Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người qua hoạt động trình diễn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Dẫn nhập

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có lịch sử văn hiến hàng nghìn năm. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam có tầm quan trọng lớn đối với sự đa dạng và giàu có của một quốc gia. Không những vậy, nó còn góp phần tạo ra một xã hội hòa hợp và đoàn kết, giúp loại bỏ sự phân biệt và kỳ thị. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người có thể thúc đẩy du lịch văn hóa và tạo cơ hội kinh tế trong các khu vực này, giúp cải thiện đời sống của cộng đồng, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 khẳng định quan điểm: “Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt”.

Bám sát quan điểm chỉ đạo của Chiến lược, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng) đã có nhiều hoạt động đặc sắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Làng đã đi vào hoạt động đến nay được 13 năm. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của Ban Quản lý Làng cùng các ban, ngành liên quan, nơi đây đã và đang trở thành ngôi nhà chung của các dân tộc Việt, nơi hội tụ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo. Song song với đó, việc đưa văn hóa các tộc người thiểu số tiến gần hơn với cộng đồng, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước thông qua hình thức du lịch cũng là một hướng khai thác đang được triển khai mạnh mẽ.

Từ khi khai trương vào ngày 19-9-2010, Làng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, trong đó đã tổ chức thành công Đêm tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Chương trình nghệ thuật Chào mừng ngày di sản Văn hóa Việt Nam, Phiên chợ vùng cao, Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam… Với việc tổ chức nhiều sự kiện gắn với chính trị nói riêng và các hoạt động văn hóa, du lịch nhằm tôn vinh giá trị văn hóa tộc người nói chung, Làng đang dần phát huy những thế mạnh của mình. Với mục tiêu ban đầu khi xây dựng là tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em giới thiệu với nhân dân cả nước và quốc tế, Làng đã đưa vào kế hoạch hoạt động của mình nhiều sự kiện, chuyên đề theo từng năm, từng tháng, thậm chí đến từng tuần. Bên cạnh tái hiện không gian kiến trúc của 54 dân tộc tại bốn cụm làng thuộc Khu làng dân tộc thì việc đưa các hoạt động trình diễn văn hóa, tái hiện các nghi thức, nghi lễ, hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt của bà con đồng bào các dân tộc đã thổi một luồng sinh khí mới vào những công trình kiến trúc vật thể. Nhờ những hoạt động trình diễn văn hóa, những chủ thể văn hóa có cơ hội tìm tòi, trau dồi và giới thiệu bản sắc văn hóa của cộng đồng mình đến du khách bốn phương, qua đó nhằm bảo tồn và phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa tộc người trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi.

1. Tiêu chí lựa chọn hoạt động trình diễn văn hóa

Tiêu chí lựa chọn dựa trên kế hoạch hoạt động hằng năm của Làng

Hằng năm, ngay từ tháng 10, 11 năm trước, Làng đã lên dự thảo các hoạt động cho năm sau. Mục đích xây dựng dự thảo kế hoạch chi tiết đến từng tuần, từng tháng nhằm có thời gian chuẩn bị thống nhất với các địa phương, đơn vị về nội dung chi tiết, kinh phí hoạt động, tăng cường quảng bá theo đối tượng, sự kiện. Hiện nay, các hoạt động trình diễn văn hóa đang được triển khai theo năm cấp độ:

Các hoạt động hằng ngày: Đây chủ yếu là những hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống, giới thiệu văn hóa, sản vật địa phương, hoạt động hoàn thiện không gian văn hóa, cảnh quan. Với những hoạt động này đều được phân công về các Làng hiện đã mời được nghệ nhân về sinh sống tại Làng.

Các hoạt động cuối tuần: Được tổ chức và thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Hoạt động này được lựa chọn luân phiên mỗi tuần ở một làng dân tộc nhằm tạo điểm nhấn gắn với chủ đề theo tháng, theo mùa với các hoạt động trò chơi dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc, đồ thủ công truyền thống, giới thiệu tri thức dân gian… Hoạt động do các nghệ nhân đang sinh sống tại Làng thực hiện.

