Giá trị di sản văn hóa Yên Tử trong phát triển du lịch bền vững

Trong hơn một thập niên trở lại đây, dấu ấn du lịch Việt Nam ngày càng đậm nét trên bản đồ thế giới. Bên cạnh những loại hình du lịch như: sinh thái, khám chữa bệnh, mạo hiểm, giáo dục..., du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển. Vốn là một loại hình truyền thống, nhưng gần đây loại hình du lịch này đang phát huy thế mạnh, tạo tiền đề cho một nền công nghiệp trong tương lai. Yên Tử là một địa danh từ lâu được biết đến là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa, tâm linh nổi tiếng ở Bắc Bộ, đang từng ngày hoàn thiện dịch vụ để phát triển hơn nữa hoạt động du lịch. Việc đánh giá giá trị di sản này trong phát triển du lịch bền vững là đòi hỏi cấp thiết để quản lý di sản địa phương có sự định hướng trong tương lai.

     1. Cơ sở đánh giá giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững

Dựa trên việc nghiên cứu các tiêu chí xây dựng điểm du lịch, phát triển du lịch bền vững, các phương pháp định lượng hóa giá trị định tính của di sản văn hóa (DSVH), bài viết lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá tính hấp dẫn của DSVH gồm: tính hấp dẫn, tính liên kết, tính bền vững dùng để đánh giá khả năng thu hút du khách của DSVH. Mỗi chỉ tiêu vai trò, ý nghĩa khác nhau sẽ được chia theo các thang điểm là 4, 3, 2, 1 tương đương với khả năng sử dụng tài nguyên đó vào hoạt động du lịch với mức độ từ cao đến thấp. Dựa vào tầm quan trọng của các yếu tố, phân chia các trọng số, nhân hệ số thích hợp: hệ số 3 (rất quan trọng), hệ số 2 (quan trọng), hệ số 1 (có ý nghĩa). Những chỉ tiêu rất quan trọng sẽ có thang điểm: 12, 9, 6, 3. Những chỉ tiêu quan trọng sẽ có thang điểm là: 8, 6, 4, 2. Những chỉ tiêu có ý nghĩa sẽ có thang điểm: 4, 3, 2, 1.

     Ở mỗi chỉ tiêu, chúng tôi sẽ phân cấp, đưa ra thang điểm đánh giá cụ thể như sau: chỉ tiêu rất quan trọng là tính hấp dẫn của DSVH, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của điểm du lịch có DSVH; chỉ tiêu quan trọng gồm: tính kết nối, khả năng bảo tồn của DSVH, vị trí, tính an toàn của điểm du lịch; chỉ tiêu có ý nghĩa gồm thời gian có thể khai thác, sức chứa khách du lịch của điểm du lịch có DSVH.

Tính hấp dẫn

Rất hấp dẫn (4 điểm): trên 70% khách du lịch chưa từng đến đây mong muốn tham quan di sản 1 lần, trên 50% khách du lịch đã từng đến đây mong muốn quay trở lại.

Khá hấp dẫn (3 điểm): dưới 70%, trên 50% du khách chưa từng đến đây mong muốn đến 1 lần; dưới 50%, trên 30% du khách từng đến đây mong muốn quay trở lại.

Hấp dẫn trung bình (2 điểm): dưới 50%, trên 30% du khách chưa từng đến đây mong muốn đến 1 lần trong đời; dưới 30%, trên 10% đã từng đến đây mong muốn quay trở lại.

Kém hấp dẫn (1 điểm): dưới 30% chưa từng đến mong muốn đến 1 lần trong đời, dưới 10% đã từng đến mong muốn quay trở lại.

Tính kết nối

Rất tốt (4 điểm): có trên 5 DSVH tại/ xung quanh khu di sản.

Khá (3 điểm): có 4 - 5 DSVH tại/ xung quanh khu di sản.

Trung bình (2 điểm): có 2 - 3 DSVH tại/ xung quanh khu di sản.

Kém (1 điểm): chỉ có một hoặc không DSVH tại/ xung quanh khu di sản.

Khả năng bảo tồn

Rất tốt (4 điểm): đã có chính sách bảo tồn, được thực hiện triệt để bởi các bên liên quan.

Khá tốt (3 điểm): đã có chính sách bảo tồn, được thực hiện 1 phần bởi các bên liên quan.

