Phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay

Bước vào thời kỳ đổi mới, giao lưu hội nhập quốc tế ngày càng sôi động, hệ thống truyền thông đại chúng (TTĐC) ở nước ta hiện nay phát triển rất nhanh chóng và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nguồn sức mạnh nội sinh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

1. Khái niệm TTĐC

Thuật ngữ Truyền thông (communication), có cội nguồn “từ nguyên gốc La tinh: Communico = thông báo, liên kết, tiếp xúc” (1). Truyền thông là quá trình trao đổi thông tin giữa con người với con người, tạo ra sự giao tiếp nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, kết nối thành cộng đồng xã hội, đáp ứng yêu cầu sinh tồn và phát triển của nhân loại. Nhu cầu thông tin giao tiếp là một nhu cầu cơ bản của loài người. Khi xã hội loài người càng phát triển thì nhu cầu thông tin giao tiếp ngày càng lớn trên bình diện rộng rãi của đời sống.

TTĐC (mass communication) được hiểu “…là một dạng thức truyền thông đặc biệt trong lịch sử loài người - khi mà người truyền thông tin có thể truyền tải thông điệp cho đông đảo quần chúng về số lượng và rộng khắp về địa lý - điều mà các cách thức truyền thông trước đó không thể nào có được” (2). Cho đến nay, TTĐC đã trở thành lĩnh vực văn hóa thông tin quan trọng của mọi quốc gia, dân tộc trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra sôi động, rầm rộ khắp các châu lục.

2. Mô hình cơ bản của TTĐC

Hoạt động TTĐC có nhiều yếu tố tham dự, tạo nên hai mô hình TTĐC cơ bản như sau:

Một là mô hình truyền thông một chiều (có tính áp đặt). Mô hình này truyền thông tin đi theo một chiều từ nguồn phát đến người nhận, chủ yếu đáp ứng mục đích, yêu cầu của chủ thể thông tin, còn chủ thể tiếp nhận thông tin không có cơ hội hồi đáp với nguồn phát. Mô hình này xuất hiện những thập niên đầu TK XX, khi mà TTĐC ở mức sơ khai ban đầu với sự xuất hiện của báo in và radio.

Hai là mô hình truyền thông hai chiều (tương tác liên tục). Đó là mô hình mềm dẻo, linh hoạt giữa truyền tin và tiếp nhận thông tin. Đối tượng tiếp nhận có thể lựa chọn, bày tỏ mong muốn, thậm chí tham gia tương tác, sáng tạo, trao đổi thông tin với nguồn phát. Mô hình này xuất hiện cuối TK XX và đầu TK XXI, do xã hội có trình độ dân trí cao và sự phát triển như vũ bão của các công nghệ thông tin hiện đại. Lúc này, quá trình TTĐC diễn ra với các yếu tố tham gia như sau:

Nguồn thông tin: là điểm khởi đầu của tiến trình TTĐC. Chủ thể truyền tin lựa chọn thông tin, mã hóa thành thông điệp (dưới dạng ký hiệu, lời nói, chữ viết, hình ảnh…) và gửi đi. Nội dung thông tin: những sự kiện được truyền tải. Kênh truyền thông: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, internet, mạng xã hội… Đối tượng tiếp nhận, nơi tiếp nhận: đa dạng, đông đảo trên toàn xã hội. Thông tin phản hồi: đa chiều. Hiệu quả (sự nhận thức và thái độ): đa dạng, phong phú.

 Lịch sử truyền thông của loài người bắt đầu những hình thức truyền thông sơ khai với các ký hiệu: ngôn ngữ, chữ viết, kỹ thuật in ấn sách; đài phát thanh và về sau là đài truyền hình, máy tính điện tửinternet, các hệ thống mạng lưới truyền thông đa phương tiện. Thực chất của TTĐC là hoạt động truyền thông sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại với những đặc điểm cơ bản sau: Thông tin có tính thời sự cập nhật được truyền đi nhanh nhất, trên phạm vi rộng nhất, đến nhiều người nhất; Công chúng tiếp nhận thông tin là từ hàng triệu đến hàng trăm triệu người trong một quốc gia và nhiều quốc gia trên thế giới; Nội dung các thông tin phong phú, phổ biến, phổ thông, phổ cập, có tính thực tiễn thời sự cao; Hiệu quả của TTĐC được đánh giá bằng hiệu ứng dư luận và sự điều chỉnh hành vi xã hội của con người và cộng đồng.

