Định hình nền mỹ thuật hiện đại từ kế thừa di sản văn hóa

Di sản văn hóa là kho tàng phong phú để nghệ sĩ tìm kiếm ý tưởng cho các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nghệ sĩ cần phải làm chủ được hiểu biết về di sản, nhằm khẳng định tên tuổi của bản thân trên lĩnh vực nghệ thuật, cũng như định hình được vị thế của nền mỹ thuật hiện đại nước nhà.

Nguyễn Minh, Ngày xửa ngày xưa 16 (2024), acrylic trên toan

Để tạo cơ hội kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành nghệ thuật và công chúng, tọa đàm Di sản văn hóa Việt trong đời sống đương đại đã được tổ chức vào ngày 25/8 vừa qua, tại Nhà Triển lãm số 29 Hàng Bài, Hà Nội. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ triển lãm Ngày xửa ngày xưa - sự kiện ra mắt công chúng của nhóm Heritage And Art, với sự tham gia ban đầu của hơn 10 thành viên. 

Kế thừa, chứ không sao chép di sản

Tại tọa đàm, họa sĩ Nguyễn Minh, người sáng lập nhóm Heritage And Art chia sẻ, việc biến di sản văn hóa trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nên câu chuyện mới cho mỹ thuật, là điều không dễ với các nghệ sĩ, ngay cả những người có kinh nghiệm thâm niên. Bởi không đơn giản là sao chép lại di sản lên tác phẩm của mình, các nghệ sĩ còn phải trang bị cho mình sự am tường nhất định về văn hóa truyền thống, để thể hiện chúng bằng ngôn ngữ hiện đại. Như vậy, mới có thể khẳng định được thương hiệu cá nhân. 

Nguyễn Thế Long, Vô lượng tâm 01 (2024), sơn mài

Thành công với chuỗi các tác phẩm mang tên Ngày xửa ngày xưa, họa sĩ Nguyễn Minh nêu quan điểm, cần đặt ra lộ trình nghiên cứu mỹ thuật cụ thể cho từng giai đoạn. Có giai đoạn anh tập trung nghiên cứu và thể hiện các yếu tố văn hóa dân gian lên tranh nên bắt gặp trong tranh của Nguyễn Minh là hình ảnh của điêu khắc gỗ trên đình làng, họa tiết trong tranh Ðông Hồ (Bắc Ninh)… Kế đó, anh lại đổ dồn sự tìm tòi của mình vào phong cách tạo hình trong văn hóa cung đình mà nổi bật là họa tiết đầu rồng, đầu phượng, chim thần Kinnari thời Lý. Nhờ đó, anh Nguyễn Minh tránh việc sao chép một cách khô khan, thiếu sức sống những di sản văn hóa vào tranh mình vẽ.

Nhưng không phải nghệ sĩ nào khi tiếp cận di sản cũng suôn sẻ như Nguyễn Minh. Với thế hệ nghệ sĩ trẻ, sống trong xã hội hiện đại, để có thể hiểu được di sản cần quá trình nghiên cứu rày công và không hề đơn giản. Cá nhân họa sĩ Dương Thu Hằng cũng từng loay hoay, cố gắng thấu hiểu giá trị mà tiền nhân để lại. “Văn hóa truyền thống trải dài hàng nghìn năm, còn đời người chỉ hữu hạn trong khoảng một trăm năm đổ lại”, chị Dương Thu Hằng trăn trở. Nên khi bắt tay vào xây dựng nhóm Heritage And Art, anh Nguyễn Minh cùng các cộng sự đặt ra các chủ đề để nghiên cứu. Chủ đề đầu tiên nghiên cứu, cũng là chủ đề đầu tiên cho triển lãm ra mắt của Heritage And Art xoay quanh những cổ vật, bảo vật quốc gia. Nhóm đã tổ chức các cuộc điền dã thực địa, để các nghệ sĩ có thể chiêm ngưỡng tận mắt những di vật quý giá. Nhờ chia nhỏ chủ đề thực hiện như vậy, các nghệ sĩ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi đi sâu vào một vấn đề, tránh bị lan man. Còn về chất liệu, họa sĩ Nguyễn Minh luôn khuyến khích các nghệ sĩ thỏa sức lựa chọn. Miễn sao, với chất liệu nào đi chăng nữa, người làm nghệ thuật có thể thể hiện được tốt nhất những ý tưởng của mình. Hơn hết là truyền tải có hiệu quả nhất những câu chuyện mình gửi gắm tới khán giả.

Trần Thược, Kết tổ (2024), gốm

Nếu như ta có thể tìm thấy trong tranh của Nguyễn Minh hay một số nghệ sĩ khác tại triển lãm Ngày xửa ngày xưa dáng hình quen thuộc của những cổ vật hay hoa văn cổ truyền. Thì họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên Trường Ðại học Sân khấu và Ðiện ảnh Hà Nội quan niệm, di sản văn hóa không chỉ là những thứ hữu hình, hiện hữu qua những cổ vật, đồ án trang trí, phong cách tạo hình thuộc về triều đại nào đó. Mà nó có thể là cốt cách, tập tính, ứng xử văn hóa của cư dân ở một vùng đất, địa danh nào đó. Và rõ ràng, căn tính dân tộc ấy là di sản văn hóa phi vật thể, hình thành nên di sản văn hóa vật thể là những tạo hình nghệ thuật của một cộng đồng. Như thế, không phải đưa những hoa văn, đường nét cổ truyền vào tranh một cách ràng buộc, mới có nghĩa là kế thừa di sản.

