Đường Hồ Chí Minh trên biển dưới góc nhìn văn hóa

Nếu coi văn hóa là tất cả những gì còn lại với thời gian, thì Đường Hồ Chí Minh trên biển (ĐHCMTB) là kết tinh văn hóa của dân tộc. Những giá trị văn hóa biển đảo đặc sắc được soi sáng bởi tình yêu quê hương đất nước, khát vọng thống nhất non sông, được vận dụng linh hoạt, cụ thể tạo thành sức mạnh vượt qua mọi thử thách, gian nan của những người mở đường và vận chuyển trên tuyến đường huyền thoại này.

1. ĐHCMTB - sức mạnh văn hóa và truyền thống dân tộc

ĐHCMTB cho thấy sức mạnh văn hóa và truyền thống dân tộc. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, chúng ta có thể thấy đánh giặc bằng sức mạnh văn hóa là nét độc đáo có một không hai trên thế giới của dân tộc ta. Thực vậy, sức mạnh văn hóa ấy đã giúp một đất nước nhỏ bé có thể chiến đấu và chiến thắng cường quốc quân sự. Đó là truyền thống yêu nước, “khoan thai sức dân”. ĐHCMTB vì thế trở thành biểu tượng cho ý chí và sức sáng tạo của người Việt, của tình yêu nước, quyết tâm thống nhất đất nước.

Tình yêu nước thể hiện qua hành động của những người tham gia mở đường và vận chuyển trên ĐHCMTB. Họ yêu nước bằng những đóng góp cụ thể, âm thầm, chấp nhận mọi thử thách, gian nguy cho con đường tồn tại với những chuyến hàng vào bến an toàn. Những hình ảnh tươi đẹp đó đã tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà ĐHCMTB là một trong những biểu hiện chói ngời nhất.

Những “Bến cảng lòng dân” đã tồn tại và đồng hành với tuyến đường trong suốt những năm chiến tranh. Ở tất cả những nơi có tàu chở vũ khí của ta cập bến, nhân dân đều hết lòng giúp đỡ, chở che. Vào giữa năm 1962, vùng ven bờ ở Cà Mau là một trong những địa điểm tập kết vũ khí của Đoàn tàu Không số và ta cần phải di dời khoảng 1.000 hộ dân sống rải rác trong khu vực. Bà con đã sẵn sàng dời nhà ra bìa rừng, canh giữ không cho người lạ vào rừng sâu đang cất giấu vũ khí. Mỗi khi có tàu vào, bà con sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho cán bộ chiến sĩ của tàu… Tiêu biểu trong số đó là má Nguyễn Thị Mười (Mười Riều). Để chuẩn bị cho chuyến tàu vượt biển ra Bắc vào ngày 27-2-1962, má Mười Riều đã đóng góp 10 cây vàng để mua sắm thuyền và gửi người con trai của mình là Lê Hà vào đội tàu Không số… (1)

2. Những giá trị văn hóa từ di sản ĐHCMTB

ĐHCMTB gắn với không gian văn hóa biển đặc sắc trải dài từ Bắc đến Nam, với hai hợp phần cơ bản là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa vật thể bao gồm những công cụ, phương tiện đi lại phục vụ khai thác biển, các sản vật chỉ có trên hải đảo và sinh hoạt hằng ngày của cư dân ven biển, hải đảo, những công trình kiến trúc gắn với môi trường biển. Văn hóa phi vật thể là những sáng tạo tồn tại dưới dạng kiến thức hàng hải, những hiểu biết có thể truyền lại cho thế hệ sau về ngư trường, kỹ năng bơi lặn, kỹ thuật đóng tàu thuyền, hệ thống tín ngưỡng, dân ca, truyền thuyết, thần thoại, lễ hội,… gắn với cư dân ven biển và hải đảo. Những giá trị văn hóa biển đảo đặc sắc được soi sáng bởi tình yêu quê hương đất nước, khát vọng thống nhất non sông, được vận dụng linh hoạt, cụ thể tạo thành sức mạnh vượt qua mọi thử thách, gian nan của những người mở đường và vận chuyển trên tuyến đường huyền thoại này. Hiện nay, các di tích, địa điểm, di vật, nhân chứng lịch sử gắn trực tiếp với ĐHCMTB trải rộng suốt chiều dài đất nước.