Hiện nay, các phương tiện TTĐC được phát minh sáng chế rất đa dạng, bao gồm: phương tiện in ấn hiện đại, kỹ thuật truyền phát sóng tín hiệu, máy thu thanh, máy thu hình, phát thanh, video, phim nhựa, băng hình, băng âm thanh, fax, đĩa hình, máy tính điện tử, cáp quang, vệ tinh nhân tạo, mạng thông tin toàn cầu (internet) và các loại hình như trang web, báo điện tử, các mạng xã hội tiêu biểu như Zalo, Facebook, Twitter, LinkedIn, Google...

Sự phát triển đột biến về nhu cầu thông tin trong xã hội hiện đại cùng những bước nhảy vọt của Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ chuyển đổi số đã làm xuất hiện rất nhiều loại hình và phương tiện truyền thông mới. Có thể nhận các loại hình TTĐC trong xã hội đương đại mà tiêu biểu là: sách và hoạt động xuất bản sách; báo in (gồm nhật báo, tuần báo, báo định kỳ, tạp chí...); phát thanh (báo nói); truyền hình (báo hình); báo điện tử; internet; điện ảnh; quảng cáo; băng từ; vệ tinh nhân tạo, cáp quang, băng video, fax, kỹ thuật số...; các hệ thống mạng xã hội lan truyền tương tác liên tục như: Zalo, Facebook, Twitter, LinkedIn, Google…

3. Phát huy sức mạnh của TTĐC đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay

TTĐC là một hiện tượng xã hội đặc biệt, đã và đang ngày càng chi phối sâu sắc, toàn diện mọi lĩnh vực và các tiến trình vận động, phát triển của xã hội loài người.

Ngay từ khi mới bắt đầu xuất hiện, TTĐC đã có ý nghĩa rất quan trọng. Báo chí phương Tây đã từng coi TTĐC là quyền lực thứ tư (sau các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp). Vai trò của TTĐC được thể hiện qua các chức năng xã hội đặc thù của nó, tác động đến tư tưởng nhận thức, tình cảm của con người, hình thành nên các trào lưu dư luận xã hội, chi phối mạnh mẽ đến hành vi của cộng đồng, từ đó góp phần tạo nên các giá trị văn hóa, con người của một thời đại.

TTĐC tác động đến sự phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay ở các phương diện sau:

