Tưng bừng các hoạt động trải nghiệm tại Không gian làng dân tộc Khơ Mú

Trong suốt tháng 1-2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra nhiều hoạt động với chủ đề “Hương xuân Tây Bắc”. Rất đông du khách cũng như các em học sinh ở mọi lứa tuổi đã đến thưởng thức những hoạt động văn nghệ, tham gia chơi trò chơi và trải nghiệm thực hành làm những món ăn theo cách truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Tiết mục múa Đao đao của các nghệ nhân Khơ Mú đến từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La

Sáng ngày 21-1, lễ hội Tái hiện Tết Mạ Grợ - cầu phúc, cầu may của đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Sông Mã đã diễn ra tại Không gian làng dân tộc Khơ Mú. Chiều cùng ngày cũng tại đây diễn ra hoạt động trải nghiệm dành cho các em học sinh nhiều lứa tuổi. Không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi, từ cổng và lối đi vào, cho đến không gian xung quanh được trang trí rực rỡ với điểm nhấn là cây nêu, cùng những quả còn nhiều màu sặc sỡ. Không gian sinh hoạt chung, ngoài sân khấu còn có các trò chơi dân gian như đu quay, bập bênh… làm nổi bật không khí lễ hội đón mừng năm mới của các làng dân tộc Tây Bắc. Bên trong căn nhà sàn có sắp đặt trang trọng một bàn thờ, được bày trí mâm ngũ quả, treo ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, tất cả không gian ngôi nhà được trang trí theo đúng phong tục ngày Tết của dân tộc Khơ Mú.

Dù tiết trời mưa rét do không khí lạnh vừa tràn về miền Bắc nhưng các hoạt động ở làng dân tộc Khơ Mú vẫn diễn ra sôi nổi. Nếu buổi sáng, du khách được tham dự lễ cúng mừng năm mới của người Khơ Mú cùng các tiết mục văn nghệ chào mừng thì buổi chiều, Không gian văn hóa của người Khơ Mú vẫn tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động phong phú. Rất đông du khách và các em học sinh đến tham dự.

Cô giáo Phạm Thị Bình dẫn đoàn các em học sinh Trường THCS Ninh Hòa, Hoa Lư, Ninh Bình đến tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: “Chúng tôi chọn đây làm địa điểm cho học sinh tham quan trải nghiệm là bởi, đến đây các em sẽ hiểu được những điểm cơ bản về các dân tộc trên đất nước Việt Nam ta, một điểm đến quy tụ được nhiều sắc màu văn hóa đa dạng. Đến đây các em không chỉ tham quan mà còn được tham gia vào các hoạt động phong phú hấp dẫn khiến các em đều rất hào hứng. Hơn nữa, nơi đây cũng không quá xa nên là một điểm đến lý tưởng cho các em học sinh”.

Các em gái thích thú với trò chơi đánh đu

Các em học sinh cùng chơi trò bập bênh

Nếu các khán giả nhiều tuổi say sưa thưởng thức những làn điệu múa và dân ca như múa Đao đao, múa Au eo của người Khơ Mú, múa Hương sắc thổ cẩm của dân tộc Thái, tiết mục hát then đàn tính Hội xuân núi rừng của các nghệ nhân dân tộc Nùng đến từ tỉnh Thái Nguyên, múa Người Mèo ơn Đảng của các nghệ nhân dân tộc Mông đến từ tỉnh Hà Giang… thì các em học sinh lại rất thích thú với những trò chơi dân gian. Nếu các em gái thích chơi trò đánh đu thì các bạn trai lại hào hứng chơi trò bập bênh. Các em thích mạo hiểm còn thử thách bản thân với trò đi cà kheo. Tất cả làm cho Không gian của làng dân tộc Khơ Mú rộn ràng hơn, như đang đón Tết cổ truyền.

Nhưng hấp dẫn hơn cả chính là hoạt động trải nghiệm làm xôi tím của các em học sinh khối lớp 8 - Trường THCS An Đồng, An Dương, Hải Phòng.

Trên căn nhà sàn, các nghệ nhân không chỉ giới thiệu cho các em trang phục của người dân tộc Khơ Mú, các loại nhạc cụ mà còn chuẩn bị sẵn những nguyên liệu để hướng dẫn các em làm món xôi tím theo đúng cách cổ truyền. Ông Vì Văn Thương người dân tộc Khơ Mú, đến từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La và hiện đang sinh hoạt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, hiện tại có khoảng 20 nghìn người Khơ Mú sinh sống ở tỉnh Sơn La, chủ yếu là canh tác nương rẫy. Hiện nay hầu hết người Khơ Mú đã định canh định cư. Cây trồng ngoài lúa ngô, khoai và sắn còn có bầu bí, đỗ và các loại cây có củ. Nghề phụ gia đình chủ yếu là đan lát đồ gia dụng, một số nơi biết thêm nghề rèn, mộc, trồng bông dệt vải... Người Khơ Mú tuy không có chữ viết nhưng có tiếng nói riêng, có bản sắc văn hóa riêng biệt với dân ca dân vũ, những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy và ẩm thực phong phú, trong đó có món xôi tím.