Công viên nghĩa trang ĐHCMTB ở Cồn Bửng (Bến Tre) có diện tích 635 ha với 3 khu. Khu A gồm dịch vụ du lịch, tái định cư, làng nghề truyền thống, trường học, chợ ven sông… Khu B1 (khu trung tâm) thể hiện sa bàn nước Việt Nam và bờ biển Việt Nam thu nhỏ, tái tạo các giá trị văn hóa Việt Nam. Khu B2 (khu vực biển Đông) đặt đài tưởng niệm, bảo tàng dưới nước ĐHCMTB, các bến tàu. Khu C tái tạo các đầu cầu tiếp nhận vũ khí, hầm chứa vũ khí và cuộc sống người dân Nam Bộ trong 2 cuộc kháng chiến. Công viên nghĩa trang ĐHCMTB còn có những ngôi mộ và mộ gió của những liệt sĩ hy sinh trên biển.

Di tích Tàu Không số nằm dưới chân núi Vạn Hoa, Đồ Sơn (Hải Phòng) là nơi mà từ nửa thế kỷ trước, những con tàu Không số đã xuất phát để chở vũ khí vượt biển chi viện cho miền Nam. Đó chính là Bến K15 - km số 0 của tuyến ĐHCMTB. Tại đây, có Bia di tích ĐHCMTB, được thiết kế với qui mô lớn, phù hợp với không gian và ý nghĩa quan trọng của ĐHCMTB. Năm 2005, bến tàu được công nhận là di tích cấp thành phố. Năm 2008, Bến tàu Không số được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Bãi Chùa nằm bên trong vịnh Vũng Rô (Phú Yên), được núi Đá Bia bao bọc ba mặt Bắc, Tây, Nam, diện tích tự nhiên khoảng 14 ha. Nơi đây còn bảo tồn con tàu Không số di tích gắn liền với ĐHCMTB, đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cồn Lợi trên sông Hàm Luông (Bến Tre) là nơi xuất phát và là điểm tiếp nhận của tuyến ĐHCMTB. Hiện, trên cồn có bia lưu niệm ghi lại sự kiện này. Theo nội dung được ghi lại, tháng 3-1946, đoàn cán bộ của tỉnh Bến Tre do bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu xuất phát từ Cồn Lợi đã vượt biển ra Hà Nội để báo cáo tình hình với Trung ương và xin chi viện cho chiến trường khu 8. Tháng 7-1961, chuyến vượt biển lần thứ hai với yêu cầu tương tự như lần trước cũng xuất phát từ Cồn Lợi.

Đầu tháng 3-1963, tại rừng ngập mặn Khâu Băng (Bến Tre), cơ sở của ta đón chuyến tàu chi viện vũ khí đầu tiên cho chiến trường miền Nam, sau đó trở thành đầu cầu tiếp nhận vũ khí và hàng hóa chi viện từ miền Bắc vào Nam. Cửa Khâu Băng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 23-12-1995.

Di tích bến Cồn Tàu nằm trong khuôn viên Khu du lịch Ba Động (Trà Vinh). Bến Cồn Tàu đã tiếp nhận hàng chục chuyến tàu chở vũ khí từ miền Bắc vào Trà Vinh trong những năm kháng chiến . Năm 2004, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Khu Di tích hiện đang được quy hoạch và từng bước khôi phục lại trên diện tích hơn 8.000m2.

Sông Gianh là đầu mối của những mũi giao thông thủy bộ lợi hại: một ngả qua sông Son lên phà Xuân Sơn tiếp xúc với đường Trường Sơn, một ngả ra biển Đông theo ĐHCMTB, một ngả đường bộ vào Nam theo quốc lộ 1A... Cảng sông Gianh trở thành “tọa độ lửa”, trọng điểm địch tập trung bắn phá, còn với ta là nơi tập kết lực lượng, hàng hóa trước khi ra chiến trường, cần được bảo vệ bằng mọi giá.

Bến Vàm Lũng (Cà Mau) là nơi chuyến tàu gỗ đầu tiên xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) chở 30 tấn vũ khí chi viện cho miền Nam cập bến (tháng 10-1962). Sau đó, 3 chuyến tàu chở vũ khí tiếp theo cũng đã cập bến an toàn tại đây. Ngày nay, tượng đài chiến thắng ĐHCMTB, nhà trưng bày truyền thống lịch sử đã được xây dựng ngay bến Vàm Lũng, góp phần lưu giữ giá trị truyền thống cho các thế hệ sau (2).

