Bản. Tác phẩm Tháng Giêng bất tận của nhóm tác giả Lê Minh Tâm, Chu Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Tuệ Thư được sử dụng các chất liệu gỗ - giấy dó - đất sét - màu acrylic. Hay tác phẩm Công thành danh toại của tác giả Đỗ Vũ Minh Ngọc được lấy cảm hứng từ bức tranh Đông Hồ Vinh quy bái Tổ và bia tiến sĩ tại Văn Miếu. Tất cả được thể hiện sống động qua góc nhìn đương đại, từ những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ trẻ trên nguồn cảm hứng học hỏi nghiên cứu những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e, kết hợp với các giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật truyền thống Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang,…

Theo Ths Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển của Triển lãm cho biết: Triển lãm là kết quả những nỗ lực không ngừng nghỉ của các họa sĩ trẻ trong hành trình thúc đẩy thực hành nghệ thuật, lấy cảm hứng từ các giá trị văn hóa mỹ thuật truyền thống của Việt Nam cũng như của các nền văn hóa khác. Hoạt động thực hành “sáng tạo truyền thống” cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay nói chung và họa sĩ trẻ nói riêng tiếp tục học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống để từ đó có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh, đây là một triển lãm hết sức đặc biệt, tạo nên sự kết nối giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Nhật Bản. Qua đó chúng ta có cơ hội quảng bá đến bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa Việt Nam và đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu văn hóa của thế giới tại không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Rất nhiều hình ảnh của Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thể hiện trên các tác phẩm trưng bày triển lãm. Ông Lê Xuân Kiêu cũng hy vọng, triển lãm sẽ là một món quà Tết hết sức đặc biệt gửi đến du khách trong dịp Tết Nguyên đán. Triển lãm cũng viết tiếp mạch định hướng Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo từ những giá trị truyền thống.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 12-3-2024 tại nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

THANH DANH - Ảnh: THÚY NGA

;