Hoạt động sự kiện: Đây là hoạt động định kỳ theo từng tháng, kết hợp với những ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm gắn với các chủ đề cụ thể. Hoạt động này tùy vào quy mô của sự kiện mà có thể liên hệ với địa phương để mời thêm người về hỗ trợ. Các hoạt động như giới thiệu văn hóa ẩm thực, dân ca dân vũ, lễ hội cồng chiêng…

Hoạt động chuyên đề: Lựa chọn các chuyên đề phù hợp từng tháng như các hoạt động triển lãm theo chủ đề, giới thiệu đặc trưng du lịch vùng, miền. Đối tượng là các dân tộc đang hoạt động tại Làng. Nhiều hoạt động đã được tổ chức như: trình diễn nghề thủ công truyền thống, tái hiện nghi lễ, nghi thức…

Hoạt động sự kiện thường niên (cấp Bộ): Gồm ba sự kiện lớn là sự kiện Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới, giới thiệu văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc đón Tết, trình diễn các nghi lễ cầu an, cầu phúc, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian...; sự kiện Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức vào ngày 19-4 với nhiều hoạt động phong phú của đồng bào dân tộc đến từ nhiều tỉnh thành, trong đó có các hoạt động như trình diễn dân ca dân vũ, giới thiệu văn hóa ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và tái hiện các nghi lễ truyền thống…; sự kiện Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam được tổ chức từ 18-11 đến 23-11 với quy mô sân khấu lớn và hội tụ các tiết mục biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Từ kế hoạch hoạt động, tiêu chí tổ chức mà Ban Quản lý có sự chuẩn bị nguồn lực cho phù hợp. Chẳng hạn như với những hoạt động sự kiện thường niên cấp Bộ có sự tham gia của Lãnh đạo quốc gia, các Bộ, ban, ngành T.Ư thì có quy mô lớn hơn nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh nên được chú trọng đầu tư nhiều. Còn với các hoạt động ở cấp độ thấp hơn thì có sự sắp xếp phù hợp về thời gian, nhân lực với tiêu chí giới thiệu bình đẳng văn hóa của các tộc người nhằm tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tộc người và khách du lịch.

Tiêu chí lựa chọn dựa trên đề xuất của chủ thể văn hóa

Theo kế hoạch thường niên diễn ra trong năm, gắn với từng sự kiện hoạt động, Ban Quản lý Làng đã có quá trình nghiên cứu, phác thảo ý tưởng để từ đó xin ý kiến, hợp tác từ phía địa phương quản lý. Các hoạt động trình diễn, chẳng hạn như việc tái hiện lại nghi lễ truyền thống của một tộc người đều phải qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu sao cho phù hợp với thời gian diễn ra nghi lễ đó theo tháng, theo mùa. Ý tưởng hoạt động đó sẽ được tham khảo ý kiến từ phía địa phương và chủ thể văn hóa xem họ có đồng ý với việc tái hiện nghi lễ đó tại không gian Làng hay không. Nếu được sự đồng thuận từ phía chính quyền địa phương và các nghệ nhân thì sẽ tiến hành thực hiện trình diễn tại Làng. Văn hóa của một tộc người do chính cộng đồng đó sở hữu và lựa chọn thực hành. Nó tiềm ẩn trong trí nhớ và tâm thức của mỗi con người cụ thể và được trao truyền từ đời này sang đời khác. Vì vậy, với mỗi cộng đồng thì ý chí, khát vọng, nhu cầu, thậm chí lợi ích của họ có tác động không nhỏ đến việc tồn vong của một thực hành văn hóa. Chính họ là nhân tố quyết định những thực hành văn hóa nào cần được bảo tồn và phát huy. Dựa trên nhận thức đó, Làng đã lựa chọn tiêu chí “nhiều giọng nói” để khuyến khích người dân và cộng đồng tham gia vào các hoạt động của Làng.