Nghệ nhân Vì Văn Thương đang giới thiệu về cách làm món xôi tím

Ông Vì Văn Thương chia sẻ, xôi là món ăn chính của người Khơ Mú, trong bữa ăn họ thường đồ xôi hay đồ ngô, sắn. Họ thích ăn những món có vị cay, chua, đắng, các thức ăn nướng thường được ướp rất đặc trưng như chẻo, nậm pịa, cá chua... Xưa kia tổ tiên của người Khơ Mú thường sống du canh du cư, hái lượm cây rừng về làm thức ăn. Họ đã phát hiện ra một loại cây pha ra nước có màu tím, sau gọi là lá cẩm. Đầu tiên, lá cẩm được mang về đun lên để dệt vải, tạo ra màu tím và đỏ - hai màu được người Khơ Mú rất tôn trọng vì tượng trưng cho mặt trời và ánh lửa. Nhưng khi phơi vải, họ phát hiện lá cẩm có mùi thơm của nếp rất đặc trưng. Bởi vậy mà người Khơ Mú bắt đầu chế biến thức ăn, họ luộc lá cẩm 30-40 phút cho nước tiết ra màu tím đậm. Sau đó gạo nếp được vo sạch và để ráo rồi cho vào nước lá cẩm ngâm 4-5 giờ, để ráo nước rồi cho lên ruma (chõ) đồ. Khi xôi chín được xới ra mẹt cho ráo rồi đơm vào những chiếc epma xinh xắn đan bằng tre nứa để lên mâm cơm.

Các em học sinh chăm chú lắng nghe và được thử ngâm gạo vào nước lá cẩm. Ai cũng háo hức khi được thưởng thức món xôi tím mà các nghệ nhân Khơ Mú đã đồ sẵn.

Đồ xôi tím trên bếp lửa

Trong buổi trải nghiệm, các em còn được biết thêm về trang phục và các loại nhạc cụ của người Khơ Mú. Nghệ nhân Lò Thị Lau giới thiệu, về cơ bản, người Khơ Mú mặc giống người Thái. Đàn ông ăn mặc khá đơn giản với trang phục chủ yếu màu đen. Nét độc đáo chính là cách trang trí những hàng tiền bạc và vỏ ốc ở phía thân áo của phụ nữ. Áo của phụ nữ Khơ Mú thường màu đen, dài đến eo. Cổ áo cắt theo hình chữ “V” nẹp viền bằng dải thổ cẩm, mặt trước áo đáp tấm vải thổ cẩm rộng khoảng 20cm thêu hoa văn rực sỡ chạy từ cổ áo đến hết thân áo. Đây là điểm nhấn thu hút nhất của chiếc áo phụ nữ dân tộc Khơ Mú.

Các em học sinh trường THCS An Đồng, An Dương, Hải Phòng háo hức với món xôi tím

Nghệ nhân Lò Thị Lau cũng giới thiệu với các em học sinh nhạc cụ truyền thống của người Khơ Mú như: Tơm hít (nhị) được làm từ tre và nứa; Tót tơm là một trong những loại sáo dọc đặc trưng, được chế tác từ phần ngọn của một thân cây nứa nhỏ; Th’roông (đàn môi) được làm từ một thanh tre hoặc nứa già để khô; Tót mu (sáo mũi) được làm từ thân cây nứa già, nhỏ, có chiều dài trung bình khoảng 60cm, chỉ có một lỗ duy nhất nằm cách cuối thân sáo khoảng 2cm, lúc thổi cho ra hai cao độ khác nhau. Đặc biệt, chị còn biểu diễn Đao đao - một loại nhạc cụ tự thân vang, được làm bằng một ống nứa hoặc luồng có đường kính trung bình từ 3 - 4cm, chiều dài khoảng 40 - 50cm. Phần đầu của nhạc cụ được khoét và cắt hai miếng đối xứng nhau dài khoảng 20cm. Khi diễn tấu, tay phải cầm phần dưới của nhạc cụ đập phần đầu của nhạc cụ vào lòng bàn tay, âm thanh vang lên từ đó. Tiết tấu của Đao đao tạo nhịp cho các bước đi kết hợp với động tác của đôi bàn tay, của cơ thể tạo thành một điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào Khơ Mú.

Những hoạt động nhằm giới thiệu không khí đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán đặc trưng của các dân tộc thiểu số này đã giúp du khách thêm hiểu biết về các dân tộc. Đồng thời, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường giao lưu gắn bó giữa các dân tộc mà còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong đại gia đình 54 dân tộc anh em.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;