Đổi thay của một vùng đất

Với những ai xa quê, hay những ai từng có dịp về xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi mạnh mẽ của vùng đất này. Đạo Đức nghèo khó của những ngày xưa đã không còn, thay vào đó là diện mạo khang trang, hiện đại của một thị trấn trẻ. Tiếp tục với mục tiêu cao hơn nữa, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Đạo Đức kiên định với sứ mệnh khơi dậy khát vọng vươn lên, phấn đấu xây dựng thị trấn trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Tôi về Đạo Đức vào một ngày đầy nắng. Đi trên những con đường sạch sẽ được nhựa hóa, hai bên là những ngôi nhà cao tầng khang trang cờ hoa rực rỡ chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ thị trấn Đạo Đức nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi càng cảm nhận được những đổi thay vươn lên của vùng quê này.

Lục trong trí nhớ của mình, ông Lê Văn Cơ (70 tuổi), thôn Thượng Đức, thị trấn Đạo Đức kể: Thị trấn Đạo Đức có lịch sử phát triển khá lâu đời. Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Đạo Đức thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Thái Nguyên. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, nay thị trấn Đạo Đức thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, nhớ lại những tháng ngày gian khó, cơ cực, vất vả thời trai trẻ, ông Cơ bồi hồi chia sẻ: Ngày trước, Đạo Đức nghèo lắm, kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp mà hầu như người dân chỉ độc canh cây lúa mỗi năm một vụ. Đường đi thì sống trâu, ổ gà lầy lội, “nắng bụi mưa lầy”. Con em xã Đạo Đức đến tuổi trưởng thành là bỏ làng đi nơi khác mưu sinh. Rồi giọng ông chừng vui trở lại. Ông bảo người dân Đạo Đức giờ ổn rồi. Những chuyện đói nghèo ngày xưa đã thành dĩ vãng. Cuộc sống giờ đã no ấm, yên vui.

Bộ mặt nông thôn Đạo Đức đổi thay từng ngày.

Chia sẻ về những đổi thay hôm nay của Đạo Đức, ông Nguyễn Văn Ngừng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn phấn khởi cho biết: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đạo Đức đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, từng bước ổn định và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Đặc biệt, việc nâng cấp xã Đạo Đức thành thị trấn Đạo Đức là bước ngoặt quan trọng, tiền đề cho sự đột phá của Đạo Đức trong những năm tới, góp phần đắc lực vào sự phát triển của cả huyện và các vùng lân cận.

Để Đạo Đức sầm uất như bây giờ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã có những bước đi cụ thể nào? - Tôi hỏi ông Ngừng.

Ông Ngừng chia sẻ: Đạo Đức có 944,6 ha đất tự nhiên, 3.540 hộ với 14.596 người. Thị trấn vốn là vùng đất nghèo, không có nhiều thuận lợi về tiềm năng khoáng sản, không có làng nghề truyền thống. Thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp và chăn nuôi. Nguồn thu cho ngân sách địa phương hạn hẹp. Tuy nhiên, nhờ phát huy lợi thế địa lý giáp thành phố Phúc Yên, Thủ đô Hà Nội và thị trấn Hương Canh, giao thông thuận lợi… Đảng bộ xã Đạo Đức đã chủ trương định hướng cơ cấu kinh tế tăng dần tỷ trọng dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhờ đó, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ tập trung đầu tư trên địa bàn như Công ty gốm thép Việt Đức, công ty ong Tam Đảo, Công ty phân bón Phú Điền, Tập đoàn Quế Lâm phương Bắc… Các doanh nghiệp này không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách địa phương hằng năm.

Thương mại, dịch vụ trên địa bàn thị trấn cũng phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng. Nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán mở ra dọc hai bên quốc lộ. Các đường trục xã, trục thôn với đủ các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tạo nên bộ mặt đô thị mới. Song song với đó, địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, vận tải, phát triển các mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như hình thành các mô hình trồng hoa cúc, hoa hồng, hoa ly… và các loại rau màu mới. Kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Đạo Đức là một trong những địa phương về đích sớm (2015) và được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Bình Xuyên. Những năm qua, với sự đầu tư của tỉnh, huyện, sự đồng thuận của nhân dân, Đạo Đức đã duy trì tối đa các nguồn lực nhằm duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của thị trấn luôn đạt cao. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt hơn 830 tỷ đồng, tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị thu từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm 43,2%. Tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 28 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/ người/ năm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội luôn được quan tâm, chú trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hằng năm, có trên 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 88,9% thôn làng đạt danh hiệu Làng văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,95%. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ. 4/4 trường trên địa bàn đều đạt trường chuẩn quốc gia. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng vững chắc.

Trước cả “núi” công việc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn có gặp nhiều khó khăn không? - Tôi tiếp nối câu chuyện.