2. Bối cảnh chung của các cuộc thương thảo

Do đặc thù mô hình Làng là một khu làng chung, một ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em, vì vậy, trong kế hoạch hoạt động của Làng luôn kỳ vọng đây sẽ là một cuộc “di dân lập ấp” của bà con dân tộc. Sau sự kiện khai trương diễn ra vào ngày 19-9-2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các sự kiện văn hóa được tổ chức thường xuyên và cùng với đó là công tác thương thảo để mời các nghệ nhân dân tộc đến Làng hoạt động thường nhật cũng như trong các sự kiện. Trong những năm đầu khai trương, việc liên hệ với các địa phương trong nước để luân phiên mời nghệ nhân tham gia hoạt động đã được lên kế hoạch, cùng với đó là công tác thương thảo, lựa chọn nội dung hoạt động. Trong kế hoạch thực hiện hoạt động trình diễn văn hóa, tái hiện nghi lễ các tộc người chúng tôi phân chia ra hai đối tượng: một là, những hoạt động của các nghệ nhân đang sinh sống tại Làng; hai là, những hoạt động mời các nghệ nhân từ địa phương về hoạt động trong thời gian ngắn. Sở dĩ có sự phân chia đối tượng như vậy bởi liên quan đến quá trình thương thảo, thống nhất nội dung trình diễn văn hóa. Từ khi đưa vào hoạt động vận hành đến nay, Làng đã cơ bản xây dựng được phương châm và đường lối hoạt động. Bên cạnh việc lên ý tưởng, xây dựng nội dung thì vấn đề liên hệ, phối hợp với các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cũng được quan tâm sâu sắc. Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, các đoàn nghệ nhân đến từ hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước đã hội tụ về mái nhà chung để cùng nhau lan tỏa những giá trị văn hóa tộc người mình đến cộng đồng du khách đồng thời cũng phát huy sự học hỏi, giao lưu văn hóa giữa các tộc người với nhau. Hàng trăm tiết mục trình diễn dân ca dân vũ, tái hiện nghi lễ, nghi thức, lễ hội dân gian mang đậm đặc trưng văn hóa tộc người đã được các nghệ nhân lựa chọn để mang đến giới thiệu trước công chúng, trong đó phải kể đến một số các hoạt động như giới thiệu ẩm thực và nét đẹp văn hóa qua các phiên chợ vùng cao, tái hiện Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mường (Hòa Bình), Lễ hạn khuống của dân tộc Thái (Sơn La), Lễ cúng Then cầu an của dân tộc Tày (Thái Nguyên), Lễ cúng bến nước của dân tộc Ba Na (Gia Lai), Lễ cúng ché của dân tộc Ê Đê (Đăk Lăk), Lễ Sen Dotal của dân tộc Khmer (Sóc Trăng)…

Với lịch hoạt động khá dày trong năm ở tất cả các cấp độ trình diễn văn hóa, Ban Quản lý Làng trong công tác liên hệ, thương thảo với các địa phương để mời nghệ nhân về Làng hoạt động cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Do đặc điểm văn hóa của mỗi tộc người, mỗi địa phương khác nhau và quan điểm của họ về việc trình diễn để bảo tồn văn hóa tộc người tại một không gian xa lạ với địa phương cũng không phải lúc nào cũng dễ đi đến tiếng nói chung. Với đối tượng mời về hoạt động thường nhật tại Làng hay đối tượng “thời vụ” trong những dịp cần huy động thì quy trình thực hiện đều trải qua các giai đoạn sau: Trước khi mời cộng đồng → Trong khi mời cộng đồng → Sau khi mời cộng đồng → Tổ chức trình diễn tại Làng.