Trong thời gian từ 1961 - 1975, cùng với ĐHCMTB đã xuất hiện rất nhiều tấm gương tiêu biểu. Họ chính là những chứng nhân của lịch sử. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) - Đại tá Bông Văn Dĩa, AHLLVTND Lê Văn Một là những hiện thân sinh động của huyền thoại ĐHCMTB. Tại bến Đồ Sơn, đêm 11-10-1962 chiếc tàu gỗ mang tên Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí do Lê Văn Một làm thuyền trưởng và Bông Văn Dĩa làm chính trị viên đã rời bến lên đường vào Nam. Đó còn là thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm, với thành tích 8 chuyến vượt biển chở hơn 600 tấn vũ khí chi viện chiến trường miền Nam trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ. Năm 2005, Nguyễn Chánh Tâm đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND. AHLLVTND Nguyễn Phan Vinh, người con ưu tú của mảnh đất Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam, sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha và một người anh trai cũng là liệt sĩ. Năm 1970, Nguyễn Phan Vinh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND; một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã mang tên ông - đảo Phan Vinh. Và còn bao chiến sĩ khác đã cống hiến, hy sinh. Tên tuổi của họ đã hòa cùng với huyền thoại ĐHCMTB như AHLLVTND Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Đỗ Văn Sạn… (3)

3. Giáo dục truyền thống và lý tưởng sống cho thế hệ trẻ

ĐHCMTB là sáng tạo độc đáo của người Việt Nam trên cơ sở vận dụng tài tình tri thức về biển với khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. ĐHCMTB trở thành tài sản vô giá khẳng định truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc về chủ nghĩa yêu nước, anh hùng, bất khuất, về tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm và cả những hy sinh mất mát lớn lao của dân tộc cho độc lập tự do ngày hôm nay. Thế hệ ngày nay khi tìm hiểu về ĐHCMTB ngoài những bài học trên lớp, đọc sách, tra cứu thông tin… còn được đến những di tích, những hiện vật, gặp gỡ chứng nhân lịch sử để hiểu và tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng, về con đường huyền thoại trên biển.

ĐHCMTB không chỉ giúp thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc mà còn góp phần làm tăng thêm lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Từ đó, họ tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ ngưởi trồng cây”, đồng thời nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến với những di tích ĐHCMTB, mỗi người đều mang lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước, những người đã anh dũng, kiên cường chiến đấu hy sinh để giữ gìn độc lập của đất nước, tự do cho dân tộc.

Nếu như ĐHCMTB từng là biểu tượng của tình yêu đất nước, khát vọng thống nhất non sông, ngày hôm nay, trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hóa ĐHCMTB cần trở thành biểu tượng cho khát vọng vươn lên của dân tộc. Khi các nước trong khu vực và trên thế giới đều coi trọng kinh tế biển, kinh tế đại dương thì ĐHCMTB cần được nhìn nhận là thế mạnh riêng của Việt Nam để phát triển đất nước. Duy trì ĐHCMTB cùng với mạng lưới cảng biển cho phép vận chuyển hàng hóa tới mọi miền Tổ quốc, cũng như trên thế giới. Với 114 cửa sông, khoảng 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung, hơn 100 vị trí có thể xây dựng cảng biển lớn, ĐHCMTB cho phép kết nối các địa điểm này với nhau. Vùng biển nước ta chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản, đặc biệt là dầu khí. Nguồn lợi hải sản phong phú. Ngoài cá biển còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế, như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… (4). Đường bờ biển dài (3.260km) và hàng nghìn đảo lớn, nhỏ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, kết hợp du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng với “các địa chỉ đỏ” của ĐHCMTB. Đây là lợi thế riêng của nước ta để duy trì và khai thác ĐHCMTB. Phát huy tiềm năng và tri thức về biển, với khát vọng và lý tưởng vươn lên, ĐHCMTB chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay được cống hiến như những gì thế hệ cha anh đã làm được.

4. Một số vấn đề đặt ra và đề xuất dưới góc nhìn văn hóa

Một số vấn đề đặt ra

ĐHCMTB không chỉ có vai trò lịch sử trong đấu tranh thống nhất đất nước mà cần được nhìn nhận với vai trò là động lực phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

ĐHCMTB ra đời trong chiến tranh (23-10-1961). Kể từ đó đến nay, trải qua 59 năm, nhiều nhân chứng, hiện vật không còn hoặc đã thực hiện sứ mệnh khác. Nhiều chiến sĩ, AHLLVTND tham gia mở đường và vận chuyển trên ĐHCMTB đã anh dũng hy sinh. Các nhân chứng, hiện vật và di tích gắn với ĐHCMTB không tập trung tại một địa điểm mà trải dài trên suốt dọc bờ biển nước ta. Điều này tác động không nhỏ tới việc sưu tầm, tập hợp hiện vật, tư liệu cũng như phục dựng các di tích.