Trung bình (2 điểm): đã có chính sách bảo tồn, chưa được thực hiện bởi các bên liên quan.

Kém (1 điểm): chưa có chính sách bảo tồn.

Bảng phân hạng nhóm chỉ tiêu cấp 1

     Tổng điểm giúp đánh giá khả năng thu hút khách của điểm du lịch có DSVH theo bảng sau:

Bảng đánh giá khả năng thu hút du khách của điểm có DSVH

     2. Giá trị di sản văn hóa Yên Tử trong phát triển du lịch bền vững

     Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử có tọa độ trung tâm từ 21005’ đến 21009’ vĩ độ Bắc, 106043’ đến 106045’ kinh độ Đông, phân bố ở địa bàn 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Nhìn tổng thể, khu di sản trung tâm nằm trong vùng núi cao Yên Tử, thuộc cánh cung Đông Triều với độ cao trung bình trên 600m, đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Từ xa xưa, núi Yên Tử được các nhà địa lý cổ phương Đông ghi nhận là một trong những phúc địa của Giao Châu, nơi tích tụ khí thiêng sông núi, là nơi trời đất giao hòa, giúp con người dễ dàng thoát tục để đến với một không gian thanh tịnh, không vướng bụi trần. Đây cũng được xem là phên dậu phía Đông Bắc của Việt Nam. Vùng núi này không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng với cảnh quan đặc sắc, nơi bảo tồn nhiều giống loài động, thực vật quý hiếm mà còn là quê hương của vương triều nhà Trần trong lịch sử, là đất tổ Phật giáo Trúc lâm Việt Nam.

     Tại đây, nhiều di tích lịch sử, văn hóa quý giá vẫn đang được bảo tồn, phát huy giá trị. Chính sự linh thiêng huyền bí ấy mà từ xưa, các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Từ Tr.CN, đạo sĩ An Kỳ Sinh đã đến nơi đây tu hành, đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ tăng ni phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa, tháp, nhiều công trình khác.

     Đặc biệt, từ thời Trần (1226 - 1400), Yên Tử được đầu tư xây dựng thành khu quần thể kiến trúc chùa, tháp có quy mô to lớn. Năm 1299, Trần Nhân Tông đã chính thức thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử bằng cả một hệ thống lý thuyết, hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị sư tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của ông là Sư Tổ Pháp Loa, Huyền Quang Tôn Giả. Cả ba vị được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học, tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong TK XIII - XIV. Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng, hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa, am, tháp, mộ, bia, tượng.

     Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời, phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng lập. Đây cũng là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các tăng, ni, Phật tử, triều đình phong kiến của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng, tu bổ, tôn tạo. Những công trình này đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Đây là một quần thể di tích rất lớn, ra đời sớm ở Việt Nam. Sự ra đời, phát triển của Phật giáo Thiền Tông là sản phẩm của thời đại, gắn với thời kỳ độc lập, tự chủ vẻ vang của đất nước, nền văn minh của Đại Việt. Hệ thống chùa, am, tháp, bia tượng… ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu, gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp tu hành của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, cùng các thế hệ thiền sư sau này.

     Có thể nhận thấy tầm quan trọng của quần thể di tích, danh thắng Yên Tử thông qua việc Chính phủ đã nhận diện, xếp hạng hàng loạt các di tích, danh lam thắng cảnh trong khu di sản ở cấp tỉnh, cấp quốc gia, với đầy đủ 4 loại hình di tích, danh lam thắng cảnh, bao gồm: các di tích lịch sử; các di tích kiến trúc, nghệ thuật; các di tích khảo cổ; các địa điểm danh lam thắng cảnh.

Tính hấp dẫn

     Quần thể di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch không thể không nhắc đến ở miền Bắc nước ta. Nơi đây không chỉ có cảnh quan hùng vĩ mà còn là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối TK XIII. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục, được liệt vào danh sơn đất Việt.

     Ngày 29-9-2012, khu Di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử được Thủ tướng Chính phủ công nhận, xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/-TTg. Dựa vào tiêu chí đánh giá của DSVH, độ hấp dẫn của quần thể khu di tích Yên Tử xếp ở mức 4: rất hấp dẫn.

     Tính kết nối

     Tính kết nối dùng để đánh giá sức hút du lịch của một khu vực nhất định, được xác định bởi số tài nguyên du lịch có trên địa bàn ấy. Điểm đến có nhiều tài nguyên, phân bố tập trung, có thể đi thành các tuyến hấp dẫn, có khả năng thu hút du khách lớn hơn những điểm có số lượng tài nguyên hạn chế.

     Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Yên Tử là quần thể di tích, danh thắng, bởi lẽ quần thể này gồm 5 cụm di tích, danh lam thắng cảnh chính với hơn 60 di tích tiêu biểu. Trong đó, cụm trung tâm là khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử gồm: chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, am Ngự Dược, am Thung, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng, rừng quốc gia Yên Tử.

     Ngoài ra, khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử còn nằm gần 2 cụm di tích khác là: khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí. Những cụm di sản này hợp với nhau trở thành một tuyến du lịch văn hóa tâm linh quy mô, độc đáo.

     Với số lượng di sản xung quanh khu vực Yên Tử, theo tiêu chí tính liên kết, khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử đạt mức 4: rất tốt.

     Khả năng bảo tồn

     Nhận thức được những giá trị to lớn của khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã sớm có những biện pháp, chính sách nhằm bảo tồn, duy trì sự nguyên vẹn, kéo dài thời gian tồn tại của di sản trong quá trình khai thác phục vụ du lịch. Đến trước năm 1992, nơi đây vẫn chưa được quy hoạch, chưa có kế hoạch bảo vệ, tôn tạo phát huy giá trị văn hóa di tích. Khi Ban quản lý di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử ra đời, nơi đây mới bắt đầu được đưa vào quản lý cắm mốc, dựng bia để giới thiệu, khoanh vùng bảo vệ, giữ gìn những công trình hiện có. Đồng thời, sửa chữa cấp bách các di tích có nguy cơ bị hư hại như: tường vây quanh tháp Tổ, tháp Độ Nhân bằng gạch tráng men, hàng gạch in hoa cúc nổi lát nền tháp Tổ, chùa Bảo Sái, khôi phục lại con đường hành hương từ Giải Oan lên chùa Đồng, kiểm kê, lập hồ sơ, đánh số cắm biển, có biện pháp khẩn cấp bảo vệ hàng tùng cổ, thông cổ, trồng thêm tùng, thông mới, cùng các loại cây phù hợp với cảnh quan chùa, từng bước xóa dần dấu vết đường địa chất mở trái phép, các hành vi xâm hại khác, khôi phục lễ khai hội hằng năm.

     Sau khi Yên Tử cùng 2 cụm di tích tại Đông Triều, Bạch Đằng được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh để quản lý xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, trùng tu, tôn tạo các di tích trọng điểm. Việc thành lập Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh cho thấy sự chủ động, quan tâm của chính quyền tỉnh đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản.

     Sau khi thành lập Ban quản lý di tích, UBND tình Quảng Ninh cũng đã tiến hành xin phép, ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc bảo tồn, tu sửa từng phần của khu di tích, tôn tạo các di tích bị xuống cấp, hư hỏng trước đó. Đặc biệt, ngày 20-11-2008, Ban quản lý các di tích trọng điểm tổ chức khởi công dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích chùa Suối Tắm. Hiện nay, tỉnh cũng đang tiến hành dự án phục hồi, tôn tạo di tích chùa Một Mái - Am Dược. Trên quy mô tổng thể, ngày 18-2-2013, tại Quyết định số 334/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án mở rộng, phát triển khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử. Yên Tử sẽ được xây dựng để trở thành một trung tâm Phật giáo, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam; một trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, triển khai các dự án, kêu gọi đầu tư để khu di tích phát triển bền vững.

     Ngoài chính quyền, cộng đồng địa phương cũng là một mắt xích quan trọng trong công tác bảo vệ di sản. Về phía doanh nghiệp, theo thỏa thuận ký kết của Ban quản lý khu di tích, Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm là đơn vị duy nhất kinh doanh hệ thống cáp treo, các dịch vụ du lịch tại khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử. Theo ghi nhận từ khảo sát thực tế của chúng tôi, Công ty Tùng Lâm đang tiến hành xây dựng bãi để xe, khu vực dịch vụ tập trung của dân theo dự án phân khu đã được phê duyệt. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề các hộ dân tự ý xây dựng trái phép hàng quán dọc theo tuyến điểm tham quan gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu di tích. Trông giữ xe, kinh doanh dịch vụ tập trung cũng đã góp phần quản lý hiệu quả hơn các vấn đề về môi trường ở Yên Tử. Phương tiện được sử dụng để đưa đón du khách từ bãi gửi xe đến chân cáp treo là xe điện, loại phương tiện thân thiện với môi trường tại khu di tích. Những việc làm này phản ánh nỗ lực lớn của doanh nghiệp địa phương trong việc bảo vệ di sản trước những tác động của hoạt động khai thác du lịch.

