Áp lực doanh thu với dòng phim nghệ thuật

Áp lực doanh thu đang kéo các hãng phim đi theo con đường làm phim chiều theo thị hiếu để nhanh thu hồi vốn. Trong dòng xoáy đó, phim nghệ thuật cần đến những giải pháp và cả sự thỏa hiệp.

Phim Song Lang

Khi bộ phim Dòng máu anh hùng ra mắt, đạo diễn Charlie Nguyễn được kỳ vọng là một cá tính sáng tạo mới mẻ với dòng phim hành động kết hợp câu chuyện mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Kiến thức điện ảnh cập nhật với thế giới cũng giúp anh ghi điểm với lối kể chuyện cuốn hút, nhịp điệu nhanh. Dù bộ phim không mang lại doanh thu như kỳ vọng do quy mô thị trường khi đó còn khiêm tốn nhưng đã từng là niềm hy vọng, sự tự hào của giới làm phim Việt Nam giai đoạn đó. Đặc biệt với dòng phim hành động - một thể loại còn khá hiếm về đề tài và cả đầu phim ở Việt Nam.

Cùng mảng phim đó, bộ phim Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ khi ra mắt cũng làm dấy lên nhiều hy vọng về dòng phim hành động kết hợp võ thuật. Với sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo, công chúng từng kỳ vọng các câu chuyện, nhân vật trong lịch sử dân tộc, các triều đại sẽ dần được khai phá và lịch sử có thêm một hướng tiếp cận mới với khán giả qua các bộ phim. Tuy nhiên, dù được đánh giá khá cao về mặt nghệ thuật nhưng bộ phim đã thua lỗ khi ra rạp vì chi phí đầu tư cho phim khá lớn. Khán giả vẫn kém mặn mà với dòng phim nghiêm túc, giầu sáng tạo nghệ thuật hay chính quan niệm phim lịch sử là khô khan đã khiến các bộ phim hành động, phim nghệ thuật khai thác mảng đề tài này kém thu hút khi ra rạp. Một vài ý kiến thì cho rằng: Trong một môi trường nghệ thuật còn nhiều bấp bênh, thị hiếu khán giả chưa cao và khó đoán định thì doanh thu sẽ nắm vai trò quyết định dẵn dắt các hãng phim, các nhà sản xuất khi sự ra đời và tồn tại của họ bên cạnh những khát vọng tìm kiếm nghệ thuật là nỗi lo doanh thu, lời lãi để có thể duy trì và tiếp tục làm phim. 

Sau tác phẩm được đánh giá cao là Dòng máu anh hùng có doanh thu không như kỳ vọng, khán giả gặp lại Charlie Nguyễn với Để mai tính, Long ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ… Nhiều người xem việc đạo diễn này rẽ sang dòng phim giải trí là sự xuống tay về nghề nghiệp. Tuy nhiên, đằng sau lối rẽ ấy ít ai chịu tìm hiểu vì sao những đạo diễn cá tính với tư duy sáng tạo độc đáo cứ ngày một dễ dãi, thỏa hiệp khi chính họ đôi khi cũng chỉ là người làm thuê và mang theo áp lực cần thu hồi vốn cho nhà đầu tư, những người bỏ tiền cho họ sản xuất phim. Trong một cuộc hội thảo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chia sẻ: “Nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ đến các phim nghệ thuật thì khán giả Việt Nam mới có phim nghệ thuật để xem, phim Việt mới hy vọng có thể đua tài tại các LHP lớn như Cannes, Venice... Nhà nước không thể làm thay những vấn đề thị trường đã làm nhưng có thể đưa ra những cơ chế, chính sách phát triển thị trường cho tốt trong đó cần xây dựng cơ chế đánh giá, phân loại phim”. Nói thêm về cá tính sáng tạo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết: “Khi làm phim bằng nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn tư nhân, đạo diễn xét cho cùng cũng phải làm phim theo yêu cầu của các nhà sản xuất. Muốn làm phim nghệ thuật xuất phát từ nhu cầu cá nhân thì anh phải có tiền tự bỏ ra đầu tư và chấp nhận mọi rủi ro về doanh thu. Trong khi thị hiếu của khán giả thì khó đoán, nhà sản xuất đôi khi buộc phải chọn đề tài, thể loại phù hợp với nhu cầu, số đông khán giả. Đạo diễn muốn làm nghề, muốn tồn tại thì phải chấp nhận những yêu cầu đó”.

Đó cũng là một trong những lý do mà các bộ phim nghệ thuật cứ dần thưa vắng. Sau những Áo lụa Hà Đông. Huyền thoại bất tử, Mùa len trâu… phải rất lâu sau mới có Cô Ba Sài Gòn hay Song Lang… những bộ phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật. 

