Giải pháp xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch

Có rất nhiều khái niệm về văn hóa doanh nghiệp, nhưng tựu trung có thể định nghĩa: “Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp những giá trị và chuẩn mực về niềm tin, hành vi, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi người trong công ty cùng công nhận, suy nghĩ và hành động như một thói quen”. Vì vậy, văn hóa doanh nghiệp được xem như linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Chính bởi văn hóa doanh nghiệp có vai trò quan trọng như vậy nên Đảng và Chính phủ ta luôn quan tâm đến vấn đề về văn hóa doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1846/QĐ-TTg ngày 26-9-2016 về Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về văn hóa doanh nghiệp cũng như thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và trong toàn xã hội. Đặc biệt, sự kiện đó còn góp phần tạo môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ năm 2020 đến nay, thế giới đã phải đối mặt với những tác động nặng nề do đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp du lịch là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, 90% doanh nghiệp lữ hành, lưu trú phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Với chính sách mở cửa du lịch từ ngày 15-3-2022 đến nay, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Doanh nghiệp du lịch đã quay trở lại thị trường và bắt đầu hồi phục. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp du lịch đã đón tiếp và phục vụ tổng số 413 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và 60,8 triệu lượt khách du lịch nội địa (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Với thành tựu đó, chỉ tiêu về đón khách du lịch nội địa của năm 2022 đã được hoàn thành ngay trong 6 tháng đầu năm.

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu khách du lịch, tạo ra những xu hướng du lịch và dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường khách. Sau đại dịch, du lịch mỗi quốc gia trở về vạch xuất phát theo những cách khác nhau. Do vậy, tất cả doanh nghiệp du lịch đều có cơ hội bình đẳng, không phân biệt quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ, thành lập lâu năm hay mới ra đời. Ngành Du lịch và doanh nghiệp du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội vàng thu hút khách nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cạnh tranh gay gắt với các thị trường du lịch trong khu vực, trên thế giới. Trong bối cảnh đó, văn hóa doanh nghiệp càng phải được coi trọng, đó chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt và làm nên thương hiệu cho một doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành điểm tựa để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

1. Thực trạng văn hóa doanh nghiệp lữ hành

Thực trạng các chính sách, quy định liên quan đến văn hóa doanh nghiệp kinh doanh lữ hành

Luật Du lịch 2017 đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Theo đó, một số nội dung doanh nghiệp phải đảm bảo:

Xây dựng, quảng cáo, bán và tổ chức thực hiện các dịch vụ du lịch, chương trình du lịch cho khách du lịch theo phạm vi kinh doanh quy định trong giấy phép.

Bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này; công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử.

Thông báo về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, gửi hồ sơ về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thay thế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày kể từ khi thay đổi.

Cung cấp thông tin về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch.

Mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch.

Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng.

Chấp hành, phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch.

Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán, lưu giữ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra với khách du lịch và có biện pháp khắc phục hậu quả.

Quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 2-3-2017. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải đáp ứng các yêu cầu sau: Tuân thủ pháp luật kinh doanh du lịch và pháp luật liên quan; niêm yết công khai giá, dịch vụ; thông tin trung thực về sản phẩm, dịch vụ; cung cấp dịch vụ, hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng; thân thiện, trách nhiệm, tôn trọng khách du lịch; cạnh tranh lành mạnh, giữ uy tín; có trách nhiệm với môi trường và xã hội; cung cấp đầy đủ thông tin về điểm đến; sẵn sàng hỗ trợ khách du lịch; không cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không chèo kéo, đeo bám khách du lịch; không phân biệt đối xử với khách du lịch; không lợi dụng thời điểm đông khách để ép khách du lịch; không xả thải gây ô nhiễm môi trường; không sử dụng, giả mạo thương hiệu của đơn vị khác.

Thực trạng việc thực thi các chính sách, quy định liên quan văn hóa doanh nghiệp lữ hành

Trước thời điểm dịch COVID-19, cùng với sự phát triển vượt bậc của ngành Du lịch, hoạt động kinh doanh lữ hành trên cả nước diễn ra sôi động. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng doanh nghiệp lữ hành đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển du lịch của đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, tuy nhiên cũng phát sinh những mặt trái trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành. Vào thời gian cao điểm mùa du lịch, nhất là tại các trung tâm du lịch lớn đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp lữ hành hoạt động kinh doanh không tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dịch vụ, hình ảnh du lịch Việt Nam: Hoạt động kinh doanh du lịch, hành nghề hướng dẫn trái pháp luật Việt Nam của một bộ phận người nước ngoài; khai báo không trung thực trong việc lập hồ sơ xin cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; hoạt động kinh doanh núp bóng, mượn tư cách pháp nhân, trốn thuế, kinh doanh chộp giật, thiếu lành mạnh, không đảm bảo chất lượng dịch vụ một mặt làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch mặt khác, gây xáo trộn môi trường kinh doanh du lịch Việt Nam; hoạt động kinh doanh, quảng cáo dịch vụ, sản phẩm du lịch không đúng với bản chất, lừa dối khách du lịch gây mất niềm tin của khách hàng, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, ảnh hưởng đến công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; kinh doanh lữ hành khi chưa có giấy phép.

