Sản phẩm từ vật liệu mây tre trong nội thất

Mây tre là những sản phẩm có tính địa phương, là vật liệu truyền thống phổ biển ở Việt Nam. Mây tre xuất hiện ở tất cả các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam, có nhiều ưu điểm nội bật như: nguyên liệu dễ kiếm, công nghệ chế biến, chế tạo đơn giản, có giá thành rẻ… Chất liệu mây tre là thành phần có thể tạo sự đa dạng vật liệu mới, thân thiện với môi trường như các tấm mây tre, các loại ván ép công nghiệp… Chính vì vậy, chất liệu mây tre có khả năng ứng dụng vào nội thất của người Việt; từ các loại vật liệu đa dạng và phong phú của mây tre giúp cho các nhà thiết kế có thể sử dụng được hầu hết trong các thành phần cấu tạo nên không gian nội thất như: thành phần bao che, tạo hình trang thiết bị nội thất và các đồ trang trí khác.

Sử dụng cả thân dài của mây, tre theo phương ngang, xếp kín để tạo thành mảng lớn - Nguồn: hauseandgarden.com

Mây tre là các sản phẩm truyền thống từ lâu đã có mặt trong không gian nội thất của người Việt. Hiện nay, mây tre đã được công nghiệp hóa, ứng dụng nhiều trong sản phẩm hằng ngày và ngoài khu vực ở vùng nhiệt đới thì nó còn xuất hiện ở rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới. Sản phẩm từ mây tre mang trong mình vẻ đẹp truyền thống từ vật liệu, ngày nay được các nhà thiết kế sáng tạo với nhiều kiểu dáng hiện đại, nên ngày càng được đón nhận rộng rãi.

Các sản phẩm từ mây tre có truyền thống lâu đời được làm từ những làng nghề như: Tăng Tiến (Việt Yên, Bắc Giang), Bao La (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), Ninh Sở (Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội), Liên Kê (Khoái Châu, Hưng Yên), Phú Vinh (có từ TK XVII, thuộc xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), Ngọc Động (Duy Tiên, Hà Nam), Thạch Cầu (Nam Trực, Nam Định)…

Với các ưu điểm và các đặc trưng riêng, mây tre đang dần nhận được sự quan tâm và có một vị trí đặc biệt trong thiết kế nội thất. Vật liệu mây tre với ứng dụng phong phú có thể đưa sản phẩm ở bất kỳ không gian nào: phòng khách, phòng ngủ, bếp, ban công ngoài trời… Các sản phẩm nội thất có thể từ vách ngăn, bàn ghế, giường tủ… cho đến các sản phẩm trang trí như bình hoa, giỏ đựng đồ… mang giá trị và tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế.

Đặc điểm và tính chất cây mây tre

Cây mây ở Việt Nam được phân bổ chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông Bắc Bộ và vùng Bắc khu Bốn cũ. Cây mây được trồng nhiều ở: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương… Mây dùng để đan lát, có nhiều loại: mây rừng, mây nếp, mây tẻ, mây gai (1).

Cây tre có hơn 1.000 loài, phân bố ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu ở châu Á, Mỹ La Tinh và châu Phi. Ở Việt Nam, cây tre được trồng chủ yếu ở khu vực miền Bắc (30%), miền Trung (28%), Tây Nguyên (17%) và miền Nam (15%). Các tỉnh có sản lượng tre nhiều nhất là: Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Lâm Đồng và Bắc Kạn (2). Theo nghiên cứu, có 55 loại tre gai (Bambusa) trong đó có 31 loài chưa được đặt tên, 21 loài chi luồng (Dendrocalamus), 16 loài chi le (Gigantochloa), 11 loài chi vầu (Indosasa) (3).

Sử dụng đan thành tấm, đan thưa để tạo vách ngăn giả định - Nguồn: behance.net/ BEIGE

Mây có những đặc điểm: Thân cây bóng đẹp, bền dẻo, dễ uốn và khá nhẹ. Thân có đường kính từ 0,8-1,2cm tùy thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, có thể đạt chiều dài đến 30m hoặc hơn. Thân cũng chia thành nhiều đốt, mỗi đốt có để dài từ 15-40cm (4).

Tre có những đặc điểm: là thực vật thân trụ dài, phần lõi cây rỗng chứa không khí. Cây tre phát triển nhanh, có những cây tre phát triển thêm tới 91cm chỉ trong vòng 24h (trung bình cứ 90s lại cao thêm 1mm). Phần thân tre trên mặt đất có thể cao từ 1-20m, đường kính từ 1-25cm, thường hình tròn (5).

