Người Chăm Bàlamôn và người Raglai Nam mặc dù có nhiều sự khác biệt về địa vực cũng như trình độ kinh tế, nhưng họ có một mối ràng buộc sâu sắc, đó là cùng nhau tổ chức lễ rước y trang nữ thần trong lễ hội kate. Do nhiều yếu tố khách quan, nên ngày nay, mặc dù lễ hội kate đã bị rút ngắn lại và phạm vi tổ chức cũng hẹp hơn, nhưng lễ rước xiêm y Thánh mẫu từ Phước Hà (địa bàn sinh sống của người Raglai) về Hữu Đức (địa bàn sinh sống của người Chăm) vẫn là một nghi lễ vô cùng quan trọng, khởi đầu cho mùa lễ hội kate. Để nhìn nhận sâu sắc và toàn diện hơn về nghi lễ độc đáo của hai cộng đồng trên, chúng tôi vận dụng lý thuyết nghiên cứu về vốn xã hội của một số học giả trong và ngoài nước, hy vọng có thể đưa ra những đánh giá và phân tích nhiều chiều, chân thực về cộng đồng Raglai, Chăm cũng như những mối liên hệ và ràng buộc chặt chẽ của họ.
1. Đôi nét về người Chăm, người Raglai và nghi lễ rước y trang nữ thần trong lễ hội kate, Ninh Thuận
Người Chăm hiện cư ngụ chủ yếu tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Hoa Kỳ. Mặc dù số dân không quá đông nhưng người Chăm vẫn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa cũng như định chế xã hội lâu đời. Hiện nay, cộng đồng dân tộc Chăm chính thống vẫn theo chế độ mẫu hệ, trong đó được xác định rõ: nhóm Hồi giáo Bàni - Bàlamôn theo mẫu hệ, nhóm Hồi giáo mới (Alamabad trong khối Ả Rập Xê Út) theo phụ hệ. Chế độ mẫu hệ nảy sinh nhiều cơ chế ràng buộc xã hội người Chăm, các tập tục, các quyền được phân định cho người vợ, người chồng và con cái, tạo ra luật lệ riêng.
Raglai là tộc người trong nhóm ngữ hệ Malayo - Polynesien, hiện sinh sống tập trung tại ba huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận. Qua các cứ liệu lịch sử, có thể thấy quá trình hình thành và phát triển của người Raglai ở Việt Nam qua hai giai đoạn cơ bản: giai đoạn 1 là thời kỳ giao lưu văn hóa với người Chăm. Người Chăm phát triển thành một vương quốc hùng mạnh, người Raglai chuyển dần lên sống tại Tây Nguyên, tuy một số vẫn sống ở các vùng ven biển cùng với người Chăm; giai đoạn 2 là thời kỳ giao lưu với người Việt và các dân tộc trong khu vực (từ cuối TK XVII đến nay).
Hai tộc người Raglai và Chăm có những mối quan hệ thâm giao như tín ngưỡng dân gian và sự phân công trong quá khứ. Nếu lấy quốc lộ 27 chạy theo trục Đông - Tây, thì tộc người Raglai Ninh Thuận có hai mảng sắc thái văn hóa: văn hóa Raglai Bắc và văn hóa Raglai Nam. Văn hóa Raglai Bắc hoàn toàn khác biệt với người Chăm bởi sự cách biệt về địa vực cũng như những đặc trưng văn hóa riêng. Đặc điểm đời sống văn hóa của người Raglai Nam gần gũi với đời sống văn hóa của người Chăm. Từ quá khứ cho đến nay, người Chăm Panduranga và người Raglai Nam cùng nhau tổ chức lễ rước y trang nữ thần trong lễ hội kate. Lễ hội này được tổ chức vào đầu tháng 7 theo lịch Chăm (tương ứng cuối tháng 9 - đầu tháng 10 lịch dương của người Việt). Điều đặc biệt của lễ hội chính là sự tham gia của hai dân tộc Chăm và Raglai trong nghi lễ rước y trang - nghi lễ được coi là quan trọng nhất trước khi lên đền tháp. Vào khoảng 2h chiều, người Chăm sẽ làm nghi lễ rước xiêm y Thánh Mẫu do người Raglai cất giữ mang đến. Nghi lễ xong xuôi, bộ xiêm y được rước quanh làng trong sự cung kính của mọi người rồi tiến vào đền để cúng tế trong những ngày kate. Để có những phân tích sâu về nghi lễ truyền thống này, chúng tôi vận dụng lý thuyết về vốn xã hội của tác giả Trần Hữu Quang (1) để nhìn nhận về vai trò của vốn xã hội, cụ thể là kích thước văn hóa và định chế xã hội của vốn xã hội đối với việc bảo lưu lễ hội truyền thống của hai cộng đồng Chăm và Raglai.