Đối với những sự kiện lớn như Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc được tổ chức vào dịp đầu năm mới; Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) hay Ngày hội Đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam (18 đến 23-11) cần có sự tham gia của đông đảo nghệ nhân đến từ địa phương thì quá trình mời cộng đồng thường diễn ra như sau: Trước khi mời cộng đồng, Ban Quản lý Làng thường lên kế hoạch hoạt động chung cho cả năm, lựa chọn thời gian, điểm nhấn hoạt động cho từng sự kiện rồi liên hệ với địa phương để đặt vấn đề hợp tác. Do đây đều là các sự kiện văn hóa chính trị lớn mang tầm vóc quốc gia với sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL nên việc phối hợp với các địa phương để lên kế hoạch, nội dung hoạt động, điều phối nhân sự đều nhận được sự đồng tình và tham gia nhiệt tình. Còn đối với những hoạt động ở cấp độ nhỏ hơn như hoạt động theo chuyên đề, theo quý thì việc liên hệ với địa phương là do sự chủ động, phối hợp của Ban Quản lý. Theo các mối quan hệ đã được xây đắp từ nhiều năm, khi có các hoạt động cần huy động nhân lực, Làng sẽ gửi công văn (kèm nội dung hoạt động) về các địa phương để phối hợp giới thiệu nghệ nhân. Chẳng hạn như trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4-2022, trong công văn gửi tỉnh Vĩnh Phúc mời dân tộc Dao về Làng trình diễn thì hoạt động văn hóa ấn định đã được Làng lên kế hoạch trước đó là “Trình diễn Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao”. Còn việc lựa chọn cộng đồng tham dự và nội dung trình diễn là trách nhiệm từ phía Sở VHTTDL địa phương.

Bước thứ hai trong chu trình hoạt động là mời cộng đồng. Khi được địa phương giới thiệu, Làng sẽ liên hệ với cộng đồng nghệ nhân nhằm thông báo cụ thể nội dung yêu cầu để trình diễn tại Làng. Tại bước này, có sự thương thảo giữa hai bên là Làng và cộng đồng. Với nội dung hoạt động được Làng đề xuất, cộng đồng có thể đóng góp ý kiến chỉnh sửa sao cho hợp lý. Về phía Làng đã xây dựng khung định mức hỗ trợ chi phí cho mỗi hoạt động. Tuy nhiên, về phía địa phương cũng có thể đề xuất việc số lượng người tham gia, chuẩn bị trang phục, dụng cụ, phương tiện đi lại… Từ những đề xuất của địa phương để hai bên cùng có kế hoạch chuẩn bị hoặc trao đổi sao cho hợp lý. Chẳng hạn trong trình diễn trích đoạn Chậm đò ho của dân tộc Thổ Thanh Hóa được trình diễn tại sự kiện Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc (tháng 2-2023), khi đưa nội dung hoạt động, Làng đề xuất một số nội dung như: trích đoạn Chậm đò ho; biểu diễn dân ca, dân vũ; trưng bày và giới thiệu văn hóa ẩm thực và trang phục. Nhưng khi đưa nội dung ra thương thảo với các nghệ nhân Thổ thì kịch bản đã có ý kiến không đưa phần giới thiệu ẩm thực, trang phục do không đủ nhân lực hoạt động. Thay vào đó theo đề xuất của các nghệ nhân thì sẽ trình diễn hai trích đoạn là Chậm đò hoMúa bắt nhái vì theo các nghệ nhân hai điệu múa này là đặc trưng của văn hóa Thổ xuất hiện thường xuyên trong các dịp nghi lễ và gắn bó sâu sắc với đời sống sinh hoạt người dân, do vậy không cần phải luyện tập cầu kỳ. Sau khi thống nhất phương án hoạt động, các nghệ nhân có thời gian chuẩn bị, luyện tập tại địa phương trước ngày trình diễn chính thức tại Làng. Như vậy có thể thấy, trong quá trình lựa chọn trình diễn văn hóa tộc người, Làng vẫn là người lên kế hoạch lựa chọn chính thông qua sự bàn bạc, nghiên cứu của Ban chuyên môn Làng. Khi về đến địa phương, kế hoạch đó sẽ được chuyển giao lại cho cộng đồng địa phương thực hành. Thông qua sự bàn bạc, thương thảo kỹ lưỡng giữa các bên để đi đến thống nhất trong việc trình diễn. Sau khi thống nhất nội dung, với mỗi hoạt động, Làng sẽ xây dựng một kịch bản cụ thể cho hoạt động trình diễn đó. Trong kịch bản có phần giới thiệu cộng đồng dân tộc, giới thiệu hoạt động trình diễn và diễn giải ý nghĩa, vai trò của hoạt động đó trong văn hóa tộc người. Kịch bản này được 1 người dẫn chương trình giới thiệu đến khách du lịch trong khi các nghệ nhân thực hiện trình diễn.

