“Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943: Tiếng Việt và sự khẳng định chủ quyền dân tộc

Xung quanh những ý nghĩa, giá trị của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" 1943, phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật đã phỏng vấn PGS, TS Phạm Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).

PGS, TS Phạm Văn Tình - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Thưa PGS, TS Phạm Văn Tình, đã 80 năm trôi qua, Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 với ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa: dân tộc, khoa học, đại chúng - vẫn có những ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn về lý luận và thực tiễn đối với công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Dân tộc, khoa học, đại chúng là ba định hướng cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng ta năm 1943. Có thể nói, đó là ba vấn đề cốt lõi làm nên “hồn cốt” văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa chính là những nét đặc trưng dân tộc. Trong bản Đề cương 1943, ta thấy tính dân tộc được đưa lên hàng đầu. Nhân loại có bao nhiêu dân tộc. Mỗi dân tộc có bản sắc riêng (về tư duy, về ngôn ngữ, về những đặc thù phong tục tập quán…). Dân tộc Việt Nam đã trường tồn cùng đất nước với những phẩm chất riêng không lẫn với bất kì dân tộc nào trên thế giới. Điều này thể hiện qua các lĩnh vực: Quốc sử, Quốc văn, Quốc ngữ. Có lẽ không cần nói nhiều, chúng ta cũng thấy những nét tinh hoa dân tộc Việt thể hiện trong tiến trình lịch sử, qua nền văn học đa dạng từ cổ chí kim, qua tiếng Việt ngàn đời càng ngày càng giàu và đẹp (mà hiện nay đã có xấp xỉ 100 triệu người sử dụng) trên khắp thế giới.

Đồng chí Lê Duẩn nói: “Con người làm chủ là con người phát hiện ra quy luật và làm theo quy luật”. Muốn thế, mỗi người phải trang bị cho mình một hành trang tri thức đủ lớn để làm chủ cuộc sống và vững vàng đi lên phía trước. Không có tri thức khoa học thì không thể làm được điều đó. Tri thức chính làm nên sức mạnh của mỗi người và từ đó làm nên sức mạnh mỗi dân tộc. Khoa học chính là nền tảng làm nên tri thức.

“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” (Hồ Chí Minh). Quần chúng là người làm nên lịch sử. Sức mạnh dân tộc có được là nhờ quần chúng. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tư tưởng đó của Bác Hồ luôn là kim chỉ nam cho chúng ta trong việc thực hiện và duy trì khối đại đoàn kết toàn dân. Đại chúng, đại chúng hóa là quan điểm cần phải thấm nhuần và xuyên suốt trong mọi hành động.

* Thưa ông! Trong 3 nhiệm vụ đấu tranh đề ra trên mặt trận văn hóa, Đề cương có đề cập đến: “Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết: Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; Ấn định mẹo văn ta; Cải cách chữ quốc ngữ”. Vậy nên hiểu cụ thể vấn đề này thế nào?

- Tiếng Việt, như đã nói (trước đây và hiện nay) đang có hàng chục triệu người dùng từ Nam chí Bắc. Không có ngôn ngữ nào lại có thể có cách nói “triệu người như một” (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) mà luôn có sự khác biệt phương ngữ, vùng miền. Nhưng tiếng Việt toàn dân phải có sự “thống nhất trong đa dạng”. Chính sự thống nhất đó làm cho tiếng Việt hội được các yếu tố khác biệt, phong phú và làm nên “cái giàu cái đẹp” (và càng ngày càng giàu càng đẹp hơn qua thời gian). Trong sự giàu đẹp đó, có vai trò của từ ngữ (vốn từ), của các cấu trúc cú pháp (mẹo mực ngôn từ trong giao tiếp, trong các tác phẩm văn học) và đặc biệt trong sự thành công của sự ra đời chữ Quốc ngữ - một thành tựu tuyệt vời của tiếng Việt xét về mặt văn tự (chữ viết). Tranh đấu đề giữ gìn tiếng nói dân tộc chính là sự tranh đấu giữ lấy một nét đặc trưng cơ bản làm nên văn hóa dân tộc. “Tiếng Việt còn, nước ta còn” mà…

Hát quan họ ngày xuân - Ảnh: Nguyên Trường

* Ở góc độ là nhà ngôn ngữ học, ông nhìn nhận ý nghĩa của cuộc đấu tranh trên mặt trận này như thế nào trong bối cảnh lúc đó - bối cảnh mà dân tộc Việt Nam trong cảnh “một cổ hai tròng” dưới ách đô hộ của phát xít Nhật và thực dân Pháp?

