Huế - nơi sản sinh, nuôi dưỡng áo dài Việt

“Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”là chủ đề hội thảo do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức chiều 8/7/2020 cung cấp nhiều cứ liệu khoa học để nhận diện Huế là cái nôi đã sản sinh, nuôi dưỡng chiếc áo dài Việt Nam. Đó cũng là một nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Huế.

Nói như thế vì áo dài Huế là tiền thân cho áo dài Việt. Theo lịch sử ghi lại, năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, trong đó đề cập đến việc cải cách triều phục. Từ đó, chiếc áo dài trên đất Huế được chú trọng và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong. Nếu như Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài thì vua Minh Mạng có công đưa chiếc áo dài trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là kinh đô áo dài. Từ chiếc nôi ở Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc đáo. Với riêng xứ Huế, áo dài còn mang theo một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, ngoài đặc điểm chung của áo dài Việt Nam, áo dài xứ Huế còn có những đặc trưng riêng: “Áo dài năm thân hay còn gọi là áo ngũ thân, với ý nghĩa tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con…”.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn được coi là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế từ xưa cho đến nay. Đây cũng chính là lý do khiến Thừa Thiên Huế cần đầu tư nghiên cứu để khôi phục lại vị thế và thương hiệu “kinh đô áo dài” của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó,việc tổ chức Hội thảo lần này, nhằm nhấn mạnh về tầm quan trọng và ý nghĩa của công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị áo dài truyền thống Huế, đưa áo dài đến gần hơn trong cộng đồng, đồng thời tạo tiền đề để các ngành chức năng xây dựng hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Khẳng định áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo trong di sản văn hóa Huế, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, để xây dựng thương hiệu áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất cố đô, ngoài vận động phụ nữ thường xuyên mặc áo dài trong sinh hoạt, Thừa Thiên Huế cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế, như: tổ chức Ngày hội áo dài Huế với quy mô hoành tráng, thu hút người dân cùng tham gia; khuyến khích xây dựng các show trình diễn áo dài Huế. Đồng thời, xúc tiến thành lập Hiệp hội nghề may áo dài và kinh doanh áo dài Huế, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh áo dài Huế…

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống, niềm tự hào và là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hội thảo nhằm tri ân Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, người đã có công trong việc cải cách trang phục Đàng Trong góp phần khai sáng áo dài và tri ân vua Minh Mạng có công trong việc nâng tầm, tôn vinh áo dài trở thành quốc phục của nước ta; chứng minh việc cải cách trang phục nhằm mục đích thể hiện tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại; tạo cơ sở quan trọng cho sự hình thành, phát triển chiếc áo dài và dần chính thức trở thành quốc phục của dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Đồng thời, khẳng định Huế là cái nôi và kinh đô của áo dài Việt Nam - nơi còn lưu giữ các giá trị đặc trưng của áo dài truyền thống và là nguồn cảm hứng trong việc sáng tạo nhằm nâng cao giá trị của áo dài Việt Nam. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều nghệ nhân may áo dài với tay nghề điêu luyện, tạo ra những sản phẩm áo dài tinh tế, sắc sảo, cùng đội ngũ những người thợ may chuyên nghiệp đã thể hiện rõ vị trí và vai trò áo dài truyền thống trong đời sống văn hóa Huế qua các giai đoạn lịch sử; để từng bước xây dựng cũng như  khẳng định “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ  gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Việc tổ chức Hội thảo lần này cũng nhằm tri ân các vị tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của áo dài Huế và chào mừng Festival Huế lần thứ XI với chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới”.

Để nhân rộng, bảo tồn và phát huy giá trị đặc trưng này, trong những năm qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã kêu gọi và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức nữ và và nữ học sinh trung học, sinh viên đại học mặc áo dài sáng thứ hai đầu tuần, miễn vé tham quan vào di tích cố đô Huế đối với phụ nữ mặc áo dài trong dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Qua các hoạt động này, đã tạo ra những chuyển động ban đầu, cả về nhận thức và hành động, hoạt động nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của áo dài Huế, tiến tới đưa Huế thật sự trở thành kinh đô áo dài Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định tại Hội thảo: “Để xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài, cần có những hành động thiết thực đưa áo dài trở lại vị thế vốn có trong lòng người dân cố đô, như: tiếp tục vận động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên mặc áo dài nhiều hơn; yêu cầu cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mặc áo dài truyền thống; miễn vé vào tham quan di tích cho những người mặc áo dài; vận động chị em tiểu thương và nhiều đối tượng khác mặc áo dài vào Ngày hội áo dài Huế diễn ra trong dịp Festival Huế. Chính tôi cũng sẽ mặc áo dài trong những buổi tiếp tân Đại sứ. Ngoài việc tổ chức Ngày hội áo dài, tri ân các bậc tiền nhân có công khai sáng chiếc áo dài, Huế sẽ xây dựng một không gian để trưng bày áo dài Việt Nam, áo dài Huế”. Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các giải pháp khích lệ, cổ vũ người dân mặc áo dài truyền thống không chỉ trong các dịp lễ nghi mà có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để tôn thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, phong cảnh và con người Huế; làm cho Huế đẹp hơn, nên thơ hơn.

 

Tác giả: Nguyễn Thúy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

 

;