Giải pháp nâng cao văn hóa đọc cho học viên tại các cơ sở đào tạo ở nước ta hiện nay

Văn hóa đọc với tư cách một bộ phận của văn hóa là một trong những động lực thúc đẩy việc hình thành những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Văn hóa đọc có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của con người nói chung, cũng như đối với sự phát triển toàn diện của học viên tại các cơ sở đào tạo ở nước ta nói riêng, thúc đẩy họ biến quá trình giáo dục, đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Bài viết khái quát những vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất một số giải pháp nâng cao văn hóa đọc cho học viên tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay.

Hoạt động trải nghiệm kỹ năng đọc sách trong Ngày hội Sách năm 2022 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - Ảnh: Hồng Vân

Trong đời sống con người, sách đóng vai trò vô cùng quan trọng, là chìa khóa mở cửa cho chúng ta bước vào kho tàng tri thức của nhân loại, đến tầm cao của trí tuệ và tâm hồn. Đọc sách đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của mỗi con người và được xã hội tôn vinh, trở thành một nét đẹp văn hóa cộng đồng, là một trong những động lực thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Phát triển văn hóa đọc là chủ trương đúng đắn nhằm: “Xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” (1).

Với vị thế, vai trò là trung tâm đào tạo ra những người hiền tài, những trụ cột chính cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong những năm qua, trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của văn hóa đọc trong thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục và đào tạo của nhà trường, các cơ sở đào tạo ở nước ta đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao văn hóa đọc cho các đối tượng học viên trong nhà trường, bảo đảm rèn luyện cho họ khả năng tự tìm tòi, khám phá, tích lũy và mở rộng tri thức để phát triển năng lực toàn diện của bản thân. Qua đó, giúp cho mỗi học viên khi tốt nghiệp, ra trường có kiến thức hiện đại, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp vững chắc, có khả năng lao động sáng tạo, có tư duy độc lập và năng lực giải quyết vấn đề, có khả năng thích ứng cao với sự vận động, biến đổi của đời sống xã hội.

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cơ sở đào tạo đã làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về văn hóa đọc như Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tổ chức Ngày sách Việt Nam 21-4 hằng năm; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá có định hướng các ấn phẩm có chất lượng của Việt Nam, của nước ngoài để kích thích và định hướng nhu cầu đọc; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khai thác sử dụng thư viện số dùng chung trong nhà trường cho các đối tượng học viên đảm bảo chất lượng, hiệu quả; mỗi năm thường tổ chức từ 2 đến 3 đợt triển lãm sách. Thư viện của các cơ sở đào tạo không ngừng được xây dựng khang trang, hiện đại và hoạt động có nền nếp; tích cực thu thập, xử lý tài liệu, sách, tư liệu, đề tài khoa học, luận văn, luận án đáp ứng nhu cầu của học tập, nghiên cứu của các đối tượng trong nhà trường nói chung và nhu cầu của học viên nói riêng. Nhờ đó, phong trào đọc sách từng bước trở nên phổ biến, thu hút đông đảo học viên tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao văn hóa đọc ở một số cơ sở đào tạo chưa đi vào chiều sâu; việc tạo nguồn, bổ sung tư liệu phục vụ nhu cầu đọc sách ở một số thư viện còn hạn chế nhất định; nội dung, hình thức hoạt động thông tin thư viện chưa có sự đổi mới rõ nét; một số học viên chưa nhận thức đúng đắn về văn hóa đọc nói chung và vai trò của đọc sách nói riêng đối với quá trình học tập nâng cao trình độ tri thức, sự hiểu biết của bản thân về các vấn đề của đời sống xã hội. Cá biệt, còn tồn tại quan niệm cho rằng, đọc sách chỉ mang tính giải trí thay vì đọc sách với tính chất nghiên cứu nên tri thức thu được từ việc đọc sách không cao, thiếu tính hệ thống, không thiết thực; kỹ năng, phương pháp đọc của một số học viên còn hạn chế, mang tính thụ động, chưa phát huy tốt tính tích cực, chủ động trong đọc sách.

Để phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế tồn tại nhằm nâng cao văn hóa đọc cho học viên ở nước ta hiện nay, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày          4-11-2013 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã xác định, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học viên về giá trị của đọc sách và văn hóa đọc.

Đây là giải pháp giữ vai trò quan trọng hàng đầu, là cơ sở để nâng cao văn hóa đọc cho học viên tại các cơ sở đào tạo ở nước ta hiện nay. Bởi vì, nhận thức không những giữ vai trò trong định hướng mà còn chỉ đạo hoạt động của mỗi cá nhân. Nhận thức đúng giá trị của đọc sách và văn hóa đọc là cơ sở để mỗi học viên xây dựng thái độ, động cơ đọc sách đúng đắn, không ngừng củng cố và phát triển thói quen đọc sách của bản thân. Do đó, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4-11-2021 về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Công văn số 3471/VPCP-KGVX ngày 26-5-2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Luật Thư viện được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21-11-2019. Cần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa đọc cho học viên trong nhà trường thông qua việc xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa đọc một cách rõ ràng, khả thi theo Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tăng cường các hoạt động trưng bày, triển lãm nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của nhà trường để tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá các ấn phẩm có chất lượng nhằm kích thích và định hướng nhu cầu đọc cho học viên. Từ đó, thiết thực góp phần hình thành, phát triển thói quen đọc sách nói riêng và nâng cao văn hóa đọc nói chung cho học viên.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực đọc sách của học viên.