2. Giới thuyết về vốn xã hội và các thành tố trong vốn xã hội
Vốn xã hội là vấn đề nghiên cứu thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Mỗi một khái niệm đưa ra một chiều cạnh khác nhau để tiếp cận “vốn xã hội”. Có tác giả cho rằng, vốn xã hội là tài sản của cá nhân trong mối liên kết với cộng đồng (Bourdieu); còn Coleman, Putnam, Francis lại cho rằng vốn xã hội là thứ tài sản của cả cộng đồng. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi theo quan điểm của nhóm tác giả Coleman, Putnam và Fancis. Bởi lẽ, khi coi vốn xã hội là tài sản của cộng đồng, có thể đánh giá được loại tài sản này có vai trò như thế nào đối với cộng đồng, hay cụ thể hơn là những truyền thống văn hóa lịch sử của cộng đồng. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở lý luận để đưa ra những dự án phát triển cộng đồng trong bảo lưu lễ hội truyền thống. Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng lý thuyết của bất kỳ tác giả nào đều phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu. Trong bài nghiên cứu này, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là hai cộng đồng Chăm và Raglai đối với một nghi lễ trong lễ hội truyền thống. Đây là yếu tố thuộc phạm trù văn hóa và xã hội, nhấn mạnh đến sự tương tác của cộng đồng và thể chế chính trị. Chính vì vậy, chúng tôi dựa trên lý thuyết về vốn xã hội của tác giả Trần Hữu Quang, khi tập trung vào kích thước văn hóa và định chế của vốn xã hội.
Theo tác giả, mối quan hệ giữa con người với con người luôn luôn chịu sự chi phối và cưỡng chế của các loại chuẩn mực khác nhau, từ những chuẩn mực luân lý, tôn giáo, phong tục tập quán, hay những chuẩn mực trong các tổ chức và hội đoàn xã hội, cho tới những chuẩn mực pháp lý trong một quốc gia. Những chuẩn mực này tạo thành cái vỉa trầm tích nằm sâu trong nền văn hóa của một xã hội. Vì thế, chúng ta không thể nào hiểu được vốn xã hội một cách đầy đủ, nếu không xem xét nó dưới góc độ của các chuẩn mực xã hội nằm trong khuôn khổ các định chế xã hội mà chúng ta đang khảo sát.
3. Chuẩn mực xã hội có tạo nên truyền thống văn hóa?
Theo Wikipedia, chuẩn mực xã hội là “các quy tắc mà một nhóm sử dụng cho những giá trị, niềm tin, thái độ và hành vi phù hợp và không phù hợp”. Vậy, chúng ta xem xét cái chuẩn mực xã hội mà tác giả Trần Hữu Dũng nói đến khi áp dụng vào một đối tượng cụ thể là vốn xã hội của người Raglai và người Chămpa là gì? Đó chính là quy tắc về chế độ mẫu hệ cùng với các giá trị, thái độ và hành vi được tạo nên từ những ràng buộc giữa hai dân tộc từ trong quá khứ và vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Anh Bá Minh Truyền, cán bộ Phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (Sở VHTTDL Ninh Thuận) cho biết: “Người Chăm có câu thành ngữ Chăm sa-ai Raglai adei - nghĩa là, người Chăm là chị cả, còn người Raglai là con gái út trong gia đình. Theo truyền thuyết, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phụng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa, người Raglai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phụng ông bà, tổ tiên và thần linh” (2). Về thời gian giữ bộ y trang của đồng bào Chăm, không ai trong cộng đồng Raglai có thể nhớ chính xác, những chia sẻ của họ chỉ đại ý rằng: lâu lắm rồi, không nhớ rõ, chỉ biết tộc họ đã giữ y trang được ba đời nay, chỉ biết rằng, theo tục lệ, y trang sẽ truyền lại cho con gái trong tộc... Như vậy, chuẩn mực xã hội hoàn toàn có thể tạo nên truyền thống văn hóa, truyền thống này được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác như một chất kết nối cộng đồng lại với nhau. Vì lẽ đó, vào ngày chuẩn bị đón lễ hội kate, về với làng Chăm Hữu Đức, ai cũng có thể nhận thấy cảnh nhộn nhịp và tất bật trong thôn để chuẩn bị rước y trang từ Phước Hà về làng. Hết mùa lễ hội, việc cất giữ y trang cũng trở nên vô cùng quan trọng. Qua phỏng vấn sâu, chúng tôi biết được, đồng bào Raglai Phước Hà mong muốn được xây dựng một ngôi nhà cố định để cất giữ y trang và những vật dụng cúng y trang. Nhờ đó mà hai cộng đồng dễ dàng thực hiện nghi thức cúng đầu năm và dần khôi phục bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Và điều quan trọng hơn, khi y trang được cất giữ cẩn trọng, thì lễ hội kate sẽ được giữ “hồn” một cách đúng nghĩa.
