Một số giải pháp nâng cao văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: “Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”. Trong văn hóa giao thông có ba tiêu chí: về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong những năm gần đây, văn hóa giao thông đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Xuất phát từ thực trạng, ý thức trong chấp hành luật lệ an toàn giao thông của cá nhân mỗi người trong xã hội, được biểu hiện cụ thể qua thực tiễn tình hình tai nạn giao thông trong cả nước hiện nay.

1. Thực trạng văn hóa giao thông của người dân Việt Nam

Trong xã hội ngày nay, bên cạnh những người tham gia giao thông có ý thức tốt, có văn hóa là bộ phận không nhỏ những người tham gia giao thông có ý thức hạn chế hay nói cách khác là kém, thậm chí đáng lên án và một điều đáng buồn, trong số những người vi phạm giao thông, có cả những người có nhận thức văn hóa cao. Đây là một nghịch lý của xã hội hiện đại đang vướng phải.

Chúng ta rất dễ nhận ra những hành vi thiếu ý thức, kém văn hóa khi tham gia giao thông như: không có giấy phép lái xe vẫn lái xe; không chấp hành tín hiệu giao thông; không thắt dây an toàn khi đi xe ô tô; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe không đúng quy định; phóng nhanh, vượt ẩu; đi vào đường ngược chiều; không có tín hiệu xin đường khi chuyển làn chuyển hướng; không đi đúng phần đường của loại phương tiện điều khiển; đi xe quá tốc độ cho phép, lạng lách; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm mang tính chất đối phó; kẹp ba, kẹp bốn; nhất là uống rượu, bia trước khi lái xe; đi xe bus, xe khách không nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người tàn tật. Những hành vi thiếu văn hóa trên thuộc về ý thức chủ quan của người tham gia giao thông và hậu quả từ hành vi đó dẫn đến thực trạng tai nạn giao thông của Việt Nam trong những năm qua là đáng báo động.

2. Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam trong những năm gần đây

Tình hình tai nạn giao thông trong những năm gần đây của Việt Nam là vấn đề đáng báo động với những vụ tai nạn ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Hậu quả để lại là có gia đình mất người thân, có những người đeo đẳng sống chung với di chứng tai nạn giao thông cả đời. Đó không chỉ là gánh nặng cho họ và gia đình mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội. Số liệu thống kế dưới đây chỉ là bức tranh thu nhỏ tình hình tai nạn giao thông của Việt Nam từ năm 2020 trở lại đây.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2020, toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.700 người, bị thương 10.804 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 8.177 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.575 người, bị thương 4.354 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 844 vụ, giảm 883 người chết, giảm 700 người bị thương. Đường sắt xảy ra 91 vụ, làm chết 71 người, bị thương 23 người; đường thủy xảy ra 62 vụ, làm chết 44 người, làm bị thương 7 người; hàng hải xảy ra 14 vụ, làm chết 10 người, không có người bị thương.

Năm 2021, cả nước xảy ra 11.454 vụ tai nạn giao thông trong đó, đường bộ có 7.370 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.084 vụ va chạm giao thông, làm 5.739 người chết, 3.889 người bị thương và 4.109 người bị thương nhẹ. Năm 2022, toàn quốc xảy ra 11.457 vụ tai nạn giao thông, bị thương 7.804 người, làm chết 6.397 người, tăng 10,31% số người chết so với năm 2021.

Nhìn vào số liệu thống kê, chúng ta đặt ra câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai và nguyên nhân từ đâu. Trong những vụ tai nạn xảy ra, có cả yếu tố khách quan và chủ quan đem lại, xét về tổng thể vẫn do ý thức chủ quan của con người gây ra. Xã hội ngày càng phát triển cùng với đó, trình độ của con người ngày càng nâng lên, đó là đúng theo quy luật phát triển của tiến trình lịch sử xã hội loài người. Trình độ phát triển, nhận thức được nâng lên, nhưng ý thức con người luôn bị chi phối bởi yếu tố khách quan bên ngoài và chủ quan của chính bản thân con người. Quá trình nhận thức còn đơn giản hóa, coi thường luật lệ an toàn giao thông, coi thường tính mạng của bản thân và mọi người xung quanh, đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng tai nạn giao thông trong những năm vừa qua.

Vấn đề đặt ra là ngoài vai trò quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của cơ quan ban ngành thực thi pháp luật thì trách nhiệm cơ bản nhất là của người tham gia giao thông. Nâng cao nhận thức văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông đó là biện pháp phù hợp nhất với yêu cầu thực tiễn đặt ra để giảm thiểu tai nạn giao thông không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đã áp dụng và mang hiệu quả cao.

