Lễ hội thờ nhân vật lịch sử, trường hợp lễ hội Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp

Trong các di tích quốc gia đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Gò Tháp là một di tích quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Hóa và Tân Triều thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nơi đây có cả thành tố di sản vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Thành tố di sản văn hóa vật thể của Gò Tháp đã được biết đến từ những năm cuối TK XIX, những thập niên đầu TK XX bởi một số nhà khảo cổ học người Pháp. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học của nước ta đã tiến hành khai quật nhiều lần và đi tới nhận định Gò Tháp là di tích gắn bó với vương quốc Phù Nam từ hàng ngàn năm trước. Cùng với di tích, Gò Tháp có di sản văn hóa phi vật thể là lễ hội rằm tháng 3 âm lịch với nhân vật thờ là Bà Chúa Xứ và lễ hội ngày 14, 15 tháng 11 âm lịch thờ hai nhân vật lịch sử: Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và Thiên hộ Võ Duy Dương. Đã có một số công trình đề cập tới nội dung các lễ hội này ở nhiều khía cạnh, trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận lễ hội Gò Tháp từ tín ngưỡng nhân vật lịch sử.

Do vị thế địa - chính trị, địa - lịch sử của nước ta nên tín ngưỡng nhân vật lịch sử phát triển mạnh mẽ, cả trong không gian và trong thời gian. “Lễ hội lịch sử là những lễ hội có nội dung liên quan tới nhân vật truyền thuyết hay nhân vật lịch sử có thật trong lịch sử Việt Nam… Trong lễ hội lịch sử, ký ức về lịch sử dân tộc là một nội dung rất quan trọng” (1). Lễ hội thờ nhân vật lịch sử là sự thể hiện của tín ngưỡng này ở cấu trúc và thành tố lễ hội của người Việt. Với lễ hội Gò Tháp, hai nhân vật Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều là nhân vật thờ phụng từ hơn trăm năm nay.

1. Nhân vật lịch sử Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều

Xung quanh nhân vật lịch sử Thiên hộ Dương, còn những câu hỏi mà giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh Đồng    Tháp (2) chưa có câu trả lời thống nhất nhưng những thông tin đồng thuận cao đều cho rằng: là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương sinh năm 1827 tại thôn Cù Lâm Nam nay là thôn Nam Tương, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hưởng ứng chính sách của vua Tự Đức (1847-1883) nhà Nguyễn (1802-1945), Võ Duy Dương chiêu dân lập ấp khai phá vùng đất Ba Giồng ven Đồng Tháp Mười. Năm 1859, khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, Võ Duy Dương cùng Thủ khoa Huân đưa lực lượng về thành Gia Định đánh trả. Năm 1861, ông mộ nghĩa quân chống thực dân Pháp, liên kết với Trương Định, Trần Xuân Hòa, Đỗ Thúc Tĩnh giương cao khẩu hiệu Cần Vương chống thực dân Pháp. Nghĩa quân của ông đã lấy vùng Đồng Tháp Mười hiểm trở làm căn cứ và dùng chiến thuật du kích đánh thực dân Pháp trên cả một vùng rộng lớn từ Hà Tiên - Rạch Giá đến Đồng Tháp, gây cho chúng nhiều tổn thất. Sau khi Thủ khoa Huân, Trương Định lần lượt hy sinh, Võ Duy Dương cùng các nghĩa sĩ khác như Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều), Nguyễn Văn Cần (Lãnh binh Cần)… không nản chí, tiếp tục tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp. Võ Duy Dương đem quân phối hợp với Trương Quyền (con trai Trương Định) và A Choa Xoa, một thủ lĩnh nghĩa quân người Khmer tiếp tục đánh Pháp. Năm 1866, Võ Duy Dương tìm đường ra Huế xin sự giúp đỡ của triều đình để tiếp tục chống Pháp và bị cướp biển sát hại.

Cuộc đời Đốc binh Kiều - Nguyễn Tấn Kiều không có sự tranh luận nhiều trong giới nghiên cứu. Lý lịch về ông khá minh bạch. Từ miền Trung, ông vào lập nghiệp ở tỉnh Định Tường. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông tham gia chống xâm lược, đem quân hợp tác với chủ tướng Võ Duy Dương, được phong chức Đốc binh rồi Phó tướng. Theo phân công của chủ tướng, Đốc binh Kiều chịu trách nhiệm không cho thực dân Pháp từ Cái Bè, Cai Lậy tiến đánh vùng trung tâm Đồng Tháp Mười. Tháng 4 năm 1866, thực dân Pháp đồng loạt tấn công căn cứ của các nghĩa sĩ, Đốc binh Kiều, khi lên đài quan sát đã trúng đạn, bị thương nặng và qua đời.

