Hoàn thiện khung pháp lý và phát triển dịch vụ nhằm chuyên nghiệp hóa công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề có vị trí quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, hướng tới đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội trong mỗi quốc gia. Thực tế chỉ ra rằng, khi xã hội càng phát triển thì càng có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh đòi hỏi phải được giải quyết để bảo đảm cho xã hội phát triển hài hòa, bền vững; và nghề CTXH ra đời mang tính tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó của xã hội.

Chuẩn hóa đội ngũ người làm công tác xã hội - Ảnh: baochinhphu.vn

Cách đây hàng trăm năm, CTXH với tư cách là một nghề đã ra đời ở phương Tây. Chính sự hình thành Hiệp hội các Tổ chức từ thiện ở một số nước trong việc giải quyết những vấn đề xã hội đã đặt nền tảng cho hoạt động CTXH chuyên nghiệp sau này. Cũng vì thế, sự ra đời, phát triển của nghề CTXH là sự thể hiện quá trình chuyên nghiệp hóa các hoạt động trợ giúp những đối tượng yếu thế.

1. Vai trò của CTXH đối với sự phát triển của xã hội

Với tính chất là một nghề nghiệp, CTXH hướng tới trợ giúp các cá nhân, các nhóm, cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ. Đối tượng quan tâm của nhân viên CTXH là những người gặp khó khăn trong cuộc sống cần sự trợ giúp; sứ mệnh của họ là giúp những đối tượng này nâng cao chất lượng cuộc sống, nhằm giảm thiểu những rào cản thực hiện quyền con người, giảm thiểu sự bất bình đẳng; nghĩa là thúc đẩy sự thay đổi xã hội theo chiều hướng tiến bộ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Từ góc độ hoạt động nghề nghiệp, CTXH là quá trình tương tác giữa nhân viên CTXH và đối tượng cần trợ giúp, trong đó nhân viên CTXH là những người được trang bị các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; còn đối tượng họ trợ giúp là các cá nhân, gia đình, nhóm người hay cộng đồng yếu thế như phụ nữ, người già, người thất nghiệp, các nạn nhân của bạo lực gia đình, trẻ em bị lạm dụng, người khuyết tật…

Tính hiệu quả của CTXH phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là năng lực chuyên môn của nhân viên CTXH. Họ là những người được trang bị các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp CTXH, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội nhằm trợ giúp các nhóm đối tượng phục hồi, duy trì và tăng cường chức năng xã hội của họ. Với những kiến thức về CTXH, nhân viên CTXH sử dụng những công cụ cốt lõi của CTXH - là các phương pháp CTXH, tiến hành các hoạt động trợ giúp đối tượng, hướng tới mục tiêu giảm bớt nghèo đói, ngăn chặn bạo lực gia đình, bạo lực học đường… Ngoài việc phải nắm vững và rèn luyện thường xuyên các phương pháp CTXH, nhân viên CTXH cũng cần có kiến thức về quản lý, có khả năng nghiên cứu và tham gia vào xây dựng, hoạch định, thực thi các chính sách xã hội đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người. Trong xã hội hiện đại, các nguyên tắc, phương pháp CTXH được sử dụng trong việc giải quyết những vấn đề xã hội ngày càng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, cũng như bảo vệ công bằng và bình đẳng xã hội.

Từ góc nhìn nhân văn, CTXH không chỉ góp phần vào việc giải quyết, mà còn có chức năng phòng ngừa các vấn đề xã hội, thúc đẩy xây dựng một xã hội phát triển hài hòa vì hạnh phúc của tất cả mọi người. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, nhân viên CTXH sẽ trợ giúp các đối tượng với tư cách là người biện hộ, người hoạt động xã hội, hay hoạt động giáo dục…

2. Thực trạng CTXH ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, nghề CTXH được hình thành muộn hơn so với các nước phát triển. Những nhận thức về CTXH là một nghề vẫn còn chưa thực sự phổ biến trong xã hội đã cho thấy đây là một nghề còn khá mới mẻ ở nước ta.