Ưu điểm chung của mây tre: là những loại cây có tốc độ sinh trưởng nhanh; những vật liệu này dễ kiếm ở địa phương; thân thiện với môi trường; chúng có giá thành rẻ và dễ dàng tạo hình; công nghệ chế biến, chế tạo đơn giản.

Nhược điểm chung của mây tre: nếu không được xử lý kỹ thì độ bền không cao, dễ bị nấm và côn trùng làm hỏng; bắt lửa nhanh; nếu không kết hợp với một số vật liệu khác thì tạo hình có nhiều hạn chế.

Phương pháp sử dụng vật liệu mây tre

Mây: cây nhỏ và dẻo dai hơn tre, vật liệu sử dụng từ mây khiêm tốn hơn so với tre. Mây được sử dụng với phương pháp chính là đan, buộc, bện. Chính vì vậy, hiện tại các vật liệu được sử dụng từ mây chủ yếu là các tấm đan với nhiều kiểu đan khác nhau hoặc các thanh mây được kết nối thành từng cụm với nhau.

Sản phẩm ghế sử dụng hoàn toàn bằng vật liệu mây tre

Tre: ngoài những cách sử dụng truyền thống, tre được sử dụng thành nguyên liệu cho nhiều loại vật liệu mới. Một số cách sử dụng vật liệu tre như: đan thành tấm; tạo thành ván dăm (chipboard, flakeboard): ván dăm tre được tạo thành từ các dăm tre, được sấy khô, trộn với một lượng chất kết dính và chất chống thấm nhất định, được tạo hình và ép nóng ở nhiệt độ và áp suất thích hợp; ván ép laminated (Plywood and Laminated): Thay các loại ván ép thông thường, ván ép bằng tre với độ bền cao hơn loại ván thông thường, được sử dụng trong nội thất ngày càng nhiều; ván tre MDF: giúp khắc phục nhược điểm của ván MDF thông thường (làm từ các loại gỗ không bền và không đòi hỏi khả năng chịu lực quá cao). Một số loại vật liệu từ tre đặc biệt khác như: Vật liệu tre tổng hợp từ nhựa dẻo (Thermoplastic Based bamboo composites)…; tre còn được dệt thành sợi vải…

Mây tre được sử dụng trong thiết kế nội thất

Các sản phẩm nội thất mây tre đan có thể được chia thành các loại chính: các sản phẩm từ tre; các sản phẩm từ mây; sản phẩm kết hợp mây - tre và kết hợp với các vật liệu khác; sản phẩm sợi tổng hợp giả mây tre để sử dụng ngoài trời, các môi trường đặc biệt.

 Ưu điểm: mây tre tạo cảm giác mới lạ nhưng vẫn có tinh thần truyền thống, gần gũi. Đồ mây tre đã rất quen thuộc với những quốc gia ở vùng nhiệt đới như Việt Nam. Tuy nhiên, khi được thiết kế các sản phẩm mây tre sẽ có nhiều hiệu ứng mới lạ, tạo cảm giác độc đáo cho không gian.

Sản phẩm ghế tủ sử dụng khung gỗ, bên ngoài dùng các tấm đan mây tre

Mây tre có thể kết hợp với các đồ nội thất khác, và có thể ứng dụng với nhiều không gian nội thất khác nhau; có trọng lượng nhẹ, dễ dàng di chuyển, khi ngồi có độ êm và thoáng mát phù hợp với thời tiết nhiệt đới; vật liệu có thể dễ dàng kiếm được trong tự nhiên; ứng dụng linh hoạt, được sử dụng làm được hầu hết đồ nội thất.

Nhược điểm: độ bền vững của mây tre không cao, nếu không xử lý khâu vật liệu thô thật kỹ thì rất dễ hỏng. Khi sử dụng, nếu không biết bảo quản, sử dụng đúng cách cũng rất dễ xuống cấp: không để phơi nắng, phơi mưa như một số vật liệu khác, tránh nước và những nơi có độ ẩm cao. Vệ sinh mây tre kỳ công hơn so với các loại vật liệu khác. Khi sử dụng phải nhẹ tay, không phù hợp với các không gian, đồ nội thất mà đòi hỏi hoạt động thường xuyên, cường độ cao (không phù hợp khi dùng làm đồ nội thất cho trẻ, không phù hợp khi sử dụng để lát sàn… khi sử dụng cần có một số phương pháp kỹ thuật xử lý đặc biệt). Khó sản xuất được hàng loạt do tính thủ công khi sản xuất của chúng. Tuy vật liệu có thể kiếm dễ dàng nhưng giá thành có thể tăng cao khi phải xử lý kỹ thuật phần nguyên vật liệu và giá nhân công làm thủ công.