Như vậy, cả Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều đều là những nhân vật lịch sử, những nghĩa sĩ một lòng vì nước quên thân, chống lại thực dân Pháp khi chúng xâm lược miền Lục tỉnh Nam Kỳ giai đoạn giữa và cuối TK XIX.

2. Xung quanh lễ hội Gò Tháp

Cả hai nhân vật Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều đều được phụng thờ tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ngày giỗ hai ông trở thành ngày lễ hội ở địa phương. Gắn với lễ hội, đối tượng thờ phụng luôn được quan tâm ở cả hai phương diện: thái độ của triều đình nhà Nguyễn và ứng xử của cộng đồng người dân.

Trước hết là thái độ của triều đình nhà Nguyễn (1802-1945). Hiện tại, ở Gò Tháp có hai sắc phong của vua Khải Định: Sắc phong cho Thiên hộ Võ Duy Dương ghi rõ (dịch nghĩa): “Sắc cho thôn Tháp Mười, xã Mỹ Thọ, tổng Phong Nẫm, tỉnh Sa Đéc phụng thờ chỉ huy Chưởng Quản nghĩa quân Ngũ Thập Thiên Hộ Võ Duy Dương Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng, gia tặng mỹ tự Hộ Quốc Hàm Phù Hoằng Tế Thiện Trợ Dũng Liệt Quảng Uy Trung Trực Anh Đoán, có công hiển linh bảo vệ đất nước, che chở muôn dân, đã được ban cấp sắc phong, cho phép phụng thờ. Nay dịp khánh tiết, mừng thọ trẫm tuổi 40, ban chiếu gia ân, kính lễ thăng phẩm trật, gia tặng Đoan Túc Tôn thần, cho phép phụng thờ để kỷ niệm này quốc khánh, duy trì điển chế phụng thờ. Kính cẩn thay. Ngày  25 - 7 năm Khải Định thứ 9 (1925)”.

Và sắc phong cho Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (dịch nghĩa): “Sắc cho thôn Tháp Mười, xã Mỹ Thọ, tổng Phong Nẫm, tỉnh Sa Đéc phụng thờ Binh Vận Tham Mưu Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng, gia tặng mỹ tự Hộ Quốc Hàm Phù Hoằng Tế Thiện Trợ Dũng Liệt Quảng Uy Trung Trực Anh Đoán Trí Lược Cương Nghi, có công hiển linh bảo vệ đất nước, che chở muôn dân, đã được ban cấp sắc phong, cho phép phụng thờ. Nay dịp khánh tiết, mừng thọ trẫm tuổi 40, ban chiếu gia ân, kính lễ thăng phẩm trật, gia tặng Đoan Túc Tôn thần, cho phép phụng thờ để kỷ niệm này quốc khánh, duy trì điển chế phụng thờ. Kính cẩn thay. Ngày 25 - 7 năm Khải Định thứ 9 (1925)”.

Rước sắc thần trong lễ hội thàng 11 năm Kỷ Hợi 2019

Ảnh: Nguyễn Văn Huynh

Việc phong sắc của vua Khải Định cho hai nhân vật lịch sử này không phải không có căn cứ, bởi các viên quan trong Quốc sử quán nhà Nguyễn có ghi trong Đại Nam thực lục, đệ tứ kỷ, quyển XXXI: “Thiên hộ Võ Duy Dương cử người về kinh dâng sớ kín. Vua sai Vũ Trọng Bình hỏi kín, cốt lõi đến chỗ cùng bàn cho ổn thoả. Tháng 10-1866, trên đường ra Bình Thuận, Võ Duy Dương và đoàn tùy tùng đi trên chiếc ghe cửa đã bị bọn cướp biển tấn công bất thần giết chết ở cửa biển Thần Mẫu (tức Cần Giờ)… Thực tế, khi hay tin ông mất, vua, sai tìm xác đem chôn cùng đồ vật và cấp cho mẹ ông mỗi tháng 5 quan tiền, 1 phương gạo. Ngoài ra còn sắc phong cho gia đình ông” (3).

Thứ hai là thái độ của người dân Đồng Tháp. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thất bại, hai ông hy sinh, người dân nơi đây lập di tích thờ. Ngoài khu căn cứ Gò Tháp, người dân đưa hai ông vào thờ ở các di tích như đình Phú Cường (xã Phú Cường), đình Phú Đức (xã Phú Đức), đình Phú Hiệp (xã Phú Hiệp), đình Phú Thọ (xã Phú Thọ) thuộc huyện Tam Nông.

