Từ ngày 13 đến 15-12-2024, tại TP.HCM đã diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024- Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024).
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc Quốc tế TP.HCM lần 4- Hò Dô 2024 với chủ đề "Phát triển nhân lực trong ngành kinh doanh âm nhạc Việt Nam vươn tầm quốc tế" nhằm cung cấp kiến thức nền tảng về kinh doanh âm nhạc, hỗ trợ hướng nghiệp và góp phần xây dựng ngành kinh doanh âm nhạc đầy tiềm năng tại Việt Nam. VMW 2024 do Sở VHTT TP.HCM chủ trì, phối hợp Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức; thực hiện bởi VMIN Vietnam Music Industry Network, HOZO Music Festival và Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM.
Các diễn giả tại Tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong khuôn khổ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030
Đặt ngành Âm nhạc Việt Nam trong bối cảnh kinh tế văn hóa sáng tạo vừa phát triển mạnh mẽ vừa đối mặt với thách thức, Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc của VMW 2024 là dịp để các chuyên gia phân tích sâu sắc và đề xuất các giải pháp chiến lược, đồng thời tạo diễn đàn đối thoại, kết nối các cá nhân, tổ chức trong ngành, xây dựng thương hiệu văn hóa cho TP.HCM và đưa âm nhạc Việt Nam tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Vai trò của âm nhạc với du lịch và giữ gìn bản sắc dân tộc
Trong bối cảnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, âm nhạc được xác định là trụ cột quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế, đẩy mạnh giao lưu văn hóa và tạo đà phát triển cho các ngành kinh tế liên quan. Tọa đàm Phát triển ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong khuôn khổ định hướng phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 (ngày 14-12) của VMW 2024 nhấn mạnh về việc khai phá tiềm năng âm nhạc Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế - văn hóa, giao lưu quốc tế, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành âm nhạc cùng hơn 100 cá nhân, đại biểu đang hoạt động trong ngành và những đơn vị văn hóa nghệ thuật trên thế giới.
Bà Nguyễn Trần Tâm Hà- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP.HCM nhấn mạnh, các lễ hội âm nhạc hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến với các thành phố lớn. Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành, doanh thu ngành Du lịch tăng từ 30% đến 40% trong mùa lễ hội, chứng minh rằng âm nhạc không chỉ kết nối cộng đồng mà còn là “chìa khóa” mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
TS Nguyễn Thị Thu Hà- Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật Đương đại (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), cho rằng, trong 7-10 năm gần đây, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp đáng kể vào GDP, tạo việc làm và gia tăng doanh thu từ du lịch cho các thành phố lớn như Đà Lạt, Hà Nội. Bà cũng nhấn mạnh rằng sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm bền vững, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người lao động và mang lại giá trị giải trí, văn hóa cho cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển lâu dài của ngành.
Các lễ hội âm nhạc như Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM hay Lễ hội hoa Đà Lạt không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo ra giá trị phi kinh tế thông qua việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, kết nối cảm xúc và xây dựng mạng lưới cộng đồng. “Đây là nền tảng để Việt Nam tiến sâu vào thị trường âm nhạc quốc tế”- bà Thu Hà khẳng định.
Ban nhạc Nam Tộc
Chia sẻ về vai trò của âm nhạc trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, PGS, TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM cho biết, Việt Nam có 54 dân tộc anh em, sở hữu một kho tàng di sản âm nhạc phong phú. Đây là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác hiện đại và sáng tạo.
TS Mỹ Liêm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận giới trẻ, từ đó phát triển âm nhạc dân tộc trở thành nguồn sức mạnh kết nối cộng đồng. Điển hình như ban nhạc Nam Tộc đã khéo léo kết hợp nhạc cụ dân tộc với âm thanh hiện đại để tạo nên các bản phối vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa mới mẻ, gần gũi với giới trẻ. Điều này không chỉ nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của các nghệ sĩ mà còn góp phần quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh nhận định rằng âm nhạc cổ điển tại Việt Nam đang đối mặt với bài toán khó về việc nuôi dưỡng khán giả: “Trong bối cảnh xã hội chuyển mình, chúng ta cần tạo điều kiện để âm nhạc cổ điển tiếp cận khán giả trẻ, từ đó nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc lâu dài. Những chương trình biểu diễn kết hợp giữa giáo dục và nghệ thuật là bước đi cần thiết”. Ông cũng gợi ý việc kết hợp âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc để tạo nên sức sống mới, vừa bảo tồn di sản vừa tiếp cận được khán giả hiện đại.
Thực trạng và tiềm năng của ngành kinh doanh âm nhạc Việt Nam
Đánh giá thực trạng và triển vọng phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam, VMW 2024 còn có buổi chuyên đề “Tổng hợp báo cáo ngành kinh doanh âm nhạc tại Việt Nam” (ngày 15-12). Báo cáo chỉ ra rằng năm 2024 đánh dấu sự bùng nổ của các nền tảng âm nhạc số tại Việt Nam trong bối cảnh “hai người lên mạng thì có một người nghe nhạc trực tuyến”. Các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp âm nhạc vẫn đối mặt với không ít thách thức, từ việc chưa giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng, đến rủi ro từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). AI được xem là công cụ đột phá nhưng cũng tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến tính nguyên bản và quyền sở hữu trí tuệ.
PSG, TS Nguyễn Văn Thăng Long, Phó Trưởng khoa Truyền thông chuyên nghiệp Trường Đại học RMIT trình bày chuyên đề
Bên cạnh những bước tiến, khi đặt trong bối cảnh rộng hơn, so với các nước trong khu vực, nền âm nhạc Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để phát triển. Đứng trước câu hỏi: “Liệu chính sách hiện hành có đang hỗ trợ cho ngành kinh doanh âm nhạc tại Việt Nam hay không?” PGS, TS Nguyễn Văn Thăng Long - Phó Trưởng khoa Truyền thông chuyên nghiệp Trường Đại học RMIT cho rằng hợp tác công - tư chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy và cải thiện được hiện trạng là các vấn đề liên quan đến âm nhạc đang khá phân mảnh và không liên quan đến một ban ngành.
Giới thiệu IFPI và hiện trạng ngành công nghiệp ghi âm tại Việt Nam, ông Đào Minh Hùng- Đại diện tại Việt Nam của IFPI đã có những chia sẻ thẳng thắn. Xuyên suốt phần trình bày, ông Hùng luôn nhấn mạnh: “Âm nhạc không nên là một sản phẩm miễn phí”. Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong ngành công nghệ ghi âm quốc tế khi phần vật lý co lại và sự bùng nổ của nền tảng streaming. Dù Việt Nam sở hữu “84% tỷ lệ sử dụng nền tảng hợp pháp” nhưng song song đó “66% tỷ lệ sử dụng các cách thức bất hợp pháp” là hồi chuông đáng báo động về nhận thức thương mại sản phẩm âm nhạc còn khá thấp. Sắp tới, ông Hùng hy vọng có nhiều hơn đơn vị Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành viên IFPI.
Cũng trong khuôn khổ VMW 2024 còn có những buổi thảo luận về giáo dục âm nhạc trong nước, cách thức tổ chức và quản lý nghệ sĩ, quá trình phối hợp giữa nghệ sĩ, nhà phân phối và các nền tảng âm nhạc, chiến lược xử lý khủng hoảng truyền thông và quảng bá âm nhạc hiệu quả; những buổi phỏng vấn chuyên gia, lớp học chuyên sâu và đào tạo ứng dụng; hoạt động sân khấu trình diễn cho các tài năng trẻ.
XUÂN HƯỚNG - Ảnh: BTC