Quan sát các tác phẩm của nhiều họa sĩ, anh Lê Thế Anh cho hay, nhìn thoáng qua các tác phẩm có sự tiếp thu ảnh hưởng của của các danh họa trên thế giới như Van Gogh hay DaVinci, nhưng căn tính dân tộc đâu đó vẫn hiện lên, tựa như mạch ngầm len lỏi ở sâu bên trong. Nhìn vào nhân vật, sự vật được khắc họa trong đó, có thể thấy ngay đó là những giá trị thuộc về Việt Nam. Anh tiếp tục lấy dẫn chứng về những cái tên thuộc thời mỹ thuật Ðông Dương như Lê Phổ, Lê Thị Lựu… Dù định cư ở nước ngoài, nhưng ta vẫn có thể thấy tính Việt Nam được thể hiện rất rõ nét trong các bức tranh của họ. Chính họa sĩ Lê Thế Anh đem đến cho triển lãm Ngày xưa ngày xưa một tác phẩm mang tính chất như thế. Anh đã tái hiện được vẻ đẹp của nàng Châu Long trong tác phẩm cùng tên, hiện lên là một người phụ nữ Việt đoan trang, hội tụ những phẩm hạnh tốt đẹp như dịu dàng, khiêm nhường. Ðược biết, đây là nhân vật được lấy cảm hứng từ vở Chèo kinh điển Lưu Bình, Dương Lễ.

Truyền tải thông điệp đến người xem

Nghệ sĩ thực hành nghệ thuật trên chất liệu di sản cũng không dễ dàng gì khi tiếp cận di sản, chưa nói tới khán giả. Vì điều này, họa sĩ Dương Thu Hằng đề xuất, các nghệ sĩ nên đặt bên cạnh các tác phẩm trưng bày những chú thích rõ ràng, diễn giải chi tiết. Cụ thể, hoa văn trong tác phẩm được lấy cảm hứng từ thời đại nào, nhân vật được đưa vào có liên quan tới bối cảnh lịch sử nào,… Với những chuyên gia, những người có am hiểu mỹ thuật cổ, không quá khó để lý giải những lớp trầm tích văn hóa. Nhưng họ không phải đối tượng đông đảo nhất tới xem các triển lãm. Và để phần lớn công chúng, đặc biệt là những người chưa có nhiều hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật có thể hứng thú, trước tiên cần phải cho họ hiểu nội dung mình đang xem nói lên điều gì, chị Dương Thu Hằng nhận định. 

Lê Đức Tùng, An lạc (2024), sơn mài

Ghi nhận góp ý trên, song họa sĩ Nguyễn Minh vẫn mong muốn, hãy để cho các tác phẩm tự tạo ra tiếng nói riêng. Ðiều mà Heritage And Art hướng tới là mỗi người tới xem sẽ tự cảm nhận, suy luận dưới lăng kính của riêng mình. Bằng những cách hiểu khác nhau, sẽ tạo ra cho di sản tiếng nói đa dạng hơn, giúp nối dài hơn câu chuyện kể của di sản. Còn nếu khán giả muốn tìm hiểu thêm, bất kỳ nghệ sĩ nào cũng luôn sẵn sàng giải đáp và chia sẻ câu chuyện phía sau tác phẩm.

Chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc truyền tải thông điệp văn hóa vào các tác phẩm mỹ thuật hiện đại có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta mong muốn, di sản có sức sống mới, nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ xã hội. Chính vì thế, những sự kiện như thế này rất đáng khuyến khích, cổ vũ. Từ đó, không chỉ thu hút được sự tham gia của các bạn trẻ, mà còn huy động được sự quan tâm của toàn xã hội với di sản văn hóa. 

Định vị nền mỹ thuật Việt Nam trên trường quốc tế

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét, 39 tác phẩm trưng bày trong triển lãm Ngày xửa ngày xưa đã cho ta thấy được nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam có những yếu tố vận động từ dòng chảy của di sản văn hóa. Các tác phẩm không đưa người xem ngoái nhìn lại quá khứ như nhìn ngắm những hiện vật trưng bày trong bảo tàng, mà đó là sự cộng hưởng từ truyền thống với hiện đại. 

Lê Thế Anh, Nàng Châu Long (2024), sơn dầu

PGS, TS Bùi Hoài Sơn tiếp tục khẳng định, để nền nghệ thuật của mỗi quốc gia có được vị thế trên trường quốc tế, thì nền nghệ thuật của quốc gia ấy phải khai thác được giá trị văn hóa truyền thống vốn có. Từ việc khai thác đó, nghệ sĩ có thể tạo ra tính độc đáo cho riêng cá nhân mình. Ðiều này giúp cho các dòng tranh hiện đại vốn đã có sức hút nhất định với công chúng hiện đại, lại gia tăng giá trị thông qua sự cộng hưởng với các di sản truyền thống. 

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta đưa giá trị văn hóa vào các loại hình nghệ thuật khác nhau, nó có ý nghĩa tiếp thêm sức sống mới cho các di sản, cũng như các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Trên cơ sở đó, ta định hình phong cách mới cho nền nghệ thuật Việt Nam trong dòng chảy trong của nghệ thuật thế giới, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

NAM SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

;