Sau khi làm việc với cộng đồng, Làng thường xuyên liên lạc với các nghệ nhân để nắm bắt tình hình chuẩn bị. Bên cạnh đó, Làng cũng phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức việc đi lại, ăn ở, chi phí hỗ trợ đạo cụ, thù lao hoạt động cho các nghệ nhân đều được lên kế hoạch kèm theo Quyết định của địa phương về việc thành lập đoàn nghệ nhân tham gia hoạt động, sự kiện tại Làng. Về việc kinh phí cho mỗi hoạt động thường theo khung đã được xây dựng của Làng. Tùy vào sự kiện hoạt động và số lượng người tham gia để có mức hỗ trợ kinh phí cho các địa phương phù hợp. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phát sinh do cộng đồng yêu cầu tăng thêm số người, may mới trang phục hay trang bị thêm các lễ vật, đạo cụ… Trong những trường hợp như vậy, Làng sẽ có trao đổi với chính quyền địa phương để hỗ trợ thêm kinh phí hoặc tìm giải pháp phù hợp.

Công đoạn cuối cùng là trình diễn tại không gian Làng nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như thu hút du khách. Khi đoàn nghệ nhân về tới Làng, Ban Quản lý sẽ phân công, bố trí người đón tiếp và sắp xếp chỗ ăn, ở cho bà con ngay tại không gian làng dân tộc mình. Việc đưa bà con về với “ngôi nhà của mình” và trình diễn ngay tại “khung cảnh quen thuộc” sẽ giúp cho các nghệ nhân bớt đi phần nào tâm lý sân khấu và họ tự do, thoải mái hơn trong việc đưa văn hóa tộc người mình về giới thiệu với Làng.

Đó là với những sự kiện cần mời nghệ nhân về hoạt động trong thời gian ngắn (đôi ba ngày). Bên cạnh đó, Làng đang có 15 làng có nghệ nhân sinh sống, thực hành văn hóa thường nhật. Cũng theo kế hoạch hoạt động năm của Làng, có những sự kiện các nghệ nhân tại Làng sẽ phối hợp cùng các nghệ nhân tại địa phương được huy động, nhưng cũng có các sự kiện mà chỉ có sự tham gia của chính các nghệ nhân tại Làng. Trước đó, Ban Quản lý sẽ tổ chức họp bàn, thương thảo các nghệ nhân về kế hoạch tổ chức và giao nhiệm vụ hoạt động đến từng Làng. Các nghệ nhân sẽ phối hợp cùng với Làng để thực hiện kế hoạch. Chẳng hạn như trong chuỗi hoạt động thuộc sự kiện Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc (2023), lần đầu tiên nghi lễ cúng bến nước của dân tộc Ba Na được trình diễn tại Làng. Nhận thấy đây là một lễ hội quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Ba Na, cộng thêm không gian làng Ba Na hội tụ đầy đủ cảnh quan từ nhà rông, cây nêu, thác nước và đặc biệt nội dung nghi lễ phù hợp với thời gian diễn ra theo truyền thống tại địa phương, lễ cúng bến nước được trình diễn trước công chúng đã giới thiệu được trọn vẹn các nghi thức quan trọng, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người đặc sắc.

3. Trình diễn để tồn tại và phát huy giá trị văn hóa tộc người

Schieffelin (1985) khi phân tích quá trình biểu diễn đã chỉ ra rằng những thực tế văn hóa (cultural reality) có thể xuất hiện hay được gọi lên thông qua biểu diễn và thực hành. Với chủ trương “để chủ thể văn hóa tự nói lên tiếng nói của mình”, Ban Quản lý Làng với tư cách là cơ quan Nhà nước thực hiện các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước mang tính chính trị sâu sắc đã phối kết hợp với các địa phương và chủ thể văn hóa nhằm tìm kiếm, chọn lọc và trình diễn giá trị văn hóa tộc người. Qua đó nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong bối cảnh hội nhập.