4. Mối liên hệ luân lý tình cảm, những ơn huệ và “khế ước” có thể bảo lưu truyền thống văn hóa không?
Theo tác giả Trần Hữu Quang “nếu xã hội cổ truyền được tổ chức chủ yếu dựa trên phong tục, tập quán, luân lý và tình cảm, thì xã hội hiện đại được tổ chức chủ yếu dựa trên luật pháp và lý tính… Hay nói như Henry Maine, trong quá trình chuyển từ xã hội cổ truyền sang xã hội hiện đại, quan hệ giữa cá nhân với nhau chuyển từ quan hệ “vị thế” (status) sang lối quan hệ dựa trên “khế ước” (contract)” (3). Như vậy, theo tác giả, bối cảnh xã hội chắc chắn sẽ làm phai nhạt mối liên hệ và khế ước truyền thống. Lý thuyết này sẽ đúng nếu như xã hội cổ truyền và xã hội hiện đại có sự phân tách và khác biệt hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với xã hội mà người Raglai và người Chăm đang duy trì, thì vẫn còn sự bảo lưu quá khứ và tiếp nối hiện đại một cách rõ rệt. Nhờ sự khép kín mà ít nhiều truyền thống văn hóa của hai cộng đồng được bảo lưu qua những thăng trầm của thời đại. Chính vì thế, trong trường hợp này, chúng tôi khẳng định, rằng mối liên hệ luân lý tình cảm những ơn huệ và khế ước truyền thống khó bị phai nhạt bởi bối cảnh thời đại.
Ngày hội của đồng bào Chăm - Ảnh: Thùy Linh
Như đã nói ở trên, theo tục lệ cổ truyền, đến dịp lễ katê của người Chăm, các làng Raglai (huyện Ninh Sơn, Ninh Phước) cử người rời núi cao mang theo báu vật mà vua chúa Chămpa ngày trước gửi gắm xuống các tháp để cùng dự lễ, rồi mang trở về núi cất giữ. Do quãng đường khá xa xôi và vất vả từ làng người Raglai đến làng người Chăm, nên người Chăm sẽ tổ chức nghi lễ đón báu vật tại điểm được thỏa thuận, thường là điểm giữa hai làng. Người Raglai và người Chăm từ hai hướng khác nhau đi từ sớm đến trưa sẽ có mặt tại điểm dừng chân mà người Chăm đã chuẩn bị sẵn. Các vị chức sắc của hai làng sẽ làm nghi thức gặp mặt, uống chén rượu, ăn miếng trầu rồi trao và đón nhận báu vật. Báu vật mà người Raglai mang theo gồm áo giáp, áo bằng vàng, mão bằng vàng, bảo kiếm, sắc phong của các triều vua Nguyễn cho vua Chăm, các đồ ngự dụng của vua Chăm. Ngoài những báu vật còn sót lại, người Raglai khi xuống núi cũng mang theo báu vật của chính mình, đó là những dàn mã la hàng trăm năm tuổi để tấu lên những âm thanh huyền bí để ngày hội kate thêm phần long trọng. Bao đời nay, người em út Raglai vẫn luôn làm nhiệm vụ cao cả đó, từ năm này qua năm khác. Theo những vị chức sắc Chăm, có một năm duy nhất, khi người anh Chăm không lên nói chuyện với người em Raglai trước ngày tổ chức lễ hội về việc rước y trang, khiến cho lễ hội kate năm đó bỏ đi nghi lễ rước và đón y trang nữ thần, nên lễ hội kate trở nên buồn tẻ, đơn điệu và mất đi linh hồn cũng như sức sống của nó. Chính vì vậy, vị thế người em út ấy trong trách nhiệm giữ và rước y trang ấy đã trở thành phong tục, tập quán, luân lý và tình cảm không chỉ của cộng đồng Raglai mà cả cộng đồng Chăm.