Sử dụng ở các thành phần bao che không gian nội thất: sàn, tường, trần

Có thể được ứng dụng ở đa dạng các không gian, hoặc thường được sử dụng ở khách sạn, resort nghỉ dưỡng để tạo cảm giác thư giãn, thoải mái cho người sử dụng. Tuy nhiên, sản phẩm mây tre đan thường chỉ được ứng dụng ở tường và trần, do các nhược điểm của nó nên ít được ứng dụng cho sàn trong không gian nội thất.

Sử dụng cho trần: chủ yếu được sử dụng với mục đích trang trí. Các phương pháp sử dụng chính như: sử dụng cả thân dài của mây tre, được nẹp hoặc vít cố định trên trần nhà (theo phương ngang của cây) hoặc cắt thành từng đoạn (theo phương thẳng đứng của cây).

Đan, buộc hoặc liên kết thành các tấm, được tạo hình với nhiều cách khác nhau theo ý tưởng của nhà thiết kế. Việc tạo hình có thể là những hình cơ bản hoặc vô định hình, hình chuyển động…

Nguồn: anthropologie.com

Sử dụng cho tường/ vách: có thể đan thưa hoặc kín để ngăn không gian; tuy nhiên, chỉ có tác dụng ngăn giả định không gian, không thể treo vật nặng hoặc cách âm hoàn toàn. Ngoài ra, có thể sử dụng ốp lên chất liệu tường khác để tạo tính thống nhất cho không gian. Sử dụng mây tre làm vách ngăn thường sử dụng hệ thống khung, nẹp để cố định các thanh mây tre bên trong. Các vách/ tường ngăn từ mây tre rất phong phú: có thể sử dụng ngăn chia cố định, hoặc có thể di chuyển khi cần thiết, hoặc hệ thống ray trượt, hoặc không gắn trực tiếp mà di chuyển được như dạng bình phong. Việc sử dụng cho tường vách tương tự như đối với trần có thể có 2 phương pháp: sử dụng cả cây mây tre theo phương thẳng đứng hoặc nằm ngang. Khoảng cách có thể dày/ thưa tùy ý và tùy mục đích sử dụng; sử dụng đan thành tấm tạo các hoa văn độc đáo để trang trí cho không gian.

Sử dụng cho sàn: được sử dụng chủ yếu bằng vật liệu tre ép thành tấm tương tự như gỗ. Sàn tre thuộc loại sàn gỗ tự nhiên. Có nhiều loại ván ép từ tre như: ván tre ép dọc, ván tre ép ngang, ván tre nhiều lớp... Sàn tre được đánh giá có nhiều ưu điểm như: độ đàn hồi tốt, khả năng chịu mài mòn tốt, an toàn sức khỏe và có chi phí thấp. Tuy nhiên, sàn tre cũng có những nhược điểm như các loại sàn gỗ tự nhiên khác: dễ hư hại bởi nước, dễ cong vênh trong môi trường khắc nghiệt (6).

Sử dụng ở trang thiết bị nội thất: đối với việc thiết kế, tạo hình các trang thiết bị nội thất, có thể chia làm 3 nhóm như sau: nhóm công năng ngồi (bàn, ghế), công năng lưu trữ và công năng nằm. Tạo hình bằng bản thân vật liệu mây tre, sử dụng các phương pháp kết nối như mộng, buộc, đan… giữa mây tre với nhau, mây với mây và tre với tre: phương pháp này là phương pháp truyền thống, có phong cách riêng, tuy nhiên về tạo hình do đặc tính của mây tre nên có thể bị hạn chế. Tạo hình kết hợp với các vật liệu khác như: kim loại, vải, gỗ… Phương pháp này có thể tạo ra cái nhìn hiện đại cho trang thiết bị nội thất, và có thể tạo hình được nhiều kiểu khác nhau, hạn chế được những nhược điểm của vật liệu mây tre. Tuy nhiên, khi thiết kế theo cách này cần lưu ý các phương pháp liên kết giữa các vật liệu với nhau.