Cách thức trưng bày và trình diễn tại Làng đều thể hiện thông điệp nhất quán và rõ ràng: Việt Nam là một quốc gia đa dạng tộc người, đa dạng văn hóa. Mục tiêu xuyên suốt của các hoạt động trình diễn bao gồm cả trình diễn văn hóa vật thể và phi vật thể là nhằm tăng cường công tác bảo tồn, thúc đẩy hiểu biết về các tộc người, nâng cao nhận thức về đa dạng tộc người ở Việt Nam. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời giới thiệu rộng rãi văn hóa tộc người đến du khách trong và ngoài nước. Việc chọn lọc nội dung trình diễn còn liên quan đến bối cảnh tại Làng, khác với bối cảnh thực tế và văn hóa sống tại địa phương, tồn tại trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân. Tuy nhiên, do đặc thù của Làng là tái hiện bản sắc văn hóa tộc người thể hiện “sự thống nhất trong đa dạng” nên kế hoạch, phương thức và nội dung trình diễn đều có chủ đích rõ ràng. Đồng thời cũng phải tính toán mục tiêu thu hút du khách và quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Các hoạt động trình diễn được lên kế hoạch tổ chức tại Làng đều phải cân nhắc chọn lọc những cái hay, nét đẹp thể hiện chiều sâu văn hóa dần dần đã lan tỏa sự thay đổi trong cách nhìn nhận của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cộng đồng chủ thể trong vấn đề ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc tộc người. Chính chủ thể văn hóa là những người giữ vai trò kép khi họ vừa là nghệ nhân trình diễn, vừa là người hướng dẫn cụ thể cho các cấp chính quyền nhằm hoàn thiện mục tiêu và thực hiện chính sách. Làng là nơi giúp chủ thể văn hóa có môi trường để tiếp xúc, giao lưu với công chúng, tạo ra những trải nghiệm mới, có những sáng tạo mới cho cả đôi bên. Các hoạt động trình diễn được tổ chức gắn với cộng đồng, gắn với bảo tồn và phát triển trong đa dạng.

Kết luận

Mục đích tổ chức hoạt động trình diễn tại Làng vừa là nhiệm vụ chính trị với tôn chỉ là nơi bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa các tộc người Việt Nam, vừa tạo điều kiện cho chính chủ thể văn hóa ý thức được vai trò của mình và chủ động gìn giữ giá trị văn hóa của tộc người mình. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã khiến cho bộ mặt nhiều địa phương thay đổi, đời sống của các cộng đồng dân tộc có sự biến chuyển sâu sắc. Ở góc độ này, việc tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa tại Làng là công cụ đắc lực để cộng đồng đưa các giá trị văn hóa của mình đến Làng và cũng từ Làng, văn hóa đó sẽ càng được phát huy hơn khi cộng đồng trở về địa phương. Quá trình tham gia trình diễn tại Làng có sự trao đổi giữa các bên trong việc lựa chọn nội dung, thay đổi, điều chỉnh nội dung, hình thức trình diễn. Các bên tham gia đều có quyền đưa ra ý kiến và cùng nhau điều chỉnh dựa trên những đồng thuận chung trong khuôn khổ quy định của Làng.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, tập 1, Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007.

2. Nguyễn Chí Bền, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010.

3. Nguyền Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2003.

4. Nguyễn Văn Cương, Bản sắc văn hóa dân tộc và đa dạng văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế Văn hóa trong thế giới hội nhập, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2010, tr.87-96.

5. Ngô Văn Giá, Nguy cơ Mất và Rỗng bản sắc trong xã hội hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Văn hóa trong thế giới hội nhập, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2010, tr.57-63.

6. Schieffelin, E. L., Performance and the Cultural Construction of Reality (Trình diễn và tạo dựng qua thực hành văn hóa), American Ethnologist, 12 (4), 1985, tr.707-724.

PHẠM BÍCH NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

_____________________

* Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 9-2023.

;