Sự thỏa hiệp ngầm

Trong một thị trường với quy mô chưa lớn, áp lực thu hồi vốn cho nhà sản xuất cao, nhiều đạo diễn đã có cách lựa chọn giống nhau khi đáp ứng, thỏa mãn mọi nhu cầu từ phía nhà sản xuất, nhà đầu tư bỏ vốn làm phim. Không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Lưu Huỳnh - người từng được đánh giá cao qua Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử từng chia sẻ trên một diễn đàn rằng: "Nếu muốn lỗ vốn thì đi làm phim nghệ thuật, còn muốn doanh thu thì đi làm phim hài". Cùng chia sẻ quan điểm có phần phi nghệ thuật, NSƯT Vinh Sơn ngậm ngùi: “Nói các đạo diễn xuống tay về mặt nghề nghiệp thì cũng có chút chạnh lòng nhưng rõ ràng họ đã đạt được mục đích. Khi họ làm phim vì nghệ thuật họ đã có các phim có giá trị gắn với tên tuổi họ. Khi họ buộc phải rẽ hướng sang làm phim vì doanh thu cũng đã có phim đạt doanh thu cao. Với giới đầu tư, chẳng ai có thể vung tiền tỷ ra đùa chơi được khi phim ảnh là ngành sáng tạo tốn kém. Rõ ràng, tình thế đã buộc các nhà đầu tư, sản xuất và các đạo diễn phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận khán giả để có thể duy trì và tái sản xuất”.

Đã có thời, nhiều bộ phim chạy theo các mảng đề tài ăn khách hay ăn theo độ hot của các danh hài đặc biệt là các phim sản xuất nhằm ra mắt vào các đợt phim tết, phim chào mừng năm mới. Có giai đoạn, một diễn viên hài đắt show góp mặt trong hai đến ba bộ phim cùng ra mắt đợt phim tết như Hoài Linh, Trường Giang hay Trấn Thành. Sau những phim được đánh giá cao về nghệ thuật như Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ… Victor Vũ bắt tay vào làm Quả tim máu - chuyển thể từ vở diễn có đề tài kinh dị khá ăn khách trên sân khấu kịch Phú Nhuận. Sự dịch chuyển đề tài của những đạo diễn như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Lưu Huỳnh… được xem như sự chấp nhận, một sự thỏa hiệp để phim thu hút thêm khán giả, nhanh thu hồi vốn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất bỏ tiền vào làm phim.

Phim Cô Ba Sài Gòn

Nói về sự dịch chuyển của các đạo diễn từ làm phim nghệ thuật sang phim thị trường, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đánh giá: “Cũng khó trách khi các đạo diễn đi theo xu hướng làm phim giải trí khi mà phần lớn các bộ phim nghệ thuật được đầu tư lớn bị thua lỗ. Sự kém mặn mà của thị trường với dòng phim nghệ thuật khiến các nhà đầu tư chùn tay không dám đầu tư những dự án phim mà theo họ là khó thu hồi vốn. Đây không chỉ là vấn đề ở thị trường phim Việt mà các nền điện ảnh đều có hiện tượng này”.

Vậy đâu sẽ là giải pháp nâng cao vị thế cho các bộ phim nghệ thuật, phim lịch sử để tạo nên một dòng chảy mạnh mẽ, đa dạng, phong phú cho phim Việt? Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ: “Nếu muốn làm phim nghệ thuật, phim lịch sử thì nhà nước phải đặt hàng, tài trợ. Nhà nước phải có những chính sách, cơ chế để mở cho nghệ sĩ những cánh cửa trở về với sáng tạo nghệ thuật trọn vẹn. Có như thế mới mong có được những bộ phim hay, có giá trị đem thi thố trên trường quốc tế hay lưu giữ bản sắc văn hóa cho các thế hệ sau này”. 

Tuy vẫn còn nhiều các ý kiến khác nhau xung quanh làm phim nghệ thuật hay phim có doanh thu nhưng xem ra giải pháp nhà nước đầu tư cho phim nghệ thuật, phim có đề tài lịch sử vẫn là cách giải duy nhất trong thời điểm hiện tại. Và với các đạo diễn thì đôi khi cá tính, sự sáng tạo cũng phải thỏa hiệp với áp lực doanh thu, áp lực thu hồi vốn cho mỗi bộ phim. Sự đối lập đó cũng khiến nhiều đạo diễn phải xác định thỏa hiệp hay từ bỏ đối với từng bộ phim cụ thể hay đứng trước yêu cầu của các nhà sản xuất, các chủ đầu tư.

QUANG HẢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;