Độc đáo văn hóa chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ

Ở miền Tây có nhiều ngôi chợ thật lạ, ví dụ như chợ nổi. Ra đời và phát triển suốt hàng trăm năm qua, nhưng có lẽ đây là phiên chợ duy nhất vẫn giữ nguyên hồn cốt và tinh thần như từ buổi đầu hình thành.

Những lần phải đi công tác sớm, lên phà An Hòa, qua sông Hậu khi mặt trời sắp nhú, tôi thường ngó về phía giữa dòng sông, thả mình vào chợ nổi Long Xuyên. Cái chợ thật lạ, xuất hiện từ hàng trăm năm qua, nhưng có lẽ đây là phiên chợ duy nhất vẫn giữ nguyên hồn cốt và tinh thần như từ buổi đầu hình thành. Mặc cho sự phát triển kinh tế thị trường hay những chuyển dịch của dòng sông, chợ nổi vẫn hồn nhiên bán mua với chiếc những chiếc xuồng ghe và cây bẹo lắc lay cùng sóng nước… Trong khoảnh khắc ngắn nghĩ về chợ nổi, tôi thường tự hỏi, chợ nổi đã có từ bao giờ?

Sau này, có dịp đi thăm nhiều chợ nổi ở miền Tây, tiếp xúc các bạn hàng thương hồ, các chủ ghe hàng bông… song họ cũng không rõ chợ nổi đã có từ khi nào. Một chú trạc ngoài sáu mươi tuổi, khá am hiểu về văn hóa chợ nổi thì bảo rằng, chỉ biết từ đời ông cố của chú đã theo nghề hành bông bán ở chợ nổi. Nhẩm tính ra thì có thể chợ nổi đã bắt đầu có từ cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Khoảng thời gian này cũng vừa khớp với giai đoạn miền Tây bắt đầu thông thương kinh (kênh) rạch và giao thông đường thủy phát triển mạnh; nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày một nhiều đã thúc đẩy sự hình thành nên các chợ nổi trên sông.

Miền Tây là vùng đất quanh năm đều là mùa của cây trái và cá mắm. Hết mùa xoài lại đến mùa mít, hết mùa mít lại đến mùa chôm chôm; mùa cá ra sông thì bán cá tươi, hết mùa cá ra thì mùa khô mắm cũng vừa chín tới. Người dân quê thật thà chất phác, dư cây trái cá mắm thì chèo xuồng mang đi trao đổi. Ngày xưa, ai cũng chờ xuồng như vậy, cứ sáng sớm, có khi khoảng 3 - 4 giờ là người dân đã thức chèo xuồng chở hàng hóa dọc theo kinh rạch mà buôn bán. Những bạn hàng sơ khai của chợ nổi đã gặp nhau ở điểm giao của ngã ba, ngã tư kinh rạch… dần dà chợ nổi ra đời và phát triển. Từ ba, bốn chiếc xuồng trao đổi, dần dần làm nên những chợ nổi sầm uất hàng trăm ghe xuồng lớn nhỏ. Nói về chợ nổi, có thể kể đến những phiên chợ nổi lớn và nổi tiếng như: Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng, chợ nổi Ngã Bảy ở Hậu Giang, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, chợ nổi Long Xuyên ở An Giang, chợ nổi Trà Ôn ở Vĩnh Long… Có những phiên chợ họp cả ngày nhưng cũng có phiên chợ họp từ lúc khuya đến hửng sáng thì tan. Đây không chỉ là “chợ đầu mối” mà còn là nơi hội tụ về hầu như tất cả các mặt hàng đặc sản miệt vườn. Từ củ khoai, cây mía, khô mắm cho tới bánh xèo, bánh khọt… Chợ tập trung tại một điểm, ghe lớn thì đậu cố định với cây bẹo vươn cao, xuồng nhỏ thì đậu tấp theo hoặc chèo len lỏi vào các ngõ ngách để bán. Người ở chợ nổi hồn nhiên vui vẻ, đi từ xuồng này qua ghe nọ mà không hề cự cãi hay lớn tiếng; cũng không hề có tình trạng chặt chém hay chèo kéo khách ở phiên chợ này. Những yếu tố trên từ lâu được xem là lề thói, quy tắc ứng xử mặc định của dân chợ nổi.

Đến nay, chợ nổi vẫn là phiên chợ hấp dẫn không chỉ với người mua kẻ bán mà còn với cả du khách phương xa, bởi tính đặc trưng độc đáo và nét đẹp văn hóa vốn có của phiên chợ. Đến chợ nổi, điều đầu tiên làm khách lạ tò mò đó là “cây bẹo”. Đây là hình thức quảng bá sản phẩm độc đáo chỉ có ở chợ nổi. Chợ ở đây buôn bán không có biển hiệu, cũng không có rao bán mà mỗi ghe xuồng buôn bán hàng hóa nào thì người ta cũng lấy một cây tre hoặc tầm vông treo hàng hóa ấy lên đọt cây rồi dựng đứng ở mũi ghe, ấy là cây bẹo. Cây bẹo không chỉ là hồn cốt của chợ nổi mà còn nói lên tính cách của những bạn hàng nơi đây nói riêng và người dân miền Tây nói chung, chất phác, thật thà và hào sảng.

Tuy nhiên, cây bẹo ở chợ nổi cũng có 3 trường hợp ngoại lệ “treo gì bán nấy”. Thứ nhất là quần áo. Đây là mặt hàng thường “treo nhưng không bán”. Bởi lẽ dân sông nước, họ quen với việc treo quần áo lên sào để phơi, nên đôi khi vắt cái áo hay cái khăn lên cây bẹo cho khô thì bạn chớ nghĩ đó là ghe bán áo quần. Trường hợp thứ hai là những ghe xuồng có bán buôn nhưng lại không treo trên cây bẹo. Ví như ghe bán thức ăn đồ uống, họ không thể treo lên bẹo, nên thông thường những loại ghe xuồng nhỏ này được “miễn trừ” cây bẹo, mà thay vào đó là chạy len lỏi vào các khe giữa các ghe để bán. Trường hợp thứ ba là “treo lá bán ghe”. Ở chợ nổi, người ta mặc định với nhau rằng, hễ muốn bán ghe (xuồng) thì treo lá lên cây bẹo… Điều này có lẽ xuất phát từ việc không thể treo cả chiếc xuồng lên bẹo để bảo rằng ở đây có bán xuồng.

Chợ nổi là vậy, lúc nào cũng náo nhiệt, cũng có tiếng cười đùa vui vẻ của những người bán kẻ mua. Không khí chợ phần nào khái quát lên được tính cách của con người và thiên nhiên miền Tây hào phóng. Không phải dân theo nghề chợ nổi nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy chợ là lòng tôi lại nôn nao. Như cái sức hút của sông nước miệt vườn, của sự thật thà bán mua ở chợ nổi làm người ta nhẹ lòng và hồ hởi giữa chợ đời tấp nập đua chen. Bao nhiêu năm vật đổi sao dời, bao nhiêu ngôi chợ hóa thành siêu thị… nhưng chợ nổi vẫn dường như nguyên vẹn, chất phác, thật thà, có khi tôi nghĩ rằng chợ nổi mới chính là nơi mình có thể “mua” được hồn quê.

Cây bẹo – biểu tượng chợ nổi miền Tây nói chung

 

 

LÊ QUANG TRẠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

;