Giai đoạn Việt Nam là thuộc địa của nước Pháp, các mô hình chăm sóc tập trung đã được hình thành. Sau năm 1945, tại miền Bắc, CTXH chưa trở thành một nghề chuyên nghiệp; trong khi đó, ở miền Nam đã có một số trường đào tạo CTXH chuyên nghiệp do các tổ chức của Pháp và người Pháp thành lập. Sự hiện diện của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 đã tạo ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp như mại dâm, tội phạm, nghiện ma túy… đã thúc đẩy sự ra đời của một số trường CTXH và đánh dấu sự ra đời của nghề CTXH.

Từ năm 1975 tới trước 1986, CTXH ở nước ta chỉ được quan niệm là phong trào hoạt động của các đoàn thể tham gia công tác từ thiện, nhưng bước vào thời kỳ đổi mới (1986) đến nay, CTXH đã phát triển mạnh mẽ trở lại, hướng tới giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh do mặt trái của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, những biến đổi nhanh chóng về xã hội cùng với những thách thức do quá trình đô thị hóa, sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn làm tăng nguy cơ bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội đang đòi hỏi sự giúp đỡ, can thiệp một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả của các nhân viên CTXH.

Đầu thập kỷ 90, CTXH ở nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới khi một số trường đại học bắt đầu đào tạo bậc cử nhân ngành CTXH. Ngày 11-10-2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 35/2004/QĐ-BGDĐT quy định Khung chương trình giáo dục đại học và cao đẳng ngành CTXH với tư cách là cơ sở pháp lý mở đường cho sự phát triển đào tạo ngành CTXH ở Việt Nam. Tới thời điểm hiện tại, chúng ta đã có hàng chục luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành chức năng liên quan đến chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các đối tượng chính sách xã hội. Đặc biệt, ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 32/2010/QĐ - TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020, với các mục tiêu cơ bản: nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH và phát triển CTXH thành một nghề chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ nhân viên CTXH cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội; phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội tại các cấp, các ngành, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Hiện nay, nước ta đã có hàng chục cơ sở đào tạo nghề CTXH từ trình độ trung cấp đến đại học.

Tuy nhiên, nhìn chung CTXH ở nước ta mới chỉ đang bước những bước đầu tiên trong quá trình phát triển để trở thành một nghề chuyên nghiệp. Đội ngũ nhân viên CTXH vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội cả về mặt số lượng và chất lượng do chưa được đào tạo bài bản. Thực trạng đó cho thấy quá trình chuyên nghiệp hóa CTXH ở Việt Nam còn khá nhiều khó khăn, rào cản, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu nâng cao tính chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy chuyên nghiệp hóa CTXH luôn gắn liền với sự phát triển dịch vụ CTXH và sự hoàn thiện của khung pháp lý đối với nghề CTXH. Nếu sự phát triển dịch vụ CTXH thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ nhân viên CTXH có chuyên môn, đòi hỏi họ phải rèn luyện những phẩm chất nghề nghiệp thì khung pháp lý hoàn thiện sẽ làm cho CTXH phát triển đúng hướng, phát huy được chức năng và vai trò của nó đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

3. Giải pháp cấp thiết nhằm chuyên nghiệp hóa CTXH và nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ CTXH ở Việt Nam hiện nay

Hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực CTXH

Những khó khăn, trở ngại của quá trình chuyên nghiệp hóa CTXH không chỉ nằm ở tính bất cập của hệ thống giáo dục mà còn nằm ở tính đặc thù của CTXH nên chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ để tìm cách tháo gỡ. Đối với Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực CTXH phải được xem là giải pháp cấp thiết nhằm chuyên nghiệp hóa CTXH và nâng cao tính chuyên nghiệp của nhân viên CTXH. Hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực CTXH ở nước ta hiện nay là hướng tới xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát triển nghề CTXH.

