“Phải đầu tư để văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế”

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật về những vấn đề đặt ra từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943. Ông nói:

- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời trong hoàn cảnh dân tộc ta đang có nhiều khó khăn nhất định, nhưng đã mang những giá trị to lớn đối với vận mệnh dân tộc Việt Nam.

Trước hết, nó khẳng định quan điểm, đường lối đúng đắn, nhất quán của Đảng ngay từ khi ra đời, khi chúng ta chưa có chính quyền; luôn đặt văn hóa ở vị trí quan trọng và văn hóa phải có mối quan hệ mật thiết với chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng.

Bản Đề cương như một kim chỉ nam cho chúng ta xây dựng một xã hội mới nói chung và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đề cương như một tuyên ngôn của Đảng ta về văn hóa, một nền văn hóa mới vì nhân dân, yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh.

Bản Đề cương cũng khẳng định xây dựng một nền văn hóa mới mà Đảng ta xác định là dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa để phản bác lại các trào lưu lúc bấy giờ có một số lớp trí thức, văn nghệ sĩ đang mê muội trước sự tuyên truyền tư tưởng Đông Á, đồng nòi giống, đồng khu vực, Đại Đông Á của Nhật, theo gương nước Nhật. Đảng ta lúc bấy giờ theo đồng minh chống lại phát xít Nhật. Đề cương là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn mơ màng về lòng tốt, về tinh thần đồng máu đỏ, da vàng của Nhật.

Đặc biệt, ý nghĩa chiến lược của Đề cương đã làm sáng tỏ đường lối đúng đắn của Đảng ta bấy giờ về văn hóa, về kháng chiến. Khẳng định xây dựng xã hội mới, quyết tâm giải phóng đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, để xây dựng xã hội mới là xã hội của nhân dân, thực tế sau này Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Dân chủ cộng hòa đó là một xã hội mới.

Đảng ta đã xác định 3 nguyên tắc của nền văn hóa mới: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Đó là 3 đặc trưng, bản chất của một nền văn hóa mới, có ý nghĩa lớn như tuyên ngôn về xây dựng xã hội mới của Đảng ta.

Có thể nói, đến bây giờ Đề cương vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Chúng ta đang xây dựng, phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tiên tiến phải có khoa học, đậm đà bản sắc dân tộc là tính dân tộc; nền văn hóa đó vì nhân dân lao động, đó là tính đại chúng.

Từ những giá trị của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 trong suốt 80 năm qua, có lẽ bài học lớn nhất là phải đề cao văn hóa, coi văn hóa như là một bộ phận cấu thành nên xã hội, có mối quan hệ mật thiết với chính trị và kinh tế.

Thực tế, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng văn hóa, luôn coi trọng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặt đời sống của nhân dân lên tất cả. Bài học đó luôn đi theo bước đi của cách mạng. Cách mạng tư tưởng văn hóa là cách mạng quan trọng. Khi chúng ta đặt văn hóa đúng vai trò, vị trí của nó thì cách mạng luôn thành công.

Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã thành công do đặt lợi ích, đời sống của nhân dân lên trên hết. Đó chính là văn hóa, quan điểm mang tính nhân văn sâu sắc.

Trong công cuộc xây dựng Đảng, nếu chúng ta không chăm chú vào tu dưỡng bản thân, không xây dựng đội ngũ cán bộ tốt, buông lỏng quản lý, buông lỏng vai trò nêu gương, buông lỏng đạo đức cách mạng sẽ dẫn đến suy thoái.

Như vậy, thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, chúng ta càng hiểu được ý nghĩa chiến lược của nó và cũng như hiểu được tầm nhìn vĩ đại của Đảng ta không chỉ đối với cuộc cách mạng xã hội trước mắt mà còn là những công việc chuẩn bị cho xây dựng một nền tảng tinh thần mới cho xã hội trong tương lai…

TS Nguyễn Viết Chức - Ảnh tư liệu của Tuấn Minh

* Ông có nhận xét gì về những thành quả văn hóa đất nước ta đạt được trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là sau khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021?

