Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - một trong những nội dung quan trọng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943

“Nhìn lại từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến các văn kiện, nghị quyết sau này của Đảng, bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc của người Việt luôn được đề cao, trong đó tính dân tộc luôn được Đảng ta đặt lên hàng đầu” - TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật.

TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng

* Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 được xem như là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, trong đó, ba nguyên tắc cơ bản là: Dân tộc  - Đại chúng  - Khoa học đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Xin cho biết nhận định của ông về vấn đề này? 

- Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Thường vụ Trung ương Đảng thông qua tháng 2-1943, với ba nguyên tắc quan trọng: dân tộc hóa - đại chúng hóa - khoa học hóa. Ba nguyên tắc này rất quan trọng, là những vấn đề then chốt của văn hóa để từ đó Đảng ta hoạch định đường hướng phát triển văn hóa Việt Nam sau này.

Bản Đề cương ra đời trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai đang lan rộng và ngày càng ác liệt. Tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội ở nước ta lúc đó rất phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc. Nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than, cơ cực, chịu sự “một cổ hai tròng” của phát xít Nhật, thực dân Pháp và bè lũ tay sai dã man, tàn ác. Vì thế, ba nguyên tắc trong bản đề cương văn hóa đều hướng đến việc “chống”: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Qua các thời kỳ, Đảng ta đã cụ thể hóa các nguyên tắc trong bản đề cương trong các Nghị quyết cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, trong đó mục tiêu của các nguyên tắc đã được chuyển từ “chống” sang “xây”. Cụ thể, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trong tình cảnh tập trung chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Đảng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I (11-1946) và Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ II (7-1948). Hai sự kiện lịch sử này có ý nghĩa như Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, khẳng định tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về vị trí vai trò của văn hóa. Về đường lối phát triển văn hóa thời kỳ này là xây dựng “một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân” và “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông lẫn đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình là biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận của dân tộc ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường quốc dân đi”. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đề ra quan điểm: “Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc” tại Đại hội  lần thứ lần thứ III của Đảng năm 1960.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) năm 1998, đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.  Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đó chính là phát triển đất nước bền vững.

Nhìn lại từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến các văn kiện, nghị quyết sau này của Đảng, bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc của người Việt luôn được đề cao, trong đó tính dân tộc luôn được Đảng ta đặt lên hàng đầu. Tính dân tộc luôn được coi trọng và xuyên suốt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong Đề cương nhấn mạnh: “Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển. Cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam chỉ có thể trong trường hợp may mắn nhất đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hóa mới”.

Trong thời đại ngày nay, khi Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường thì yếu tố dân tộc hay bản sắc dân tộc càng được đề cao. Bản sắc dân tộc là những giá trị bền vững, những tinh hoa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc. Lòng nhân ái khoan dung trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Vì vậy, khi yếu tố dân tộc càng được đề cao thì văn hóa càng nổi bật. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tiếp tục nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Điều đó cho thấy yếu tố dân tộc rất quan trọng và hồn cốt của nó chính là văn hóa.

Trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, nguyên tắc đại chúng hóa nhấn mạnh văn hóa phải được truyền bá đến đông đảo nhân dân. Đến thời đại ngày nay, nguyên tắc đại chúng đã được cụ thể hóa một cách toàn diện và sâu sắc hơn, Đảng ta xác định xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với bốn đặc trưng: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Điều đó cho thấy, tính đại chúng của văn hóa hiện nay vẫn hướng đến phục vụ nhân dân, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, mang tính nhân văn và do nhân dân xây dựng. Văn hóa đại chúng chính là các tập tục, tập quán, lễ hội, làng nghề, nghệ thuật truyền thống… được phổ biến trong cộng đồng dân cư cũng như các loại hình văn học, nghệ thuật đương đại hướng đến công chúng. Những nét văn hóa đó thấm nhuần vào ý thức của cộng đồng khu dân cư, làng xã, thôn bản… và yếu tố đại chúng đó luôn được cộng đồng đề cao và coi trọng.