Với người dân, có thể ghi nhận thái độ tín tưởng, thờ cúng các nhân vật lịch sử này qua những đại tự, câu đối tại ngôi đền thờ hai ông. Trong dân gian còn lưu truyền bài thơ ca ngợi ông như sau:

Vì nước quên mình bởi chữ trung,

Thương dân chi sá chốn sình bùn,

Mấy năm Đồng Tháp danh vang dội,

Cọp rống ngoài truông, cáo hãi hùng,

Hai thước im lìm nơi thạch động,

Đồng bào tưởng nhớ đứng thờ chung,

Nỗi lòng nghỉ đến nhiều năm trước,

Hương lửa đều không cảnh lạnh lùng.

Lễ hội thờ cúng hai ông được diễn ra từ sáng 13 đến hết đêm 15 rạng sáng ngày 16-11 âm lịch hằng năm gồm có lễ thỉnh sắc, lễ cầu an, lễ cúng thỉnh sanh, lễ cúng Thần Nông và kết thúc là nghi lễ hồi sắc (4).

3. Một số nội dung quan tâm thảo luận

Từ việc xem xét lễ hội Gò Tháp, chúng ta dễ dàng nhận thấy cả hai nhân vật Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đều là người thực, là nhân vật lịch sử, nhưng là nhân vật thờ, nhân vật trung tâm của hai lễ hội ở Gò Tháp. Hai nhân vật thờ này không có sự lung linh, huyền ảo như các nhân vật thờ của lễ hội cổ truyền nơi châu thổ Bắc Bộ. Khác biệt giữa lễ hội của người Việt ở Nam Bộ và Bắc Bộ chính ở phương diện nhân vật thờ. Quá trình thiêng hóa nhân vật thờ của lễ hội cổ truyền của người Việt ở Bắc Bộ diễn ra cả hai phương diện: lịch sử hóa một nhân vật huyền thoại và huyền thoại hóa một nhân vật lịch sử (5). Cho nên nhân vật thờ trong lễ hội của người Việt nơi châu thổ Bắc Bộ hiện ra trong tâm thức dân gian huyền ảo, đôi khi kỳ bí, khác thường, trong cõi xa mờ của lịch sử. Trong khi đó, nhân vật thờ của lễ hội cổ truyền ở các tỉnh Tây Nam Bộ lại là con người thực, những con người gắn với những sự kiện lịch sử có thực, còn tươi mới. Đặt trong lễ hội thờ nhân vật lịch sử có thể xem xét một số trường hợp, đó là trường hợp Hai Bà Trưng. Người dân vùng châu thổ Bắc Bộ đã huyền thoại hóa nhân vật lịch sử Hai Bà Trưng kể rằng Hai Bà tuẫn tiết ở Hát Môn (nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội), rồi 2 linh tượng trôi trên sông Hồng, người dân Đồng Nhân (nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vớt lên lập đền thờ! Đó cũng là trường hợp nữ tướng Xuân Nương. Bà là người châu Đại Man (nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), gia nhập đội quân do Hai Bà Trưng lãnh đạo khởi nghĩa chống quân Tô Định nhà Đông Hán rồi hy sinh. Người dân vùng Trực Ninh, tỉnh Nam Định huyền thoại hóa nhân vật lịch sử này - kể rằng: từ nơi tuẫn tiết, xác Bà trôi trên sông Hồng về đây, người dân đưa về, xây mộ, rồi mở lễ hội tưởng nhớ bà (6). Với Đốc binh Kiều, Thiên hộ Dương, chưa xảy ra quá trình huyền thoại hóa. Nhân vật thờ của lễ hội Gò Tháp vẫn là một con người thực, là nhân vật lịch sử, là nhân vật thờ cúng, chứ không phải nhân vật ở cõi thiêng huyền thoại. Nghi lễ rước sắc chỉ nhằm khẳng định đây là nhân vật lịch sử đã được triều đình công nhận. Nói cách khác, các nhân vật lịch sử ở lễ hội cổ truyền của người Việt nơi châu thổ Bắc Bộ là nhân vật mà quá trình huyền thoại hóa đã diễn ra trọn vẹn. Trong khi đó, nhân vật lịch sử ở lễ hội cổ truyền của người Việt vùng Tây Nam Bộ, do quá trình huyền thoại hóa chưa diễn ra trọn vẹn, nên chưa có bóng mờ ảo lấp lánh của huyền thoại, cảm thức xuất hiện gắn liền với lễ hội vẫn là sự tưởng niệm lịch sử, gợi ký ức về lịch sử mới diễn ra chưa xa. Tuy nhiên, cần thấy quá trình huyền thoại hóa nhân vật phụng thờ ở đây đang diễn ra.