     Do đặc điểm xung quanh khu di tích không có hộ dân sinh sống nên sự hiện diện của người dân địa phương tại đây chính là những người làm việc, kinh doanh dịch vụ tại khu di tích. Họ tuân thủ các quy định mà ban quản lý di tích cũng như Công ty Tùng Lâm đưa ra, nhưng chưa thực sự có nhận thức chủ động về việc bảo vệ di sản. Qua khảo sát khu vực dịch vụ, chúng tôi không ghi nhận được biểu hiện thể hiện sự chủ động bảo vệ di sản của người dân địa phương như: treo biển nhắc nhở khách không xả rác bừa bãi, không được viết vẽ bậy lên tượng Phật hay không ồn ào nói chuyện quá to khi vào chùa. Khoảng cách từ bãi đỗ xe vào đến chân cáp treo dài 2km, tức là người dân địa phương trong vai trò là lái xe điện sẽ có thời gian khoảng 10 phút tiếp xúc gần với du khách, song chúng tôi cũng không ghi nhận được sự chủ động nhắc nhở trực tiếp của lái xe với du khách hoặc thông qua hướng dẫn viên về những điểm cần lưu ý để bảo vệ cảnh quan, môi trường chung của khu di tích. Điều này cho thấy mắt xích người dân trong công tác bảo vệ di sản vẫn còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả.

     Không chỉ có chính quyền hay người dân địa phương mới là đối tượng nắm giữ trọng trách bảo vệ di sản, du khách cũng cần có ý thức bảo vệ chúng. Hành vi xả rác, ồn ào, viết vẽ bậy, dẫm lên cỏ hay bỏ tiền giọt dầu bừa bãi… vẫn xảy ra ở nhiều đối tượng khách khác nhau khi đến Yên Tử, nhất là vào những mùa cao điểm.

     Bảo tồn tài nguyên du lịch là một việc làm quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động du lịch có thể diễn ra lâu dài, phát triển ở mọi điểm đến. Sự nguyên vẹn của tài nguyên qua nhiều năm tháng khai thác góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tính hấp dẫn của điểm đến cũng như quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Có thể thấy, chính quyền tỉnh đã có những chính sách, chủ trương, biện pháp bảo vệ, bảo tồn di sản cụ thể, hiệu quả, góp phần phát huy hơn nữa những giá trị của di sản phục vụ công tác phát triển hoạt động du lịch tại khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử theo hướng bền vững. Song, công tác thực hiện vẫn chưa triệt để với tất cả các bên liên quan. Xét theo tiêu chí của tính bền vững được xây dựng ở quy trình đánh giá DSVH phục vụ phát triển du lịch, tính liên kết của khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử đạt mức 3: khá bền vững, ứng với 3 điểm.

     Như vậy, tổng điểm nhóm chỉ tiêu cấp 1 của Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử như sau:

Bảng tổng hợp điểm nhóm chỉ tiêu cấp 1

     Xét theo đánh giá mức độ hấp dẫn du khách của điểm du lịch có DSVH, mức độ hấp dẫn du khách của Khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử đạt loại 1 với kết luận: có khả năng thu hút tốt ở cả phạm vi quốc gia, quốc tế, với cả khách nội địa, quốc tế.

     Từ kết quả đánh giá này, tỉnh Quảng Ninh, điểm du lịch Yên Tử có thể tự hào về sức hấp dẫn cũng như khả năng khai thác du lịch hiện tại của di sản. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ban quản lý địa phương cần có định hướng chiến lược đến các biện pháp cụ thể để duy trì khả năng khai thác này. Chẳng hạn như Yên Tử có thể khai thác được các sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch tâm linh ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần đầu tư hơn nữa ở cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng lao động dịch vụ. Trong bối cảnh ưu tiên phát triển du lịch của tỉnh, Yên Tử có nhiều triển vọng để phát triển hơn nữa trong tương lai.

 

Tác giả: Ngô Quang Duy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

 

;