Vận dụng sáng tạo các giá trị cốt lõi của "Đề cương về Văn hóa Việt Nam" 1943 vào phát triển văn hóa hiện nay

Đó là một trong những nội dung của cuộc trao đổi giữa phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật và TS Trần Minh Chính, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý VHTTDL.

TS Trần Minh Chính

* Xin ông đánh giá về những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943? Chúng ta cần vận dụng những giá trị này như thế nào vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa hiện nay ở Việt Nam?

- Thứ nhất, về giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943. Sau 80 năm nhìn lại, với rất nhiều biến động của thời cuộc và sự vượt tiến của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội cả trong nước và quốc tế, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 tại thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám thành công đã cho thấy tầm nhìn lớn và sớm của Đảng ta về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả trước mắt và tương lai lâu dài về sau… Có thể nói, đây là một văn kiện mang tầm mức mở đường cho công cuộc khai phá xây dựng và phát triển một nền văn hóa mới trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam. Lịch sử dựng xây và phát triển suốt 80 năm qua của nền văn hóa mới Việt Nam đã minh chứng cho điều đó.

Cụ thể, cách đặt vấn đề khi soạn thảo và công bố Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện quan điểm, khả năng nhìn xa trông rộng, sự sáng suốt khoa học của Đảng ta trước một vấn đề rất lớn của cách mạng, đó là văn hóa. Ngay tại thời điểm đó, Đảng ta đã nhận thức nội hàm của văn hóa phải bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; đồng thời văn hóa phải được đặt trong mối quan hệ khăng khít với kinh tế, chính trị; Đảng phải nhận lãnh trách nhiệm đồng thời lãnh đạo cách mạng Việt Nam trên cả 3 mặt trận: kinh tế - chính trị - văn hóa; Đảng phải tạo ảnh hưởng và tuyên truyền đường lối cách mạng của mình trong xã hội thông qua văn hóa. Cách đặt vấn đề mang đậm tính quan điểm này của Đảng về văn hóa, về lãnh đạo văn hóa khi Đảng chưa phải là một Đảng cầm quyền là bước chuẩn bị, bước khởi đầu vô cùng đúng đắn, vừa khoa học vừa thực tiễn, tạo tiền đề, vạch hướng đi cho Đảng ta trong hành trình lãnh đạo đất nước dựng xây một nền văn hóa mới XHCN suốt 80 năm qua.

Từ cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng hàm chứa sự minh triết trước thời cuộc như vậy, Đảng ta chủ trương xây dựng một nền văn hóa mang tính dân tộc, tính khoa học và tính đại chúng. Để thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó, cuộc vận động văn hóa của ta vì thế phải được tiến hành theo 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Ở đó, “Dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”; “Khoa học hóa là chống lại những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”; “Đại chúng hóa là chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” (xem Đề cương về văn hóa Việt Nam). Như thế, chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới Dân tộc - Khoa học - Đại chúng như phân tích trong bản Đề cương văn hóa đã thể hiện tính phổ biến và hợp quy luật của nó, đó chính là những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam.

Thứ hai, về vận dụng những giá trị của Đề cương văn hóa vào xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện nay. Chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới Dân tộc - Khoa học - Đại chúng đã được Đảng ta vận dụng nhất quán và sáng tạo vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc suốt nhiều thập kỷ qua. Rõ ràng, nhìn từ góc độ phát triển tư duy lý luận và cả thực tiễn, sức sống của chủ trương này - hay nói cách khác là sức sống của việc lựa chọn xây dựng nền văn hóa mang tính Dân tộc - Khoa học - Đại chúng cho đến hôm nay vẫn còn nguyên sự đúng đắn và phù hợp của nó, vì nhiều lẽ thật hiển nhiên và đầy sức thuyết phục: Tính Dân tộc của nền văn hóa được duy trì và phát huy sẽ giúp chúng ta “hội nhập mà không bị hoà tan” vào dòng chảy của văn hóa nhân loại trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta chắt lọc được tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc mình…; Tính Khoa học được duy trì và phát huy sẽ giúp chúng ta năng động, sáng tạo, lựa chọn những cách thức tốt nhất, hợp quy luật để phát triển nền văn hóa ngang tầm thời đại, để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa hùng mạnh vì sự phát triển toàn diện đất nước và quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới…; Tính Đại chúng được duy trì và phát huy sẽ giúp chúng ta xây dựng một nền văn hóa của dân, do dân và vì dân, bảo đảm “quyền văn hóa” của mọi tầng lớp nhân dân theo Hiến pháp, thực hiện được khát vọng và mục tiêu lớn mà Đảng đã đặt ra trong các nghị quyết về phát triển văn hóa: “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội…” khiến cho môi trường và đời sống văn hóa của chúng ta vì thế sẽ an toàn, lành mạnh và ngày càng ưu việt hơn.

