Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp phát triển văn hóa - nghệ thuật

Sinh thời, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt yêu mến đối với văn hóa - nghệ thuật. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mà còn là một nhà lý luận văn hóa xuất sắc, một nhà văn hóa lớn với nhân cách sáng ngời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024) - Ảnh: Cấn Dũng

Khẳng định vai trò của văn hóa - nghệ thuật với sự phát triển đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập toàn diện, sâu sắc lĩnh vực văn hóa; Hội nghị toàn quốc về văn hóa của Đảng sau hơn 70 năm là dấu mốc gắn kết tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư khẳng định: Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”!  Theo đó, quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - Ảnh: Trần Huấn

Năm 2018, trong buổi gặp mặt thân mật 150 trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu đại diện cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên mọi miền đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nước ta mạnh hay yếu, thịnh hay suy, trước hết yếu tố con người có vai trò động lực, then chốt. Trong đó, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu đề xuất, phản biện và ứng dụng… phục vụ xây dựng, hoạch định và triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Giải thích về khái niệm văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ: “Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.  Chính vì vậy, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn”.

 Điều đó cũng nghĩa là văn hóa - nghệ thuật không chỉ là sức mạnh tinh thần, mà còn là sức mạnh mềm của quốc gia.  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ một trong những điều cần làm khi chấn hưng nền văn hóa Việt Nam là phải: “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, con người, tài nguyên môi trường, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng…) thì nguồn lực văn hóa là một nguồn sức mạnh mềm quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “cẩm nang” cho cán bộ ngành Văn hóa - Ảnh: vov.vn

Thậm chí văn hóa - nghệ thuật có thể đem lại của cải, vật chất nếu được nâng tầm thành một ngành công nghiệp. Với Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm vụ mới là xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đúc kết và phát triển lý luận về văn hóa trong thời kỳ đổi mới

Nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ năm 2021 - Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

Trong các công trình nghiên cứu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến hầu như tất cả các lĩnh vực của văn hóa, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới. Ngay từ năm 1998, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII của Đảng “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - chiến lược văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Trung ương 5 đã phát huy tác dụng to lớn đối với thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa nước ta trong hơn hai mươi năm qua. Kết quả thực hiện Nghị quyết đã tạo cho nền văn hóa Việt Nam có được nhiều giá trị, diện mạo và sắc thái văn hóa mới, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, đại chúng. Cho đến trước lúc đi xa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn trăn trở với công cuộc bảo tồn, phát triển văn hóa - nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. 

Tâm huyết cả đời của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với văn hóa - nghệ thuật được đúc kết trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong cuốn sách quan trọng này, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dựng lên một hệ thống lý luận đầy tính khoa học có tính nền tảng về văn hóa và dân tộc, về truyền thống và hiện đại, về phẩm giá con người và lý tưởng. Từ đó đã làm hiện lên tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa một cách thực tiễn nhất, khoa học nhất và nhân văn nhất. Với vị trí và cương vị của mình, khi nghiên cứu, suy ngẫm về văn hóa bao giờ trong tư duy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là sự thống nhất giữa yêu cầu chính trị với đặc trưng văn hóa. Từ đó, những nhận định, phân tích, đánh giá của ông đều mang sắc thái riêng, phong cách diễn đạt riêng. 

Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Nhân dân vừa là người sáng tạo, vừa là người thụ hưởng văn hóa. Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam với trí lực, tâm hồn, nhân cách; tôn trọng sự biểu đạt đa dạng của văn hóa của các dân tộc và vùng miền; đẩy mạnh các phong trào văn hóa sâu rộng và hiệu quá, xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trên tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội thành quy tắc ứng xử trong xã hội, cộng đồng, công sở và không gian mạng; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức... là những nhân tố đặc biệt quan trọng tạo nên tầm vóc của một dân tộc văn hiến, một đất nước văn minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và GS Vũ Minh Giang tại lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức, ngày 24/3/2023

Một đặc điểm nổi bật tạo nên phong cách Nguyễn Phú Trọng trong tư duy, lý luận về văn hóa là vận dụng nhuần nhuyễn, triệt để và khoa học phép biện chứng mác-xít. Những cặp phạm trù, những mối quan hệ biện chứng luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng để lý giải, định hướng khi chỉ đạo xây dựng văn hóa. Cùng với việc làm sáng tỏ hơn nội hàm của luận điểm “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của nền văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh bốn cặp phạm trù tạo nên “đặc trưng bản chất” của nền văn hóa, đó là: Truyền thống - Hiện đại, Kế thừa - Phát triển, Dân tộc - Quốc tế, Nhân văn - Dân chủ - Khoa học.

Với tư duy nhạy bén, tầm nhìn xa trông rộng về sự phát triển của chuyển đổi số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra yêu cầu phải “xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số”, đồng thời không đặt văn hóa trong thế bị động. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra một luận điểm mới “làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. 

Về văn học - nghệ thuật trong thời đại mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ quan điểm của mình trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023): “Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào? Nhiều người thường bảo, văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao, các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình”. 

Và ông chỉ rõ mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là “tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!”. 

Nhà văn hóa lớn của thời kỳ đổi mới

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì Dân tộc còn”, Nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hóa của Đảng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà khoa học trong nước, quốc tế tham dự Hội thảo quốc tế về Việt Nam học, ngày 15/12/2016

Tư tưởng văn hóa của ông đã góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa trong thời kỳ mới. Trên cương vị Tổng Bí thư, gần như mặt trận nào chúng ta cũng thấy phong cách văn hóa Nguyễn Phú Trọng, đó là sự kế thừa từ đặc trưng lịch sử, văn hóa riêng của Việt Nam kết hợp với thực tiễn hiện nay.  Ví dụ như trong lĩnh vực đối ngoại, với nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm tư duy chiến lược, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát triển tư duy đối ngoại Việt Nam, tổng kết thực tiễn và hình thành nghệ thuật “Ngoại giao cây tre”; xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Hay như, thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, đồng chí luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; chăm lo xây dựng Quân đội, Công an vững mạnh, đoàn kết gắn bó. Đồng chí thường xuyên căn dặn lực lượng vũ trang phải thấm nhuần, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, “dựa vào dân mà làm việc”, “phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”, gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, phải làm cho dân ngày càng tin hơn, giúp đỡ nhiều hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các văn nghệ sĩ tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7/2023 - Ảnh: Quang Hồ

Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, đặc biệt là xây dựng văn hóa liêm chính. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh thông điệp: “Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đồng thời, nhắc nhở cán bộ, đảng viên về việc học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương ngời sáng với những phẩm chất cao quý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi với đồng bào, đồng chí, trong công việc luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học, quyết đoán, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; được cán bộ, đảng viên, Nhân dân tin tưởng, yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao. Trong cuộc sống đời thường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành. Đó chính là nhân cách của một nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về thực hành văn hóa, một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

TRẦN ĐỨC ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;