Giao lưu trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam - Hàn Quốc

Ngày 18-11-2023, tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đã diễn ra Chương trình “Giao lưu trình diễn nghi lễ và trò chơi kéo co Việt Nam - Hàn Quốc”. Chương trình nằm trong khuôn khổ “Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nghi lễ và trò chơi kéo co 2023” do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, UBND quận Long Biên, Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức.

Chương trình có sự tham gia của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) và 7 cộng đồng kéo co tại Việt Nam, gồm: Đoàn kéo co ngồi đền Trấn Vũ (Hà Nội), Đoàn kéo mỏ thôn Ngải Khê (Hà Nội), Đoàn kéo mỏ Xuân Lai (Hà Nội), Đoàn kéo song thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc), Đoàn kéo co của cộng đồng người Tày (Lào Cai), Đoàn kéo co Hòa Loan (Vĩnh Phúc), Đoàn kéo co Hữu Chấp (Bắc Ninh).

Trò kéo co ngồi trong lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức ngày 3-3 (âm lịch) hằng năm - Ảnh: Trần Huấn

Kéo co ngồi trong lễ hội đền Trấn Vũ (Long Biên, Hà Nội) là một trong những di sản văn hóa độc đáo, được cộng đồng gìn giữ đến ngày nay. Vật để kéo là một dây song to, nhẵn, dài trên dưới 30m, được cất trong đền, khi có lễ hội mới mang ra sử dụng. Cột mốc là một cột trụ, thường là gỗ lim sơn màu đỏ, cỡ cột đình. Thân cột đục một lỗ tròn để luồn dây song. Các giáp cử ra tráng đinh có phẩm hạnh, gọi là giai kéo co. Nếu phe mạn Đường thắng (mạn gốc) thì được xem là năm đó làng được phúc lớn.

Trai đinh làng Hữu Chấp vật tay trước khi tham gia kéo co - Ảnh: Trần Huấn

Đối với làng Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, cộng đồng sử dụng cây tre làm dây kéo thi. Tham gia kéo co có tới 70 trai đinh khỏe mạnh, được làng chọn cử, chia thành 2 phe: phe Đông và phe Tây. Các đội sẽ kéo 3 keo, bên nào thắng 2 keo sẽ thắng. Tuy nhiên, không phải kéo khỏe sẽ thắng mà cần vận hành theo quy tắc để bên Đông chiến thắng. Cộng đồng quan niệm, Đông là hướng mặt trời mọc, bên Đông thắng thì lúa chiêm được mùa, làng trên xóm dưới bình yên, hòa thuận. Vì lẽ đó, nên keo thứ 3, dân làng sẽ vào giúp để bên Đông chiến thắng.

Kéo co làng Hữu Chấp thể hiện niềm tin và ước vọng của nhân dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi - Ảnh: Vân Anh

Lễ hội Kéo song thị trấn Hương Canh (Vĩnh Phúc) nhằm ôn lại cảnh thao lược thủy quân của Ngô Quyền trên sông Cà Lồ - Ảnh: Vân Anh

Nghi lễ Kéo mỏ tại lễ hội đền Vua Bà, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, Sóc Sơn (Hà Nội) sử dụng hai cây tre buộc ngoắc vào nhau, dùng lạt cố định đầu nối - Ảnh: Vân Anh

Kéo co mang giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Tày (Lào Cai), là nghi lễ không thể thiếu trong Lễ hội xuống đồng - Ảnh: Trần Huấn

Ở thành phố Dangjin, Hàn Quốc, người ta sử dụng sợi dây kéo được bện bằng rơm, dài tới 200m, nặng khoảng 40 tấn, tất cả mọi người đều có thể tham gia kéo co. Hội Kéo co Gijisi mang tới một sợi dây phiên bản nhỏ hơn để trình diễn tại Liên hoan, sau đó tặng lại đền Trấn Vũ như một món quà kỷ niệm, thể hiện sự gắn kết, giao lưu văn hóa giữa những cộng đồng có chung di sản nghi lễ và trò chơi kéo co.

Đại diện lãnh đạo quận Long Biên, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cùng đông đảo nhân dân tham gia phần trình diễn kéo co của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) - Ảnh: Trần Huấn

V.A

;