- Chúng ta biết, năm 1943 là năm nước ta còn chìm đắm trong ách cai trị của thực dân Pháp và sau đó là cả phát xít Nhật. Mục tiêu trước mắt của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó là lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành độc lập. Đó quả là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Ấy vậy mà Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong thời kì “trứng nước” đó đã quan tâm tới sự phát triển văn hóa Việt qua một bản Đề cương lịch sử, đủ thấy được tầm nhìn chiến lược của Đảng. Chúng ta có thể thấy được tầm vóc và sức mạnh to lớn của dân tộc Việt bắt nguồn từ đây.

* Ba nguyên tắc vận động văn hóa: dân tộc, khoa học, đại chúng vẫn còn ý nghĩa như thế nào với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của chúng ta hiện nay?

- Như tôi đã nói, đó là ba vấn đề hệ trọng liên quan tới hồn cốt làm nên văn hóa dân tộc. Nó vẫn là “kim chỉ nam” cho toàn dân ta trong mọi chặng đường lịch sử, từ năm 1943 cho đến hôm nay (2023). Việc giữ gìn tiếng Việt là liên tục, không một bước dừng. Bởi tiếng nói luôn luôn vận động và phát triển. Giống như cây đời muốn xanh tươi và ra hoa kết trái, ta luôn phải bón phải chăm. Tiếng Việt sở dĩ có diện mạo được như hôm nay là nhờ có sự góp công góp sức của cả cộng đồng trong bao nhiêu thế kỉ tồn tại. Tiếng Việt đang phát triển và đang trẻ lại như mùa xuân đất nước.

* Theo ông, để giữ gìn bản sắc dân tộc, khẳng định chủ quyền văn hóa trong thực hành tiếng Việt giai đoạn hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế sâu rộng như hiện nay, chúng ta cần phải làm gì?

- Trong giai đoạn hiện nay, không có dân tộc nào lại đứng ngoài dòng chảy thời đại. Tiếng Việt cũng phải hòa mình trong xu hướng hội nhập và hòa nhập. Đó là một thách thức đối với tiếng Việt vì hiện tại, xu hướng hội nhập rất dễ xảy ra hiện tượng “hòa tan”. Nếu tiếng Việt không có bản sắc và bản lĩnh riêng thì khó đứng vững trước sự xâm nhập mạnh mẽ của tiếng Anh (và một số ngôn ngữ có ưu thế khác). Tôi nghĩ, tiếng Việt đã có đủ tố chất một ngôn ngữ “mạnh” về lượng và chất. Nhưng mỗi người nói trong cộng đồng tiếng Việt đều phải có trách nhiệm và bổn phận giữ gìn tiếng nói của mình, bằng việc “nói theo cách của ta”, không không lạm dụng từ ngữ và cách nói nước ngoài như một xu hướng “thời thượng”. “Dân ta phải biết sử ta” và “Dân ta phải biết nói tiếng ta” như một bản ngữ không thể thay thế. Ta phải hiểu, phải tự hào về tiếng Việt ngàn đời như một di sản quý báu cha ông ta để lại. Có thế chúng ta mới tự ý thức được bổn phận và trách nhiệm giữ gìn tiếng Việt ở mọi nơi mọi lúc. Cần phải giương cao “ngọn cờ tiếng Việt” như giương cao ngọn cờ khẳng định chủ quyền dân tộc.

* Xin cảm ơn ông!

PV thực hiện

;