Bên cạnh những mặt hạn chế trong văn hóa doanh nghiệp, nhìn chung, các doanh nghiệp lữ hành đã ý thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp thông qua định hướng, chiến lược kinh doanh và những giá trị mà doanh nghiệp đang có. Sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp lữ hành đã ý thức việc điều chỉnh văn hóa doanh nghiệp của mình phù hợp với xu thế thị trường. Công nghệ thông tin đang ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp có sự điều chỉnh về tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của mình. Doanh nghiệp đã có những thay đổi về quy chế nội bộ, nhân sự, phương thức quản trị doanh nghiệp… Những doanh nghiệp nào nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội, sớm thích nghi với xu thế mới thì doanh nghiệp đó sẽ không bị đào thải. Đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp phải kiên cường hơn, luôn đổi mới. Sự điều chỉnh về văn hóa doanh nghiệp góp phần thay đổi thương hiệu doanh nghiệp du lịch, từ đó có tác động đến hình ảnh chung của du lịch Việt Nam. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tồn tại qua đại dịch, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt, tạo dựng thương hiệu du lịch cho riêng mình, đang dần phục hồi và phát triển.

2. Giải pháp để doanh nghiệp lữ hành xây dựng và phát huy vai trò văn hóa doanh nghiệp

Trong bối cảnh hậu COVID-19, doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp lữ hành nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Văn hóa doanh nghiệp được xem là tài sản vô hình, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững. Một số giải pháp đưa ra để doanh nghiệp tăng cường phát huy văn hóa doanh nghiệp trong phát triển du lịch như sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch theo thẩm quyền quy định.

Hướng dẫn, quản lý doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn hoạt động đúng theo quy định pháp luật.

Tập trung phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình kinh doanh lữ hành trên địa bàn. Kịp thời nắm bắt và giải quyết kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính, cải tiến phương pháp quản lý… phù hợp với thực tiễn trong khu vực và thế giới.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp… về các quy định pháp luật. Phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp lữ hành.

Tăng cường vai trò định hướng thị trường theo hướng đa dạng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành tiếp cận, thâm nhập thị trường, đặc biệt là thị trường mới, tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thu hút khách du lịch.

Hỗ trợ phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm mới, khảo sát liên vùng, liên quốc gia; Tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề về phát triển sản phẩm du lịch.

Hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý và kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch đặc biệt là người điều hành đáp ứng các tiêu chuẩn nghề du lịch trong ASEAN để đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và kinh doanh lữ hành, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực và chủ động tiếp cận, thâm nhập thị trường quốc tế.

Tăng cường vai trò của Hiệp hội, các Câu lạc bộ: liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức hội chợ, các sự kiện xúc tiến du lịch, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.

Giải quyết kịp thời đề nghị của doanh nghiệp lữ hành liên quan đến yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch, tạo môi trường du lịch vệ sinh, an toàn, thân thiện cho khách du lịch ở địa phương.

Khuyến khích doanh nghiệp lữ hành hoạt động kinh doanh lữ hành theo hướng có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành

Tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh du lịch, đảm bảo quyền lợi khách hàng với phương châm phát triển bền vững đồng thời luôn quan tâm xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp.

Quán triệt trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải gắn với nền văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy giá trị, bản sắc dân tộc trong việc hình thành văn hóa doanh nghiệp.

Tăng cường tính kỷ luật kỷ cương trong tổ chức. Việc tạo được tính kỷ luật, kỷ cương trong một tổ chức sẽ khiến các thành viên có cảm giác đang sống và làm việc trong một môi trường có trật tự, tạo ra bầu không khí dân chủ, bình đẳng.

Thường xuyên nâng cao trình độ và năng lực lãnh đạo. Trình độ và năng lực của nhà lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc xác định, định hướng phát triển tầm nhìn chiến lược cho doanh nghiệp, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Ngành Du lịch đang từng bước phục hồi và dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Lượng khách du lịch tăng cao trong mùa du lịch nội địa năm nay là tín hiệu vui với ngành Du lịch và các doanh nghiệp du lịch nhưng cũng tạo nên áp lực không nhỏ trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ. Với một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc cùng sự quyết tâm, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương sẽ là điểm tựa vững chắc để doanh nghiệp du lịch vững vàng vươn lên sau đại dịch, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam.

TS NGUYỄN TRÙNG KHÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;