Để phát triển CTXH phù hợp với xu thế của thời đại nhằm hỗ trợ giải quyết những vấn đề xã hội đang nảy sinh ngày càng nhiều, Việt Nam cần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tạo môi trường thuận lợi để nghề CTXH có thể phát triển đúng quỹ đạo. Thời gian qua, đội ngũ nhân viên CTXH ở nước ta chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ các chức năng, vai trò của nghề vì các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH mới chỉ dừng lại ở các văn bản dưới luật, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan. Vai trò, nhiệm vụ của nhân viên CTXH; việc cấp chứng chỉ hành nghề, điều chỉnh giấy phép hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và điều kiện thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH chưa được xác định cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật. Những bất cập đã nêu không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp hành chính, hay tuyên truyền, giáo dục, mà đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, can thiệp bởi một đạo luật để giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến CTXH; đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của nhân viên CTXH. Chính vì thế, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Luật CTXH phù hợp với thực tiễn, cũng như nghiên cứu và đánh giá tác động của các Bộ luật nói chung đến hoạt động của ngành. Đối với nhân viên CTXH, cần có luật quy định cụ thể về các chứng chỉ hành nghề; đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục triển khai những quy định về các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhân viên CTXH nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của họ.

Chuyên nghiệp hóa CTXH là nhiệm vụ của toàn xã hội nên khung pháp lý phát triển nghề CTXH cần được thiết lập toàn diện trong tất cả các Bộ Luật liên quan như: Luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình... Đối với Việt Nam, theo thông tin từ Cục Bảo trợ xã hội, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH hiện chiếm khoảng gần 30% dân số, trong đó có 6,7 triệu người khuyết tật, 8,6 triệu người cao tuổi, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180 nghìn người nhiễm HIV, gần 170 nghìn người nghiện ma túy, 22% người trong gia đình có bạo lực và 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau (1). Nhu cầu về CTXH và những người làm nghề CTXH như vậy là rất lớn, nhưng hệ thống pháp luật của nước ta mới có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh về nghề CTXH đã cho thấy cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để có thể thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ của CTXH.

Chuyên nghiệp hóa CTXH và nâng cao tính chuyên nghiệp của nhân viên CTXH là việc làm thường xuyên nên phải tăng cường việc đánh giá đội ngũ nhân viên CTXH từ góc độ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và các chính sách, pháp luật về CTXH. Tuy nhiên, lĩnh vực CTXH có liên quan rất mật thiết đến các quyền con người, quyền công dân vì thế Luật CTXH cần được xây dựng một cách thận trọng, đảm bảo tính khả thi và bám chắc vào chức năng, nhiệm vụ của nghề. Để nâng cao tính chuyên nghiệp của nhân viên CTXH, chúng ta cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định vai trò, nhiệm vụ của nhân viên CTXH và ban hành chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, nhân viên CTXH, cùng với tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH. Ngoài ra, cần lưu ý rằng CTXH là nghề nghiệp đặc thù nên cần có chính sách khuyến khích lợi ích nhân viên CTXH bằng cách áp dụng ngạch, bậc lương viên chức CTXH phù hợp với đặc thù nghề nghiệp.

Phát triển dịch vụ CTXH vừa là giải pháp vừa là động lực thúc đẩy tính chuyên nghiệp của nhân viên CTXH

Thực tế cho thấy, khi dịch vụ CTXH phát triển và trở nên phổ biến trong xã hội, đội ngũ nhân viên CTXH sẽ phải phát triển tương ứng cả về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, để có thể cung cấp các dịch vụ khẩn cấp và ngắn hạn đáp ứng ngay nhu cầu của khách hàng, nhân viên CTXH cần phải am hiểu và nắm bắt các thông tin về phúc lợi xã hội, am hiểu luật pháp và có những kiến thức chung cần cho sự phát triển của con người. Với tư cách là nhân viên dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhân viên CTXH cần có năng lực chuyên môn, kỹ thuật, được đào tạo bài bản và tác phong chuyên nghiệp, như: thái độ ứng xử chuẩn mực, bản lĩnh nghề nghiệp, sự tự tin… Đặc biệt, để làm việc trong các dịch vụ chuyên nghiệp, nhân viên CTXH không chỉ là người chăm sóc, hỗ trợ, trực tiếp cung cấp các dịch vụ CTXH cho các đối tượng mà còn đóng vai trò là nhà quản lý, đào tạo, nhà hoạch định chính sách…