Đổi mới nội dung, hình thức, chương trình, phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố cơ bản, trực tiếp tác động đến quá trình hình thành động cơ, thái độ, sở thích của học viên về đọc sách và nâng cao văn hóa đọc. Theo đó, việc đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy cần hướng vào mục tiêu lấy người học làm trung tâm. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu đào tạo, cần xây dựng chương trình, nội dung phù hợp với từng đối tượng, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, đào tạo chính khóa với tổ chức các hoạt động ngoại khóa; điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng thời gian học thực hành, luyện tập và tự nghiên cứu của học viên; đảm bảo tính liên thông, kế thừa, tích hợp và phát triển. Cùng với đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học để thôi thúc, động viên, khích lệ học viên chủ động tìm tài liệu, sách tham khảo phục vụ cho quá trình thực hiện giải quyết vấn đề. Trong quá trình thực hành giảng dạy, giảng viên cần khơi gợi, tạo hứng thú để học viên say mê tìm đọc các tài liệu liên quan nhằm nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, mở rộng kiến thức; từng bước coi việc đọc sách, tài liệu tham khảo như nhu cầu tự thân và thiết yếu của bản thân.

Ba là, từng bước hiện đại hóa hoạt động của thư viện.

Thư viện là nơi cung cấp thông tin, là cầu nối giữa thông tin với người đọc, tạo điều kiện cho người đọc phát triển toàn diện. Do vậy, để nâng cao văn hóa đọc cho học viên tất yếu đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động của thư viện nhằm tạo môi trường đọc thuận lợi cho học viên tiếp cận thường xuyên với sách, tài liệu. Trong hoạt động này, trước hết, cần làm tốt công tác bảo quản, giữ gìn nguồn sách, tư liệu hiện có và đẩy mạnh hoạt động thu thập, xử lý sách, tư liệu mới, kịp thời số hóa đưa vào sử dụng, đảm bảo được tính cập nhật, tính chuyên dụng phục vụ cho các chuyên ngành đào tạo của nhà trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn học viên khai thác có hiệu quả thư viện số dùng chung; mở rộng việc giao lưu, hợp tác, tổ chức liên kết, trao đổi thông tin, tư liệu, giữa các các trường đại học, các cơ sở đào tạo. Thực hiện tốt giải pháp này vừa bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách, tra cứu tài liệu của học viên; vừa khắc phục sự nghèo nàn về các nguồn tài liệu nhưng lại có thể tiết kiệm kinh phí trong đầu tư mua sắm.

Cần coi trọng phát triển cơ sở vật chất, tiến tới xây dựng những phòng đọc thông minh, phòng thảo luận nhóm, để tạo môi trường tự học và tích cực đọc sách, đọc tài liệu cho học viên; nâng cao chất lượng đường truyền mạng để đảm bảo việc tra cứu sách, tài liệu của học viên được tiến hành nhanh chóng, chính xác; thường xuyên cập nhật tin tức một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính thống. Ngoài ra, cần mở các lớp tập huấn, cử cán bộ đi đào tạo để đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện có kiến thức và khả năng quản lý tốt; có trình độ chuyên môn, phong cách làm việc chuyên nghiệp; có thái độ đúng đắn, ân cần, nhiệt tình, lịch sự, cởi mở, thân thiện đối với học viên; coi học viên - bạn đọc là trung tâm, là chủ thể để phục vụ.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên trong rèn luyện, củng cố thói quen, phương pháp đọc và nâng cao văn hóa đọc.

Thực hiện giải pháp này có ý nghĩa quan trọng, nhằm đảm bảo cho học viên có thể chuyển hóa những yêu cầu khách quan thành nỗ lực chủ quan trong tự học tập, tự rèn luyện nâng cao văn hóa đọc của bản thân. Mỗi học viên cần tích cực, chủ động và nỗ lực duy trì thường xuyên thói quen, hành vi đọc sách đúng đắn với ý chí và quyết tâm cao. Theo đó, học viên cần chủ động xây dựng kế hoạch, thiết lập thời gian đọc sách riêng cho bản thân với định mức tối thiểu từ     20-30 phút/ ngày. Định mức này cần được thay đổi phù hợp nhưng phải theo xu hướng ngày càng tăng, phấn đấu thời gian đọc sách ngày càng nhiều, lặp đi lặp lại sẽ tạo thành thói quen một cách tự giác và tạo sự thoải mái nhất khi đọc sách. Mặt khác, mỗi học viên cần rèn luyện kỹ năng, phương pháp đọc sách khoa học; rèn luyện thuần thục các kỹ năng phục vụ quá trình đọc sách, tài liệu như: kỹ năng sử dụng các phần mềm tra cứu tài liệu; kỹ năng khai thác, sử dụng thư viện số dùng chung; kỹ năng tìm kiếm thông tin trên internet; kỹ năng lựa chọn sách... Về phương pháp đọc, cần căn cứ vào thời gian cũng như khả năng của bản thân mà mỗi học viên có thể lựa chọn phương pháp đọc phù hợp như: đọc lướt, đọc có trọng điểm và đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách, tài liệu. Mỗi phương pháp đều có ưu thế riêng. Do vậy, học viên có thể lựa chọn một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp để mang lại hiệu quả đọc tốt nhất.

Có thể thấy rằng, nâng cao văn hóa đọc cho học viên tại các cơ sở đào tạo ở nước ta hiện nay là đòi hỏi khách quan nhằm đáp ứng mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo” của mỗi nhà trường theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Đây là một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi các chủ thể giáo dục ở mỗi cơ sở đào tạo, trước hết và trực tiếp là lãnh đạo, Ban Giám hiệu và cơ quan chức năng các cấp cần tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động trong văn hóa đọc của học viên.

___________________

1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Thư viện số 46/2019/QH14, Hà Nội, 2019.

Tài liệu tham khảo

1.Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 29 -NQ/TW Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Khóa XI ngày 4 tháng 11 năm 2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội, 2013.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Ths NGUYỄN THỊ TUYẾT VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;