Thứ nhất, tư tưởng cũng như đạo đức lối sống là thành tố quan trọng của văn hóa. Tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp sẽ dẫn con người đến hành động đúng đắn. Thông qua việc truyền dẫn thông tin cập nhật hằng ngày, TTĐC hướng dẫn, thuyết phục và giáo dục con người theo các chuẩn mực chân - thiện - mỹ của thời đại. Vai trò của TTĐC định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống được thể hiện như sau: Một là, với ưu thế truyền tin nhanh chóng, kịp thời, TTĐC truyền dẫn các sự kiện có tính thời sự trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. “TTĐC có thể được hiểu là hệ thống các phương tiện truyền thông hướng tác động vào đông đảo công chúng xã hội (nhân dân các vùng miền, cả nước, khu vực hay cộng đồng quốc tế) nhằm thông tin chia sẻ, lôi kéo và tập hợp, giáo dục, thuyết phục và tổ chức đông đảo nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang đặt ra” (3). Dư luận xã hội được tạo ra từ thái độ của cộng đồng xã hội đối với các sự kiện, các vấn đề có tính thời sự do TTĐC đem đến. Dư luận xã hội sẽ hình thành nên quỹ đạo chuyển động cho các tiến trình phát triển. Trong những thời điểm phức tạp, bức xúc, dư luận xã hội sẽ trở thành yếu tố hàng đầu, chi phối thái độ ứng xử của con người, góp phần xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp. TTĐC chân chính sẽ tạo nên sức mạnh hướng dẫn và hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng nền tảng tinh thần tích cực cho công chúng, là tiền đề quan trọng cho sự vận động, phát triển đất nước. Hai là, hoạt động của TTĐC góp phần phân tích sâu sắc về các vấn đề cuộc sống, các sự kiện thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nêu ra tính quy luật và xu hướng vận động của nó. Điều này làm cho công chúng có căn cứ để xác định lập trường, quan điểm trong nhận thức và hành động một cách phù hợp với các chuẩn mực đạo lý và pháp lý của đất nước. Nội dung giáo dục tư tưởng chính trị của TTĐC thường là: trang bị kiến thức cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, quan điểm chính trị xã hội đúng đắn cho công chúng; phân tích bản chất quy luật của các sự kiện, hiện tượng, nêu ra phương pháp tiếp cận, nhận thức, đánh giá, ứng xử một cách hợp lý trước các sự kiện, vấn đề có tính thời sự nóng bỏng; tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phân tích rõ cơ sở khoa học, cũng như các điều kiện, phương pháp thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách đó; kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ sự đúng đắn, trong sáng của các học thuyết cách mạng của Đảng và Nhà nước ta.

Thông qua hoạt động truyền dẫn thông tin đa dạng và phong phú, TTĐC nâng cao trình độ nhận thức của công chúng, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trong xã hội, khẳng định những giá trị đạo đức lối sống, những chuẩn mực văn hóa của dân tộc. TTĐC sẽ lan tỏa tri thức, kinh nghiệm từ cái riêng thành cái chung, cái phổ biến của toàn xã hội, từ đó thiết thực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Ngày nay, hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều xây dựng nhiều trung tâm phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, hãng thông tấn và đặc biệt là phát triển các phương tiện truyền thông mới, thiết lập internet kết nối vạn vật để thực hiện giáo dục, truyền thụ các tri thức đa dạng, phong phú.

Trong thời kỳ đổi mới, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam cùng các đài phát thanh, truyền hình tại các tỉnh, thành trên cả nước đã xây dựng nhiều kênh phát sóng và đan xen nhiều chuyên mục giáo dục công chúng, tạo ra không gian rộng lớn của một xã hội học tập liên tục và đều khắp. Có thể nói, TTĐC nước ta đã trở thành một “không gian xã hội học tập khổng lồ” với hàng triệu công chúng tham gia, thiết thực nâng cao trình độ dân trí cho mọi tầng lớp nhân dân.

TTĐC đã góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh, tích cực, tinh thần trách nhiệm cao cho mọi công dân. Theo đó, TTĐC đã truyền dẫn, phổ biến, khẳng định các giá trị văn hóa dân tộc trong hàng ngàn năm lịch sử, thúc đẩy hoạt động giao lưu, tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời tích cực quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Trong những năm qua, nhờ có TTĐC mà nhân dân cả nước ta vừa được hưởng thụ và tiếp nhận các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, lại vừa tích cực xây dựng và bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, biết cách ngăn chặn sự “xâm thực” của các yếu tố văn hóa ngoại lai không phù hợp.

Thứ hai, giám sát và quản lý xã hội là hai hoạt động đồng thời cùng chung mục đích thúc đẩy xã hội vận động, phát triển ngày càng tốt đẹp trên hai phương diện. TTĐC có chức năng giám sát, thông tin và cảnh báo cho các cơ quan quyền lực, những người đứng đầu có trách nhiệm về công quyền, các cộng đồng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và công dân cả nước… về những thách thức, khó khăn, những rủi ro, những nguy cơ có thể xảy ra để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn.