Dân gian vùng Gò Tháp đang lưu truyền huyền thoại về ngôi mộ của Đốc binh Kiều. Sau khi mất, Đốc Binh Kiều được an táng tại khu vực Gò Tháp. Về sau, một vài nghĩa quân đã bí mật chôn cất và làm nhiều ngôi mộ giả nhằm đánh lạc hướng giặc. Vùng Đồng Tháp Mười cũng xuất hiện một số huyền thoại ly kỳ và linh ứng về ngôi mộ Đốc binh Kiều (7): “Tương truyền khi cụ hy sinh, do sợ bị thực dân Pháp làm khó dễ nên người dân trong vùng đắp ba ngôi mộ khác nhau ở ba nơi để che mắt giặc. Vì thế, sau này không biết mộ chính ở đâu”. Chuyện đặt lăng mộ cụ ở chỗ hiện nay theo dân gian là do có tín hiệu tâm linh: “Có một gia đình đào huyệt gần mộ cụ để chôn cất người nhà, chưa kịp chôn thì cả gia đình đổ bệnh đau ốm. Cả nhà tìm cách chạy chữa mà không khỏi, cuối cùng có người bảo vì động vào mộ cụ, lấp lại thì sẽ khỏi. Quả nhiên, huyệt lấp xong, cả nhà khỏi bệnh (?). Từ đó, người ta tin đó là nơi chôn cất cụ Đốc Binh”. Thời chống Mỹ, một quả bom của không quân Mỹ ném rơi xuống ngay cạnh mộ cụ. Trong khi tất cả các quả khác đều nổ thì riêng quả bom này không nổ. Điều này càng khẳng định niềm tin của nhân dân, đó đúng là nơi chôn cất cụ.

Có thể sự phát triển của lễ hội nơi đây chưa đủ lâu dài để những giai thoại ấy biến thành huyền thoại, quá trình huyền thoại hóa nhân vật lịch sử chưa trọn vẹn nhưng theo thời gian và không gian tồn tại ngày càng mở rộng của lễ hội Gò Tháp, những nhân vật lịch sử nêu trên chắc chắn sẽ ngày càng được đắp bồi lung linh huyền ảo như quy luật của niềm tin dân gian dành cho những vị phúc thần được dân tin yêu mến mộ. “Như một quy luật, khi nhân dân đã khẳng định chiến công của người anh hùng thì đồng thời người ta cũng sáng tạo ra những truyền thuyết về họ” (8).

 Tóm lại, lễ hội Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp có thể coi như một lễ hội thờ cúng nhân vật lịch sử khá điển hình cho vùng Tây Nam Bộ. Trong kho tàng lễ hội cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, lễ hội thờ nhân vật lịch sử rất nhiều, đa dạng, nhưng nhân vật thờ của lễ hội có khác nhau, và chính sự khác biệt ấy lại khiến lễ hội cổ truyền thờ nhân vật lịch sử ở nước ta rất thống nhất: truyền thống lịch sử luôn là một dòng chảy trong thời gian và trong không gian. “Lịch sử dựng nước và giữ nước từ xa xưa của các dân tộc Việt Nam đến nay vẫn sáng tỏ, rõ nét trong tâm tưởng dân gian là nhờ các lễ hội hằng năm vẫn đều đặn được tổ chức theo vòng quay mùa vụ và trở thành tâm điểm sinh hoạt cộng đồng, thu hút mọi nhân tài, vật lực, tâm huyết, ước vọng của cộng đồng tại nơi họ đang sinh tụ” (9) - mà lễ hội Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp là một trường hợp tiêu biểu.

 Đồng Tháp, tháng 12-2019

 

______________

1, 8, 9. Phạm Lan Oanh, Những điều cần biết về lễ hội truyền thống Việt Nam, lễ hội lịch sử, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2014, tr.7, 8, 8.

2. Xin xem: Nguyễn Hữu Hiếu chủ biên, Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười,  Nxb Trẻ, Tạp chí Xưa và Nay, 1992; Nguyễn Thanh Thuận, Nhân thần trong tín ngưỡng dân gian Đồng Tháp, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018; Gò Tháp di tích quốc gia đặc biệt, Ban quản lý khu di tích Gò Tháp, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP. HCM, 2016.

3. Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên), Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười, Nxb TrẻTạp chí Xưa và Nay, 1992, tr.141, 142.

4. Nghi lễ của lễ hội tại đây về cơ bản như miêu thuật của Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, nên chúng tôi không phân tích thêm. Tuy nhiên, năm 2019, nội dung lễ hội có thay đổi chút ít do đồng thời tế lễ ở cả 2 đền thờ Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều.

5. Xin xem: Phạm Lan Oanh, Tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở vùng châu thổ sông Hồng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.

6. Xin xem: Phạm Lan Oanh, Di tích và lễ hội thờ nữ tướng Xuân Nương, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2020.

7. Tư liệu điền dã cá nhân tháng 12-2019 và tư liệu của Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp, bản vi tính A4. Nội dung 42 sắc phong do Ths Nguyễn Đạt Thức dịch nghĩa từ tài liệu do di tích Gò Tháp cung cấp.

Tác giả: Phạm Lan Oanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020

;