Hiện nay, nước ta có 63 tỉnh, thành có cung cấp dịch vụ CTXH hay trợ giúp xã hội, với tổng số 418 cơ sở, trong đó có 195 cơ sở công lập, 223 cơ sở ngoài công lập. Chúng ta có khoảng 34 trung tâm điều dưỡng người có công, 120 cơ sở cai nghiện và hàng trăm cơ sở dịch vụ việc làm (2). Trong lĩnh vực y tế, hầu hết các bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh có cung cấp dịch vụ CTXH cho bệnh nhân. Các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cũng cung cấp dịch vụ CTXH đối với các nhóm yếu thế đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, ngoài một số trung tâm chuyên chăm sóc nuôi dưỡng lâu dài các đối tượng hay thiên về phục hồi chức năng, chúng ta còn thiếu nhiều dịch vụ thực hiện kế hoạch hỗ trợ và theo dõi các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, hay tham vấn tâm lý và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương. Chính việc chưa nắm bắt được nhu cầu đa dạng của các đối tượng, hay do năng lực, trình độ của đội ngũ nhân viên CTXH còn yếu đã dẫn tới thiếu những loại dịch vụ quan trọng này. Thời gian qua, ở nước ta đã có các trung tâm cung cấp những dạng dịch vụ xã hội chuyên biệt của các tổ chức phi Chính phủ có bộ máy tổ chức, chức năng hoạt động mang đặc điểm chung của dịch vụ CTXH. Tuy nhiên, các trung tâm này chỉ đáp ứng được nhu cầu các đối tượng tại địa phương mà chưa đáp ứng được nhu cầu rộng lớn và đa dạng của nhóm yếu thế ngoài khu vực. Nguồn kinh phí hoạt động của nhiều trung tâm, dự án phụ thuộc vào các nhà tài trợ quốc tế nên sau một khoảng thời gian nhất định, trung tâm có thể rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn vốn nếu các nhà tài trợ này thay đổi đối tượng tài trợ.

Để chuyên nghiệp hóa CTXH và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên CTXH, trong quá trình phát triển các dịch vụ CTXH cần có những quy định mang tính pháp lý về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, cần phải có quy định về chi phí và giá cả dịch vụ để không chỉ bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ, mà còn bảo đảm quyền lợi của tổ chức và người cung cấp dịch vụ. Những quy định về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ CTXH sẽ đòi hỏi tổ chức hay người cung cấp dịch vụ phải quan tâm tới chất lượng đội ngũ nhân viên của mình, và có kế hoạch nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện tác phong chuyên nghiệp của đội ngũ này.

_________________________

1. Nguyễn Cường, Công tác xã hội - vì sự phát triển bền vững của cộng đồng, baothaibinh.com.vn, 25-3-2019.

2. Minh Hằng, Kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục trong phát triển dịch vụ công tác xã hội ở Việt Nam, laodongxahoi.net, 9-1-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Thị Xuân Mai (chủ biên), Nhập môn Công tác xã hội, Tài liệu hướng dẫn thực hành dành cho cán bộ xã hội cấp cơ sở, Hà Nội, 2016.

2. Lê Văn Phú, Nhập môn Công tác xã hội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.

3. Mai Kim Thanh, Giáo trình Nhập môn Công tác xã hội, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2012.

4. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chăm sóc và phát huy vai trò Công tác xã hội trong sự nghiệp đổi mới, 1999.

5. Nguyễn Văn Anh, Pháp luật về nghề công tác xã hội tại Việt Nam - Từ lý luận đến thực tiễn, sldtbxh.thuathienhue.gov.vn, 30-3-2018.

6. Đàm Hữu Đắc, Cần thúc đẩy phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam, molisa.gov.vn, 16-12-2011.

TS BÙI XUÂN THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;