Thật ra, không phải chỉ người Raglai có mối liên hệ với người Chăm. Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết số báu vật mà con cháu của vua Chăm gửi cho người Chu ru (nay cư trú ở tỉnh Lâm Đồng) và người Raglai ngày trước rất nhiều bảo vật, di vật cung đình. Nhưng do chiến tranh, loạn lạc và nạn săn lùng cổ vật mà người Chu ru hầu như không còn lưu giữ được, chỉ người Raglai giữ lại được. Như vậy, trong quá khứ và chiến tranh, người Raglai giúp người Chăm giữ báu vật. Vậy, tại sao khi hòa bình, người Chămpa lại không tự giữ những báu vật là di vật của tổ tiên? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần phải quay lại lịch sử năm 1831, khi Lê Văn Khôi nổi loạn chống lại triều đình nhà Nguyễn. Sau khi dẹp được Lê Văn Khôi, biết được số đông con cháu vua Chămpa tích cực hợp tác với quân nổi loạn, Vua Minh Mạng đã thẳng tay đàn áp. Để tránh họa, một bộ phận người Chămpa di cư sang Campuchia, số khác mang theo các bảo vật của tổ tiên lên núi sống với người Chu ru và Raglai. Đến đời vua Thiệu Trị, lệnh đàn áp mới được hủy bỏ. Dầu vậy con cháu của vua Chămpa không mang di vật cha ông xuống núi mà gửi lại những bộ tộc đã chở che cho mình lúc hoạn nạn. Như vậy, từ một mối liên hệ, ơn huệ và “khế ước” lúc hoạn nạn mà nghi lễ này vẫn được bảo lưu, ngay cả khi người Chăm hoàn toàn có thể xin y trang nữ thần về và tự gìn giữ. Đối với người Chăm, những ơn huệ hay luân lý tình cảm từ trong quá khứ đã trở thành sợi dây kết nối và gìn giữ văn hóa mà không một thế lực nào, kể cả bối cảnh xã hội hiện đại có thể can thiệp được.
5. Lời kết: gìn giữ vốn xã hội là cách bảo lưu lễ hội truyền thống hiệu quả và bền vững
Thông thường, mỗi lễ hội truyền thống được mặc định là sản phẩm tinh thần của một cộng đồng có chung địa vực, tiếng nói cũng như truyền thống lịch sử văn hóa. Cũng có trường hợp nhiều địa phương cùng tổ chức một lễ hội để tưởng nhớ vị thánh thần nào đó, đây không phải là điều hiếm thấy. Bởi lẽ, dù có những địa vực gần hay xa, chênh lệch về kinh tế hay thể chế xã hội, thì họ đều chung một cội nguồn dân tộc là người Việt. Tuy nhiên, đều đặc biệt trong lễ hội kate đó là sự tham gia của hai tộc người khác nhau (người Chăm và người Raglai). Xét về phương diện cộng đồng, sự liên kết này sẽ dễ dàng lỏng lẻo nếu có những biến đổi về thể chế chính trị cũng như địa vực sinh sống. Tuy nhiên, cho đến nay, nghi lễ này vẫn được hai cộng đồng gìn giữ và tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Chúng tôi cho rằng chuẩn mực xã hội, mối liên hệ luân lý, tình cảm, những ơn huệ và bản “khế ước” là thứ liên kết bền chặt, những yếu tố vô hình này như một thứ luật bất thành văn nhưng lại kết nối hai cộng đồng xa xôi về địa vực, điều kiện sống một cách hiệu quả nhất. Theo ý kiến từ cá nhân người nghiên cứu, lễ hội hay nghi lễ là một yếu tố hoàn toàn truyền thống, vì vậy, kinh tế có thể phát triển, xã hội văn minh, hiện đại hơn, nhưng những chuẩn mực xã hội và ràng buộc tình cảm cần phải bảo lưu giống như linh hồn của di sản văn hóa trong cộng đồng sở tại.
______________
1, 3. Nhiều tác giả, Lòng tin và vốn xã hội, Nxb Tri thức, 2014, tr.49-69.
2. Tư liệu phỏng vấn của tác giả ngày 27-09-2019.
Tác giả: Nguyễn Thùy Linh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020