Nguyên tắc khoa học, đó chính là tiếp thu chọn lọc tinh hoa của văn hóa thế giới bên cạnh bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời đại công nghệ 4.0, khoa học ngày càng phát triển mạnh thì yêu cầu của văn hóa cũng ngày càng phải phát huy. Điều đó cho thấy rất rõ ở thời điểm hiện nay, cùng với sự kết nối internet trên toàn cầu, điện thoại thông minh phát triển, việc trao đổi thông tin cũng như cập nhật văn hóa cũng sẽ được truyền tải đến mọi nơi trên thế giới. Chính vì thế, không chỉ là nội dung truyền tải, văn hóa muốn phát triển thì phải tận dụng những thành tựu hiện đại của của khoa học kỹ thuật.

Lễ hội làng Triều khúc (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

* Từ định hướng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, những quan điểm về phát triển văn hóa Việt Nam luôn được Đảng ta bổ sung, hoàn thiện, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa dân gian truyền thống hiện nay, chúng ta cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?

- Tôi thấy, những năm gần đây hầu hết các tỉnh, huyện, các địa phương trong cả nước rất chú trọng và xây dựng đề án bảo tồn văn hóa dân tộc. Ví dụ, khi tôi đến với vùng người Dao, thì thấy có đề án dạy chữ Nôm Dao cho con, em người Dao. Cùng với đó, các di sản văn hóa ngày càng được phổ biến và lan rộng: hát xoan, hát trống quân, các làn điệu dân ca… của các dân tộc đều có đề án hướng dẫn người dân phục hồi, bảo tồn và phát huy. Các loại hình nghệ thuật truyền thống đó cũng là những tinh túy của di sản văn hóa phi vật thể, góp phần quan trọng trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Hiện nay, để văn hóa có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước thì có nhiều lĩnh vực có thể khai thác. Ví dụ, trong đó các di sản văn hóa đã được khai thác trong hoạt động du lịch như du lịch lễ hội, du lịch làng nghề… Du lịch phát triển tạo tiềm lực để tôn tạo, trùng tu các di tích, phục dựng các lễ thức, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian..., đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.

Bên cạnh đó, văn hóa dân gian còn là thành tố rất quan trọng trong quản lý xã hội. Có 2 thể chế để quản lý xã hội, đó là thể chế chính thức - điều hành xã hội bằng các văn bản quy phạm pháp luật; và thể chế phi chính thức được tồn tại trong văn hóa dân gian, đó là các thể chế về luật tụng, hương ước, tập quán… toàn bộ các yếu tố đó, nó tồn tại song hành với nhau, tạo ra quản lý xã hội.

Nên khi nhìn từ góc độ văn hóa cho thấy, từ cách thức quản lý, đến các giá trị về kinh tế, cho đến các tri thức văn hóa tộc người… đều có sự đóng góp quan trọng của văn hóa dân gian, mà văn hóa dân gian là những di sản văn hóa của tổ tiên để lại, chính vì thế càng phải coi trọng. Cùng với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng đã và đang đồng hành cùng đất nước trong công cuộc xây dựng, phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

* Cùng với sự phát triển của đất nước, nhiều nền văn hóa nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để văn hóa dân tộc giữ được bản sắc riêng, không bị “hòa tan” trong thời điểm hiện nay?

- Nhìn lại lịch sử dân tộc ta, với hơn 1000 năm Bắc thuộc nhưng “ta” vẫn là “ta”, người Việt vẫn là người Việt. Bởi lẽ dân tộc Việt Nam vẫn giữ được văn hóa, giữ được hồn cốt của dân tộc. Bài học lịch sử cho ta thấy, văn hóa đồng hành cùng dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, góp phần bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thì khi đó sẽ càng thúc đẩy công cuộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với xu thế phát triển của thế giới thì Việt Nam cũng sẽ ngày càng phát triển và văn hóa cũng không nằm ngoài quy luật. Trong thời kỳ hội nhập, điều chúng ta cần phải luôn ý thức là “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền của dân tộc thì cần học hỏi, tiếp thu tinh hoa của nhân loại để làm đa dạng, giàu có nền văn hóa của đất nước là rất cần thiết. Khi áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào phát triển văn hóa thì văn hóa Việt Nam sẽ được phát huy một cách có hiệu quả và lan tỏa đến với bạn bè thế giới.

* Xin cám ơn ông!

NGỌC BÍCH thực hiện

;