Mặc dù là di sản độc đáo, thể hiện ý chí và sức sáng tạo của người Việt nhưng công tác tuyên truyền cho di sản văn hóa này chưa thực sự xứng tầm. Hướng dẫn viên và người giới thiệu tại nhiều di tích gắn với ĐHCMTB còn thiếu về số lượng và chưa thực sự chuyên nghiệp. Chưa có nhiều sách, ảnh, đĩa VCD... giới thiệu về ĐHCMTB. Chưa có quà lưu niệm được thiết kế riêng mang dấu ấn ĐHCMTB cho du khách khi đến tham quan, tìm hiểu di tích.

ĐHCMTB cần nhận được sự quan tâm hơn nữa từ góc nhìn văn hóa. Việc tìm hiểu và khai thác các giá trị văn hóa của ĐHCMTB trở thành vấn đề có ý nghĩa thiết thực hiện nay khi biển, văn hóa biển trở thành động lực phát triển của các quốc gia.

Đề xuất giải pháp

Cần khơi nguồn sức mạnh văn hóa từ ĐHCMTB. Kết nối liên hoàn, khai thác giá trị ĐHCMTB trong không gian văn hóa biển. Điều này có nghĩa là chỉ có thể phát huy toàn diện giá trị của ĐHCMTB khi khai thác đầy đủ các hợp phần cấu thành văn hóa biển Việt Nam như: phương tiện đi lại trên biển, các sản vật của biển, những công trình kiến trúc, di tích, kiến thức hàng hải, kỹ năng bơi lặn, kỹ thuật đóng tàu thuyền, hệ thống tín ngưỡng, dân ca, truyền thuyết, thần thoại, lễ hội, nghề truyền thống… ĐHCMTB cần được nhìn nhận là bộ phận cấu thành văn hóa, sinh thái biển đảo Việt Nam.

Tăng cường công tác sưu tầm hiện vật, gặp gỡ nhân chứng gắn với ĐHCMTB để xây dựng các địa điểm tham quan, giáo dục truyền thống. Cần đánh giá nghiêm túc về vị thế và tình hình quản lý các di tích, địa điểm gắn với ĐHCMTB, có biện pháp quản lý phù hợp với từng di tích, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của xã hội. Tiếp tục hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học cho các di tích ĐHCMTB. Rà soát, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ khoa học, pháp lý cho các di tích. Đối với những di tích đã bị thay đổi hoàn toàn thì phải tiến hành tư liệu hóa dưới dạng ghi chép thành văn bản, ghi âm, quay phim, chụp ảnh, lấy lời kể của các nhân chứng… Cần nghiên cứu và xây dựng không gian, cảnh quan phù hợp, vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật, đảm bảo hài hòa trong không gian sinh thái biển, để tăng giá trị của di tích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng khi đến với di tích. Xây dựng bảo tàng ĐHCMTB là nơi lưu giữ, bảo quản các hiện vật gắn với con đường huyền thoại này.

Đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống, đặc biệt cho thanh thiếu niên bằng cách tổ chức hoạt động tri ân, vinh danh tại các di tích, địa điểm gắn với ĐHCMTB. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của các di tích ĐHCMTB bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt chú ý tới các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, cần đầu tư việc thiết kế ấn phẩm xuất bản như sách, tờ rơi, đĩa CD, quà lưu niệm… về ĐHCMTB.

Tổ chức hội thảo khoa học nhằm củng cố giá trị văn hóa của ĐHCMTB, tập hợp ý kiến của các chuyên gia văn hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của di sản văn hóa ĐHCMTB. Kết hợp với các công ty du lịch mở một số tuyến du lịch đường biển bằng tàu thủy, mở tuyến tham quan tại một số địa danh gắn với các địa điểm, di tích ĐHCMTB.

ĐHCMTB là sáng tạo độc đáo của dân tộc, là kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Hiện nay, những dấu tích còn lại trên con đường huyền thoại trên biển là những bến cảng, những lạch sông... đều đang vươn mình trên con đường đổi mới, hội nhập. Dù đổi mới từng ngày nhưng nơi đây không thể quên những ngày tháng oanh liệt năm xưa đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ về trách nhiệm viết tiếp trang sử vàng cho con đường huyền thoại - ĐHCMTB.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội & Nhà xuất bản Thông tấn, Huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, Nxb Thông tấn, Hà Nội.

2. Hoàng Văn Khải, Phát triển kinh tế biển Việt Nam - tiềm năng và thách thức, tapchicongsan.org.vn.

Tác giả: Dương Thị Thu Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;