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Ngừng nêu một vài khó khăn là dù tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đạo Đức những năm qua tuy có cao song vẫn chưa tạo được những đột phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương. Hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ, ảnh hưởng không tốt tới thu hút đầu tư. Ông Ngừng cũng nhấn mạnh, để hiện thực hóa giấc mơ đô thị xanh, sạch, đẹp không phải ngày một ngày hai làm được. Vấn đề đặt ra là phải đổi mới nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế hộ dịch vụ - thương mại. Lực lượng lao động trẻ về cơ bản sẽ chuyển sang làm việc trong các doanh nghiệp, nhà máy. Đây cũng là bước chuẩn bị và hành động cụ thể nhất về chiến lược con người, mục đích an sinh xã hội mà Đảng bộ và nhân dân Đạo Đức hướng tới và quyết tâm phấn đấu.

Để giúp tôi được mục sở thị những thay đổi của Đạo Đức sau 5 năm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và lên thị trấn, trưởng thôn Thượng Đức - Lê Văn Lập dẫn tôi một vòng bằng xe máy qua 3 thôn của thị trấn. Ngắm nhìn cảnh sắc Đạo Đức, tôi không khỏi bất ngờ trước diện mạo của vùng quê này. Những tuyến đường chính được rải nhựa, bê tông phẳng phiu, nhà cửa kiên cố, khang trang; trường học, trạm xá, nhà văn hóa... đều là nhà cao tầng. Vừa đi, trưởng thôn Lê Văn Lập vừa giới thiệu với tôi hiện nay, người dân Đạo Đức đã ý thức được việc đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập nên hiệu quả sản xuất đạt cao hơn. Chỉ tay về phía cánh đồng hoa bạt ngàn ở thôn Nhân Vực, ông tự tin “khoe” với tôi, làng hoa Nhân Vực quê ông là một trong những “vựa” hoa lớn của toàn tỉnh! 

Chúng tôi ghé chân vào thăm gia đình chị Nguyễn Thị Mọc (60 tuổi), người đầu tiên đưa cây hoa về trồng tại Nhân Vực. Bên chén trà nóng, chị Mọc chân tình cho biết: Chị vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, quanh năm chỉ biết làm bạn với cây lúa, cây khoai. Lớn lên, chị xây dựng gia đình với anh Nghĩa là người cùng xóm. Cuộc sống gia đình với 7 miệng ăn, bao lo toan, bộn bề luôn đè lên vai chị. Khát khao làm giàu trên chính đồng đất quê hương lúc nào cũng thôi thúc chị. Nhưng làm giàu bằng cách nào đây? Trồng cây gì? Nuôi con gì?... Những câu hỏi ấy cứ trăn trở trong chị. May sao, năm 2000, chính quyền địa phương xã mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi về cơ cấu cây trồng cho chị em phụ nữ trong xã. Trong đó có mô hình trồng hoa. Chăm chỉ học kinh nghiệm, nghĩ là làm, với số vốn ban đầu chỉ vẻn vẹn 16 triệu đồng, chị Mọc về Mê Linh mua cây giống và học thêm nghề trồng hoa. Vượt qua những ngày gian khó, được mất, mất được, đến nay, gia đình chị đã có xe ô tô chở hoa đi bán khắp cả nước. Chị xây được nhà ba tầng đẹp đẽ, mua được 5 miếng đất và dựng 20 gian phòng trọ cho thuê. Từ vườn hoa của chị, nhiều hộ gia đình đã học hỏi kinh nghiệm làm theo.

Rời thôn Thượng Đức, tôi được ông Lê Văn Lập dẫn đến thăm mô hình làm kinh tế khá giả nữa của thị trấn đó là gia đình bà Lê Thị Cờ (65 tuổi) ở thôn Bảo Đức. Chia sẻ với tôi về cơ duyên để có cơ ngơi như ngày hôm nay, bà cho biết: Ngày xưa, nhà tôi nghèo lắm. Tám người con với tám sào ruộng khoán không đủ nuôi từng đấy miệng ăn. Để mưu sinh, cả gia đình hằng ngày phải đi mò cua, bắt ốc ven sông Cà Lồ. Ba người con trai của bà Cờ đến tuổi trưởng thành đã cùng nhau vào Nam làm thuê cho một xưởng sản xuất bò bía. Nhận thấy nếu đem sản phẩm này về quê chắc chắn sẽ được nhiều người dân ưa chuộng, năm 2013, người con trai cả của bà quyết định về quê lập nghiệp. Dùng tất cả số vốn dành dụm, bà Cờ hỗ trợ con đầu tư cơ sở sản xuất. Đến nay, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất bò bía của gia đình bà cho thu nhập vài trăm triệu mỗi năm; đồng thời, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Nguyễn Công Huân - Chủ tịch UBND thị trấn Đạo Đức khẳng định: Chính sự chủ động phát triển kinh tế gia đình của người dân địa phương đã tạo nên những khởi sắc của Đạo Đức hôm nay. Thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền nhân dân thị trấn sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Dẫu biết rằng, vẫn còn đó nhiều khó khăn và thách thức đang đợi chờ phía trước, nhưng với truyền thống đoàn kết, nhất trí, sự năng động và quyết tâm cao độ, tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân thị trấn Đạo Đức sẽ tiếp tục xây dựng một Đạo Đức giàu đẹp, hiện đại, văn minh, vững tin trên con đường đổi mới.

Tác giả: Đỗ Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

;