- Từ khi có Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại hoàn toàn độc lập cho dân tộc Việt Nam và thống nhất đất nước vào năm 1975. Đó là một kỳ tích lớn trong lịch sử. Ngay sau khi giành được độc lập, đất nước Việt Nam gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua được những khó khăn đó.

Trong thời kỳ đổi mới, yếu tố thắng lợi nhất là đổi mới tư duy cũng là văn hóa, cách nghĩ, cách làm, cách ứng xử với thiên nhiên, xã hội… đã mang lại một thắng lợi ngoạn mục: xóa đói giảm nghèo, cung cấp đủ thực phẩm cho toàn dân và có thể xuất khẩu được.

Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đã có sự chuyển biến trong nhận thức, các ngành, các cấp đều đánh giá lại để có tầm nhìn đúng đắn về văn hóa. Các địa phương đã ra nghị quyết chuyên đề về văn hóa. Tại Hà Nội, đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là bước tiến mới. Nhận thức chung của Đảng, các cấp là vai trò của văn hóa được đề cao, chuyển biến trong nhận thức là xây dựng, phát triển văn hóa để phát triển con người và ngược lại. Mối quan hệ giữa con người và văn hóa, giữa văn hóa với phát triển bền vững càng ngày càng được thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

* Thưa ông, bối cảnh xã hội của đất nước hiện nay đã khác so với hoàn cảnh ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Theo ông, việc vận dụng 3 nguyên tắc: dân tộc - khoa học - đại chúng của Đề cương về văn hóa vào thực tiễn hiện nay như thế nào? Những đề xuất, kiến nghị của ông với Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa?

- Hiện nay bối cảnh xã hội khác xa hoàn cảnh năm 1943, theo tôi, các nguyên tắc của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị. Dân tộc càng hội nhập thì càng phải giữ gìn bản sắc dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam trong đó có văn học nghệ thuật, phải thể hiện được tính dân tộc trong cả nội dung và hình thức, trong cả mục tiêu, mục đích của văn hóa nghệ thuật. Văn hóa suy cho cùng là vì con người, vì đất nước. Tính khoa học và đại chúng càng ngày càng cao. Mục tiêu của văn hóa vẫn là vì toàn dân. Do khoa học công nghệ phát triển mạnh, điều kiện để phổ cập đến toàn dân được dễ dàng hơn. Hưởng thụ của nhân dân và sự tham gia vào sáng tạo, đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật ngày càng lớn mạnh. Trong lĩnh vực nghệ thuật, chúng ta đang hướng ra thế giới, hướng vào hội nhập và đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nhiều tác phẩm âm nhạc dần tiếp cận với trình độ, thị hiếu chung của thế giới. Văn hóa Việt Nam đang dần dần được thế giới công nhận như một nền văn hóa giàu bản sắc, nhưng cũng tiên tiến, khoa học, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.

Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, cần xem lại những gì chúng ta đã làm tốt, những gì chúng ta chưa làm tốt. Gia tài văn hóa của chúng ta là to lớn, nhưng khai thác và phát huy gia tài đó chưa tương xứng, cần phải biến văn hóa thành sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững, thực hiện khát vọng vươn tới xây dựng một đất nước hùng cường hơn, đến 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Việt Nam phải trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đó là một kỳ vọng có cơ sở của một nền văn hóa. Muốn thế phải vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt cũng như lâu dài.

Khi xác định “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, là nền tảng tinh thần cho xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xã hội thì phải đầu tư thật sự tương xứng, đầu tư về công sức, trí tuệ, tư duy, lãnh đạo, quản lý làm sao cho văn hóa thật sự ngang tầm với chính trị và kinh tế. Có như thế chúng ta mới có phát triển bền vững. Đặc biệt, đầu tư cho giới trí thức văn nghệ sĩ thời kỳ mới thật sự có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín để hội nhập với thế giới.

* Xin cám ơn ông!

HỒNG VÂN thực hiện

;