Như vậy, nhìn vào thực tiễn lịch sử xây dựng và phát triển nền văn hóa XHCN suốt 80 năm qua, chúng ta có thể khẳng định rằng, chủ trương xây dựng một nền văn hóa Dân tộc - Khoa học - Đại chúng như Đề cương về văn hóa 1943 của Đảng khởi xướng cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Vấn đề đặt ra là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta phải tiếp tục làm gì để duy trì và phát huy chủ trương đúng đắn đó.

“Chậm đò ho” nghi thức độc đáo ngày xuân của đồng bào dân tộc Thổ (Thanh Hóa) - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

* Xây dựng môi trường văn hóa là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dậm đà bản sắc dân tộc. Ông có đề xuất gì về vấn đề xây dựng môi trường văn hóa hiện nay?

- Về môi trường văn hóa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 T.Ư khóa VIII khẳng định: “Môi trường văn hóa là môi trường chứa đựng những giá trị văn hóa và diễn ra các quan hệ văn hóa, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của con người”. Do vậy, xây dựng đời sống văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, công tác xây dựng môi trường văn hóa cũng còn nhiều bất cập, hạn chế. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá: “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng; văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…”. Theo tôi, để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện, có chất lượng bền vững và đi vào chiều sâu, chúng ta cần quan tâm xác định mấy điểm lớn như sau:

1. Tiếp tục, kiên trì huy động và tận dụng mọi kênh truyền thông cả truyền thống và hiện đại vào công tác tuyên truyền vận động làm cho cả hệ thống chính trị, toàn dân thấm nhuần vai trò vị trí của văn hóa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác xây dựng môi trường văn hóa trong sự nghiệp phát triển con người toàn diện và phát triển bền vững đất nước. Phải coi môi trường văn hóa là một yếu tố quyết định sự tồn vong của một đất nước, dân tộc như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

2. Nhà nước phải đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa… trong đó đặc biệt coi trọng những vấn đề lớn như bảo vệ và phát huy di sản văn hóa và bản sắc dân tộc; vấn đề tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực quản lý, vận hành nền văn hóa theo hướng kiến tạo - vì nhân dân phục vụ; vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái; vấn đề nâng cao khả năng đề kháng với các biểu hiện văn hóa độc hại, lai căng và mai một bản sắc; vấn đề xã hội hóa văn hóa và các ưu tiên cho phát triển văn hóa khu vực dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa…

3. Đầu tư ngân sách phải được nâng lên tương xứng với tăng trưởng kinh tế, tầm quan trọng của văn hóa và những nhiệm vụ chiến lược mà nhà nước đã giao cho ngành Văn hóa cả trước mắt và lâu dài.

4. Nhà nước đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành một cách có hiệu quả các hệ thống thiết chế văn hóa từ trung ương đến cơ sở; chú trọng đúng mức các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống gắn với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán của nhân dân. Cần thiết tạo đột phá trong việc khuyến khích hình thành và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa khu vực dân lập bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa quốc lập vốn có để tạo nhiều sân chơi và phát huy tính sáng tạo văn hóa trong nhân dân, làm phong phú môi trường và đời sống văn hóa ở cơ sở.

5. Duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các danh hiệu Gia đình văn hóa; làng, thôn, ấp, bản, khu dân cư văn hóa; cơ quan đơn vị văn hóa…

6. Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa trên cơ sở giữ vững nguyên tắc “gạn đục khơi trong” nhằm mở rộng không gian văn hóa và nâng cao dân trí cho nhân dân.

* Với Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - khởi nguồn và động lực phát triển” được tổ chức vào ngày 27-2 tới đây, ông có kỳ vọng gì?

- Tôi rất vui vì Hội thảo quan trọng này được tổ chức ngay sau Hội thảo quốc gia về văn hóa 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Quốc hội chủ trì. Vui còn vì các cấp, các ngành có liên quan đã quan tâm đặc biệt đến vai trò, vị trí của văn hóa và cách thức làm thế nào để tiếp tục phát triển văn hóa trong giai đoạn mới sau đại dịch. Tất nhiên là kết quả quan trọng của phát triển văn hóa còn phải trông đợi nhiều vào hoạt động của chúng ta trong thực tiễn đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vận hành của Nhà nước.

Tôi tin rằng Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - khởi nguồn và động lực phát triển” sẽ tiếp tục khẳng định được tính đúng đắn, tính “nguyên giá trị cơ bản” của quan điểm, chủ trương lớn, xuyên suốt là xây dựng một nền văn hóa mới Dân tộc, Khoa học và Đại chúng.

Tôi cũng mong rằng, tại Hội thảo này, các nhà khoa học, nhà quản lý sẽ bàn thảo, phân tích và đưa ra những ý kiến quý báu, có giá trị để góp phần tiếp tục vận dụng sáng tạo và năng động những tư tưởng có tính nguyên tắc của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc dưới ánh sáng của các nghị quyết về văn hóa thời kỳ đổi mới.

* Xin cảm ơn ông!

PV thực hiện

;