 3. Giải pháp nâng cao văn hóa giao thông

 Để giảm bớt tình trạng tai nạn giao thông trong thời gian tới, chúng ta cần có biện pháp cụ thể nâng cao văn hóa khi tham gia giao thông, từ đó nâng cao nhận thức, tính tự giác của mỗi cá nhân trong chấp hành luật lệ an toàn giao thông. Cụ thể:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với công tác tuyên truyền

Trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2018, 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, các bộ, ban, ngành có liên quan rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các lĩnh vực khác có liên quan bảo đảm vừa mang tính răn đe và vừa mang tính giáo dục cao.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần được tiến hành song song với hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp thực hiện thường xuyên, sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước nâng cao dân trí pháp lý, nâng cao năng lực thực hiện đúng đắn, nghiêm chỉnh pháp luật, xác lập kỷ cương, phát huy dân chủ, ổn định chính trị xã hội. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phù hợp với từng đối tượng, cần tập trung vào các đối tượng học sinh, thiếu niên, thanh niên; người sử dụng mô tô, xe gắn máy; người điều khiển xe thô sơ; người lái ôtô, phương tiện thủy; cán bộ công nhân viên chức ở các quan xí nghiệp, nhân dân sống ven hành lang giao thông; nội dung, hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, thiết thực. Trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, nhất là các trang mạng xã hội hiện nay, nên nghiên cứu, tăng cường hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên mạng xã hội, để bất cứ người nào sử dụng điện thoại di động thông minh, các thiết bị kết nối mạng internet đều có thể tìm hiểu và tra cứu dễ dàng.

Hai là, thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia giao thông

Đây được coi là một nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi vai trò quản lý của Nhà nước cũng như cơ quan ban ngành các địa phương đặt ra, theo đó, công tác giáo dục nếp sống văn hóa giao thông cho từng cơ quan, đơn vị, khu phố, cộng đồng dân cư cần được mở rộng thực hiện một cách đồng bộ từ trên xuống dưới.

Mỗi người dân phải tự mình nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái đối với những người khó khăn, tàn tật, tự đấu tranh loại bỏ những hành vi không phù hợp khi tham gia giao thông. Cùng với đó, xây dựng cho bản thân có thói quen thượng tôn pháp luật, ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn, bình tĩnh tuân thủ mọi quy định của người điều khiển giao thông, tự giác chấp hành đúng luật lệ an toàn giao thông, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự an toàn giao thông.

Đối với các nhà trường, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác giáo dục nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông luôn được chú trọng với nhiều nội dung giáo dục phong phú. Trong những năm vừa qua, với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Chương trình phối hợp giữa Công ty Honđa Việt Nam với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia triển khai mạnh mẽ các hoạt động đào tạo an toàn giao thông tới tất cả các cấp, từ mầm non đến đại học với tổng số lượng học sinh được đào tạo lên tới 20,7 triệu.

Đầu năm 2023, các bên cũng đã phối hợp trao tặng khoảng 620.000 mũ bảo hiểm cho các em học sinh lớp 1 và lớp 2 thông qua chương trình “Trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 và lớp 2 kết hợp đào tạo kiến thức an toàn giao thông cho phụ huynh và học sinh” tại 3 thành phố Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM. Qua đó, nâng cao văn hóa trong quá trình tham gia giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân nhất là học sinh, sinh viên, góp phần không nhỏ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những năm vừa qua.

Ba là, phát huy tốt vai trò của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông

Để mỗi người dân tự giác chấp hành luật an toàn giao thông, đòi hỏi lực lượng chức năng mà chủ yếu là công an giao thông, thanh tra giao thông phải thường xuyên phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động công vụ tuần tra kiểm soát.

Trong thực hiện công vụ những năm vừa qua, Công an giao thông, Thanh tra giao thông đã thực hiện nghiêm túc các Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ về kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông như: Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 18-12-2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng; Chỉ thị 10/ CT-TTg ngày 19-4-2023 về nghiên cứu tăng nặng mức phạt nồng độ cồn… Quán triệt có hiệu quả Nghị định, Chỉ thị thời gian vừa qua, các tổ, chốt toàn quốc trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đã tăng cường thổi nồng độ cồn đúng theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Kết quả cho thấy, số người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu bia đã giảm rõ rệt. Có thời điểm lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra 100 xe ô tô lưu thông, không phát hiện lái xe vi phạm nồng độ cồn. Một tín hiệu tích cực hơn, đó là khi kiểm soát nồng độ cồn chặt, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng giảm mạnh.

Cùng với nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm giao thông, lực lượng Công an giao thông, Thanh tra giao thông phải thường xuyên lồng ghép quá trình xử lý với quá trình tuyên truyền. Xử lý mang tính chất răn đe hiệu quả bước đầu, còn về lâu dài thì phải làm công tác tuyên truyền để mỗi người dân tự thay đổi tư duy trong nhân thức và hành động. Quá trình tuyên truyền có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp, cách thức khác nhau, kết hợp nhuần nhuyễn hình thức vừa xử lý vi phạm, vừa tuyên truyền, thiết nghĩ sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông trong xã hội hiện nay.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, Hà Nội, 2022.

2. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 10/ CT-TTg ngày 19-4-2023 về nghiên cứu tăng nặng mức phạt nồng độ cồn, Văn phòng Chính phủ, 2023.

3. Thu Giang, Năm 2020, toàn quốc xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm 6.700 người chết, 10.804 người bị thương, tuyengiao.vn, 23-12-2020.

4. Lưu Hiệp, Năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 23,6%, cand.com.vn, 29-12-2021.

5. LS, Năm 2022: Xử lý hơn 2,8 triệu trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 4.124 tỷ đồng, baochinhphu.vn, 23-12-2022.

6. Quốc hội, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2018, 2019 và Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.

7. Quốc hội, Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014, Nxb Lao động, 2014.

8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

9. Phạm Ngọc Trung, Văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.

TRƯƠNG QUÝ TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;