Báo chí ở nước ta là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, là diễn đàn của đất nước, nhân dân, góp phần giám sát và quản lý xã hội, thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Với khả năng cập nhật, truyền tin nhanh chóng, TTĐC sẽ phát hiện kịp thời những vấn đề bức xúc, nóng bỏng trong thực tiễn, dự báo những xu hướng phát triển, tuyên truyền, cổ vũ và biểu dương kịp thời các nhân tố tích cực, những tấm gương sáng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phòng ngừa và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, gian lận thương mại và các tệ nạn xã hội. Thông qua việc cung cấp thông tin, TTĐC sẽ truyền dẫn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn cách thực hiện đối với mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức của xã hội. TTĐC là diễn đàn rộng mở để nhân dân tham gia quản lý xã hội. Thông qua diễn đàn TTĐC, người dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, tạo ra sự gặp gỡ, gắn bó mật thiết giữa lòng dân và ý Đảng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

 Thứ ba, trên thực tế, TTĐC có thể tạo ra nhiều nội dung, chương trình giải trí (truyền hình, điện ảnh, thể thao, âm nhạc, tạp kỹ, du lịch, khám phá, mạng xã hội trên internet...) có sức hấp dẫn, thu hút hàng chục triệu người trong cộng đồng xã hội.

TTĐC có khả năng giải quyết nhiều dịch vụ như: thông tin, du lịch, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, mua sắm, quảng cáo, tư vấn, kinh doanh văn hóa phẩm, giao dịch tài chính, các dịch vụ giao lưu (gián tiếp, trực tiếp). TTĐC ngày nay đã cung cấp rất đa dạng “hàng hóa thông tin”, một loại hàng hóa tiêu dùng đặc biệt của xã hội hiện đại. Ngày nay, hầu như mọi quốc gia đều có sản phẩm “hàng hóa thông tin” đặc biệt này trên hệ thống TTĐC được lưu hành phổ quát và có ý nghĩa như một thứ phúc lợi công cộng đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, bên cạnh những tác động tích cực, TTĐC cũng có những tác dụng phụ trái chiều. Hiện nay, internet phát triển quá nhanh và hấp dẫn đã lôi cuốn con người và xã hội vào các đại dương thông tin với những dòng xoáy nguy hiểm. Do đắm chìm vào internet, con người dễ sống xa rời thiên nhiên, ít vận động, khó phát triển thể chất và sức khỏe. Lớp trẻ ngày nay dễ bị lệch lạc nhân cách, dễ bị kích động và có những hành vi thiếu kiềm chế. Người ta đã tiêu phí quá nhiều thời gian vào internet, mạng xã hội. Con người bối rối khi tiếp nhận thông tin, không biết đúng - sai, thật - giả. Hiện tượng này cần được sớm khắc phục bởi các cơ quan chức năng, bảo vệ sự trong lành của các không gian truyền thông cho con người và xã hội.

4. Kết luận

Ngày nay, những thành quả to lớn về khoa học, công nghệ hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ chuyển đổi số đã tạo ra sự phát triển như vũ bão của TTĐC, từ đó đem đến cho các quốc gia, dân tộc trên thế giới một kỷ nguyên mới về sự tăng trưởng. TTĐC đã trở thành kho tàng thông tin tri thức khổng lồ của loài người, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển lịch sử nhân loại. Với sức mạnh ưu trội đặc biệt về truyền dẫn thông tin sẽ có khả năng đóng góp to lớn vào hoạt động giáo dục xã hội, nâng cao dân trí, xây dựng các chuẩn mực văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người, đào thải những gì lỗi thời, lạc hậu và xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

TTĐC ở nước ta đã và đang trở thành một kênh giao lưu, tiếp biến văn hóa đặc biệt quan trọng, cần được xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

___________________

1. Phạm Thành Hưng, Thuật ngữ báo chí truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr.224.

2. Đặng Thị Thu Hương, Văn hóa truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 41-42.

3. Nguyễn Văn Dững (chủ biên), Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.102.

Ths NGUYỄN VIỆT THÁI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;