Công năng ngồi (bàn, ghế): sản phẩm nội thất ứng dụng vật liệu mây tre đan nhiều nhất, được sử dụng rất linh hoạt nhiều cách khác nhau để tạo hình cho bàn, ghế. Có thể dùng 100% mây tre đan, hoặc kết hợp với các vật liệu khác. Tuy nhiên, khả năng tạo hình cũng bị giới hạn bởi kích thước, khả năng uốn cong, xử lý nguyên liệu thô trước khi sản xuất của vật liệu mây, tre. Vì vậy, có thể kết hợp với nhiều vật liệu khác nhau để sản phẩm có được nhiều hình dạng phong phú mà vẫn giữ được nét độc đáo từ sản phẩm mây tre.

Công năng lưu trữ (tủ, kệ): sản phẩm mây tre đan để làm các tủ kệ có thêm ưu điểm là thoáng mát nhưng hạn chế với các sản phẩm có nước vì dễ bị ẩm mốc. Tủ kệ bằng mây tre đan có thể vừa sử dụng công năng chứa đựng của mình, vừa là một sản phẩm trưng bày độc đáo. Tuy nhiên, khi thiết kế cũng cần lưu ý: Đặc điểm nhẹ và dễ di chuyển của mây tre có thể là nhược điểm khi sử dụng để lưu trữ đồ đạc, hoặc phải kết hợp với một số vật liệu khác để đảm bảo tính chắc chắn cho sản phẩm. Có thể dùng khung bằng tre hoặc khung bằng vật liệu khác, kết hợp sử dụng vật liệu mây tre được đan thành tấm để tạo hình sản phẩm.

Sản phẩm đèn từ mây tre

Công năng nằm: giường làm bằng mây tre, phần khung thường kết hợp với các vật liệu khác như gỗ, kim loại… để tăng độ chắc chắn cho sản phẩm. Ngoài ra, mây tre đan cũng được kết hợp tạo hình dáng trang trí cho sản phẩm, có thể được tạo hình với nhiều hình dạng độc đáo cho thành giường mà không loại vật liệu nào có thể thay thế được.

Đồ trang trí nội thất khác: đồ trang trí trong không gian nội thất hiện cũng được ứng dụng vật liệu mây tre đan rất phong phú. Các nội thất như: đèn treo, khung gương, đĩa trang trí, giỏ trang trí… được sử dụng rất nhiều phương pháp phong phú để tạo hình cho sản phẩm.

Kết luận

Nội thất mây tre đan không còn xa lạ với nhiều người Việt Nam. Sản phẩm nội thất mây tre đan được ứng dụng rất phong phú và có nhiều tiềm năng phát triển, có thể tạo thành một phong cách nội thất riêng biệt. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm từ vật liệu này chưa được chú trọng phát triển và nghiên cứu một cách rộng rãi. Đặc thù của vật liệu với nhiều ưu điểm cũng như khuyết điểm, cần được các nhà thiết kế sử dụng linh hoạt để ứng dụng được ngành nghề thủ công mỹ nghệ này trong thiết kế nội thất mạnh mẽ hơn nữa.

_____________

1. Cây mây - Đặc điểm và cách trồng, chăm sóc cây mây, baokhuyennong.com, 8-3-2021.

2. Cây tre Việt Nam có mấy loại? Tìm hiểu nguồn gốc, đặc tính và công dụng, cutram.net.

3. INBAR, Rattan Terminologies (Thuật ngữ về mây), International Bamboo and Rattan Organisation (Tổ chức Mây tre Quốc tế), Trung Quốc, 2018.

4. R. Gnanaharan, A.P Mosteiro, Local tools and equipment technologies for processing bamboo & Rattan (Các công cụ và thiết bị địa phương để chế biến mây tre đan), International Network for bamboo and Rattan, New Delhi, 1997.

5. Sàn gỗ tre, ưu điểm và nhược điểm, ứng dụng của sàn tre, khosandep.vn, 28-12-2020.

6. S. Siti Suhaily, H.P.S. Abdul Khalil, W.O Wan Nadirah, M.Jawaid, Bamboo Based biocomposites Material (Vật liệu tổng hợp sinh học dựa trên tre), Design and Applications, University Sains Malaysia, Penang, Malaysia, 2013.

Ths NGÔ THỊ THU HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;